Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

MÁI CHÙA LÀNG TÔI



          Vũ Duy Chu
 
Ảnh minh họa lấy trên mạng
          Xóm Chùa tôi còn có tên khác là Trại Chùa, vì có ngôi chùa rất đẹp ở rìa làng, giáp với cánh đồng chiêm trũng thôn An Lạc, xã Yên Khánh và thôn An Lộc Thượng, xã Yên Hồng…
          Ngôi Chùa thâm u, tĩnh lặng, trầm mặc, cách xa hàng trăm mét đã thấy mùi hương trầm phảng phất. Đến cổng Chùa, bên tay phải là vạt ruộng chừng vài trăm mét vuông làng chia cho nhà chùa tự trồng lúa lấy nếp lấy tẻ cúng Phật...

          Trước khi vào Chùa phật tử rửa chân ở cái ao hình bán nguyệt, rồi men theo con đường nhỏ lát gạch vụn, dọc bức tường xây bao khuôn viên chùa vào sân…
          Hồi nhỏ, có một lần duy nhất tôi cùng một thằng bạn chăn trâu trèo qua tường vào vườn hái trộm qua lan, một thứ hoa thơm ngào ngạt. Hoa thơm từ lúc chưa mở cánh trên cây cho tới khi héo quắt trong túi áo tôi. Nghe mùi thơm là người ta biết mùi hoa lan của nhà Chùa, không nơi nào khác…
          Trụ trì chùa là bà sư Chính và một sư nữa là Chiên, người ở đâu tôi về không rõ.
          Tôn giáo là một thứ gì đó mông lung, bí hiểm và hoàn toàn mơ hồ với cái tuổi 14-15 hồn nhiên lấm láp lăn lóc như củ khoai, củ ráy của tôi.
          Đến khi học tới lớp 8 phổ thông, phải khai lý lịch vào đoàn thanh niên cộng sản, theo các bạn tôi ghi mục tôn giáo là: Đi lương.
          Không ai dạy cho tôi tại sao khi thắp nhang bàn thờ Phật và thờ gia tiên lại rì rầm khấn Nam mô A di Đà Phật.
          Không ai dạy tôi, không có sách vở nào dạy tôi một câu kinh, một bài cúng trong muôn vàn bài cúng Thần Phật, trời đất những dịp lễ Tết cổ truyền hay ngày rằm, ngày ma chay…
          Cho tới tận bây giờ thắp ba nén nhang trên bàn thờ gia tiên, tôi cũng chỉ biết cúng vái theo kiểu “hiện đại”, ngắn gọn: Nam Mô A di đà, hôm nay là ngày… con là… thắp nhang khấn vái… rồi xướng tên ông bà hay cha mẹ…
          Tất cả những hiểu biết về Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa hảo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo của tôi mỏng le mỏng lét, do tôi tự tìm hiểu mày mò.
          Tôi nhận ra rằng càng lớn tuổi thì nhu cầu tìm hiểu về tâm linh tự nhiên thôi thúc, gợi mở…và nhiều niềm tin siêu nhiên được đời thường soi rọi, phản chiếu, không cưỡng lại được, đó là luật Nhân Quả nhà Phật…
          Tôi đã từng ngồi hàng giờ trước quan tài người thân, nghe sư thầy hành lễ. Chúng tôi răm rắp dâng trà, dâng cơm, dâng rượu, vái hai vái, ba vái…, mà không biết được xuất sứ, ý nghĩa của việc dâng, của các bài kinh, lời nguyện và thư tự chi tiết của buổi hành lễ…
          Bây giờ khi trên đầu có 2 thứ tóc, theo bạn bè người thân hay tự mình vãn cảnh ở bất cứ ngôi chùa nào trên đát Việt hay nước ngoài tôi, đều nhớ tới ngôi chùa làng tôi…
          Những năm chiến tranh, nhiều ngôi chùa mái đình bị biến thành lớp học, sân chùa thành sân phơi.
          Lúc ấy đến chùa học tôi mới nhìn thấy các bức tượng Phật cao lớn, những vị La Hán với nhiều vẻ mặt hỉ nộ ái ố như đang nhìn mình chằm chằm, tôi bỗng hoảng sợ…
          Tôi sợ luôn tiếng mõ văng vẳng từ ngôi chùa lúc sương chiều tháng 3 giáp hạt, những ngày đói khát nhất trong năm. Sương chiều lạnh buốt nhức nhối. Tiếng mõ, tiếng chuông lạnh lẽo, và tẻ buồn thăm thẳm...
          Tôi sợ cả tiếng cuốc kêu. Tiếng cuốc kêu đêm sà sã, sà rã, khô rát cất lên từ những bụi cỏ rậm rạp, những bờ lúa cao thấp trên đồng.
          Tôi có cảm giác tiếng ếch trong các rạch nước ken kín bèo Tây, bèo tấm xung quanh chùa, tiếng cuốc kêu phát ra là từ một đấng siêu nhiên nào đó.
          Tuổi thơ của tôi đầy ma trơi, ma xó. Một tiếng kẽo kẹt giữa đêm từ các lùm tre um tùm rậm rạp đen như mực ngoằn ngoèo ngõ xóm cũng khiến tôi lạnh gáy…
          Năm 1975 hòa bình tôi giải ngũ về quê thì cả ngôi chùa và cả ngôi đình biến mất.
          Chính quyền đã cho người san phẳng tất cả. Ngày Chùa biến thành lớp học sư Chính hóa điên, có bữa sư trần trụi từ chùa đi ra, cười khanh khách, tay vung roi dâu, lang thang dọc đường làng… Rồi sư Chính mất hồi nào, mộ ở đâu không thấy người làng nhắc tới. Người con trai duy nhất của ông Tiến giữ đình làng thì hy sinh ở chiến trường miến Nam. Tất cả cột, rui mè, gỗ lạt, ban thờ, lọng võng, kiệu và hàng trăm, hàng ngàn vật dụng của chùa, của đình đã bị người dân tẩu tán, chiếm dụng…
          Năm 2000 tôi về làng thì người ta đang kêu gọi phật tử và những người làng đi xa làm ăn khá giả đóng góp tùy theo khả năng để xây dựng lại ngôi chùa. Nhiều vật dụng xưa kia được của chùa được người ta mang trả lại…
          Tháng 3.2016 bà cô tôi mất, tôi về quê rồi tới thăm ngôi chùa mới xây trên nền cũ.
          Vẻ uy nghi trầm mặc của ngôi chùa xưa không còn nữa. Gió thông thốc, mưa phùn lay phay. Một nhóm khách đang ngồi uống trà hút thuốc dưới hiên nhà khách chùa thấy tôi giơ máy ảnh lên thì hỏi:
          - Bác từ đâu đến thế?
          Tôi đã từng coi Chủ nghĩa duy vật biện chứng của các ông Mác Lê Nin là nền tảng tư duy vĩ đại nhất để làm kim chỉ nam cho đời mình, làm cơ sở giải thích hóa giải mọi bí ẩn tôn giáo, mọi biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm lệch lạc, mê tín dị đoan…
          Nhưng bây giờ tôi thấy rất nhiều vị lãnh đạo quyền cao chức trọng tới chùa khấn vái cầu xin xì xụp.
          Đền Trần quê tôi hương khói cuồn cuộn bốc lên ngạt thở, và cả rừng người chen chúc đạp lên đầu lên cổ nhau cướp ấn.
          Bây giờ tôi vẫn thấy bạn tôi, các Nhà văn, Nhà thơ, đảng viên, tuyên huấn, tuyên giáo kì cựu kì cựu, kinh qua các lớp trung cấp, cao cấp chính trị Mác Lê, thỉnh thoảng lại post lên facebook những bài học về Phật giáo, những lời răn dạy của nhà Phật.
          Tôi chợt nhớ mẹ tôi.
          Tôi không thấy mẹ tôi đi chùa bao giờ.
          Nhưng mẹ bảo tôi: Ăn ở cho phải đạo, trời Phật có mắt cả đấy, con ạ…
  
                                                Sài Gòn, Mùa Vu Lan.
13.8.2016
    VDC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét