Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

“Đưa con vào đại học” - Bài thơ giản dị mà cảm động



ĐƯA CON VÀO ĐẠI HỌC
 
Tác giả Nguyễn Mộng Nhưng
Bố chở con đi thi
Tắc nghẽn đường Cầu Giấy
Người - ô tô, xe máy
Mình - xe đạp nhà quê.

Bất chợt cơn mưa sáng
Con trong đó yên rồi
Con ngồi thi với bạn
Bố đứng thi với trời.


Có bao nhiêu ông bố
Nhợt nhạt dưới mưa rơi
Vì đời còn nghèo khổ
Con ơi gắng bằng người.

Bao lần qua Thanh Xuân
Nhìn giảng đường ngây ngất
Đại học tổng hợp văn
Bố vẫn thầm ao ước.

Sáng nay con nhập học
Bố lại đưa con đi
Vẫn chiếc xe hôm trước
Bố thấy mình không quê.

1998
Nguyễn Mộng Nhưng


          LỜI BÌNH CỦA THANH THẢN:

Một phụ huynh đưa con vào đại học. Người bố ấy là một nông dân chân quê, mộc mạc và nghèo. Thành phố, nhất lại là Thủ đô thì lại còn rất xa lạ đối với ông.
          Bài thơ có hai cảnh chính. Khi đưa con lên nhập học, ông không sao quên được cảnh ngày đưa con đi thi. Nghĩ lại, ông còn thấy rùng mình:
          Bố chở con đi thi
          Tắc nghẽn đường Cầu Giấy
          Người - ô tô, xe máy
          Mình - xe đạp nhà quê.
          Đó là cảnh thực. Ai từng đưa con lên Hà Nội thì chắc chắn đã được "nếm mùi" gian nan ấy! Và không phải chỉ đường Cầu Giấy mà còn nhiều ngã ba, ngã tư khác cũng thường tắc nghẽn như vậy (khắp nơi dồn về mà). Sĩ tử và cả bố mẹ sĩ tử phải gánh bao nỗi lo. Nào là tiền ăn học, nào là chỗ trú ngụ, nào là tìm "lò luyện thi"… 
          Rồi cái không đáng lo mà thành ra nỗi lo đầu tiên vì nó quyết định trực tiếp đến việc thi cử. Đấy là nỗi tắc đường. Có khi bị tắc đường đến chậm giờ, thế là không được vào thi, thế là công lao học tập, luyện thi thành ra công cốc… Bởi thế có rất nhiều phụ huynh đã phải đánh thức con dậy từ hai, ba giờ sáng. Đến ngồi bó gối ngủ gật trước cổng trường còn yên tâm hơn là bị đến muộn lỡ thi…
          Đã gian nan vậy, trời lại giáng xuống thêm một nỗi gian nan nữa "Bất chợt cơn mưa sáng". Lại hai cảnh tức thì đối lập nghịch nhau càng làm tăng thêm nỗi gian truân cho người đưa con đi thi "Con ngồi thi với bạn/ Bố đứng thi với trời…". 
          Nhưng lòng người bố thì vẫn luôn luôn ở bên con, ở trong phòng thi. Ông thầm nhắc con "Vì đời còn nghèo khổ/ Con ơi gắng bằng người…". Thế là hai bố con, người ở ngoài trời dưới mưa, kẻ ở trong phòng cùng "thi", cùng "cố".  Chữ "thi", chữ "đứng" thật là ấn tượng.
Lại một điều thấy thật thương và thật yêu ở ông bố:
          Bao lần qua Thanh Xuân
          Nhìn giảng đường ngây ngất
          Đại học tổng hợp văn
          Bố vẫn thầm ao ước.
          Mộng của bố không được thì nay dồn cả hy vọng vào đời con. Ở đời nhiều cái khó khăn thế, nhiều mong ước có khi đến đời con mới thực hiện được…
          Cảnh một dừng ở đó. Cảnh hai lại đối lập với cảnh một. Con ông đã đỗ đại học. Hôm trước đưa con đi thi vất vả bao nhiêu, thì hôm nay đưa con lên trường nhập học vui bấy nhiêu. Bức tranh hai bố con dắt díu nhau đi thi bỗng bừng sáng. Ông vui. Giọng thơ vui. Người đọc cũng thật vui, mừng cho bố con ông:
          Sáng nay con nhập học
          Bố lại đưa con đi  
          Vẫn chiếc xe hôm trước
          Bố thấy mình không quê.
          Hai câu kết thật vui. Đến giờ thì ông thật hãnh diện ngẩng cao đầu nhìn đường phố, nhìn người qua lại như muốn khoe một niềm vui chiến thắng. Bài thơ gọn gàng, xinh xắn, càng xót xa ở phần đầu bao nhiêu thì càng vui ở đoạn kết bấy nhiêu. Nghệ thuật dùng phép đối và nhiều hình ảnh giản dị mà sinh động cùng giọng kể chân thực là một điều cốt lõi làm nên sự thành công của bài thơ - một bài thơ hay của mùa thi cử mà ai đọc cũng thấy lý thú, thấy có mình trong đó.
                                    
                                                Thanh Thản
(Bắc Giang)


1 nhận xét:

  1. học xong tổng hợp văn
    lại về quê cày cuốc
    muốn thoát quê không được
    trán bố càng thêm nhăn

    Trả lờiXóa