Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

KỂ CHUYỆN PHỐ NAM ĐỊNH (KÌ 1+2): PHỐ PAUL BERT



Đặng Sinh (Sưu tầm và biên soạn)
 

1- PHỐ PAUL BERT 

Tác giả Đặng Sinh
        Dưới thời Pháp thuộc và tạm chiếm (trước 1 – 7 – 1954)  phố Trần Hưng Đạo ngày nay được gọi là phố Paul Bert, tên một Toàn quyền Pháp ở Đông Dương. Sau giải phóng 1954, phố được đổi tên là phố Đinh Tiên Hoàng, rồi Trần Hưng Đạo.
        Phố Paul Bert bắt đầu từ bến Đò Quan (nay là cầu Nam Định bắc qua sông Đào) đến dốc Lò Trâu, tức là dốc ngã tư Trần Hưng Đạo – Trường Chinh ngày nay.

        Từ khi thành lập thành phố Nam Định, phố đã là trung tâm thương mại, văn hóa của Nam Định.
        Địa điểm lâu đời và nổi tiếng nhất của phố là chợ Rồng. Có tác giả cho rằng chợ được gọi là chợ Rồng vì xây dựng vào năm rồng (Bính thìn 1856) thời Tự Đức.
        Còn theo nhà văn Lê Hoài Nam, “chợ Rồng nằm trên địa thế long mạch, đầu rồng nghển cao về hướng bắc, đuôi quẫy xuống mạn sông Đào nên gọi là chợ Rồng”.
        Nam Định là trung tâm, là vựa thóc và sản phẩm nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng. Vì thế, chợ Rồng đông vui, sầm uất không thua kém gì chợ Đông Ba của Huế, chợ Bến Thành của Sài Gòn.
        Pháp xây dựng lại chợ rộng rãi, khang trang, thoáng mát vào thập kỷ ba mươi của thế kỷ trước.  Nhân dịp tuần du Bắc Hà, Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu có đến dự lễ khánh thành chợ. Để nịnh Bảo Đại, quan lại Nam Định tổ chức cuộc thi hoa hậu ngay trong chợ. Nam Phương hoàng hậu được bình chọn là Hoa hậu. Á hậu 1 là cô Quỳnh nhà ở ngõ Trí Tân phố Cửa Trường Nam Định.
        Vào thời gian ấy, khu đất ở vị trí ngân hàng Hàng Hải trước cửa chợ ngày nay còn là bãi đất trống. Học sinh và một số người dân được điều đến dự lễ đón tiếp Bảo Đại đứng ở khu vực này. Bảo Đại đội khăn xếp vàng, mặc hoàng bào thêu thùa tinh xảo, quần trắng, giày uy ních đen, cao lớn hơn hẳn quần thần. Chéo từ vai phải Bảo Đại xuống eo trái là một đai thêu. Khi đó, công tác tổ chức và bảo vệ an ninh chưa được chu đáo và quy củ như bây giờ, nên sau khi trao giải thưởng cuộc thi hoa hậu, quần chúng đổ xô vào chợ xem mặt vua Bảo Đại.




                   2 - NHÀ THỜ ĐỨC BÀ

          Quá trình xây dựng:
Nhà thờ Đức Bà
          Cha Nguyễn Đình Nghiêm lên chức linh mục năm 1865 và được cử về làm cha xứ đầu tiên của thành phố Nam Định vào năm 1866. Khi đó Nam Định có một nhà thờ ở phố Năng Tĩnh. Nhà thờ này được xây dựng vào thời kỳ cấm đạo nên rất nhỏ bé, chỉ cao hơn các nhà trong phố. Do đó linh mục Nghiêm dốc công sức, động viên giáo dân xây nhà thờ mới.
          Nếu bạn đi đến ngõ 27 Phan Đình Phùng hiện nay, bạn sẽ thấy một cái cổng đơn giản, cao khoảng 2,5 mét. Trên cột tường bên phải có một tấm biển nhỏ kích thước 25 cm x 20 cm đề “Lối vào nhà thờ năm 1865”. Đi qua cái cổng đó, theo một ngõ rộng 3 mét, dài 100 mét là tới ngôi nhà thờ thứ nhất bằng gỗ mà cha Nghiêm xây dựng theo kiểu Á đông trên nền nhà thờ xứ, mặt quay về phía đường Lê Hồng Phong hiện nay.
          Cha Nghiêm nhận thấy ngôi nhà thờ đó quá bé nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu làm lễ cho giáo dân Nam Định, nên ông lại dành công sức xây lại nhà thờ này. Năm 1895 ngôi nhà thờ đó được dỡ bỏ. Cha Nghiêm rồi cha Đông (Gendreau) coi sóc giáo phận Hà Nội về làm phép, đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ, 5 năm sau ngôi nhà thờ mới được hoàn thành.
          Nhà thờ mới dài 65 mét, rộng 18 mét, tháp vuông cao 28 mét, kiến trúc theo kiểu Âu châu. Do kinh phí có hạn nên ngôi nhà thờ này ít gờ chỉ, cột xây vuông vắn, không trang trí hoa lá. Bên trong nhà thờ chứa được khoảng 800 người. Mặt nhà thờ hướng ra phố Hàng Đàn, chứ không phải phố Paul Bert vì phía trước nhà thờ, giáp với đường Paul Bert là một sở cẩm, tức là một đồn cảnh sát. Đấy là ngôi nhà thờ bạn nhìn thấy hiện nay – nhà thờ lớn Nam Định, hay còn gọi là nhà thờ Đức Bà (Nam Định).
          Cha già Nguyễn Đình Nghiêm quê ở làng Kim Lâm, xã Bối Khê, tổng Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội, dòng dõi Nguyễn quận công triều Lê, cháu 6 đời một người Nhật Bản. Ông qua đời năm 1907, hưởng thọ 78 tuổi, thánh hiệu Phero. Ông được dựng bia tưởng niệm và thi hài được an táng tại nhà thờ.
Tượng đài Đức Mẹ Phatima
          Năm 1932, cố A. Cao (Andre Vasquier) đã đề nghị công sứ Nam Định cho mua lại địa điểm của Sở Cẩm ở trước nhà thờ và được công sứ đồng ý. Thế là toàn bộ khu vực phía trước nhà thờ được mở thông ra phố Paul Bert thành một quảng trường rộng rãi, đẹp đẽ. Ở vị trí tượng đài Đức Mẹ Phatima hiện nay là một bồn hoa, hai bên là hai vườn hoa. Khu Sở Điện hiện nay ở trước nhà thờ chính là một vườn hoa đó. Quá trình xây dựng còn tiếp tục, ấy là việc xây dựng khu nhà thờ 4.212 mét vuông, khu nhà chung 936 mét vuông và khu trường Lê Bảo Tịnh 316,2 mét vuông.
          Nhìn nhà thờ uy nghiêm trên quảng trường rộng rãi, ai ai cũng mong mỏi có một tượng đài trên bồn hoa. Các quan chức tỉnh như ông tỉnh trưởng Nguyễn Duy Giá, phó tỉnh trưởng Phạm Quang Ngọc, trưởng ty kinh tế, trưởng ty thông tin... đều là người công giáo nên đều ủng hộ sáng kiến này.
          Mọi người thống nhất là đặt tượng Đức Mẹ. Trong điều kiện chiến tranh còn kéo dài liên miên, người công giáo mong muốn hòa bình, ngước mắt khẩn cầu Đức Mẹ Phatima, nữ vương hòa bình. Năm 1951, cha chính xứ đặt đúc tượng ở thành phố Tourcoing Pháp, tại nơi đã đúc tượng Đức Mẹ Lộ Đức hiện đang dựng tại nhà thờ. Nhà xứ gửi mẫu cho nhà đúc tượng. Năm 1952 nhà hàng gửi ảnh của tượng đã đúc xong, xem có sửa đổi gì không. Nhà xứ xin họ sửa lại nét mặt thêm tươi.
Sở Điện Nam Định
          Trong khi đó, đài đặt tượng bắt đầu được xây dựng. Toàn thể bệ tượng được đặt trên bồn hoa cũ, hình bầu dục dài 27,5 mét, rộng 12,2 mét. Tổng diện tích toàn bộ là 331 mét vuông. Chiều dài trong dậu là 21 mét, chiều rộng 6,6 mét. Diện tích trong dậu là 138 mét vuông. Tượng Đức Mẹ được làm cao 2,15 mét. Toàn bộ bệ tượng cao 2,85 mét.
          Hai bên trước đài là hai cây xanh xén thành hình hai cây nến. Chung quanh là một loạt cây cảnh, được bao bọc bởi một dậu sắt.
          Ngày 18 – 1 – 1953 làm phép tượng đài.
          Toàn quốc có nhiều nhà thờ có tượng đài. Nhưng tượng Đức Mẹ Phatima ở Nam Định là đẹp nhất và gần gũi với giáo dân hơn cả vì Đức Mẹ hơi mỉm cười. Như thế là trong quá trình xây dựng từ năm 1895 đến 18-1-1953, nhà thờ mới có quang cảnh như hiện.

          (Còn tiếp)

Đặng Sinh
Phố Hoàng Văn Thụ, tp. Nam Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét