HỌ LÀ NHỮNG
NGƯỜI LÍNH QUẢNG TRỊ: Ghi chép thời chiến / Nguyễn Văn Hợi. – H.: Quân đội nhân
dân, 2016. – 123 tr. : Nhiều ảnh minh họa ; 19 cm.
Tác giả
Nguyễn Văn Hợi là cựu chiến binh một thời chiến đấu oanh liệt trong đội hình
tiểu đoàn độc lập K3 Tam Đảo nổi tiếng trong chiến dịch Khe Sanh 1968 và bảo vệ
thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm máu lửa năm 1972. Ngày ấy anh là trợ lý quân lực
tiểu đoàn nên có điều kiện nắm vững tình hình quân số, trang bị vũ khí, những
trận đánh và sự kiện của đơn vị...
Nhà xuất
bản Quân đội nhân dân đã ấn hành cuốn Nhật ký Nguyễn Văn Hợi hiện lưu tại Bảo
tàng Quân đội cùng với Nhật ký Đăng Thùy Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc.
Lần này Nhà
xuất bản Quân đội nhân dân lại cho ra mắt cuốn sách ghi chép tư liệu thời chống
Mỹ cứu nước của anh. Anh đề là ghi chép tư liệu, nhưng thực sự nội dung gắn kết
các sự kiện trong sách chính là một cuốn hồi ký chân thực giàu chất văn của người
thương binh, chiến sĩ trực tiếp bảo vệ thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm máu lửa
năm 1982 Nguyễn Văn Hợi.
Cuốn sách
tái hiện những gương mặt chiến sĩ, phần lớn quê ở Vĩnh Phú nhập ngũ và trải qua
quá trình chiến đấu hy sinh anh dũng trong chiến dịch Khe Sanh và 81 ngày đêm
bảo vệ thành cổ Quảng Trị một cách hết sức chân thực, chính xác và sinh động. Qua
ghi chép của anh, chân dung từng đồng đội như hiện lên trước mắt người đọc bằng
xương bằng thịt... Sách cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu lịch sử cụ thể về đơn vị K3 Tam Đảo trong những năm tháng chiến đấu ở Quảng Trị 1968 - 1972.
Hiện gia
đình anh sống cuối đường Trường Chinh, đầu đường Thái Bình thành phố Nam
Định, cách nhà tôi nửa cây số. Tôi đến thăm anh, cùng ôn lại những ngày tháng
hào hùng máu lửa 1972 ở mặt trận Quảng Trị và tưởng nhớ những đồng đội đã hy
sinh nằm lại chiến trường. Tính anh thẳng như ruột ngựa, đúng chất lính chiến
trường. Anh là một trong số đếm trên đầu ngón tay những người còn sống sót
trong 81 ngày đêm trực tiếp bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Anh thuộc làu những tên
đơn vị trực tiếp bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm huyền thoại ấy. Có
một vị tướng một lần ba hoa nói mình chỉ huy chiến đấu bảo vệ thành cổ, không
ngờ trong số người nghe có anh, bị anh bóc mẽ rằng đơn vị của vị tướng thời đó
không hề được giao nhiệm vụ bảo vệ thành cổ, và thời đó vị tướng cũng chỉ là
một anh hạ sĩ tiểu đội trưởng mà thôi... Lần đầu đến thăm anh, họa sĩ Đặng Nam giới thiệu
tôi: “Anh Giống cũng là chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị đấy”. Anh hỏi tôi:
“Anh ở đơn vị nào?” Tôi nói: “Trung đoàn 101 sư đoàn 325”. Anh choảng liền: “Trung
đoàn 101 có vào thành đâu. Sư 325 chỉ có Trung đoàn 195 là trực tiếp chiến đấu
trong thành. Quân sinh viên vô cùng dũng cảm. Tôi rất phục”. Tôi cười đồng tình
với anh: “Anh nói đúng. Tôi cũng là sinh viên, nhưng chiến đấu ở vòng cung
Thạch Hãn, đánh Chi Bưu, Ái Tử và giữ chốt An Tiêm... chi viện các anh bảo vệ
thành. Sau đó thì tham gia trận bảo vệ Cửa Việt...”.
Đã hơn bốn
chục năm nay anh vẫn đau đáu với những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội, thăm
người sống, động viên các gia đình liệt sĩ của đơn vị K3 Tam Đảo. Anh hay nhắc
lại một cách tự hào lời của chính trị viên tiểu đoàn K3: “K3 Tam Đảo còn thì
thành cổ Quảng Trị còn”. Anh thông báo cho chúng tôi rằng cuốn “Họ là những
người lính Quảng Trị” của anh đang được Xưởng phim Quân đội chuyển thể kịch bản
dựng phim tài liệu tái hiện một thời Quảng Trị của đơn vị anh.
Đọc ghi
chép của anh về đồng đội anh, tôi vô cùng xúc động. Những người lính từng chiến
đấu ở Quảng Trị thời chống Mỹ đọc tác phẩm sẽ thấy hình ảnh của mình trong đó.
Thế hệ trẻ càng nên đọc để biết cha anh đã sống và chiến đấu như thế nào... Ghi
chép của Nguyễn Văn Hợi nhắc chúng ta đừng quên lãng những người lính đã đổ máu
xương và những liệt sĩ anh hùng...
Cảm ơn đồng
đội Nguyễn Văn Hợi tặng sách và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét