Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

LUẬT THƠ ĐƯỜNG

Trần Mỹ Giống sưu tầm và biên soạn
Trần Mỹ Giống

          Thơ Đường luật (cách luật) là thể thơ do thời thịnh Đường bổ sung luật lệ vào thơ Cổ phong thành thể thơ hoàn chỉnh về Niêm, Luật, Đối, Vần...
          Thơ Đường luật có cấu trúc về:
          - Ngôn: có thơ Ngũ ngôn, Thất ngôn, Tứ ngôn, Lục ngôn... (Trong đó dùng phổ biến là thơ bảy từ, ít dùng nhất là thơ sáu từ).
          - Cú: có thơ Tứ tuyệt (tuyệt cú), Bát cú, Tứ tuyệt trường thiên (thơ có từng đoạn bốn câu một nối tiếp nhau). Trong bài này sẽ đi sâu làm rõ về Thất ngôn Bát cú.
          Trường thiên (hành) từ 10 câu đến hàng trăm câu. Trong thực tế thường thơ 12, 16, 20 câu là theo luật Đường, còn phần lớn là Cổ phong (thơ tự do).


          BỐ CỤC BÀI BÁT CÚ

          Bài thơ theo thể Đường luật bát cú gồm 4 phần:
          1- Đề: Câu 1: Phá đề (Mở khái quát về đề).
                    Câu 2: Thừa đề (Phát triển ý của đề).
          2- Thực: Câu 3 và câu 4: Mô tả chứng minh đề.
          3- Luận: Câu 5 và câu 6: Bình luận đánh giá đề.
          4- Kết: Câu 7 và câu 8: Phải gắn với hai câu đầu.
          Một bài thơ Đường luật Bát cú phải đảm bảo:
          - Ghép các câu 1, 2, 7, 8 thành bài Tứ tuyệt hoàn chỉnh, nếu ý mà chuệch choạc là không đạt.
          - Ghép các câu 1, 2, 3, 4 thành bài Tứ tuyệt hoàn chỉnh (câu 3 và 4 đối nhau).
          - Ghép các câu 5, 6, 7, 8 thành bài Tứ tuyệt trốn vần.
          - Ghép các câu 3, 4, 5, 6 thành bài Tứ tuyệt trốn vần.

          CÁCH GIEO VẦN:

          + Về chữ Hán chia ra hai loại:
          - Bộ chữ loại bình (bằng) gồm 15 bộ đoản bình và 15 bộ trường bình.
          - Bộ chữ loại trắc gồm 20 bộ thượng, 30 bộ khứ, 17 bộ nhập...
          Mỗi bộ thống kê rất nhiều vần. Khi gieo vần phải căn cứ vào các vần trong từng bộ, không được lấn sang các bộ khác.
          + Theo âm Việt Nam chia ra (Bài này chỉ nói về cách gieo vần tiếng Việt):
          - Thanh bằng: có 2 thanh (ngang và huyền).
          - Thanh trắc: có 4 thanh (sắc, hỏi, ngã, nặng).
          + Vần chính (vần chủ yếu) là vần gieo ở cuối câu 1. Thường vần chính được chọn chủ yếu là vần bằng, còn vần trắc rất ít dùng.
          - Vần thông: là vần đọc lên nghe na ná với vần chính.
          - Vần ép (lân vận): là vần gần giống với vần chính.
          - Lạc vận: là vần khác hoàn toàn với vần chính.
          + Vị trí vần:
          Đối với Tứ tuyệt vần chỉ đặt ở các từ cuối câu 1, 2, 4.
          Đối với Bát cú vần đặt ở các từ cuối câu 1, 2, 4, 6, 8.
          + Cách gieo vần:
          - Hạn vận: Gieo vần đúng đề bài cho trước.
          - Độc vận: Toàn bài chỉ có một vần giống hệt nhau.
          - Phóng vận: Theo đề bài muốn gieo vần gì tùy ý.
          - Chiết vận: Trốn một vần ở câu 1 (Tức là từ cuối câu 1 có thể bằng trắc tùy ý).

          THỂ THƠ:

          Lấy từ thứ 2 câu 1 làm căn cứ ta có:
          - Thể bằng: Từ thứ 2 câu 1 là vần bằng.
          - Thể trắc: Từ thứ 2 câu 1 là vần trắc.
          Theo Đường luật: Thể trắc là chính thể, thể bằng là biến thể.
          Việt Nam thì coi thể bằng, thể trắc như nhau.

          NIÊM, LUẬT BẰNG TRẮC:

          + Luật bằng trắc:
          Luật bằng trắc tính theo hệ thống ngang của câu thơ căn cứ vào quy định. Nếu khác với quy định mà không phải là ngoại lệ thì là thất luật.
          - Nhị, tứ, lục phân minh (Các từ thứ 2, 4, 6 trong câu phải theo đúng luật).
          - Nhất, tam, ngũ bất luận (Các từ thứ 1, 3, 5 trong câu tùy ý bằng hay trắc đều được).
          + Niêm:
          Âm luật phải gắn dính với nhau theo hệ thống dọc của các câu thơ.
          - Đối với Bát cú: Các từ 2, 4, 6 của các câu thơ phải cùng vần (bằng hoặc trắc) theo từng cặp câu:
          1 với 8
          2 với 3
          4 với 5
          6 với 7
          - Đối với Tứ tuyệt: Các từ 2, 4 của các câu thơ phải cùng vần (bằng hoặc trắc) theo từng cặp:
          1 với 4
          2 với 3
          ĐỐI:
          + Yêu cầu đối trong thất ngôn bát cú:
          - Câu 3 và 4 đối nhau.
          - Câu 5 và 6 đối nhau.
          - Câu 1 và 2 đối nhau nếu trốn vần.
          + Đối thanh: Bằng đối với trắc.
+ Đối từ loại: Yêu cầu các từ đối nhau phải cùng từ loại như:
- Động từ đối với động từ.
- Danh từ đối với danh từ.
- Tính từ đối với tính từ.
- Hư từ đối với hư từ.
- Số từ đối với số từ.
- Từ Nôm đối với từ Nôm.
- Từ Hán Việt đối với từ Hán Việt.
- Tên riêng đối với tên riêng.
v.v...
          + Đối ý: Hai vế đối phải đảm bảo đối nhau về ý.
          - Tối kỵ 2 vế đối điệp ý (trùng ý) còn gọi là “bổ nửa”, hai vế cùng nói một ý là không đạt yêu cầu đối.
          - Yêu cầu tốt nhất là đối cả thanh và ý. Nếu phải chọn một trong hai yêu cầu này thì ưu tiên chọn đối ý. Trường hợp này ý đối nhưng thanh không đối thì gọi là đối lệch.

          MÔ HÌNH THẤT NGÔN BÁT CÚ

Ký hiệu:  B là thanh Bằng, T là thanh Trắc

          Thể bằng:
Câu 1:          B      B     T     T     T     B     B   (vần)
Câu 2:          T      T     B     B     T     T     B   (vần)
Câu 3:          T      T     B     B     B     T     T
Câu 4:          B      B     T     T     T     B     B   (vần)
Câu 5:          B      B     T     T     B     B     T
Câu 6:          T      T     B     B     T     T     B   (vần)
Câu 7:          T      T     B     B     B     T     T
Câu 8:          B      B     T     T     T     B     B   (vần)

          Thể trắc:
Câu 1:          T     T     B     B     T     T     B     (vần)
Câu 2:          B     B     T     T     T     B     B     (vần)
Câu 3:          B     B     T     T     B     B     T
Câu 4:          T     T     B     B     T     T     B     (vần)
Câu 5:          T     T     B     B     B     T     T
Câu 6:          B     B     T     T     T     B     B     (vần)
Câu 7:          B     B     T     T     B     B     T
Câu 8:          T     T     B     B     T     T     B     (vần)

          MÔ HÌNH NGŨ NGÔN BÁT CÚ

          Thể bằng:
Câu 1:          B       B       T       T       B       (vần)
Câu 2:          T       T       T       B       B       (vần)
Câu 3:          T       T       B       B       T
Câu 4:          B       B       T       T       B       (vần)
Câu 5:          B       B       B       T       T
Câu 6:          T       T       T       B       B       (vần)
Câu 7:          T       T       B       B       T
Câu 8:          B       B       T       T       B       (vần)

          Thể trắc:
Câu 1:          T       T       T       B       B       (vần)
Câu 2:          B       B       T       T       B       (vần)
Câu 3:          B       B       B       T       T
Câu 4:          T       T       T       B       B       (vần)
Câu 5:          T       T       B       B       T
Câu 6:          B       B       T       T       B       (vần)
Câu 7:          B       B       B       T       T
Câu 8:          T       T       T       B       B       (vần)

          NHẬN XÉT:

          - Khi ta bỏ từ 1 và 2 của tất cả các câu mô hình thất ngôn thể trắc thì các từ còn lại (3,4,5,6,7) của tất cả các câu chính là mô hình ngũ ngôn thể bằng.
          - Khi ta bỏ từ 1 và 2 của tất cả các câu mô hình thất ngôn thể bằng thì các từ còn lại (3,4,5,6,7) của tất cả các câu chính là mô hình ngũ ngôn thể trắc.

          NGOẠI LỆ:

          Ngoại lệ tức là không nhất thiết phải đúng với mô hình đã nêu ở phần trên, bất luận bằng trắc đều được. Cụ thể các từ sau bất luận:
          - Thơ ngũ ngôn: từ 1 và 3.
          - Thơ thất ngôn: từ 1, 3 và 5.
          Khi sử dụng ngoại lệ bất luận cần bố trí các thanh trong câu cho cân số thanh bằng và thanh trắc theo chính luật.
          Không nên để ba từ 1, 2 và 3 đều là thanh trắc vì dễ thành “khổ độc” (khó đọc), khi đọc rất trúc trắc, mất âm điệu. Ví dụ:
          Thị cũng vểnh tai ngóng gió đông

          NHỊP ĐIỆU:

          + Thơ ngũ ngôn:
          - Nhịp điệu chủ yếu trong câu ngũ ngôn phổ biến là nhịp 2 / 3.
          - Các loại nhịp ngắt 3 / 2, 1 / 4, 4 / 1 thường ít dùng.
          + Thơ thất ngôn:
          - Nhịp chủ yếu là 4 / 3.
          - Các loại nhịp ngắt 2 / 5, 3 / 4... nên hạn chế dùng hoặc dùng xen kẽ.

          KHUYẾT TẬT – NHỮNG ĐIỀU “KỴ” (nên tránh):

          - Dùng nhiều hư từ.
          - Điệp từ: không nhắc lại 1 từ nhiều lần (Trừ trường hợp cần hoặc cố ý dùng điệp từ để nói rõ ý).
          - Điệp ý.
          - Điệp vận (Trừ trường hợp dùng theo yêu cầu độc vận).
          - Phong yêu: là điệp âm ở 2 từ trong một câu. Không được điệp âm từ số 2 với từ số 6, từ số 4 với từ số 7. Ví dụ:
          Thương tình quan khách mất tinh thần
          Đêm mộng hồn hoa lại hợp hòa
          - Hạc tất (gối hạc): tức là câu thơ bị ngắt làm 3 đoạn. Ví dụ:
          Đến mùa hạ / phượng đỏ / trời xanh.
          - Bình đầu: là 4 từ đầu của 2 câu thực (3, 4) giống 4 từ đầu của 2 câu luận (5, 6) về mặt ngữ pháp (cùng từ loại: danh từ, trạng từ...). Ví dụ:
          Hun hút hang sâu sương phủ trắng
          Mấp mô vách núi gió lùa bay
          Rộn ràng Phật tử lòng sùng bái
          Tấp nập tăng ni dạ đắm say
          - Tịnh cước (Chân giống nhau): là 3 từ cuối của 2 câu thực giống 3 từ cuối của 2 câu luận về mặt ngữ pháp. Ví dụ:
          Kháng chiến trường kỳ giành độc lập
          Đấu tranh bền bỉ giữ hòa bình
          Nước non hưng thịnh ghi ân nghĩa
          Dân tộc vẻ vang nhớ đức tình
          - Mạ đề (Chửi đề): Yêu cầu từ câu 3 đến câu 8 đối với bát cú không được dùng đến từ nào của đề tài (tên bài thơ). Nếu dùng là mạ đề, phải tránh. Trừ trường hợp độc vận hoặc yêu cầu cả 8 câu đều phải dùng 1 từ trong đề tài.

          CHUẨN BỊ VIẾT MỘT BÀI THƠ ĐƯỜNG LUẬT

          Các bước thông thường chuẩn bị viết một bài thơ Đường luật:
          - Chọn đề tài.
          - Cấu tứ: Chọn nội dung cần nói.
          - Bố cục: Đề (Phá, Thừa) – Thực – Luận – Kết.
          - Chọn vần: Chú ý bố trí các vần thanh ngang với vần thanh huyền cho cân đối để câu thơ có nhạc. Khi đặt câu thực và câu luận phải ưu tiên cho vần (câu 4 và 6) trước, còn câu không vần (3 và 5) sau...

          HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

          1- Họa nguyên vận:
          - Yêu cầu bài họa phải dùng đúng các vần (từ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8) của bài xướng.
          - Về thể phải theo thể của bài xướng, trường hợp bí quá buộc phải dùng thể đối lập.
          - Về ý có thể đúng ý đề tài hoặc phản lại đề tài của bài xướng.
          - Không được sử dụng câu có vần giống câu của bài xướng.
          2- Họa bộ vận:
          Là họa lấy đúng vần của bài xướng nhưng lại nói về một đề tài khác mà không theo đúng ý của bài xướng.
          3- Họa nghịch vận:
          Là họa theo thứ tự vần ngược với bài xướng (lấy thứ tự vần từ cuối lên trên).
          4- Họa tục vận:
          Đã xướng họa một lần rồi, nay lại họa thêm bài khác nhưng vẫn cùng vần như bài trước.
          5- Họa loạn vận:
          Họa đủ 5 vần nhưng không theo đúng thứ tự vần của bài xướng.

          MỘT SỐ DẠNG ĐẶC BIỆT

          1- Thủ nhất thanh (đồng thanh): Từ đầu của cả 8 câu đều giống nhau.
2- Song điệp: Cả 8 câu đều có 2 điệp từ. Ví dụ:
Vất vất vơ vơ cũng nực cười
Căm căm cúi cúi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi...
          3- Song điệp độc vận: Cả 8 câu đều chứa 1 từ giống nhau và chỉ dùng 1 vần. Ví dụ:
          Xuân tự ngàn xưa, bạn với thơ
          Tình xuân là cả vạn lời thơ
          Đẹp duyên hoa bút xuân ngời sắc
          Rộn khúc xuân thiều nhạc ánh thơ...
          4- Dĩ đề vi thủ: Láy 8 từ đầu đề mở đầu cho 8 câu. Tức là đọc các từ đầu của 8 câu từ trên xuống chính là đề tài – tên bài thơ.
          5- Dĩ đề vi vận: Lấy đầu đề làm vần. Tức là mỗi từ của đầu đề là một vần trong bài thơ. Khi đọc các vần (từ cuối của các câu 1, 2, 4, 6, 8) từ trên xuống chính là tên đầu bài thơ.
          6- Toán thi: Câu nào cũng có từ chỉ con số.
          7- Liên hoàn: Là thể thơ mà một hay nhiều đoạn nối tiếp nhau có câu cuối của đoạn trên giống câu đầu của đoạn sau kế tiếp.
          8- Liên hoàn thuận nghịch vận: Là thể thơ cũng lấy câu cuối của bài trên làm câu đầu của bài dưới nhưng về vần thì thứ tự ngược với bài trên (Giống như họa ngược vận).
          9- Ô thước kiều: Là thể thơ liên hoàn nhưng lấy 2 từ cuối (hoặc nhắc lại 2, 3 từ bất kỳ) của câu cuối bài trên để mở đầu cho câu 1 bài dưới.
          10- Tập danh: Là thể thơ mà trong mỗi câu đều có danh từ gắn với đề tài.
          11- Liên ngâm (Hợp thái): Bài thơ do 2 hay nhiều người làm, lần lượt mỗi người làm 1, 2 câu...
          12- Tính danh: Câu nào cũng có từ chỉ tên người hoặc tên đất.
          13- Thủ vĩ ngâm: Là thể thơ thất ngôn bát cú mà câu đầu giống hoàn toàn câu cuối (Tức là câu 1 và câu 8 giống nhau).
          14- Triệt hạ: Tức là các câu đều bỏ lửng ở từ cuối làm cho câu chưa trọn nghĩa.
          15- Yết hậu: Các câu trên đủ từ, riêng câu cuối chỉ có 1 từ.
          16- Phá cách: Thất niêm có dụng ý.
          17- Sắc thái: Câu nào cũng có từ chỉ màu sắc.
          18- Láy: Là thể thơ mà ở mỗi câu, đầu câu hay giữa câu hoặc cuối câu đều có từ láy. Có 3 loại láy:
          - Láy từ: Từ trước được láy lại ở từ sau. Ví dụ: ngời ngời, xinh xinh, chăm chăm...
          - Láy âm: Bộ phận phụ âm đầu của từ trước được láy lại ở bộ phận phụ âm đầu của từ sau. Ví dụ: khó khăn, đỡ đần...
          - Láy vần: Vần của từ trước được láy lại ở vần của từ sau. Ví dụ: bồn chồn, cheo leo...
          Chú ý: Láy có thể láy đôi, láy ba, láy tư. Ví dụ: tà tà, sạch sành sanh, lúng ta lúng túng...
          19- Phú đắc: Cách giải thích và phát triển ý của một câu ca dao hay một câu thơ bằng một bài thơ Đường luật, nhưng nội dung phải phù hợp với một sự việc nào đó. Trước hết Phú đắc, rồi ghi lại câu ca dao hoặc câu thơ cần giải thích, sau đó đến bài thơ giải thích.
          20- Áp cú: Trong bài thơ, cứ từ cuối câu trước lấy làm từ đầu câu sau.
          21- Chơi chữ: Trong một bài thơ có dùng từ đứng riêng hoặc ghép lại để mô tả một ý gì thể hiện yêu cầu của đề tài hoặc có thể có nghĩa khác nữa.     Ví dụ:
          Rứt cái mề đay ném xuống sông
          Thôi thôi tôi cũng mét sì ông
          Âu đành chùa đó, âu đành Phật
          Cũng chẳng con chi, cũng chẳng chồng
          Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ
          Ai ngờ chữ sắc hóa ra không
          Tôi đây cũng muốn như cô nhỉ
          Cái nợ trần duyên gỡ chửa xong.
                                      (Trần Tế Xương)
          22- Ngôn thi: Thơ viết như nói chuyện.
          23- Kỵ đề: Trong cả 8 câu không có từ nào chỉ đề tài mà vẫn thể hiện đầy đủ yêu cầu của đề tài.
          24- Bát điệp: Cả 8 câu đều lồng vào 1, 2 từ giống nhau (Tương tự như Song điệp).
          25- Thơ toàn thực và không có hư từ.
          26- Thuận nghịch độc (Hồi vần): Đọc ngược cũng thành bài thơ. Muốn đạt yêu cầu này buộc phải làm bài thơ xuôi theo đúng luật, niêm (không được sử dụng Ngoại lệ “Nhất, tam, ngũ bất luận”). Cụ thể:
          MÔ HÌNH
Thê thơ bằng:  Yêu cầu các câu 3, 4, 7 thì từ 1 và 3 phải đổi chỗ cho nhau.
            Đọc xuôi ----->
Câu 1: (vần)     B    B    T    T    T    B    B    (vần) 8
Câu 2:              T     T    B    B   T    T    B    (vần) 7
Câu 3: (vần)     B    T    T    B    B    T   T              6
Câu 4:              T     B    B    T   T    B    B    (vần) 5
Câu 5: (vần)     B    B     T    T   B    B   T              4
Câu 6:              T    T     B    B   T    T    B    (vần) 3
Câu 7: (vần)    B     T    T     B   B    T   T              2
Câu 8: (vần)     B    B    T     T   T    B   B     (vần) 1
                                                                         <-------- Đọc ngược -  Câu
Thê thơ trắc:  Yêu cầu các câu 1, 2, 5, 6, 8  thì từ 1 và 3 phải đổi chỗ cho nhau.
             Đọc xuôi ----->
Câu 1: (vần)    B    T    T    B    T    T    B    (vần) 8
Câu 2:             T    B    B    T    T    B    B    (vần)  7
Câu 3: (vần)    B    B    T    T    B    B    T              6
Câu 4:             T    T    B    B    T    T    B    (vần)  5
Câu 5: (vần)    B    T    T    B    B    T    T              4
Câu 6:             T    B    B    T    T    B    B     (vần) 3
Câu 7: (vần)    B    B    T    T    B    B    T              2
Câu 8: (vần)    B    T    T    B    T    T    B   (vần) 1  
             <-------- Đọc ngược -  Câu
          Ví dụ:
          ĐỀN NGỌC SƠN
Linh uy tiếng nổi thực là đây
Nước chắn hoa rào một khóa mây
Xanh biếc nước soi hồ lộn bóng
Tím bầm rêu mọc đá tròn xoay
Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng
Khách vắng khi đưa xạ ngát bay
Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng
Rành rành nọ bút với nghiên này.
                           CẢNH XUÂN
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.


      TMG

* Bài dài nên chúng tôi chỉ minh họa những phần cần thiết, còn những điều dễ hiểu thì chỉ nêu đề mục.    



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét