Tác giả Nguyễn Đình Thuận |
BLOGTRANMYGIONG:
Ông
Nguyễn Đình Thuận (1931-2011) tức Trần Anh Tuấn, ở tại số 140 xóm Đường 10, xã
Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty Dầu khí
I, Hội viên CLB Văn hóa Nam Định. Đã có nhiều thơ văn in báo và tuyển tập như
báo Quân khu Ba, báo Người lính đồng bằng, báo Lao Động, Tạp chí văn nghệ quân
đội, Tuyển thơ Hội văn nghệ Việt Bắc (1968), Tuyển thơ CLB Trần Lâm Thái Bình,
Tuyển thơ quê hương Mỹ Tân... Được phu nhân ông Nguyễn Đình Thuận là bà Nguyễn
Thị Nụ đồng ý, chúng tôi trích một đoạn Hồi ký Nguyễn Đình Thuận giới thiệu
cùng bạn đọc.
BẢY MƯƠI XUÂN BAO
DẤU ẤN
... Một sự kiện khiến tôi vô cùng uất ức là vào năm 1943 –
1044, bọn giặc Pháp và quan lại đến nhà tôi thu hết thóc mặc dù nhà tôi đã dấu
thóc dưới đống rạ. Chúng cướp thóc, còn bắt cha tôi giam cầm phạt vạ. Ở ngoài
đồng, ngô đỗ đang xanh mơn mởn, chúng bắt chặt phá để trồng đay cho Nhật. Không
chịu nổi, cha tôi chửi chúng. Chúng bắt cha tôi và một số người khác đánh đập
tàn nhẫn, máu chảy đầm đìa. Sau đó, cha tôi lầm bệnh rồi chết. Lúc ấy, tôi vô
cùng căm phẫn, định mang đá gạch đập vào mặt tên Nhật, nhưng mọi người cản lại
và nói:
- Mày bé, đến đó, nó cho một nhát kiếm toi mạng.
Những hành động đàn áp bóc lột dã man của giặc đã làm hơn
hai triệu người chết đói năm 1945.
Thế rồi cuộc đổi đời đã đến. Tuy còn bé, tôi đã được nghe
tiếng VIệt Minh, nhưng Việt Minh là ai? Lại được biết con bà cô là Phan Trần
Bảo trốn học đi theo Việt Minh, tiếp đó được cụ Tú Đàn nói:
- Đồng minh đánh thắng phát xít Đức - Ý - Nhật. Việt Minh ở Cao Bằng, Lạng Sơn chiêu
tập quân để đánh Nhật, Pháp”.
Tôi vui mừng lắm, nhưng biết Việt Minh ở đâu mà theo họ.
Vào một buổi sáng, hai anh em tôi xuống đường cái quan (đường 10 ngày nay),
nghe mọi người xì xào Việt Minh sắp về đây, dân ta nổi dậy đánh Nhật, Pháp. Hai
anh em về nhà mang dao, gậy chạy ra theo bà con kéo vào thành phố Nam
Định, đến nhà riêng tên Nhật (ở phố Hàng Tiện) để giết hắn. Nhưng tới nơi thì
hắn đã trốn mất, mọi người kéo nhau về, đến ngày hôm sau kéo nhau vào huyện Mỹ
Lộc cướp chính quyền.
Niềm vui khôn tả đến với toàn dân tộc, với quê hương và
tôi. Tôi tham gia chỉ huy Đội Thiếu niên Tiền phong, ngày lao động, tối học hát
bài Du kích quân, bài “Thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng” và bài
“Tiến quân ca” (tức là Quốc ca ngày nay). Rồi tổ chức luyện tập quân sự và diễn
kịch... Tôi cùng mọi người tham gia mít tinh mừng độc lập dân tộc, nghe Bác Hồ
đọc Tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình lịch sử. Vào cuối tháng 10 – 1945, tôi được
dự cuộc họp bầu Ban chấp hành Thanh niên Cứu quốc do huyện bộ Việt Minh Mỹ Lộc
tổ chức, đồng chí Minh và đồng chí Lợi chủ trì.
Niềm vui chẳng được bao lâu thì bọn Tàu Tưởng dưới danh
nghĩa vào tước vũ khí Nhật ở miền Bắc, còn bọn Pháp núp dưới chiêu bài quân Anh
gây hấn xâm chiếm Nam Bộ. Tôi cùng đội Thiếu niên tiền phong và các anh chị
thanh niên, phụ nữ, đội tự vệ cứu quốcđược trang bị gươm dáo gậy gộc tham gia
diễu hành. Biển người từ thành phố Nam Định kéo lên đền thờ các vua
Trần để biểu dương lực lượng ủng hộ đồng bào Nam Bộ đánh Pháp.
Hưởng ứng lệnh toàn quốc kháng chiến, 12 giờ đêm ngày
19-12-1946 quân và dân Nam
Định đã nổ loạt đạn đầu bắn vào trại Ca Rô và các vị trí khác của Pháp. Thế là
suốt 78 ngày đêm chiến đấu kiên cường bao vậy địch. Ngày 6-3-1947 địch phải huy
động 1.500 quân cùng 120 xe cơ giới từ Hà Nội và các phía kéo về phong tỏa
thành Nam. Trong những năm ấy, tôi đảm nhận nhiệm vụ giao thông liên lạc cho bộ
đội võ trang tuyên truyền mặt trận. Sau khi Nam
Định trở thành vùng địch tạm chiếm, các cơ quan chuyển lên Hà Nam và sang
Thái Bình. Với tinh thần yêu nước nung nấu, tôi trở về vùng địch gây dựng cơ sở
hoạt động trong thành phố và tại quê hương như tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc
xây dựng du kích, hoạt động quân báo, địch vận. Để hoạt động hợp pháp, tôi vào
làm nhà máy in Chấn Hưng. Tên chủ là Ngô Ngọc Long thân Pháp. Tôi cùng bác Lới,
bác Hồi bí mật thu lượm tin tức của giặc để báo cho cán bộ cách mạng. Những bản
báo cáo viết bằng nước quả chanh rồi gấp vào thếp giấy trắng chuyển đi. Các cơ
sở trong thành đón nhận tin của ta ở những ống thanh củi do chị Nguyễn Thị Vân
giả danh đi bán củi, đưa đến các cơ sở. Lúc này đồng chí Nguyễn Thành Vụ và
đồng chí Quảng là cán bộ Ban điệp báo Nam Định tiếp nhận tài liệu (Hai đòng chí
này còn có biệt hiệu “Đội Ký Con” đã từng tung hoành diệt tề trừ gian, làm bọn
giặc kinh sợ). Còn chị Vân (tức Lê Thị Thịnh) luồn sâu vào cơ quan đầu não của
giặc thu lượm tin tức và tổ chức phong trào đấu tranh, gây cơ sở nội ứng, địch
vận làm địch bị tổn thất lớn...
NGUYỄN ĐÌNH THUẬN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét