Lê Văn Hy
Ngày nay, với phương tiện thông tin và in ấn hiện đại, việc phổ biến thơ thật
là dễ dàng và thuận tiện. Nhưng ngày xưa các truyện thơ thường là chỉ lưu lại
bằng cách chép tay. Những tập thơ được in trên bản khắc gỗ rất tốn kém và rất
ít người được sử dụng. Cũng không phải các cụ ta xưa ít làm thơ. Mỗi khoa thi
đều bắt buộc phải làm một bài thơ Đường luật. Vậy mà đến nay các tác phẩm thơ
được lưu truyền thật ít ỏi. Các nhà khoa bảng nổi tiếng, mỗi người cũng chỉ có
một vài tập thơ chữ Nho. Ở nước ta, chữ Nôm bắt đầu được sử dụng từ triều đại
Hồ Quý Ly (1400-1407), nhưng phải đến thế kỷ 18 chữ Nôm mới được dùng phổ biến
trong nước.
Cuối triều Lê Trung Hưng, một loạt các tác phẩm thơ Nôm ra đời như
Chinh phụ ngâm của bà Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều...
Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có thể nói là viết vào giai đoạn này (Nguyễn Du
sinh sinh năm 1765, mà sau khi sang sứ Trung Quốc mới có tài liệu để dịch để ra
Truyện Kiều được). Cũng thời gian này, hàng loạt các tác phẩm thơ Nôm khuyết
danh như Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phan Trần, Hoa Tiên, Trê Cóc và
nhiều truyện thơ Nôm khuyết danh khác. Song những tác phẩm thơ Nôm nói trên dần
dần đã đi vào quên lãng, trong khi hai tác phẩm nổi tiếng là Chinh phụ ngâm,
Kiều là ngày càng được lan tỏa.
Từ khi ra đời đến nay, khoảng trên dưới 200 năm, Truyện Kiều không hoàn toàn
được mọi tầng lớp người đời chỉ toàn là ca ngợi. Về nội dung, có người nói
Nguyễn Du thiên về thuyết thiên mệnh, Phật học.
Chi hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Rồi thì:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Trong dân gian cũng còn lưu câu nói:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều.
Riêng nhân vật Thúy Kiều, tài năng đến thế nhưng cách cư xử của nàng không phải
ai cũng ca ngợi mà không gợn chút chế bai. Bản thân nàng cũng đã nhiều lần phải
thốt lên những lời ăn năn hối hận:
Tin tôi nên quá nghe lời
Đem thân bách chiến làm tôi triều đình
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Xưa sao trướng gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
Chị từ lạc bước đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa
Giết chồng rồi lại lấy chồng
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời
(Mà theo quan niệm đạo đức của người xưa dù là làm việc gì cũng không bao giờ
phải hối hận).
Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn
ngữ bác học, nhưng sao còn sử dụng nhiều điển tích quá, làm cho người đọc nếu
không có chú thích thì không hiểu hết ý nghĩa câu thơ.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có tác phẩm thơ Nôm nào được nhiều người đọc như
Truyện Kiều, cũng chưa có tác phẩm thơ lục bát nào viết hay như Truyện Kiều.
Mê gì mê đánh tổ tôm
Mê ngựa hậu bổ mê Nôm Thúy Kiều
Sự trường tồn của Truyện Kiều đến nay đã trên dưới 200 năm, sẽ là 300 năm như
Nguyễn Du mong muốn:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Mà thiên tài Nguyễn Du, văn chương Nguyễn Du, Truyện Kiều Nguyễn Du sẽ còn lưu
truyền mãi mãi. Như nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh đã viết:
Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn
Tiếng ta còn thì nước ta còn
Tố Hữu cũng viết:
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thơ như tiếng mẹ ru thuở nào
Về nghệ thuật, có người nói đại ý: Ở Truyện Kiều không thể nói chọn ra những
câu thơ hay nhất, vì nếu vậy thì những câu thơ khác cảm thấy tủi thân. Có nghĩa
là trong 3254 câu thơ Kiều câu nào cũng xứng đáng là câu thơ hay nhất. Và, cũng
có nhà nghiên cứu nói rằng những câu thơ trong Kiều có thể tách hộ khẩu mà ra ở
riêng, toát ra khỏi nguyên bản để thích hợp với mọi hoàn cảnh. Thật vậy:
Trai gái yêu nhau cũng nói Kiều:
Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa cách lòng
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa soi gối chiếc nửa soi dặm trường
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Thể hiện sự nhún nhường của mình đối với người khác, người ta cũng vận dụng
Kiều:
Thưa rằng người dạy nhường sai
Thân này còn dám xem ai làm thường
Khuyên người ta không nên tự phụ:
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Truyện Kiều chủ yếu nói về thân phận, cuối đời Kiều từ khi “trướng gấm rủ là”
qua 15 năm lưu lạc đến tái hồi Kim Trọng, gắn với các nhân vật Thúy Vân, Thúc
Sinh, Từ Hải, Tú Bà, Mã Giám Sinh... trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, mọi
địa phương... Những nhân vật đó đều như một điển hình như: chết đứng Từ Hải,
ghen như Hoạn Thư, trai lơ như Mã Giám Sinh, bạc tình như Sở Khanh. Cho nên mới
có chuyện người ta bói Kiều, có thể là mở xem một trang, có thể là một hai câu
tính từ dưới lên, từ trên xuống theo cách “trai tay trái gái tay mặt”. Rồi
người ta lẩy Kiều, vịnh Kiều. Có khi nghiêm chỉnh, có khi hài hước:
Bắt lưng trần phải lưng trần
Cho may ô mới được phần may ô
(Nói về thời bao cấp cái gì cũng phải phân phối).
Hỏi tên rằng Phạm
Minh Đoan
Hỏi quê rằng huyện Đông Quan Thái Bình.
(Nhà thơ Phạm Minh Đoan quê ở Đông Quan – Thái Bình).
Theo một tài liệu nghiên cứu của Unesco thì Truyện Kiều hội tụ đủ các tiêu chí:
Khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa.
Thống kê cho biết đến nay Truyện Kiều đã được dịch ra 20 thứ tiếng với hơn 30
bản dịch khác nhau. Và khi Truyện Kiều đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới,
Nguyễn Du đã được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới thì những câu thơ
trong Kiều không chỉ được vận dụng nhuần nhuyễn trong giao tiếp ở Việt nam mà
đã được các chính khách trên thế giới minh họa trong các bài nói bài viết của
mình.
Tổng thống Mỹ Bin Clinton. khi đến Việt Nam đã thể hiện sự khép lại quá khứ
hướng tới tương lai bằng câu thơ trong Kiều:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ, người ta cũng nghe được câu giao
tiếp lấy từ Kiều của một chính khách Mỹ:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời
Và gần đây, Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam cũng đã nói hai câu thơ Kiều
trong giao tiếp của mình:
Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi
“Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành máy thịt hồn cốt của dân tộc
Việt Nam”
(Trích Văn nghệ số Tết Bính Thân) và còn được lan tỏa rộng hơn ra thế giới và có
sức trường tồn mãi mãi.
Lê Văn Hy
Thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc,
tỉnh Nam
Định
ĐT: 01244410749
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét