Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

KỂ CHUYỆN PHỐ NAM ĐỊNH (KÌ 3)



Đặng Sinh sưu tầm và biên soạn

        3- TRƯỜNG LÊ BẢO TỊNH


Quang cảnh Thánh lễ mở Năm Thánh - Nam Định 1995 - Trường Lê Bảo Tịnh nhà 2 tầng màu vàng

           Nam Định là nơi được truyền đạo đầu tiên và có các phong trào công giáo phát triển mạnh nhất toàn quốc. Đi đến đâu, các giá sĩ cũng xây dựng cơ sở hành lễ tức là các nhà thờ, các trường công giáo để đào tạo văn hóa và giáo lý cho lớp trẻ. Những năm từ 1930 đến 1945 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nhà xứ Nam Định. Cố A. Cao (Andre Vasquier), linh mục Pháp, chỉ làm cha chính xứ Nam Định có một năm – năm 1932 – đã để lại hai dấu ấn khó quên. Đó là việc mở rộng quảng trường trước nhà thờ Đức Bà đến phố Paul Bert và việc mở các trường công giáo. Trường đầu tiên được mở ra là trường E’Ange Gardieu (Các thiên thần Bản mệnh) sau đổi thành trường E’cole Servir (Trường Phụng sự). “Trường Phụng sự trung tâm” được đặt ở khu vực 16 Hàng Đàn, tiếp giáp với phố Hàng Đàn (Hai Bà Trưng). Tiếp theo, các trường Phụng sự Vườn Chay, Vạn Khoảnh, Văn Miếu, Phụ Long được mở ra, dân thời đó gọi tắt các trường đó là trường cố Cao. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, trường Phụng sự Trung tâm dược đổi sang tên Việt là trường Lê Bảo Tịnh.

          Trường là khu nhà 2 tầng, có diện tích 316,2 mét vuông, xây trên khu vực tây bắc nhà chung, tức là bên phải nhà thờ Đức Bà (Nam Định). Trước trường, khu vực phố Hàng Đàn và phố Paul Bert là một sân trống bằng phẳng. Do đó, trường nhìn thẳng sang Ngân hàng Đông Dương chi nhánh Nam Định ở phố Paul Bert.
          Tháng 3 – 1945, Nhật làm đảo chính Pháp. Họ đến chiếm một khu của trường Lê Bảo Tịnh. Bọn Pháp chỉ còn cố thủ trong nhà máy sợi, nhà máy tơ, ngân hàng. Trừ phố Hoa Kiều (Hoàng Văn Thụ) và các cơ sở tôn giáo, nhà của các phố khác bị phá sập, đốt cháy. Cả thành phố ngổn ngang những đống gạch ngói, các căn nhà đổ nát với những khung cửa cháy dang dở.
          Tháng 3 – 1947, khi được quân cứu viện giải vây, bọn Pháp chiếm nhiều cơ sở của nhà chung như đóng quân ở khu tế bần Phụ Long, trường Saint Thomas, Lý Đoán rồi lấn dần các nhà thờ Trương Phụ, Trình Xuyên, Bảo Long...
          Chỉ huy quân đội Pháp đóng ở Ngân hàng, trước cửa nhà thờ Đức Bà, ở phố Paul Bert. Các cơ quan hành chính của ngụy chưa có địa điểm mở trụ sở. Mà bấy giờ vấn đề an ninh rất phức tạp. Bất cứ lúc nào cũng có thể có một nòng súng nhô ra sau các đống gạch nhấp nhô hay một bức tường nham nhở. Nên bọn Pháp phải bố trí bọn tay sai ở gần Ngân hàng để dễ bảo vệ và sai khiến. Kho bạc cạnh ngân hàng (Mặt trận Tổ quốc tỉnh hiện nay) được lấy làm dinh tỉnh trưởng với tỉnh trưởng là Nguyễn Duy Giá. Trường Lê Bảo Tịnh bị chiếm. Tầng trên giành cho ông phó tỉnh trưởng Phạm Quang Ngọc. Bác sĩ Vũ Ngọc Phan trưởng ty Y tế, ông Vũ Văn Thiệu trưởng ty Kinh tế, ông bà giáo Cần mỗi người chiếm một buồng. Cầu thang từ tầng một lên tầng hai được bưng ván vì sợ Việt Minh vào bắt cóc. Tầng dưới là phòng thông tin của tỉnh. Có nhiều lần Việt Minh bắn bazoca vào khu trường nhưng chỉ bị hư hỏn nhẹ.
          Tháng 9 – 1949, dân hồi cư đông dần lên.Hơn hai trăm phụ huynh đến nhà thờ, xin học cho con cháu, nên trường Lê Bảo Tịnh được mở lại. Nhà trường được mở ở một khu vực trong nhà thờ, phía sau trường Lê Bảo Tịnh cũ. Đó là là khu nhà của Minh Minh Đức Hội khi xưa. Nhưng chủ nhà in Chấn Hưng “làm việc” cho Pháp, được Pháp đưa đến chiếm tầng trên ngôi nhà này. Các lớp 3, nhì được đặt ở tầng dưới xưởng in. Các lớp 4, 5 được đặt ở địa điểm khác cũng trong nhà thờ.
          Tháng 9  năm 1950, số học sinh học lại đông lên. Không còn phòng để bố trí lớp học nữa. Hàng ngày, cha mẹ học sinh đưa con, cháu đến chờ chực chật ních phòng thầy hiệu trưởng.  Linh mục Lê Đắc Trọng, hiệu trưởng nhà trường phải xin cha chính xứ nhà thờ - cố Catalube (tên Việt là cố Căn) nói giúp với nhà binh Pháp đòi lại địa điểm nhà in Chân Hưng lấn chiếm, nhưng không có kết quả. Ông phải đấu lý trực tiếp với chủ nhà in. Ngô Ngọc Long nêu ra nhiều lý do, nhưng lý do cơ bản là in báo cho quân đội Pháp nên cần phải có địa điểm an toàn, thuận lợi cho nhà binh Pháp giao thiệp, không tìm được địa điểm thích hợp. Là người quyết đoán, đã nói là làm, làm cho bằng được, sau nhiều lần tranh luận, cha Trọng đã nói một cách gay gắt: “Để cho có người đọc báo thì phải có người biết chữ. Vì thế, việc dạy cho người biết đọc cần phải làm trước việc in báo”. Nhà in Chấn Hưng đuối lý, nhưng cố tìm cách trì hoãn. Thợ in vẫn làm việc, nhưng chủ thì thỉnh thoảng đáo qua, rồi vội vã đi mất. Học sinh được nhận vào học cùng cha mẹ đứng chật lối vào nhà thờ, lối vào trụ sở Minh Minh Đức hội cũ, làm nhà trường cũng như xưởng in đều gặp khó khăn. Nhà in đành trả cho nửa tầng trên. Học sinh lớp nhất được đưa vào khu vừa đòi được. Vào giờ giải lao, học sinh tụm thành từng nhóm nô nghịch, sờ mó vào máy móc hoặc chạy nhảy bừa bãi vướng lối đi lại, làm thợ in không làm việc được. Chửi học trò mãi cũng mệt, mà đánh chúng thì không được, vợ chồng chủ nhà in đành trút tức giận đến nhà trường và thầy hiệu trưởng. Nhưng rồi họ cũng phải chuyển ra phố Bắc Ninh. Bà chủ Chấn Hưng là người công giáo. Đó là gia đình mà cha Trọng nói với những lời nặng nề: “Một lời cảnh cáo và cũng là một lời mời ra đi đầy khích lệ cho những ai nhờ thời cơ nhiễu nhương chiếm đất, lấn đất của nhà thờ, nhà xứ, rồi cứ ở lỳ đó. Vào thời chiến tranh, và lúc đó chiến tranh ác liệt, người chiến sĩ phải giành lại từng tấc đất, trong căn buồng chiến đấu ở từng ngôi nhà”. 
Trường Lê Bảo Tịnh bên cạnh nhà thơ.
           Việc đòi lại khu trường Lê Bảo Tịnh ở phố Hàng Đàn do các quan chức ngụy quyền Nam Định chiếm giữ cũng khó khăn và lâu dài. Đầu tiên cha Trọng dùng tình cảm đặt vấn đề xin các quan chuyển đi nơi khác cho các cháu có chỗ học. Vì là người công giáo, nên Phó tỉnh trưởng Phạm Quang Ngọc, Trưởng ty Kinh tế Vũ Văn Thiệu và ông bà giáo Cần lần lượt ra đi. Riêng ông Trưởng ty Y tế , bác sĩ Vũ Ngọc Phan đưa nhiều lý do từ chối. Như vậy ở tầng 2, nhà trường đã tiếp thu 3 phòng, còn để lại 2 phòng cho bác sĩ Phan. Nhân khi bác sĩ đi họp và bà giúp việc đi chợ chưa về, khóa cửa cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2, nhà trường cho học sinh cậy ván bưng của cầu thang lên tầng 2. Trước việc ấy, bác sĩ Phan rất tức giận, nhưng cũng rất sợ, lập tức tự dọn đi. Việc đòi lại tầng 1 do Phòng thông tin chiếm giữ mất rất nhiều thời gian và giấy tờ. Cha Trọng phải kiện lên Thủ hiến Bắc kì Nguyễn Hữu Trí, nhưng phải đến năm 1952, mới đòi được.
          Năm 1953 trường Lê Bảo Tịnh có khoảng 500 học sinh. Sau giải phóng 1954, trường Lê Bảo Tịnh thành Trường cấp I Hà Huy Tập do nhà nươc quản lý, rồi thành trụ sở Phòng Giáo dục thành phố Nam Định. Năm 2014 nhà nước trả khu vực này cho nhà thờ để xây dựng vườn hoa.

Đặng Sinh
Phố Hoàng Văn Thụ, tp. Nam Định

Tài liệu tham khảo:
- Kỷ yếu nhà xứ Nam Định (Lưu hành nội bộ), 1996.
- Hồi ký của linh mục Lê Đắc Trọng (Lưu hành nội bộ).
- Lời kể của một só giáo dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét