Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

HỒI KÝ TRẦN MỸ GIỐNG (Trích): (Kì 3)



Đã đăng:
Kì 1: “Gác bút nghiên theo việc binh đao”
Kì 2: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”


TỪ CÔN SƠN ĐẾN THẠCH HÃN

          Tôi trở về đơn vị đúng ngày quy định. Các anh chỉ huy trung đội rất lo tôi bỏ ngũ. Nay tôi trả phép đúng hạn, các anh mới yên tâm.
          Bộ phận vệ binh vẫn hàng ngày canh gác, xe than, lấy củi. Chị Lâm lên thăm anh Đặng Hoàng Song. Chị Lâm cùng học khóa 5 Đại học Thư viện với anh Song. Hai người yêu nhau chưa kịp cưới thì anh Song nhập ngũ. Sau này anh Song hy sinh, chị Lâm đi lấy chồng. Năm 1985, khi tôi đã chuyển ngành về thư viện Hà Nam Ninh, tôi có vào thăm Thư viện tỉnh Thanh Hoá, gặp chị, tôi mừng rỡ, nhưng không hiểu sao chị làm như không biết anh Song là ai.
          Ngày đầu tháng 4 năm 1972, Khế bỏ lớp lên thăm tôi. Trưởng ban hành chính mượn cho chúng tôi một gian nhà trẻ của địa phương. Hôm sau có lệnh báo động chuẩn bị chiến đấu, tôi đưa Khế vào nghỉ nhờ nhà Tiền để sáng về Hà Nội. Tiền cùng lớp K6 với vợ chồng tôi, nhà cách Côn Sơn – nơi tôi đóng quân 5 km.

          3 giờ sáng, lại báo động. Trung đội trưởng tập họp phổ biến nhiệm vụ và phân công công việc cho từng tiểu đội. Sốt ruột không chịu nổi, tôi tự ý bỏ đơn vị, chạy một mạch 5 km đường đồi tới nhà Tiền. Trong nhà đèn vẫn sáng. Khế đắp chiếu nằm trên chõng tre. Khi nghe tôi gọi nhỏ, Khế choàng dậy. Chúng tôi ôm chặt nhau chẳng nói được gì. Hai trái tim cùng đập loạn trên lồng ngực nhau. Chúng tôi cứ đứng lặng như thế giữa trời đêm đầy sao... Rồi như chợt tỉnh, tôi buông Khế ra và chạy như muốn đứt hơi trở về đơn vị.
          5 giờ 30. Cả đơn vị đã nai nịt gọn gàng đang xếp hàng kiểm tra. Thấy tôi hớt hải quay về, mọi người như trút được gánh nặng. Anh Ổn, nguyên giáo viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng tiểu đội, đã thu dọn ba lô và súng giúp tôi. Tôi như người mất hồn, ý nghĩ luôn xoay quanh về Khế.
          Tin làm chúng tôi bàng hoàng: Anh Tại, tiểu đội trưởng anh nuôi của bếp trung đoàn, người Hải Dương, là Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền đã bỏ về quê. Anh Tại đã vào tuổi bốn mươi, một vợ ba con... Anh quá nặng gánh gia đình nên không thắng nổi bản thân? Có lẽ ai cũng thông cảm hoàn cảnh của anh Tại nên chẳng ai tỏ ra coi thường và chê trách anh ấy. Nhưng không biết ở quê họ sẽ xử lý anh Tại ra sao? Liệu anh Tại có bị xỉ nhục bằng cách đày ải lao động công ích và đeo biển “Ai cũng như tôi thì mất nước” – hình thức xử lý với bộ đội “B quay” rất phổ biến thời ấy không?
          Tiếng hô của Trung đội trưởng “Chạy tại chỗ” cắt dòng suy nghĩ của tôi. Chúng tôi chạy tại chỗ chừng ba bốn phút. Tiếng chân giậm mặt đất thình thịch, tiếng súng đạn và trang bị va đập vang lên, nhưng không một ai cất tiếng nói. Trung đội trưởng Nguyễn Đình Dần hô dứt khoát:
          - Nhằm ga Mỏ Trạng, hành tiến!
          Chúng tôi lặng lẽ hành quân trong buổi sớm mùa hè thoang thoảng mùi thơm nhựa thông... Ý nghĩ tôi lại quay về Khế. Không biết lúc này Khế làm gì? Khế về Hà Nội bằng cách nào? Khế sẽ phải chờ đợi tôi bao nhiêu năm?...
          Hành quân cứ mỗi giờ đồng hồ được nghỉ 15 phút giống như tiết học trong nhà trường. Trên vai tôi lỉnh kỉnh ba lô, súng đạn, bao gạo... trên ba chục ký mỗi lúc thêm đè nặng. Tôi thường bị tụt lại sau. Anh Lục, người Tây Nguyên, nguyên cán bộ quản lý một đơn vị “B quay”, được điều về làm Trung đội phó vệ binh. Lục to khỏe, da đen sắt, giọng hơi trọ trẹ nhưng lại rất dịu dàng. Lục tỏ ra rất thích tôi. Có lần Lục kể:
          - Ông nội mình nguyên là Hiệu trưởng Võ thuật Việt Nam đấy. Mình học võ từ lúc 5 tuổi. Trước khi vào quân đội, mình là giảng viên Trường Đại học Bách khoa, dạy môn quân sự. Phụ trách đơn vị “B quay”, mình rất nghiêm khắc nên “bọn nó” ghét mình. Một bận mình tát tai cậu lính giả ốm không chịu đi lao động, thì bất ngờ một cậu khác cầm cái xẻng quân dụng ở phía sau chém lên đầu mình. Mình phản xạ tự nhiên, xoay người đá một phát, chẳng may làm gẫy hàm cậu ta. Thế là bị kỷ luật và được điều về đây...
          Chẳng biết anh Lục nói có thật không, nhưng tôi thích nghe anh kể chuyện. Tôi cũng thường kể với Lục về chuyện học đại học, về thơ văn, về tình yêu... Có vẻ Lục nể phục tôi. Thấy tôi tỏ ra đuối sức, Lục mang đỡ tôi bao gạo.
          Hành quân tới ga Mỏ Trạng. Đơn vị tạm nghỉ trong khuôn viên một công trường hay cơ quan mà tôi không nhớ rõ, chờ lệnh lên tàu. Đại úy trung đoàn phó Ngoan trực tiếp chỉ đạo trung đội vệ binh trong việc canh gác. Tôi không nhớ họ của ông. Chỉ nhớ tên ông là Cường, khi đi chiến trường thì đổi là Ngoan. Ông dặn chúng tôi:
          - Không cho bất kỳ ai ra khỏi khu vực tạm dừng, nếu không có lệnh của tôi.
          Nửa đêm, trung đoàn phó đi kiểm tra gác, lừ lừ tiến ra cổng. Cậu Toàn vệ binh đang phiên gác, quát:
          - Ai? Quay lại ngay! Không có lệnh của thủ trưởng Ngoan, không được ra ngoài. B quay hả?
          Bố Ngoan – Cánh vệ binh chúng tôi thường gọi Trung đoàn phó như vậy - cầm một túi bánh mì chọc vào bụng mấy cậu lính gác:
          - Ngoan đây! Mỗi thằng một cái ăn đi cho đỡ đói mà thức.
          Ông Ngoan người Hải Dương, dáng người đậm, khuôn mặt to phúc hậu, da đen như nông dân, là thủ trưởng rất dễ gần. Bọn vệ binh rất thích được nghe ông nói chuyện. Chuyện trên giời dưới biển ông nói đều hấp dẫn chúng tôi. Chúng tôi coi ông như cha chú của mình. Lần đầu tôi được gặp ông là khi ông xuống kiểm tra Trung đội vệ bình. Thấy tôi đang cầm xem cuốn từ điển Anh - Việt, ông hỏi một câu bằng tiếng Pháp. Tôi không biết tiếng Pháp, nhưng nghe có mấy từ na ná tiếng Anh, tôi đoán ông hỏi: “Đọc từ điển tiếng Pháp hả?”. Tôi trả lời ông: “Dạ! Từ điển Anh - Việt ạ!”. Ông hỏi tôi về tên tuổi, quê quán, làm gì trước khi đi bộ đội... Từ không khí căng thẳng, chuyển sang tự nhiên, vui vẻ, bọn lính chúng tôi quây lấy ông. Sau này, khi đi công tác, ông rất hay chọn tôi đi bảo vệ. Trái lại bố Ngoan, cụ Chính ủy và Trung đoàn trưởng không mấy khi chọn mấy đứa còm cõi yếu ớt như tôi đi bảo vệ, thành ra tôi không dám gần và chẳng mấy nhớ về hai ông.
          Có lệnh lên tàu. Trung đội vệ binh lên một toa riêng. Trong toa chỉ có hai hàng ghế băng gỗ gắn hai bên thành toa. Tàu chạy chậm nhưng vẫn lắc như lên đồng, mỗi lần dừng ở ga chờ rất lâu. Tàu tới ga Hà Nội thì đã sang chiều. Tàu dừng ở ga mấy tiếng nhưng không ai được xuống ga. Thị, Đủ và tôi căng mắt nhìn qua cửa sổ, hy vọng gặp một người quen. Không thấy ai quen. Còi báo tàu chuẩn bị xuất phát. Thị đưa vội cặp sách qua cửa sổ cho một cô gái lạ, nhờ chuyển về lớp K6. Tàu đêm. Chật chội. Nóng bức. Đoàn tàu già rệu rã lắc lư phát ra những tiếng cót két, thỉnh thoảng lại hụ hụ rồi rít lên hồi còi hơi. Mệt mỏi. Chúng tôi ôm súng ngủ gà ngủ gật. Tàu qua ga Nam Định. Tôi bừng tỉnh, nôn nao nhìn mọi người xa lạ dưới ánh đèn không đủ sáng mà thấy thân thiết vô cùng. Tạm biệt quê hương. Thương bố u vô hạn. Chú Đằng, em tôi, cũng được gọi nhập ngũ ở quê. Do tôi đã nhập ngũ nên xã hoãn chú lại. Ngày tôi nhập ngũ, u tôi lo cho tôi đến ngây dại cả người. Bà chặt tất cả chuối trong vườn “làm cỗ liên hoan cho thằng Giống đi bộ đội”. Sau này tôi được biết, trong thời gian tôi chiến đấu ở Quảng Trị, u tôi đã đi kêu cầu, cúng bái ở nhiều chùa và đốt cơ man là lính giấy để đi “bảo vệ” thằng con cả của bà. Những năm ấy đi chiến đấu là 9 phần hy sinh, chỉ có 1 phần sống. Nói dại, nếu tôi chết, hẳn bà khó sống được. Tôi tự nhủ: Phải sống, phải hy vọng dù chỉ rất mong manh.
          Đến ga Quán Hành. Bắt đầu hành quân bộ. Đêm đi. Ngày nghỉ. Không khí chiến tranh nóng dần lên. Những đoàn xe tải ngụy trang cành lá xanh nối nhau vượt lên. Máy bay địch oanh kích trọng điểm. Pháo ta nhả đạn rực trời. Mỗi khi gặp thanh niên xung phong là cánh lính trẻ lại rộ lên nhận đồng hương, trêu ghẹo. Tôi thường mệt rũ trong những ngày hành quân mang nặng, chẳng buồn ngó ngàng đến các em tóc rụng, da xanh. Chúng tôi đã vượt trọng điểm ngã ba Đồng Lộc, sông Lam, sông Son... Đã dừng chân ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), tập kết ở Bãi Hà. Trong trí não già nua của tôi bây giờ không sao nhớ được chính xác những địa danh đã qua. Có lẽ do hậu quả nhiều lần sức ép bom B52 làm tôi suy nhược thần kinh kéo dài nhiều năm sau. Nhưng lạ thay, có những chuyện đến nay tôi vẫn nhớ như in trong khi phần lớn thì quên quên nhớ nhớ. Một lần chúng tôi canh gác bảo vệ Bộ chỉ huy trung đoàn khi ấy đang ở trong rừng miền tây, Thiếu úy Thái sẹo dẫn theo một lính liên lạc lên trung đoàn họp. Chúng tôi yêu cầu xuất trình giấy ra vào. Thái nổi cáu:
          - Chúng mày có biết tao là ai không? Thái sẹo C trưởng trinh sát đây!
          Cậu Toàn nổi máu quát lại:
          - Mày có biết tao là ai không? Tao là anh nuôi đây!
          Thái dọa:
          - Oánh bỏ mẹ chúng mày bây giờ!
          Trung đội trưởng Dần đi đốc gác thấy vậy nhảy ra hô to:
          - Anh em! Xích cổ tay Thái lại!
          Chắc chắn cuộc ẩu đả sẽ xảy ra nếu lúc đó không có bố Ngoan tình cờ đi qua can thiệp:
          - Thái đấy à? Sao không mang giấy ra vào? Thôi các con để cho anh Thái vào họp đi...
          Thái đi qua cạnh tôi, lừ mắt:
          - Mày nhớ mặt Thái sẹo này nhé!
          Chúng tôi gọi Thái là Thái sẹo và Thái cũng tự xưng tên mình như vậy, vì mặt hắn nhiều sẹo. Thái tốt nghiệp sĩ quan trinh sát đặc công loại... kém. Nghe cánh lính trinh sát kháo nhau: Thái học giỏi, nhưng vẫn bị xếp loại kém vì một bận nhận nhiệm vụ đánh mục tiêu nhà cao tầng của nông trường Sông Bôi, Thái thấy một cô công nhân mặc đồ lót ngủ, liền... sờ đùi cô ta. Cô ta kêu toáng lên. Thái phải trốn vào bốt điện. Hai ngày sau, khi quân xanh rút hết Thái mới dám ra ngoài. Về trung đoàn 101 Thái được đề bạt Đại đội trưởng trinh sát, hàm thiếu úy. Trên đường đi B Thái lên trung úy tiểu đoàn phó. Vào chiến trường Thái lên thượng úy tiểu đoàn trưởng, rồi về làm tham mưu trưởng trung đoàn với hàm đại úy. Sau này khi tôi đi học sĩ quan lục quân thì Thái cũng đi học Học viện quân sự. Tôi không thể quên vụ va chạm với Thái sẹo bởi sau này tôi bị điều xuống trực tiếp chiến đấu trong đội hình tiểu đoàn của Thái sẹo. Khi tôi được gọi về trung đội vệ binh thì Thái sẹo cũng về làm Tham mưu trưởng trực tiếp quản lý chúng tôi.
          Đơn vị vệ binh biến động tổ chức: Thị và Đủ về đại đội thông tin, phụ trách máy 15 w. Tôi được phong binh nhất, được đề bạt làm Tiểu đội trưởng. Anh Đặng Hoàng Song xung phong xuống đơn vị chiến đấu, làm khẩu đội trưởng cối 60. Thạch K7 được đề bạt làm trung đội phó đại đội vận tải. Hậu, Dũng trung cấp văn hoá quần chúng cũng xuống đơn vị chiến đấu. Cúc trung cấp thư viện, người Bắc Ninh được điều ra Bắc, vì cả gia đình Cúc ở quê bị trúng bom Mỹ, không ai còn sống. Thế là 10 sinh viên Trường lý luận nghiệp vụ Bộ văn hoá mỗi người một nơi, mỗi người một số phận. Nhiều người đến giờ tôi vẫn chưa có dịp gặp lại. Thế chỗ những người chuyển xuống đơn vị là những cậu lính má còn lông tơ.
          Đơn vị có lệnh chuyển hướng hành quân theo đường miền tây. Tạm biệt những vùng cát bỏng chân. Chúng tôi hành quân theo đường mòn trong rừng núi. Hành quân đêm. Người sau bám sát người trước. Để giữ bí mật, cấm dùng đèn pin. Ai đó có sáng kiến bắt đom đóm nhốt trong lọ Pinixilin buộc vào ba lô để người sau định hướng. Những mệnh lệnh thường xuyên được truyền xuống:
          - Cẩn thận mìn lá!
          - Khu vực có biệt kích!
          - Chuẩn bị qua suối!
          - Phía sau vận động!
          - Bám sát, đường khó đi!
          Trèo đèo. Lội suối. Hai bàn chân tôi rát bỏng. Khi trượt ngã, lúc vừa đi vừa ngủ gà ngủ gật. Vắt, muỗi thi nhau làm thịt chúng tôi. Có lần tôi sốt 39 độ vẫn quyết bám sát đơn vị, không dám tụt lại sau. Súng đạn, ba lô tư trang nặng trĩu vai. Chúng tôi dùng những cây gậy Trường Sơn làm chỗ tựa mà vượt lên gian khổ.
Toàn đơn vị dừng lại khu tập kết Bãi Hà, chuẩn bị vượt tuyến. Từng tổ ba người căng bạt, mắc võng cạnh nhau ngủ. Nửa đêm bỗng giật mình vì súng AK nổ.
          - Biệt kích à?
          - Không. Một cán bộ trung đội kiểm tra gác, nói mật khẩu chậm, bị cậu lính trẻ hốt hoảng xả đạn trúng đùi. May không chết.
          Lại trở về miền đông. Dừng ở thôn Thuỷ Ba Tây, chờ lệnh. Đêm hành quân vượt Bến Hải. Chúng tôi gói ba lô trang bị vào túi áo mưa lấy từ các bao gạo được thả trôi từ biển vào để làm phao bơi qua sông. Cả chục cây số nam Bến Hải toàn cỏ tranh. Lệnh truyền xuống: Đến Gio An (thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị) mới nghỉ. Giữa bạt ngàn cỏ tranh, cây cỏ lúp xúp, ẩn hiện mấy xác xe tăng địch đã cháy rụi, nòng pháo đen ngỏng lên trời. Bỗng có tiếng V010. Bụp! Pháo sáng ngay trên đầu. Tưởng trông rõ cả cái kim dưới đất. Lộ rồi. Tranh thủ vượt lên tránh vào khu vực có tre xanh. Không kích địch thả bom trúng đuôi đội hình hành quân của trung đoàn. Một số hy sinh và bị thương.
          Làng Gio An còn vài nóc nhà, mái lợp tôn. Nhà nào cũng có hầm kèo chống pháo. Nghỉ lại một ngày. Khi đã chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ phó chính uỷ Nguyễn Trung Nến, người Thanh Hoá lên đường thì có lệnh tôi cùng cậu Do ở lại làm giao liên đón tiểu đoàn pháo trực thuộc bên bờ Bắc về Gio An.
          - Đến Gio An thì đi đâu?
          - Sẽ có người đón.
          Thế là hai chúng tôi buồn bã quay ra Bãi Hà. Chờ cả tuần không thấy đoàn pháo nào qua, sốt ruột quá. Có hai anh lính Hà Nội, vốn là cán bộ ở một trường đại học, hồi huấn luyện cùng đại đội với tôi, quay ra Bắc. Gặp ở Bãi Hà, hai anh thí thỏn tôi cùng quay cho có bạn.
          - B quay ư? Nhưng em không có tiền.
          - Không sao, các anh lo cho em về đến Nam Định. Đây cho em cái đồng hồ Liên Xô.
          - Em sợ lắm.
          - Còn hơn là chết. Cứ cho qua cái đẫn ác liệt này rồi anh em mình lại vào.
          - Em không giám.
          - Tạm biệt.
          Chẳng biết rồi hai anh có ra tới Hà Nội được không?
          Được biết đoàn pháo đã đi theo đường miền tây vào chiến trường rồi, Do và tôi vội quay vào tìm đơn vị. Chúng tôi cứ nhằm hướng Nam mà đi. Ngày đi. Đêm mắc võng nghỉ trên cành cao. Đói. Mệt. Sợ. Hay là ra Bắc? Ra mà chết trên đường thì... Cứ vào. Loanh quanh mãi trong rừng. Chúng tôi quyết định theo đường miền đông, nguy hiểm hơn nhưng đi đường đồng bằng đỡ khổ. Tìm vào được Gio An. Chẳng có ai đợi cả. Đang ngơ ngác thì bị tổ du kích địa phương bắt. Ba cô du kích đen nhưng trẻ măng.
          - Có giấy tờ gì không?
          - Chẳng có gì cả.
          - Đơn vị nào?
          - E101.
          - Biệt kích giả bộ đội thì sao?
          - Bộ đội Bắc mà.
          - Tên gì?
          - Giống.
          - Tên lạ hoắc. Đói hả? Cơm nguội với muối, có ăn không?
          - Có.
          Ăn bốn bát liền.
          - Ăn từ từ thôi, nghẹn đấy.
          - Đã quá. Cả tuần toàn ăn rau rừng và thịt bò chết.
          - Bò ở đâu?
          - Trên rừng, bị bom chết cả đàn. Sao đau bụng thế này.
          - Tham ăn quá đấy mà.
          Sau này học trường sĩ quan lục quân, dã ngoại bị nôn ra máu, đi viện mới biết mình bị đau dạ dày. Chắc là từ đận ấy.
          Ba ngày sau, nhờ du kích về tỉnh đội hỏi giúp biết đơn vị đang ở Đông Hà, chúng tôi lên đường. Đi bộ qua Cồn Tiên, Dốc Miếu vừa được giải phóng. Những lô cốt nham nhở vết đạn, những hàng rào dây thép gai đủ kiểu bùng nhùng, dậu, vướng chân... bị bộc phá đánh tung từng đoạn. V010 lượn dai như đỉa suốt ngày. Pháo kích địch bắn cầm canh. Từng đợt không kích nguỵ thả bom sau khi V010 bắn đạn khói chỉ điểm nơi chúng nghi có quân Việt cộng.
          Cuối cùng thì chúng tôi cũng về tới đơn vị ở Đông Hà. Cả trung đội lần lượt ôm lấy chúng tôi mừng rỡ. Tôi như đứa con xa lâu ngày trở về nhà. Tôi không diễn đạt được cảm xúc của mình lúc ấy. Mi mắt tôi ướt nặng, không nói lên lời. Tôi hiểu rằng từ nay số phận tôi gắn chặt với những đồng đội của mình. Trung đội trưởng Dần nắm tay tôi:
          - Nghỉ ngơi đi, mấy ngày nữa sẽ vượt Thạch Hãn. Sẽ rất ác liệt đấy.
          Hai tháng hành quân từ núi Côn Sơn (Chí Linh) tới Quảng Trị, tôi đã vượt qua biết bao gian khổ. Sự gian khổ nhiều khi đến cơ cực đối với người gầy yếu “gió thổi bay” như tôi. Với ai đó thì “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, chứ với tôi thì quả thực “đường ra trận mùa này... cực lắm!”
          Con đường trước mặt mà tôi phải đi tiếp còn ác liệt bội phần. Đó là chiến trường thực thụ, là lò lửa khủng khiếp đốt bằng xác của lính Cộng hòa và lính Giải phóng mà cả hai đều là con của bà mẹ Việt Nam.

(Còn tiếp)

1 nhận xét:

  1. Đính chính đường dẫn Hồi ký TMG:
    Kì 1: “Gác bút nghiên theo việc binh đao”
    http://tranmygiong.blogspot.com/2016/08/hoi-ky-tran-my-giong-trich-ki-1.html

    Trả lờiXóa