Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

KỂ CHUYỆN PHỐ NAM ĐỊNH (Kì 4 + 5)



Đặng Sinh sưu tầm và biên soạn

Tác giả Đặng Sinh
 
          4 - TÔI CHỈ MUỐN LÀM CON DÊ CỤ!

          Sau khi chiếm được thành phố Nam Định đổ nát vào ngày 15 – 3 – 1947, Pháp cho tổ chức gần 30 đồn, bốt thành một hệ thống dày đặc bảo vệ cho nội thành. Rồi chúng bắt đầu điên cuồng đánh phá các vùng ven biển, các vùng nông thôn lân cận thành phố nhằm đảm bảo các đường giao thông huyết mạch.

          Chiếm được vùng nào, chúng lập tức phối hợp với bọn tay sai cũ lập nên các làng tề với bộ máy cai trị như thời kỳ đô hộ trước cách mạng tháng Tám. Chúng bắt đầu bắt lính một cách ráo riết, gấp rút đào tạo bọn hạ sĩ quan, phụ cho sĩ quan Pháp điều khiển các đồn, bốt. Hàng ngày, lính xuống làng lùa dân đi phu đào hào, đắp lũy, dựng chướng ngai vật. Tre làng bị chặt phá để đem lên đồn làm lũy. Lúc bấy giờ lực lượng của Pháp còn mạnh. Chỉ cần vài tên lính với dăm khẩu súng trường là chúng đã đi lùng sục khắp làng, quấy nhiễu, vơ vét. Dưới áp lực của lưỡi lê, roi gân bò quật vun vút trên lưng những người dân ốm yếu, các hàng lũy được dựng lên thấm đượm máu hận thù. Tối đến, lính đồn lùa thanh niên lên đồn ngủ tập trung cho dễ quản lý.
          Bà An vừa đi làm về thì thấy lù lù dưới gốc táo là tên đồn trưởng lực lưỡng, khẩu súng lục đeo trễ bên hông. Bên cạnh là một tên ngụy binh (patisan) đang đảo mắt ngắm khu nhà.
          - Lậy quan lớn ạ. Lậy thầy đội ạ.
          Tên Pháp sấn đến chỗ bà, nắm lấy hai bàn tay bà lắc mạnh:
          - Không! Tôi không phải là con lợn. Tôi chỉ muốn làm con dê cụ!
          Mẹ bố mày! Lợn mày bắt tuần trước ròi, còn đâu mà bắt. Mùi gây gây của tên Pháp phả hết với người bà. Cả mảng lông đen rậm rạp ở ngực của nó hình như cũng đang bò ra, leo dần vào người bà, làm bà ngột ngạt, khó chịu quá.
          Tên Pháp gào lên:
          - Tôi là con dê cụ! Tôi là con dê cụ!
          Nghe tiếng kêu, ông An hoảng hốt chạy về. Tên Pháp nhìn tên ngụy binh có ý hỏi. Tên này kêu lên:
          - Pa pa! (Cha)
          Tên Pháp càng nắm chặt tay bà, nhìn ông kêu lên:
          - Con dê cụ! Tôi là con dê cụ!
          Hai ông bà lo lắng nhìn nhau, chưa hiểu đầu đuôi ra sao, thì tên ngụy cười nham nhở:
          - Ông ấy bảo ông ấy không phải là con lợn, tức không phải là quan lớn. Ông ấy chỉ muốn làm con dê cụ tức là chỉ muốn làm con rể cụ.
                  
                                                ***

          Thỉnh thoảng, từ thành phố, từ các đồn bốt, Pháp có tổ chức đi càn các vùng xung quanh trong ngày. Tham gia các cuộc càn, chủ yếu là lính Âu Phi. Sau hỏa lực đại bác bắn yểm trợ trước, lính mới cẩn thận tấn công. Nếu không gặp trở ngại, chúng bắt đầu cướp bóc gà, bò, tất cả đồ dùng cá nhân mà chúng nhìn thấy. Một bà nói với lính: “Các ông lấy cái váy của tôi làm gì?” Tên lính trả lời: “Bà đầm cũng cần đến”. Có anh lính da đen khuân cả cái cối, về không bán được, đem làm bệ xí. Rồi cả bọn đuổi bắt đàn bà, con gái.
          Trong các làng, xóm, bọn phản động, chỉ điểm len lỏi khắp đường ngang, ngõ hẻm nắm bắt tình hình, mật báo cho lính đồn các hoạt động của du kích hoặc cán bộ cách mạng về xây dựng phong trào. Làng xóm ngập chìm trong bầu không khí lo ấu, thấp thỏm với những nỗi sợ hãi bị bắt bớ không cần lý do, không cần chứng cứ, những tai bay vạ gió.
          Trong năm 1947, một xe nhà binh Pháp va phải mìn trên đường 10, giáp làng Dương Lai (nay thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thuộc địa phận quản lý của đồn Trình Xuyên (Liên Bảo – Vụ Bản). Một tên mật thám vì có tư thù với một vài người làng Dương Lai, đã báo Pháp bắt hàng trăm người làng Dương Lai, phần lơn là dân có máu mặt giam cầm tra tấn tại trường công giáo Xanh Tô Ma và nhà tù nổi tiếng ác nhất lúc bấy giờ là nhà tù Máy Chai ở phố Paul Bert Nam Định, bắn chết hơn 20 người, gây đau xót cho bao gia đình.
          Tại các làng quê dọc sông Đào Nam Định, thỉnh thoảng dân lại vớt được xác người bị trói chân tay hoặc nhét vào bao tải thả trôi sông. Phần lớn họ là du kích hay tù Máy Chai bị Pháp sát hại, do không chịu khuất phục trước các đòn thù hiểm ác của quân thù.
          Chính sự cai trị tàn bạo của Pháp, khiến dân vùng tạm chiếm đoàn kết lại. Ngay từ cuối năm 1947, các đoàn thể quần chúng, các chi bộ Đảng đã được tổ chức lại. Và cán bộ quân sự đã được cử vào các làng tề để tổ chức phong trào du kích.
          Mỹ Tân là làng ở phía bắc thành phố Nam Định. Xã chỉ cách Nam Định có 5 km và bên kia sông Hồng là vùng tự do Thái Bình, Xã nằm trên trục đường 10 đi qua Thái Bình ra Hải Phòng, Quảng Ninh. Xã có bến phà Tân Đệ và có bốt Tân Đệ nằm ngay cạnh bến phà để bảo vệ cửa ngõ của thành phố, bảo vệ đường 10 quan trọng và là cửa ải giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do. Làng có tề ác Trung Trang và khu công giáo Hưng Phụ Long.
          Ngày 20 – 7 – 1947, tức là chỉ sau 4 tháng bị chiếm đóng, du kích đã bắt sống lý trưởng của làng tề ác Trung Trang. Trong khi lính Âu Phi ở bốt Tân Đệ còn đang hậm hực vì bị quan trên quở trách về chuyện này, thì 3 tháng sau, du kích lại bắt sống cả ban tề Phụ Long, Hữu Bị, thu 5 súng trường.
          Tức quá, bọn chỉ huy Pháp bắt dân phát quang cả hai bên đường từ vị trí khu tế bần Phụ Long (nay là vị trí xí nghiệp dược Nam Hà ở đường Hàn Thuyên, phường Hạ Long – Nam Định) ra đến bốt Tân Đệ, mỗi bên cách mép đường 50 mét cho dễ quan sát và quản lý. Nhưng khi vành đai trắng được làm xong, thì chỉ mấy ngày sau du kích lại bắt tiếp phó lý Tân Đệ, rồi vận động được lý trưởng Tân Đệ ra đầu thú tại công an quận 2. Cuộc bình định vùng đồng bằng Bắc bộ có nguy cơ phá sản. Các vùng nông thôn khác cũng sôi sục khí thế cách mạng, phá tề trừ gian nhưng chưa đủ lớn mạnh để tự giải phóng, mà phải chờ bộ đội chính quy trở về để phối hợp.
          Trước tình hình ấy, Pháp phải điều tướng Đờ Lát đờ Tát Xi Nhi, đang là tham mưu trưởng lục quân Tây Âu ở khối Na Tô, sang Đông Dương làm Tổng tư lệnh quân đội kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương để cứu vãn tình thế.

          5 - VÀNH ĐAI TRẮNG

          Sau khi nhận chức Tổng chỉ huy quân đội kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương, tướng Đờ Lát (Jean dé Lattre de Tassigny)  đã cho xây dựng một vành đai trắng rộng khoảng 5 – 10 km bao quanh vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt vùng này với vùng tự do khu IV và chiến khu Việt Bắc. Bên trong vành đai trắng, Đờ Lát tổ chức nhiều cuộc càn quét, phá vỡ nhiều khu du kích, chiếm nhiều vùng đất mới.
          Ta chọc thủng vành đai này để nối thông tuyến liên lạc Bắc – Nam và đưa được quân vào trong. Quân ta đã phát hiện được ba điểm yếu của vành đai này là Vĩnh Yên, Mạo Khê và phòng tuyến sông Đáy Ninh Bình. Ninh Bình là điểm yếu nhất. Trong số 1.300 lô cốt bảo vệ vàng đai thì chỉ có 50 lô cốt ở Ninh Bình. Cũng chỉ có 9 lô cốt có quân số từ một đại đội trở lên. Phần lớn các cứ điểm này mới chỉ được xây bằng gạch đơn giản, chưa có các hệ thống hầm hào. Các hàng rào bảo vệ bằng tre hoặc ít vòng dây thép gai lòng vòng.
          Ngày 25 – 8 – 1951 chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là chiến dịch Quang Trung} đã được mở tại ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình do Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ huy. Trọng tâm của chiến dịch là Ninh Bình.
          Đêm 28 – 5 – 1951 các đại đoàn 304, 308 như vũ bão đồng loạt tấn công vào Phủ Lý và Ninh Bình. Đồng thời đại đoàn 320 từ Thanh Hóa đánh vào Ninh Bình rồi tập kích tiếp vào Phát Diệm. 5.000 quân du kích Việt Nam bao vậy chặt tuyến Ninh Bình – Phủ Lý, chờ quân tiếp viện từ Phủ Lý xuống. Hai trung đoàn 64 và 52 đánh vào các cứ điểm ở Nam Định và Thái Bình, nhằm kéo dãn quân Pháo ra.
          Trong hai đêm đầu tiên, Pháp đã mất nhiều cứ điểm quan trọng và bị tiêu diệt nhiều đại đội hung hãn. Có một cứ điểm sẽ luôn được lịch sử nói đến. Đó là đêm 29 – 5 – 1951 tiểu đoàn 29 đã tiêu diệt quân Pháp trên một mỏm núi ở Gối Hạc. Quân Pháp ở mỏm núi kia bỏ chạy. Trung úy Bác Na (Bernard de Lattre), con trai tướng Đờ Lát, chỉ huy một đội khinh binh người Việt trấn giữ ngọn núi, đã tử trận vào rạng sáng 30 – 5 – 1951. Hai hôm sau, khi quân Pháp phản công lại địa điểm, quân ta mới rút qua sông Đáy, lùi về phía núi. Khi quân Pháp tìm được Béc Na thì xác đã trương lên, bắt đầu thối rữa.
          Khi đó chiến sự còn đang diễn ra ác liệt ở nhiều nơi trên trận tuyến kéo dài hàng trăm ki lô mét. Tuyến đường Ninh Bình – Phủ Lý bị chia cắt bởi nhiều cuộc tập kích dai dẳng, đẫm máu. Tướng Đờ Lát đành đưa xác con về làm lễ tại nhà thờ Đức Bà (Nam Định) trước khi đưa đi Hà Nội.
          Chiều ngày 3 – 6 – 1951 một vài xe chở một số sỹ quan Pháp và viên chức Việt đến nhà thờ Đức Bà (Nam Định). Khoảng mười phút sau, một xe tải nhà binh Pháp đến. Một trung úy Pháp từ ca bin nhảy xuống, chỉ huy tốp lính trên xe khiêng vào nhà thờ một quan tài còn bê bết cát bụi. Lính khiêng quần áo nhầu nát, mặt mũi phờ phạc, thỉnh thoảng lại lúc lắc đầu, mệt nhọc leo các bậc đá, lên nhà thờ. Nắp quan tài đóng không kỹ, mùi thối nồng nặc bay ra xung quanh. Nước trong quan tài chảy ra, chạy dài trên đường đi. Tại chỗ hành lễ, nước đọng lại thành vũng.
          Buổi lễ diễn ra bí mật, trang trọng và u ám. 10 sỹ quan Pháp ở Nam Định, tỉnh trưởng Nguyễn Duy Giá, một số quan chức Việt, cùng tốp lính mới đến đứng yên, lặng lẽ chịu đựng mùi thối khi đó đã rất nặng nề. Các cháu ở hội hát đứng gần quan tài hơn, không dám bịt mũi, ho hắng, gần như không chịu nổi, nên gương mặt rất căng thẳng. Hai linh mục điều khiển buổi lễ, thỉnh thoảng giả cách đi lấy một thứ đồ lễ nào đó, thay nhau kín đáo đi ra xa để thở, rồi lại vào làm lễ tiếp.
          Buổi lễ này được giữ kín. Đến 55 năm sau, năm 2006, linh mục Lê Đắc Trọng người tham gia buổi lễ mới kể lại.
          Trong khi chiến dịch Hà Nam Ninh còn tiếp diễn rất dữ dội, rúng động báo chí Pa Ri, Đờ Lát đưa xác con về nước, tổ chức tang lễ rất trọng thể. Béc Na là người con duy nhất của ông, khi chết mới 23 tuổi và chưa lập gia đình, chưa có con cái. Trở lại Việt nam, Đờ Lát tổ chức các cuộc phản công mới, quyết chiếm lại Ninh Bình.
          Nhưng dẫu sao vành đai trắng mà Đờ Lát dùng các biện pháp tàn bạo để dựng lên, vành đai mà người Pháp ca tụng là “vành đai Tassigny” đã bị mở ở Ninh Bình. Nó đã chôn vùi tham vọng tái bình định của Đờ Lát. Và cũng chính ở đó, hạnh phúc gia đình của Đờ Lát sụp đổ.

 (Còn tiếp)

Đặng Sinh
Phố Hoàng Văn Thụ, tp. Nam Định.

Tài liệu tham khảo:
- Cổng thông tin điện tử Ninh Bình.
- Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh.
- Lịch sử Đảng bộ tp, Nam Định
- Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX
- Lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Tân
- Lời kể Hoàng Minh Viễn
- Lời kể của linh mục Lê Đắc Trọng.     

Đã đăng:
Kì 1+2: Phố Paul Bert – Nhà thờ Đức Bà http://tranmygiong.blogspot.com/2016/08/hoi-ky-tran-my-giong-trich-ki-1.htmlv

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét