Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

ÔNG NGHÈ HỌ PHẠM THÔN ĐỒNG KÊNH



Bài: ĐẶNG VĂN NAM
Ảnh: TRẦN THỊ ÁNH NGỌC

 

          Con cháu họ Phạm chụp ảnh lưu niệm trước Nhà thờ cụ Nghè Phạm Duy Du

          1- TIẾN SĨ PHẠM DUY DU

          Ở thôn Đồng Kênh, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có dòng họ Phạm được nhiều người ca ngợi là gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước.

          Năm 16 tuổi cụ đồ Phạm Vũ Tiệp (sinh năm 1753) đỗ tú tài, được bổ giữ chức đề lãnh kinh thành (coi 4 mặt thành Thăng Long), sau về dạy học ở Hưng Trai, huyện Long Tài, phủ Thuận Thành (Bắc Ninh), Đến năm 1825 cụ chuyển gia đình về làng Cần Phán, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi (tên địa danh trước đây) lập nghiệp và mở lớp dạy chữ Nho. Cụ đã dạy nhiều học trò thành đạt và đỗ cao. Con trai cụ là Phạm Quý Đức (sinh năm 1805) được cụ rèn đức, luyện chữ từ nhỏ. Đến kỳ thi Ân khoa năm Mậu Thân niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848) Phạm Quý Đức đỗ Phó bảng, được bổ làm Tư nghiệp Quốc sử giám, sau đổi chức Toản tu. Năm 1862 vì phẫn nộ trước việc triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền đông Nam kỳ cho Pháp nên ông xin từ quan về quê dạy học.

          Con gái ông là vợ Bang biện quân vụ Hoàng Đình Tốn, người Hoàng Nông (nay là xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà) sau này là vị thủ lĩnh chống Pháp nổi tiếng. Con trai út của ông là Phạm Duy Du sinh năm Kỷ Mùi (1859) đã nối gót ông cha dùi mài kinh sử, năm Tân Mão (1891) thi đỗ cử nhân, năm Ất Mùi (1895) niên hiệu Thành Thái thứ 7 thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân. Sau khi đỗ tiến sỹ, ông được khắc tên vào bia đá dựng ở Đại nội – Huế, được vua ban mũ, áo, hia, hốt, 1 cành kim trâm, được che 2 lọng xanh, được ban cờ biển vinh quy, được dự cố yến, được thăm vườn thượng uyển, thăm phố phường kinh đô Huế, rồi về quê “Vinh quy bái tổ”. Ông được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Tri phủ Kiến Thụy (Hải Phòng). Ông học được ở ông cha tính liêm khiết, cương trực, lòng thương dân. Tuy ông làm quan đầu phủ nhưng gia đình vẫn bần hàn, con cháu đều học giỏi, đỗ đạt cao. Ông là tấm gương quan thanh liêm thời ấy.
          Vào cuối thế kỷ 19 nhà Nguyễn thường xuyên duy trì một đội quân thường trực lớn để bảo vệ chế độ chuyên chế, sẵn sàng đàn áp mọi phong trào phản kháng của nhân dân. Nạn xâm lăng của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã bao phủ đè nặng lên đất nước bằng những chính sách phản động và những cuộc đàn ấp đẫm máu, nhà Nguyễn đã tự mình phá hủy hai chỗ dựa đã từng tạo nên sức mạnh cho các vương triều trước đây là NHÂN DÂN VÀ DÂN TỘC. Các cuộc nổi dậy liên tiếp nổ ra ở khắp mọi nơi. Năm 1897 ông ngầm liên hệ với kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm và làm nội ứng cho Mạc Đình Phúc nổi dậy chiếm đánh phủ Kiến Thụy một cách dễ dàng. Cuộc khởi nghĩa sau đó bị thất bại, Mạc Đình Phúc bị xử chém đâu. Ông Phạm Duy Du bị triều đình quy tội có biểu hiện vô trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ, không thông báo cho cấp trên biết về những hiện tượng đáng ngờ xảy ra trong địa hạt quản lý và đã bỏ trốn không sử dụng các phương tiện hiện có để chống lại cuộc phản loạn chỉ có vũ khí thô sơ, thậm chí là không có vũ khí tấn công vào phủ. Ông bị kết tội và cùng với một số tù nhân Bắc kỳ bị đày ra Côn Đảo. Lúc xuống tàu ông đã dặn dò con cháu khi ra đưa tiễn là nhớ ngày ông bị đi đày làm ngày giỗ. Vì ông xác định sẵn sàng hy sinh giữ khí tiết, nhất định không hợp tác và đầu hàng giặc Pháp.

          2 - BÀI THƠ “ĐẬP ĐÁ CÔN LÔN”

          Trong thời gian bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, Tiến sĩ Phạm Duy Du đã viết bài “Đập đá Côn Lôn” thể hiện khí phách quật cường chống Pháp, tinh thần yêu nước của chí sĩ vùng đất Quỳnh Côi, Phụ Dực:
          Ở trọ nhà tù cảm nhục ôi
          Dành cho tiểu ẩn đấy mà thôi
          Dốc tài phục cổ đâu có khéo
          Nghệ mọn xưa nay rõ thời tồi
          Đông Quách nổi danh xưa mím sáo
          Nam Kha thiên mộng cạnh sườn đồi
          Suốt đời ta mộ Ngu Công chí
          Nguyện đục núi này sát biển chơi.
          Mười năm sau, năm 1908, nhà chí sĩ cách mạng Phan Chu Trinh bị cầm tù ở Côn Đảo cũng làm bài thơ “Đập đá Côn Lôn”:
Làm trai đứng ở giữa Côn Lôn
          Lừng lẫy làm cho lở núi non
          Sách búa đánh tan năm, bảy đống
          Ra tay đập bể mấy trăm hòn
          Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
          Mưa nắng càng bền dạ sắt son
          Những kẻ vá trời khi lỡ bước
          Gian nan chi kể việc con con.
          Thực dân đế quốc dùng nhà tù Côn Đảo để dẹp tan tinh thần yêu nước của nhân dân ta, nhưng các tù nhân chính trị đã biến nhà tù thành nơi tôi luyện ý chí kiên cường, bất khuất, không sợ hy sinh gian khổ, vượt qua mọi chông gai trên con đường tranh đấu, giữ vững khí tiết chiến sĩ cách mạng. Lê Văn Huân – một người cộng sản bị lưu đày ở Côn Lôn đã viết:
          Biển Đông có một đảo
          Nối tiếp rừng anh hùng
          Ai lưu đày đến đó
          Nhân phẩm cao ngàn vàng.
          Cố tổng bí thu Lê Duẩn nhân chuyến thăm nhà tù Côn Đảo đã ghi vào cuốn cảm tưởng:
          “… Côn Đảo là một trường học lớn đối với các thế hệ mai sau”.
          Trong những năm tháng lao động khổ sai, bị tra tấn dã man ở địa ngục trần gian nhà tù Côn Đảo, Tiến sĩ Phạm Duy Du đã giữ vững khí tiết người chí sĩ yêu nước đến khi sức tàn lực kiệt và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 27 tháng 6 năm Mậu Tuất (1898). Đến nay con cháu vẫn chưa tìm được phần mộ của ông.
Trước cái chết của ông, một vị Tú tài và là bạn tù cảm thương với tấm lòng yêu nước thầm lặng của ông đã làm đôi câu đối:
          “Tử biệt dĩ tốn thanh, phong vũ nhất thiên lưu phẫn nộ;
          Nhân sinh bất tương kiến, hải quan vạn lý mộng hồi quy”.
          Tạm dịch là:
          Khi chết ít được biết tiếng đất trời phong ba liền nổi giận.
          Lúc sống không được gặp mặt, bể xa muôn dặm vẫn thấy ông.
          Mọi người ở Kiến Thụy nơi ông làm tri phủ và Quỳnh Côi quê hương ông đã truyền nhau câu thơ ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của ông:
          “Đỗ ông Nghè chẳng đe hàng tổng
          Chỉ một lòng thù giặc, thương dân
          Làm tri phủ không ham phú quý
          Chốn lao tù còn mãi tiếng thơm”
          Tuy cuộc đời và sự nghiệp của ông rất ngắn ngủi chỉ lóe lên như một vệt sao băng trong đêm trường nô lệ dưới ách thực dân, nhưng mãi sáng trong lòng dân và con cháu dòng họ Phạm.
          Noi gương các bậc tiền nhân các con cháu nhiều thế hệ trên mọi miền tổ quốc tiếp nối truyền thống của ông cha trong học tập, rèn đức, luyện tài, nhiều người đỗ Cử nhân, Tiến sĩ, nhiều liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
          Nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày ông Nghè Phạm Duy Du bị đày ra Côn Đảo, chúng ta cùng thắp nén tâm nhang và ôn lại những kỷ niệm về cuộc đời và sự nghiệp của ông – một nhà Nho yêu nước.
          Mong rằng mai đây khi đủ điều kiện có thể sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xét cấp bằng “Di tích lịch sử văn hóa” cho nhà thờ ông ở quê hương, để con cháu dòng họ Phạm tôn tạo, bảo quản đến mai sau.

ĐVN – TTNA

Chú thích: Bài này nguyên là hai bài riêng biệt, trang chủ tổng lược để bạn đọc theo dõi cho tiện


MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CỤ NGHÈ PHẠM DUY DU























Ông Phạm Tiến Thao - Chủ tịch huyện Quỳnh Phụ (Áo trắng bên trái) và ông Trần Đình Thi dự Lễ khánh thành Nhà thờ Tiến sĩ Phạm Duy Du
............................

Đặng Văn Nam
54C - Tổ 8 – phường Cửa Bắc – Tp. Nam Định – tỉnh Nam Định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét