Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

NGƯỜI LÍNH GÁC HÁT VỌNG CỔ



          Truyện ngắn Việt Thắng

Việt Thắng tên thật là Vũ Đức Thắng
Hội viên hội nhà văn TP H Chí Minh
Các tác phẩm đã xuất bản:
1- Gió buồn Thơ - NXB Thanh Niên 2011
2- Lục bát về nguồn – Thơ - NXB Hội Nhà Văn 2012
3- Giọt chiều - Thơ - NXB Hội Nhà Văn 2013
4- Khát vọng & Kiếm tìm Thơ - NXB Hội Nhà văn 2014



          Theo như sự phân công trên sa bàn, anh Na xạ thủ B41, tôi trợ thủ cho anh: vác ba quả đạn B41 và khẩu AK cùng năm băng đạn. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải khống chế và bắn hủy diệt khẩu đại liên dưới hầm ngầm ở góc đồn bên phải, yểm trợ cho bộ binh diệt đồn, phá ấp chiến lược của địch.

          Đêm cuối tháng không trăng, bầu trời dày kịt những vì sao. Chỉ thấy những bóng đen và tiếng chân lội dưới nước bì bõm. Có nhiều ruộng đã gặt, những gốc rạ cứa vào đùi rát rạt. Lúc này có lẽ là 11 giờ đêm, chúng tôi đã bò vào sát hàng rào kẽm gai là cái bờ ruộng, rất thuận tiện cho việc tỳ súng làm bệ bắn. Lính chiến ở vùng  Long An sát nách Sài Gòn này, khi ra trận chỉ mặc quần xà lỏn, phong phanh một chiếc áo may bằng vải ly phăng. Muỗi nhiều vô kể, cứ bâu vào mặt và hai đùi mà đốt, vì bí mật nên chỉ dám đưa tay lên vuốt mặt và đùi. Vuốt mãi cũng chẳng xuể, anh Na bò qua ghé tai tôi thì thầm:
          - Cậu lấy bùn mà trét lên mặt và đùi chứ chịu không thấu tụi khát máu này đâu.
          Keng, keng, keng... Tiếng gõ vào thanh sắt treo lủng lẳng trên nóc lô cốt, hình như năm, bảy phút gõ một lần. Lúc thì lô cốt này gõ trước, khi thì từ lô cốt khác; rồi đồng loạt các góc đồn nổi lên tiếng keng, keng, keng... rộn rã. Có lẽ đây là cách để không cho lính ngủ gật trong phiên gác. Tôi nằm cách lô cốt đối diện chừng sáu, bảy chục mét. Ánh sáng từ cây đèn bão treo cao khỏi đầu người tỏa ra. Thấp hơn một chút là thanh sắt dùng làm kẻng. Trên nóc lô cốt xung quanh được chất bao cát, cao tới ngang ngực người lính gác. Hình như đã tới ca đổi gác. Hồi nãy thấy hai bóng người, thoáng cái chỉ còn một. Bóng người lính nhìn khá rõ trong đêm. Quan sát kỹ gần sát mép đất là lỗ châu mai đen ngòm. Nơi đó đặt khẩu đại liên như trinh sát đã điều nghiên.
          Chỗ tôi nằm một vũng nước hơi sâu, bùn còn mềm. Hai tay tôi khoét bùn bỏ qua bên cạnh, tạo thành cái lỗ sâu. Ngồi bệt vào trong lỗ ngập tới bụng, tránh hai cái đùi bị bầy muỗi đói hút máu. Điều quan trọng nhất là khi nổ súng tôi cũng che bớt cái thân thể lộ trên mặt đất. Tôi loay hoay tìm tư thế bắn, rút lưỡi lê AK ra, cắm đầu lưỡi lê xuống bờ ruộng. Nghiêng qua, nghiêng lại ngắm vào người lính hiện lên từ ánh đèn treo sau lưng anh ta. Còn nhớ bài học thời huấn luyện, bắn bia di động ban đêm, tôi đã đạt điểm cao. Bây giờ bia thực tế bất động, lại hiện lên quá rõ ràng. Bắn mà trật mục tiêu thì quá dở, có khi còn bị bắn lại. Biết đâu...
          Bỗng từ trên vọng gác người lính cất lên lời ca vọng cổ. Tiếng ca réo rắt trong đêm thanh vắng. Phần tôi đang nằm cuối gió nên nghe rõ mồn một. Bài Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài mà tôi đã mấy lần được nghe, khi dừng chân đóng quân nhà một bà má thuộc vùng xôi đậu giữa ta và địch. Riết rồi thân quen, chúng tôi vẫn gọi má Tư. (Má mến tôi lắm, vì tôi nhỏ con và ít tuổi nhất đơn vị. cứ hay khen tôi giông giống người con trai thứ hai của .) Mỗi buổi tối, tới giờ cải lương của đài phát thanh Sài Gòn, má thường mở đài nghe. Nghe đâu ông chồng má theo Việt Minh đã hy sinh, để lại cho má hai người con trai. Đứa con cả theo quân Giải phóng đã mấy năm. Đứa thứ hai mới bị bắt quân dịch chưa được một năm, đóng quân trong một đồn ở huyện này.  
Giọng người lính trong trẻo ngọt ngào, xen cả nỗi buồn, hình như được anh gửi cả tâm hồn vào lời hát: “Anh Đài ơi! Từ nay muốn gặp nhau hãy ra nơi lam sơn tiểu lộ, vì xác thân anh đã vùi chôn dưới đáy mộ hoang tàn...” Ôi nó buồn làm sao, thôi thúc tôi nhớ về cô bạn học nơi quê nhà. Mấy ngày nghỉ phép đi Bê, đêm cuối tôi và bạn gái chung lớp ra ngồi trên bờ đê. Gần hết đêm mà chẳng nói và hứa gì. Lúc chia tay nắm bàn tay mà trái tim cứ đập thình thịch. Mới đó đã mấy năm rồi. Chiến trường sát nách Sài Gòn ác liệt này, suốt ngày địch càn đi quét lại. Đường dây liên lạc đâu mà gửi thư từ. Lời hát như thức tỉnh tôi trở lại hiện tại: “Tình của ta là nước bèo đôi ngả, giữa dòng đời chưa hiệp đã tan...”
          Anh Na lại bò qua chỗ tôi ghé tai thì thầm:
          - Này, thằng lính nó hát hay quá, nhưng nhớ khi có lệnh nổ súng là cậu phải khử nó ngay, nghe chưa. Bắn mà trật, ở trên cao nó lia xuống anh em mình lĩnh đủ đó.
          Tôi thì thào:
- Anh yên tâm, em đã cắm lưỡi lê xuống bờ ruộng, bắn chắc chắn mà.
          Anh vỗ vai tôi:
- Tớ tin cậu!
          Thỉnh thoảng góc đồn này hoặc góc đồn bên kia, phụt lên quả pháo sáng tay, cùng tiếng hô: Nó đó!...nó đó... kèm theo một tràng AR15 bắn vu vơ vào một lùm cây nào đó gần đồn. Lần đầu tiên gặp trường hợp này, tôi tính bỏ chạy. Anh lính cựu kế bên kéo tôi nằm xuống: “Muốn chết à, nó bắn hù dọa đấy”. Bây giờ thì tôi quá hiểu những thủ đoạn này.
          Trời tối đen, không gian im ắng sau tràng bắn hù dọa. Tiếng ngáp buồn ngủ của người lính nghe dài thườn thượt. Keng, keng, keng... Tiếng kẻng lại phát ra từ điểm gác của anh ta. Dứt tiếng kẻng, giọng hát lại cất lên, anh lính đã chuyển qua bài hát khác. Vẫn cái giọng ngọt ngào và buồn buồn ấy: “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi! Đường dài mịt mùng em không tới nơi...” Có lẽ sắp tới giờ tấn công rồi. Tôi nằm mọp xuống ngắm kỹ mục tiêu, chờ thời cơ và nghĩ: “Mày sẽ phải chết đêm nay như những lời mày hát trăng trối. Anh ta vẫn hát vô tư: “Cây tuôn lá rơi xây mồ cho anh. Tình đầu bẽ bàng trong cơn chiến chinh...”
Ánh pháo hiệu đỏ xé màn trời đêm bay lên. Tỳ chặt báng súng vào vai, tôi xiết cò hết băng đạn AK 30 viên. Cái đèn bão tắt phụt. Tiếng B41 oành đùng, oành đùng... bắn vào các ụ đại liên. Trong chốc lát, các loại súng trong đồn, và cây đại liên dưới hầm ngầm đối diện tôi khạc đạn như mưa. Đạn bay ngang người nghe xẹt, xẹt, xẹt... Đạn cắm vào bờ ruộng nghe phịch, phịch, phịch... Tôi sốt ruột: “Sao anh Na không bắn nữa?”
          Tôi bò qua chỗ anh Na. Anh đang nằm úp mặt xuống bờ ruộng, thì thào:
          - Cậu bắn đi, tớ bị nó bắn trúng tay phải rồi.
          Tôi lắp quả đạn B41 khác, nằm sóng soài trên những gốc rạ lởm chởm, kê nòng súng trên bờ ruộng, ngắm thẳng vào lỗ châu mai đang khạc lửa, bóp cò. Đường đi của quả B41 đỏ lừ bay thẳng vào lỗ châu mai. Một quầng lửa bùng lên, kèm theo là một tiếng nổ lớn, họng súng đại liên câm bặt. Dưới ánh pháo sáng 105 địch vừa bắn lên, tôi cầm tay anh Na lên băng bó. Hình như anh đã bị viên đạn M60 của địch bắn trúng, gãy xương, tay phải đã lặc lìa. Tôi xé băng cá nhân bó ga rô chặt lại. Tôi hét to lên báo cáo trung đội trưởng. Giao khẩu B41 lại cho đồng đội, tôi dìu anh chạy trở lại điểm tập kết. Anh thì cao to, và nặng, chả bù cho tôi, nhỏ người nhẹ cân, dìu anh chạy dưới ruộng, mà cứ ngã vập mặt xuống bùn. Mỗi lần té ngã anh lại rên lên vì đau đớn.
          Cả đêm đó chạy tới gần sáng, chúng tôi mới qua được bên kia sông Vàm Cỏ Đông.
          Mấy ngày liền địch đổ quân càn liên tiếp. Đơn vị cũng phải di chuyển địa bàn liên tục, tránh sự tìm diệt và trả thù của địch.

          Bẵng đi cả tháng trời chúng tôi mới có dịp quay lại đóng quân nhà má Tư. Tôi ngạc nhiên thấy má lập bàn thờ, khói nhang nghi ngút suốt ngày. Dưới ánh đèn dầu, mờ mờ hình ảnh một người con trai còn trẻ, đang nhoẻn miệng cười quyện trong khói nhang.
          Hỏi chuyện, tôi chột dạ, má đang thờ đứa con trai thứ hai bị bắn chết trong đêm, tại cái đồn mà tôi đã bắn người lính gác hát vọng cổ. Buổi tối tới giờ cải lương của đài phát thanh Sài Gòn, má lại mở đài. Đài phát hai bài hát Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà, do hai giọng ca Minh Vương, Lệ Thủy trình bày. Giọng ca réo rắt đi vào hồn người chăng mà má cứ ôm cái radio khóc ròng. Hỏi cặn kẽ thì mới hay, đứa con trai của má rất thích và hay hát bài này và bài Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài. Nó hát rất mùi, ai cũng phải khen. Má lấy khăn rằn lau nước mắt, chép miệng thở dài.
          Tôi chết lặng người: “Trời ơi! Chính tôi đã bắn chết con của má rồi.” Tôi im lặng. Má càng khóc, tim tôi càng quặn thắt. Tôi chỉ còn biết tự nhủ lòng: “Má tha thứ cho con. Nếu con không bắn anh ấy chết, chắc chắn anh cũng bắn chúng con. Tất cả là do chiến tranh mà ra cả má ơi!”

          Hòa bình, tôi khoác ba lô về quê, sau tám năm biền biệt không một mẩu tin tức. Ân huệ của những người lính còn sống là được 90 kí lô gam tem phiếu gạo, cùng mấy trăm đồng phụ cấp.

          Lăn lưng đi cày, đêm gác bảo vệ cho hợp tác xã, tổng kết vụ lúa được chia sáu chục cân thóc. Không chịu thấu cảnh đói khổ nơi quê, tôi vác ba lô quay lại miền Nam với hai bàn tay trắng. Biết thân phận, tôi làm thuê đủ thứ: cắt lúa, đào mương, bốc vác...
          Sau cả năm lao động cật lực, tôi đã ổn định cuộc sống. Tôi quyết tâm tìm gặp má Tư. Lúc gặp mặt, má cứ ôm, xoa đầu, nắn chân, nắn tay xem tôi có bị thương chỗ nào không. Má vừa khóc vừa mắng yêu:
          - Mồ tổ bay! Tưởng hòa bình tụi bay thành cán bộ, quên mấy mụ già vùng sâu vùng xa này rồi!
          Tôi kể cho má nghe hoàn cảnh khi còn sống về quê, không chịu nổi đành quay vào đây kiếm miếng ăn, chứ có làm cán bộ cán bèo gì đâu. Tôi ôm má phân trần:
          - Má ơi! Chiến tranh bên nào mà chả cần những con tốt qua sông như tụi dân đen chúng con.
          Má quyết giữ tôi ở lại ăn cơm và ngủ lại nhà má một đêm. Cũng chẳng còn cách nào từ chối lòng nhiệt tình của má. Đêm đó má mới kể hết cho tôi nghe:
          - Sau khi hòa bình, người ta báo tử đứa con cả theo Giải phóng. Trong giấy họ chỉ báo vỏn vẹn: Đã hy sinh anh dũng tại mặt trận miền Đông. Chả biết được ngày hy sinh, nên cứ đến ngày cúng cơm đứa thứ hai thì má cúng dồn hai đứa một ngày luôn.
          Cả đêm hai má con không ngủ, nhắc lại những kỷ niệm trong thời gian đơn vị đóng quân nhà má. Tôi quyết định trút hết sự cắn dứt lương tâm mấy năm nay. Tôi kể trong nước mắt cái đêm tôi bắn chết con trai má đang hát vọng cổ trong phiên gác nơi góc đồn. Cầu mong má và vong hồn anh tha thứ cho tôi. Má cứ ôm tôi mà khóc ròng:
          - Con thấy đấy, ông nhà này theo Việt Minh hy sinh, hai đứa con trai, đứa theo giải phóng, đứa bị bắt quân dịch, đều đã chết hết. Cái lý tưởng, sự ưu việt và vinh quang gì đó, má không hiểu và cũng chả cần hiểu. Chỉ biết rằng chết chóc, đau khổ đổ dồn lên đầu những gia đình như má mà thôi.
          Ngừng giây lát, nhả miếng bã trầu ra khỏi miệng, lấy vạt áo quệt nước mắt, má thổn thức:
          - Má không oán hận gì con. Má... má... căm thù chiến tranh!

VIỆT THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét