Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

NHẶT SẠN TRONG CUỐN “CỔ LỄ THẦN QUANG BÁCH VỊNH THI - TẬP I”


Đồng Ngọc Hoa – Trần Mỹ Giống

   


          Theo yêu cầu của một số bạn đọc trong đó có người là tác giả có tên trong cuốn “Cổ Lễ Thần Quang bách vịnh thi – Tập 1”, chúng tôi chỉ ra một số khuyết tật phổ biến trong sách này (về mặt hình thức) để các tác giả rút kinh nghiệm cho tập hai hoàn chỉnh hơn. Ở đây chúng tôi không bình, vì trong lời nói đầu và bài giới thiệu ở đầu sách đã nói nhiều về nội dung cái hay của tập sách rồi...
          Sách gồm 100 vài thơ vịnh, hầu hết là Đường luật, lục bát. Chúng tôi chỉ xem xét các bài Thất ngôn bát cú và Lục bát, còn bỏ qua các thể khác.
         

          A - Về thơ Đường luật:

          Đã nói đến Đường luật là phải nói đến các yêu cầu về kết cấu, đối, niêm và các khuyết tật cần phải tránh. Nếu không đạt được những yêu cầu này thì bài thơ sẽ chẳng còn là Đường luật và do đó cũng khó mà nói rằng hay được.
          Một số khuyết tật chủ yếu, phổ biến trong các bài thất ngôn bát cú trong sách:
          1 - Hầu hết các bài không đạt về LUẬN. Đáng lẽ phải LUẬN thì tác giả lại vẫn THỰC, hoặc LUẬN mờ nhạt lẫn với THỰC. Mà không có LUẬN (thể hiện trực tiếp tư tưởng, thái độ, quan điểm của tác giả về điều mình nêu trong bài) thì bài thơ thiếu về kết cấu, giảm ý nghĩa, không có sự định hướng tư tưởng, bài thơ kém giá trị. Lỗi này nhan nhản trong sách, thiết nghĩ không cần dẫn chứng cụ thể vì lỗi này rất dễ nhận ra. Tỷ như hai câu luận ở bài số 14:
      Có hội thơ Đường, rành ngữ nghĩa
Có dòng họ Trạng, sáng tên Người*
          2Bình đầu là khuyết tật mà người làm thơ Đường luật hiểu luật không được phép mắc phải. Tỷ như hai câu thực, hai câu luận dưới đây cả 4 từ đầu đều cùng chức năng ngữ pháp:
      Kiến trúc trường tồn cùng nhật nguyệt
      Nhân tâm quy tụ khắp đông tây
Quốc gia hưng thịnh trong binh lửa
Đạo pháp đồng hành mãi đến nay
                                      (Bài số 1)
Gìn giữ quê hương - tâm sáng suốt
Dựng xây Tổ quốc - trí tinh thông
Mở mang đạo Phật, hằng ra sức
Kiến tạo Tổ đình, chẳng quản công
                                      (Bài số 30)
          Các bài số 51, 57, 81, 83... cũng mắc khuyết tật Bình đầu.
          3 – Tịnh cước. Khuyết tật này tương tự như Bình đầu, ba từ cuối các câu thực và luận cùng chức năng ngữ pháp. Tỷ dụ:
Liên hoa cửu phẩm, cao vời vợi
Cầu núi đôi bờ, bắc thẳng ngay
Du khách khắp nơi, về lễ phật
Thăm quan ngắm cảnh, đến hàng ngày
                                      (Bài 61)
          Khuyết tật tịnh cước còn thấy ở bài số 75, 89, 93...
          4 – Đối không đạt: Rất nhiều bài mắc lỗi không đối, đối lệch, bổ nửa, đối không chỉnh... ở những vị trí buộc phải đối. Tỷ như:
      Đền ơn tiên tổ và dân tộc
Giúp đỡ nhân sinh khắp mọi miền
Làng xóm ngợi ca, người đức hạnh
Anh em vinh dự, vị nhân hiền
                                                (Bài số 92)
Ngọc Đạc nghìn cân tô thắng cảnh
Hồng chung chín tấn vẫn nơi đây
Chuông đồng mới đúc treo trên gác
Gạch đẹp sửa sân lại mới xây
                                                (Bài số 35)
      Rợp bóng cành vươn, xoè tán mát
Mùa hoa đỏ rực, một màu hồng
Cảnh quan tươi đẹp, nơi chùa Cổ
Tô thắm thiền môn, đứng ngắm trông
                                                (Bài số 59)
          Yêu cầu đối phải đảm bảo đối cùng từ loại, cùng ngôn ngữ, đối không chỉ về thanh, về từ loại mà còn phải đối về nghĩa. Đối ý mà thanh không đối là đối lệch – không chỉnh. Nếu hai vế đối cùng nghĩa là bổ nửa, không đối.  
          Lỗi về đối còn thấy ở các bài số 3, 23, 24, 29, 34, 39, 40, 42, 43, 50, 52, 53, 54, 55, 57, 60, 61, 71, 73, 74, 78, 86, 93...  
          5 – Gò bó: Cố gò theo ý định trước là các từ đầu câu tạo thành câu chủ đề muốn nói (Khoán thủ), điều này nếu làm tốt thì rất hay, nhưng tác giả lực bất tòng tâm, thành ra bài thơ gò bó, khiên cưỡng, không đảm bảo yêu cầu cơ bản (kết cấu đề thực luận kết, đối...) của bài thơ Luật Đường:
      Thích    làm điều thiện, cứu muôn sinh
      Tâm      nguyện giúp đời, nặng nghĩa tình
Vượng  giỏi, tiền tài, xây dựng khắp
Nhà      nhà hạnh phúc, đón bình minh
        tăng chốn chốn, đều hoan hỷ
Cựu      giúp bạn hiền, tặng hữu huynh
Chiến   sự bình an, tìm đọc sách...
Binh    đao thay bút chữ ân tình.
                                                (Bài số 100)
          6 – Lẫn về thể (dùng thể trắc nhưng lại dùng câu thể bằng), đối không chỉnh, bổ nửa:
Chúc các thi nhân ở bốn phương
Mừng về Cổ Lễ hội thơ Đường
Đại đức lừng danh dòng bác học
Hội đủ văn nhân chứng tỏ tường
Thành tựu việc nhà - yêu Tổ quốc
Công lao chẳng nhỏ với quê hương
Tốt như hoa thắm trên nền gấm
Đẹp tựa vườn xuân nức văn chương.
                             (Bài số 74)

          B – Về thơ lục bát:

          1 – Nói chung những bài thơ lục bát trong tập này còn ở dạng... diễn ca. Còn khoảng cách khá xa với thơ lục bát. Lục bát rất dễ làm, dường như ai cũng làm được. Nhưng làm thơ lục bát thì không phải ai cũng làm được.
          2 – Sai luật, thất vận, dùng thanh không cân đối thành ra rất trúc trắc, khổ đọc:
                   Tượng Phật toả ánh lung linh
Khoan thai nhịp mõ, câu kinh tín đồ
(Bài số 32)
Dù ai sinh sống nơi đâu
Tháng chín lễ hội mau về chung vui.
                                      (Bài số 36)
                   Kinh thư, chuông mõ, chuyên cần
Trùng tu Tam bảo, quyên đồng đúc chuông
          Đại Ngọc Đạc, nổi tiếng vang
          Điểm tô cửu phẩm, hiên ngang giữa đời
                   Thế Long Sư tổ dạy rồi
          Phật pháp dân tộc đạo đời song song
                   Hướng dẫn phật tử kinh thông
          Dạy bảo đạo hữu, đắc tâm đắc tài
                                      (Bài số 37)
                   Bởi chuông gồm chín tấn đồng
          Phật tử nức lòng tiếng lành vang xa...
                   ...Tài năng đức độ cao dày
Phật pháp giáo huấn, lời hay dạy người
                                      (Bài số 44)
                   Vị hoà thượng Phạm Thế Long
          Mở lớp áo đỏ ở trong nhà chùa
                    Quốc ngữ, giáo lý, chữ nho
          Ngài cùng đệ tử dạy cho tỏ tường...
                   ...Học hành đủ, được ấm no
          Nhớ lớp áo đỏ, thày xưa... chùa này.
(Bài số 45)
                   Đất, nước, gió, lửa thiên nhiên
          Vận vào bốn núi địa linh voi chầu...
                   ...Hai bốn rồng quấn vờn mây
          Phượng hoàng xoè cánh tung bay chín tầng
                                      (Bài số 49)
                   Kẻ thua lũ tốt tơi bời
          Cuộc cờ khép lại thẫn thờ tiếc thay!
                                      (Bài số 70)

Lỗi  thất vận, trúc trắc, sai luật, khổ độc còn thấy ở các bài 91, 94, 99.

          Trên đây là những góp ý chân thành mong các vị chủ trì và các tác giả có in tập 2 sẽ không mắc phải những lỗi sơ đẳng về thể Đường luật và thể lục bát, tránh một việc làm vì nhiệt thành mà vô tình xả thêm rác vào môi trường văn học tỉnh nhà.
          Nôm na nói thật nói thẳng theo yêu cầu của bạn đọc, có điều gì nghịch nhĩ mong các tác giả lượng thứ.

ĐNH – TMG kính phê.

*Các chữ bôi màu do chúng tôi dùng để bạn đọc chú ý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét