Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

HỒI KÝ TRẦN MỸ GIỐNG (Kì 4)



 
Gặp lại anh Lê Thanh Oai sau 40 năm

Đã đăng:
Kì 1: “Gác bút nghiên theo việc binh đao”
Kì 2: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”
Kì 3: Từ Côn Sơn đến Thạch hãn


NHỮNG MẢNH KÝ ỨC VỀ ĐỒNG ĐỘI TRONG NHỮNG NĂM THÁNG MÁU LỬA Ở QUẢNG TRỊ


          Chính ủy Trung đoàn, cao tuổi, ra Bắc vì cụ bệnh suốt, thuốc Tây không khỏi, phải chuyển sang “thuốc Bắc”. Phó chỉnh ủy Nguyễn Trung Nến, người Thanh Hóa lên thay. Anh Lê Thanh Oai được bố trí lên Phó Chủ nhiệm Hậu cần nhưng không hiểu sao lại quay về làm Trưởng ban hành chính. Sau này tôi được biết: anh Oai văn hóa thấp, lại nóng tính và thẳng như ruột ngựa, chả biết kiêng nể ai. Khi ấy tay phó chủ nhiệm chính trị đi trực tiếp chỉ huy chiến đấu đã bỏ đơn vị chạy về. Anh Oai cùng một số cán bộ đấu tranh đòi kỷ luật tay phó chủ nhiệm chính trị. Tay này cãi rằng hắn là bộ não không thể trực tiếp chiến đấu, trước sự uy hiếp quá mạnh của địch, chạy để bảo vệ lãnh đạo. Kết quả cuộc đấu tranh là tay phó chủ nhiệm chẳng hề hấn gì, còn anh Oai thì bị trả về chức cũ. Tôi được biết anh ở xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nhưng mãi đến đầu tháng 9 – 2012 tôi mới được gặp lại anh.
          Phó ban hành chính Từ, người Thanh Hoá, một lần đi công tác, gặp pháo kích, phải trú vào hầm hàm ếch bên đường, cậu bảo vệ nhường anh Từ ngồi trong cho an toàn. Pháo kích dai dẳng. Anh Từ nằng nặc đòi đổi ra ngoài để duỗi chân cho đỡ mỏi. Vừa đổi chỗ thì anh dính pháo hy sinh. Lẽ ra đi công tác về hậu cứ phụ trách hậu cần là anh Oai, nhưng anh Từ xin được anh Oai nhường cho mình. Khi ấy anh Từ vừa được tin vợ đẻ con trai...
          Trung đội phó Lục cùng cậu Hệ, người Hải Dương bị dính bom hy sinh trong một lần xuống đơn vị công tác. Tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Châu, người Thạch Hà, Hà Tĩnh nhận chức Trung đội phó kiêm chính trị viên trung đội.
          Công việc chủ yếu của vệ binh lúc này là canh gác bảo vệ cơ quan, bảo vệ thủ trưởng. Mỗi tiểu đội được trang bị thêm một B40 chống tăng. Việc đào hầm đã có đại đội công binh. Cũng không phải xe than kiếm củi như trước, nhưng thường phải cử người tham gia vác gạo được thả trôi ở biển vào.
          Đầu tháng 8 - 1972 Trung đoàn bộ 101 tiến vào đóng quân dưới chân cao điểm 33 Bắc Cửa Việt. Thời gian này, cuộc chiến chống địch phản kích trong thành Quảng Trị vô cùng ác liệt. Quân số ta thương vong chuyển ra bắc liên tục. Giữa tháng 9 - 1972 ta rút khỏi thành Quảng Trị, lui về co cụm ở bắc thành cổ và vòng cung Thạch Hãn. Pháo địch từ biển thường xuyên nã vào đất liền. Máy bay địch quần đảo suốt ngày đêm làm thần kinh tôi luôn trong tình trạng căng thẳng.
          Trận bom B52 lần thứ ba trúng đội hình trung đoàn, hầm chủ nhiệm hậu cần sập. Chủ nhiệm và liên lạc hy sinh. Tôi bị bom vùi kín, tự chui lên, khạc đất cát từ trong miệng, lại cầm súng làm nhiệm vụ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Lần khác, tôi đang đứng gác canh máy bay địch, trung đội trưởng Dần bất ngờ kéo tôi vào hầm kèo chữ A. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì nghe tiếng nổ như ngô rang trên đầu. Thì ra máy bay địch thả bom bi sát thương. Tôi thầm cảm ơn Dần đã cứu tôi trong tích tắc.
          Tiểu đội tôi có 5 chiến sĩ. Ngủ nhờ ba hầm du kích. Tôi lớn tuổi nhất được phân công ngủ nhờ hầm hai cô du kích địa phương. Mấy tối đầu, ngại không giám vào nằm. Hầm chữ A rộng 1,2 m, ra vào va nhau. Tôi ôm khẩu AK ngủ ngồi ở cửa hầm. Mỗi khi pháo bắn gần, lại giật mình bật vào trong. Ngớt pháo, tôi lại ra cửa hầm. Tôi nơm nớp lo sợ bị trúng mảnh đạn. Mấy cô du kích hàng ngày cười nói như không, đêm ngủ ngon lành. Họ đã dạn bom đạn. Độ bốn năm đêm sau, hai cô cùng kéo nghiến tôi vào hầm, ấn tôi năm giữa. Tôi run bắn người. Sau rồi quen cũng ngủ được.
          Tình cờ gặp Đê cùng lớp K6 khi hành quân. Mừng quá. Đê đi bộ đội trước tôi hai năm. Cậu ta là lính H12 cùng tham gia chiến dịch Quảng Trị. Sau chiến dịch Cửa Việt, Đê được về học tiếp và công tác ở Thư viện Hải Dương.
          Có lệnh tiến sang bờ nam Cửa Việt. Tiểu đội tôi sang trước nhận vị trí cho trung đội và chuẩn bị công tác bảo vệ cơ quan. Trên đường vận động qua trảng cát ra bờ sông, bất ngờ bị pháo kích. Mấy cậu vận tải cáng thương binh từ tiền phương về sợ quá bỏ cáng chạy tìm nơi tránh pháo. Cậu thương binh lồm cồm bò dậy, cà nhắc nhảy theo. Hoá ra là Thị. Trời, Thị ơi! Pháo rát quá, không sao chạy tới chỗ Thị được. Pháo ngừng. Tải thương chạy như ma đuổi. Tôi đành quay lại chuẩn bị vượt sông. Sau này được biết Thị là thương binh hạng 2, học tiếp, rồi về Thư viện Trường Nguyễn Ái Quốc 2, lại đi lao động ở Liên Xô. Năm 1982, khi đã ra quân về học tiếp tôi mới có dịp gặp lại Thị. Cậu ta béo, tai hễnh hãng, học Thạc sĩ. Khi Hải Dương chia tỉnh, Thị về làm Giám đốc Thư viện Hưng Yên. Hai chúng tôi gặp nhau trong một hội nghị chuyên ngành thư viện do Bộ Văn hóa tổ chức ở Hà Nội, cùng ôm nhau bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm máu lửa ở Quảng Trị hồi 1972.
          Chuẩn bị vượt sông. Chúng tôi dùng áo mưa gói quân tư trang làm phao bơi. Cửa sông Thạch Hãn khá rộng. Người không biết bơi cũng rất nguy hiểm. Rất nhiều đồng đội đã hy sinh khi bơi qua sông này, do địch pháo kích. Tôi tuy gầy yếu, nhưng biết bơi khá nên vượt sông không mấy khó khăn. Tôi vượt sông trước. Khi tôi sang bờ Nam nhìn lại, mấy đồng đội vẫn còn ở giữa dòng, có cậu mới ra được 1/3 sông. Nguyễn Minh Châu dáng thư sinh nhưng trẻ khỏe, bơi giỏi, đưa đồ đạc cho tôi giữ rồi lao xuống nước qua lại mấy lần dìu đồng đội. Thật may, lần vượt sông này không bị pháo địch.
          Sang bờ nam, trụ lại trên cao điểm 28,8. Được tin anh Đặng Hoàng Song (Thư viện K5) bị dính bom hy sinh cùng cả khẩu đội cối anh chỉ huy. Buồn đến mất ngủ mấy đêm liền. Thương anh Song và lo cho số phận của mình.
          Đêm đêm nhìn vòng cung pháo sáng, biết được đội hình địch và ta. Nghe rõ tiếng súng bắn thẳng trên chốt. Vệ binh canh gác cả ngày và đêm. Có tình huống thì phải báo động. Đến phiên tôi gác ngày. Không hiểu sao nóng ruột thế, cứ vào ra không yên. Thắng, người thị xã Hải Dương sờ trán tôi, bảo:
          - Anh sốt rồi. Người nóng hầm hập thế này, vào hầm mà nghỉ. Em gác thay cho.
          Một chốc Thắng quay vào:
          - Em đói quá, cho em mảnh lương khô.
          Tôi đưa cho Thắng thanh lương khô 701. Thắng cầm thanh lương khô vừa bóc ăn vừa đi ra chốt gác.
          Đột nhiên V010 bắn đạn chỉ điểm ngay khu trung đoàn bộ đóng quân. Không biết là nó phát hiện cái gì hay có chỉ điểm của địch. Pháo dồn dập. Thắng bị mảnh pháo vỡ đầu, gục xuống. Tôi bị sức ép hất ra xa. Thấy nóng ấm trên đầu và vai, tôi sờ đầu, tay nắm phải vật gì mềm và nóng, hoảng quá kêu lên:
          - Tao bị rồi Hạnh ơi!
          Hạnh kéo tôi vào hầm, kiểm tra thân thể tôi, bảo:
          - Anh không bị vết nào đâu! Thắng bị rồi anh ạ. Chắc là óc Thắng văng vào đầu anh đấy!
          Tôi bật khóc: “Thắng ơi!... Thắng ơi!... Thắng ơi!...”
          Pháo ngớt, chúng tôi xúm vào khênh xác Thắng về hầm trú ẩn. Đơn vị làm thủ tục chôn cất Thắng rất đơn giản. Không có ván, chỉ có tăng và võng gói xác Thắng. Trung đội trưởng ghi trích ngang của Thắng vào mảnh bao thuốc lá, bỏ vào lọ philixilin đậy kín rồi nhét vào túi áo ngực Thắng. Tôi ngồi nán lại hồi lâu trước nấm mồ bé nhỏ sơ sài, nói thầm với Thắng: “Thắng ơi! Anh ngàn lần cảm ơn em đã nhận cái chết thay anh! Là phiên gác của anh, nhưng em... Ai ngờ...”
          Trận bom B52 ngay sau đó làm biến đổi địa hình. Tôi không sao nhận ra được mộ Thắng ở chỗ nào nữa.
          Trung đội trưởng Dần thông báo: Ông già trụ lại quê hương mà hàng ngày chúng tôi cơm bưng nước rót hầu hạ để làm công tác dân vận chính là tên chỉ điểm cho địch. Không tin được. Nhưng trong chiến tranh, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
          Tiểu đội tôi đổi về bảo vệ bộ chỉ huy trung đoàn, bàn giao công tác bảo vệ Bộ chỉ huy tiền phương cho tiểu đội Sánh. Trong một tối gác đêm hầm các chỉ huy trung đoàn, tôi được phân công gác hầm trung đoàn trưởng. Nguyễn Xuân Trắc, người Phú Thọ gác hầm chính uỷ. Tới hầm trung đoàn trưởng phải lội qua tràn ruộng, mà tôi thì đi giày vải nên cứ lúng túng, định quay về thay dép cao su. Thấy thế, Trắc bảo:
          - Em đi dép, để em gác hầm trung đoàn trưởng cho, anh gác hầm chính uỷ.
          - Ừ! Em đổi vị trí cho anh nhé!
          Trắc lội thoăn thoắt qua tràn ruộng. Tới cửa hầm trung đoàn trưởng, Trắc quay lại cười và vẫy tay với tôi. Tôi chui vào hầm chính uỷ, ngồi ở cửa hầm vuông nơi dùng làm nơi họp của chính ủy chưa nóng chỗ thì B52 rải thảm. Tôi bị hơi bom thổi bay vào trong hầm kèo chữ A, khẩu AK mắc lại cửa hầm. Chính uỷ đang làm việc trong hầm chữ A, sờ khắp người tôi, lo lắng:
          - Có sao không con?
          - Dạ, con không sao ạ.
          - Không sao là tốt rồi. Ra xem tình hình thế nào.
          Tôi chui ra khỏi hầm. Quang cảnh địa hình sau 3 loạt bom B52 thay đổi lạ hoắc. Tôi không sao nhận biết được vị trí các hầm của ta ở đâu. Rộ lên tiếng người kêu cứu, tiếng bước chân vội vã của chiến sĩ, tiếng xẻng, cuốc hối hả đào bới, tiếng ra lệnh của các chỉ huy... Dần và Châu vừa tìm kiếm vừa gọi rối rít :
          - Giống ơi! Giống ơi! Mày ở đâu?
          - Trắc ơi! Mày ở đâu?
          Tôi kêu lên :
          - Tao ở đây!
          Dần, Châu rồi cả trung đội vệ binh ùa lại. Dần hỏi:
          - Trắc đâu?
          - Tao không rõ. Nó đổi gác sang hầm Trung đoàn trưởng.
          Châu định hướng và đo khoảng cách bằng bước chân.
          - Chỗ này! Tất cả đào bới nhanh lên.
          Cả trung đội vừa bới đất, vừa gọi Trắc và trung đoàn trưởng. Lại bới rộng ra xung quanh. Chúng tôi đào bới hết sức nhưng vẫn không tìm thấy hầm trung đoàn trưởng. Khi chính uỷ hết hy vọng, cho phép lính vệ binh nghỉ thì bỗng nhiên cùng với tiếng kêu cứu, đầu của công vụ trung đoàn trưởng thọc từ đất nhô lên. Chúng tôi lao tới tiếp tục công việc đào bới. Khi chúng tôi moi được những người trong hầm ra thì Trắc đã hy sinh. Trên người Trắc chỉ còn cái thắt lưng và cái bi đông nước. Trung đoàn trưởng bị sức ép nặng. Khi tỉnh lại, ông liên mồm chửi Mỹ nguỵ. Ông được đưa ngay ra Bắc. Cậu lính công vụ cũng được đưa ra cùng ông. Tham mưu trưởng trung đoàn điều cậu Quỳnh gầy vệ binh đi theo phục vụ Trung đoàn trưởng. Cho đến giờ tôi cũng không có dịp gặp lại họ. Nghe tin trung đoàn trưởng và công vụ hy sinh trên đường ra Bắc.
          Trung đoàn phó Ngoan lên nắm quyền Trung đoàn trưởng.
          Gặp Dũng trung cấp văn hoá quần chúng về công tác ở Trung đoàn. Dũng đã là trợ lý tiểu đoàn. Dũng báo tin Đủ K6 về thông tin 15 w dính bom đã ra Bắc rồi. Thế là ba thằng K6 (Đại học Thư viện khóa 6) đến nay chỉ còn tôi ở lại chiến trường.
          Anh cán bộ quân lực trung đoàn cho biết: Thạch K7 trung đội phó vận tải được ra Bắc. Lý do thật khôi hài: Phiên Thạch ở hậu cứ, cố tình ngủ với du kích địa phương. Cô du kích khoe rầm lên. Đơn vị yêu cầu kiểm điểm.  Thạch nhận tất. Kỷ luật. Ra Bắc. Về trường học tiếp. Sau này tôi biết Thạch học xong đại học thì được về công tác ở văn phòng Chính phủ, rồi tốt nghiệp thạc sĩ khoá đầu tiên của trường Đại học Văn hoá. Còn tôi, nào Huân chương chiến công, nào dũng sĩ quyết thắng mà mãi năm 1980 mới được trở về học tiếp với cái giá từ chối quân hàm Thượng uý. Nhưng thôi, đấy là sau này. Mỗi người có số phận của mình.
          Tháng 9 - 1972. Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325 chúng tôi đã tham chiến nhiều trận. Thua liểng xiểng. Nghe đồn có lệnh cho E101 ra Bắc củng cố lực lượng, nhưng các thủ trưởng sợ mất “sao” nên cố xin ở lại tiếp tục chiến đấu. E101 thuộc F325 được điều trực thuộc Sư đoàn 320. Phó Tư lệnh F320 là trung tá Đào Dũng, người Hải Dương, trực tiếp chỉ huy E101 của F325. Khi về chỉ huy E101, việc đầu tiên ông làm là thăm trung đội vệ binh. Chẳng hiểu vì lý do gì, ông thường gọi đích danh tôi và Quỳnh (không phải cậu Quỳnh gầy) đi bảo vệ mỗi khi ông đi công tác. Ông thường hỏi han tình hình gia đình và tâm sự của chúng tôi, hay cho chúng tôi lương khô 702 và thuốc lá. Có bận qua suối, ông đeo giầy da nên cứ lúng túng sợ ướt giầy. Tôi xung phong cõng ông qua suối, nhưng Quỳnh bảo:
          - Để em, anh gầy thế nhỡ ngã thủ trưởng thì...
          Nói rồi Quỳnh khom lưng cõng thủ trưởng qua suối. Chuyện vệ binh cõng ông, năm 1978 gặp lại tôi, ông vẫn còn nhớ. Khi ấy tôi là Thiếu uý trợ lý tuyên huấn sư đoàn 338 đóng ở Đình Lập, Lạng Sơn. Ông được điều về làm tư lệnh trưởng F338. Gặp ông, tôi hỏi:
          - Có phải thủ trưởng hồi 1972 chỉ huy E101 của F325?
          Ông ngạc nhiên :
          - Sao cậu biết?
          - Dạ, em là vệ binh bảo vệ thủ trưởng ở Quảng Trị mà.
          Ông mừng rỡ:
          - Thế à? - rồi ông nhìn kỹ tôi, hỏi: - “Mày là thằng Giống còm, đúng không?”
          - Dạ đúng.
          - Nhưng khi ấy mày mới là binh nhất.
          - Còn thủ trưởng lúc đó đâu đã là Đại tá như bây giờ.
          Ông xởi lởi:
          - Mày yên tâm, tao sẽ chú ý đến mày.
          Nhưng chưa đầy ba tháng sau, ông lại bị điều về làm Tư lệnh trưởng Đặc khu Quảng Ninh. Nghe nói ông được phong Thiếu tướng. Lại nghe nói ông bị con gái từ mặt vì lấy bạn gái của con gái làm vợ kế.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét