Họa sĩ HỒ Y
Phòng văn nhà thơ Tú Xương - Tranh: Hồ Y |
Nhà thơ Trần Tế Xương – Tú Xương sinh
năm 1870 tại thành Nam (Nam Định). Thơ
cụ Tú thành Nam
được người đời tôn vinh, đưa vào sách giáo khoa dạy học trò, được nhiều nhà
nghiên cứu văn học đánh giá rất cao. Trần Thanh Mại gọi cụ Tú Xương là nhà thơ
thiên tài. Nhà văn Nguyễn Công Hoan nhận xét Tú Xương là bậc thần thơ thánh
chữ. Đặng Thái Mai khen Tú Xương là thầy Tú biết cười. Nguyễn Tuân biểu dương
Tú Xương là một người thợ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ
xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam. Nhà thơ Xuân Diệu nhận định về
cụ Tú:
Ông nghè, ông thám vô mây khói
Đứng lại văn chương một tú tài.
Nhân dân thành Nam coi cụ Tú Xương là cột trụ vững vàng của nền
văn học đất Sơn Nam.
Tôi
còn nhớ, năm 1957 trên Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam có tổ chức kỷ niệm 50 năm
ngày mất Tú Xương. Thành phố Nam Định cũng diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh
của cụ Tú vào năm 1970. Các văn nghệ sĩ ở Hà Nội về dự rất đông, như Nguyễn
Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên v.v… Nhưng từ đó đến
nay không thấy địa phương có hoạt động gì nhớ đến nhà thơ Trần Tế Xương nữa.
Ngôi nhà cụ Tú xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều người có tâm kiến nghị với những
người có trách nhiệm quan tâm đến ngôi nhà lưu niệm cụ Tú nhưng không được đáp
ứng. Ngay câu thơ nổi tiếng của cụ - bài Sông Lấp bị khắc sai trên bia mộ cụ ở
bên hồ Vị Xuyên thành Nam, bị nhiều quan khách tham quan phê phán đến nay vẫn
không được chỉnh lý. Không rõ các cán bộ tuyên giáo, văn nghệ, văn hóa trong
tỉnh bận công việc gì mà kín tiếng về nhà thơ Trần Tế Xương vang vọng của đất
Vị Hoàng thành Nam.
Từ lâu, ở các thành phố lớn như Hà Nội,
Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng… đã có đường phố mang tên nhà thơ Trần Tế Xương. Nhưng ở
chính thành phố quê hương cụ Tú – thành Nam, gần đây mới có một đoạn đường được
mang tên Trần Tế Xương. Đường Trần Tế Xương chạy từ ngã ba đường Nguyễn Trãi
đến đầu đường Mạc Thị Bưởi, khoảng 500 mét, đường phố dường như không có nhà
dân…
Thơ cụ Tú được người dân cả nước ngưỡng
mộ. Nhắc đến tên tuổi cụ Tú là người ta nghĩ ngay đến địa danh thành Nam - Nam
Định. Cụ Tú là người con của thành Nam, là niềm tự hào của quê hương Nam Định.
Nhưng dường như những người có trách nhiệm ở địa phương không mấy nghĩ đến cụ
Tú.
Tôi tự hào là một người đồng hương của
cụ Tú. Là một họa sĩ, tôi nghĩ mình không có tác phẩm nào về danh nhân Trần Tế
Xương là có lỗi với cụ Tú và quê hương. Tôi ấp ủ đề tài tranh cụ Tú từ lâu. Một
cơ may là khoảng năm 1970, trong khi đi ký họa về phố cổ thành Nam, tôi thấy ở
phố Hàng Nâu vẫn còn sót lại một vài căn nhà cổ, trong đó có nhà cụ Tú (nay là
nhà 280 phố Minh Khai).
Nhà Tú Xương phố Hàng Nâu. Tranh: Hồ Y |
Sau khi cụ Tú qua đời năm 1907, bà Tú
đã bán ngôi nhà, thu vén dụ dỗ các con về sống ở quê ngoại Hải Dương. Ngôi nhà
cụ Tú đến nay đã qua nhiều chủ. Từ 1952 đến nay, ông Thành là chủ ngôi nhà này.
Mến mộ danh tiếng cụ Tú, các gia chủ mới đều có ý thức tôn trọng bảo quản giữ
gìn nguyên vẹn căn gác làm phòng văn của nhà thơ trước kia. Rất tiếc là hiện
trong căn gác đó hầu như không còn một kỷ vật nào của cụ Tú để lại như câu đối,
đại tự… Căn gác có tuổi gần hai trăm năm, bảy năm ròng cụ Tú dùng làm nơi sáng
tác thơ văn. Ông Thành tâm sự: “Do biến thiên của thời gian, lại qua hai cuộc
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tàn phá nên căn gác xuống cấp trầm trọng…”
Về đề tài Tú Xương, có nhiều người vẽ
chân dung cụ bằng cách mượn một người ngồi làm mẫu, tóc búi củ hành sau gáy,
tay cầm chiếc bút lông, dưới chân là chiếc nghiên mài mực, rồi gắn hình ảnh đó
là cụ Tú Xương. Riêng tôi nhận xét những bức tranh kiểu đó không có thần thái.
Tôi nghĩ mình phải khác mọi người, vẽ cụ Tú bằng hình thức chân dung văn học.
Hiện nay ở nước ta có hàng nghìn họa sĩ được đào tạo qua trường lớp. Họ vẽ
tranh thường lạm dụng xảo thuật. Gần đây họ lại chú ý chơi khung tranh nhiều
hơn là nội dung tranh. Có những khung tranh rất đắt tiền. Rồi người ta lại đua
nhau vẽ tranh theo trường phái trìu tượng đến nỗi nhìn vào không hiểu gì. Lại còn
tranh sắp đặt lủng củng những đồ vật, có cảnh tượng tác giả tự trói mình vào
gốc cây để gây cảm xúc… Thật là cao thủ!
Tôi kiên trì vẽ theo phong cách từ nhân
dân mà ra. Nhân dân đây là nhân dân Việt Nam, chứ không phải ngoại bang. Tôi
sẽ thổi hồn nhân vật vào tranh. Tôi phải nghiên cứu rất kỹ về cụ. Ngoài việc
đọc nghiên cứu tuyển tập thơ Tú Xương, tôi còn thường lên chơi thăm thầy giáo
Chất, cụ giáo Lâm trên phố Hàng Nâu là người có họ hàng xa với cụ Tú để tìm
hiểu thêm. Hai ông cho biết, sinh thời cụ Tú rất thích hoa nhài. Trong phòng
văn thơ của cụ bao giờ cũng có một vài bông hoa nhài. Thế là tôi có thêm tư
liệu để dựng tranh về cụ. Tôi bố cục bức tranh gồm một chiếc kỷ văn kê ở sát
bên cửa sổ. Trên mặt kỷ có ống đựng bút, trang thơ viết dở “Giật mình còn tưởng
tiếng ai gọi đò”. Cạnh đó là một be rượu, một ấm trà, một chiếc lư đồng con con
để đốt hương trầm mỗi khi cụ làm thơ, làm văn. Chỗ ngồi bên trái là một bát
điếu hút thuốc lào. Bên phải cụ để cái tráp đựng những bài thơ, trên mặt tráp
có bông hoa nhài. Nhìn qua cửa sổ ngoài kia là cánh đồng có cây hoa gạo, chiếc
quán nghỉ chân với con bò đang gặm cỏ, một đoạn sông lấp còn sót lại có con đò…
Trên tường cạnh cửa sổ treo chiếc ô lục soạn mà cụ Tú thường che đầu mỗi khi
lui tới phố Hàng Thao, và đôi câu đối bất hủ của cụ:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.
Toàn bộ bức tranh toát lên cái hồn thơ
của nhà thơ Trần Tế Xương.
Thông thường khi tranh vẽ xong, tôi mời
bà con đường phố xem và cho ý kiến. Được bà con đồng cảm và hiểu ý tác giả khi
xem bức tranh Phòng văn Tú Xương là niềm vui lớn của tôi. Như vậy, tôi đã thực
hiện được ý nguyện lưu giữ hồn thơ Tú Xương vào tranh để lại cho con cháu mình
mai sau.
HỒ Y
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét