Đặng Sinh
(Sưu tầm và biên soạn)
(Sưu tầm và biên soạn)
NGÂN HÀNG
ĐÔNG DƯƠNG CHI NHÁNH NAM
ĐỊNH
Tác giả Đặng Sinh |
Sau
khi Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp, nước ta vẫn chưa có ngân hàng và các
tổ chức tín dụng quốc gia. Ngoài tiền giấy và tiền kim loại cổ truyền, chúng ta
sử dụng đồng bạc Mexico
đã được lưu hành trong buôn bán với thương nhân nước ngoài, trước khi liên quân
Pháp – Tây Ban Nha xâm lược nước ta.
Người
Pháp choáng ngợp trước những cánh đồng mầu mỡ thẳng cánh cò bay, những vùng đất
hoang hóa bao la, những vùng rừng ngập mặn nhiệt đới đối với những sản phẩm
nông nghiệp đa dạng trong cả bốn mùa của năm cùng những tài nguyên còn nằm yên
trong lòng đất.
Nhưng
thời đó, năng suất nông nghiệp quá thấp. Nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn làm
đời sống nông dân khốn khổ, khiến tình hình sản xuất không thể cải thiện được.
Ngày
22-2-1860, Pháp cho mở cảng Sài Gòn để thuyền bè các nước được ra vào buôn bán
tự do. Ngay lập tức, lúa gạo Nam Kỳ tăng vọt. 40 lít lúa gạo có giá 1 quan tiền
được bán ngay tăng gấp 2 lần, tương đương 1 frăng vàng. Nhờ vậy quân đội Pháp
có một khoản tiền lớn đủ để chi tiêu.
Theo ghi chép của Luro năm
1864, tiền thu nhập của Nam Kỳ năm 1864 đã là 6.291.000 frăng và đến năm 1874
đã lên 14 triệu frăng.
Báo
La Gazette de France số ra ngày 5-11-1864 đánh giá Nam Kỳ có vị trí quân sự và
chính trị rất quan trọng. Tuy sản xuất còn kém, nhưng vẫn sản xuất được lượng
lớn, mà những nước thiếu lương thực như Nhật Bản phải phụ thuộc.
Nhưng
tin tức này làm chấn động báo chí Pari và làm Bộ thuộc địa Pháp rất hân hoan vì
họ đã có đủ tiền tiếp tục mua vũ khí cho quân đội Pháp mở rộng chiến tranh xâm
lược Việt Nam.
Tư
bản Pháp và châu Âu đổ xô vào Việt Nam mở các của hàng bách hóa, các cơ sở
thương mại, dịch vụ, các nhà máy nhỏ, nhưng dần dần thiếu vốn kinh doanh vì gặp
sự cạnh tranh ác liệt của tư bản Anh và Đức. Người Anh đã đi trước Pháp ở châu
Á. Hai ngân hàng Anh ở châu Á rót vốn cho dân Anh ở Việt Nam. Tại Sài Gòn người
Đức sở hữu các hãng buôn mạnh nhất và các dịch vụ đáng kể nhất. Người Pháp chủ
yếu chỉ bán lẻ các mặt hàng nhập khẩu. Trong lĩnh vực kinh doanh, Nam Kỳ gần
như là mảnh đất của Đức. Trước tình hình đó, nếu không có sự giúp đỡ của các tổ
chức tài chính, nhiều hàng kinh doanh của Pháp ở Việt Nam có khả năng phá sản.
Rồi để có thể khai thác được
thuộc địa, có tiền cho đội quân xâm lược, phải xây dựng trụ sở, trả lương cho
hệ thống chính quyền, xây dựng các thành phố và mở rộng sản xuất. Phải cải tạo
các hệ thống sông ngòi, xây dựng đường sắt, cảng biển... Các công ty khai
khoáng cũng đòi hỏi các khoản tín dụng lớn.
Nhưng
ở thời điểm ấy Pháp mất khả năng chi trả cũng như thành lập được ngân hàng đáp
ứng được yêu cầu như thế. Sau chiến tranh Pháp – Phổ (1870-1871), nước Pháp
thua trận, phải đền bù chiến phí 5 tỉ frăng và bị chiếm đóng cho đến khi đền bù
đủ chiến phí. Trong khi đó tiền thuế mỗi năm chỉ thu được 1 – 5 tỉ frăng, không
đủ chi tiêu, chứ chưa nói đến trả nợ. Đây là thời điểm mà các ngân hàng Pháp
cứu nước Pháp. Chính phủ Pháp phải nhờ các ngân hàng bán trái phiếu chính phủ,
và ngân hàng được khoản hoa hồng 5% lượng bán. Hai năm sau nước Pháp trả xong
nợ và quân Đức rút khỏi nước Pháp. Nhưng cảnh nợ nần vẫn bám chặt chính phủ
Pháp và họ phải thẳng thắn thừa nhận không đủ khả năng thành lập một ngân hàng
trực thuộc chính phủ giành cho xứ thuộc địa để cứu tình hình kinh tế Đông Dương
được. Trước tình hình ấy, tổng thống Pháp phải ký sắc lệnh thành lập ngân hàng
Đông Dương tức Banque de l’Indochine viết tắt là BIC ngày 21-1-1875. Đây là một
ngân hàng cổ phần và ngay trong tuần đầu tiên, cổ phiếu 8 triệu Frăng đã được
bán hết.
Ngân
hàng có trụ sở chính ở Pari năm 1875, được quyền hoạt động như một ngân hàng
trung ương, có quyền phát hành giấy bạc và tiền kim loại cho các xứ thuộc địa ở
châu Á và điều hành kinh tế của Pháp ở Đông Dương. Chi nhánh đầu tiên đặt ở Sài
Gòn. Năm 1885 ở Hải Phòng, 1886 ở Hà Nội, 1891 ở Đà Nẵng, 1926 ở Nam Định, Cần
Thơ, 1928 ở Quy Nhơn, 1943 ở Đà Lạt. 1898 mở thêm các chi nhánh ở Trung Quốc,
Thái Lan và ở các thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ.
Năm
1940 nền Đệ tam cộng hòa của Pháp sụp đổ, chính quyền Vichy lên thay quy hàng
Đức, chủ trương hợp tác với Nhật ở Đông Dương. Ngân hàng Đông Dương được phát
hành loại tiền mới, thay thế dòng chữ Banque de l’Indochine bằng dòng chữ Phủ
toàn quyền Đông Dương. Ngoài ra Nhật còn cho lưu hành loại tiền in từ Nhật,
nhưng không đề chữ Nhật với giá quy đổi 1 yên = 0,976 đồng Đông Dương.
Sau
năm 1953 Ngân hàng Đông Dương bị giải thể. Việc phát hành giấy bạc được giao
cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam
của Bảo Đại.
Từ năm 1946 “tiền Cụ Hồ” được
phát hành và sử dụng đồng thời với tiền Đông Dương. Sau 7-1954 ta tiếp thu cơ
sở của Ngân hàng Đông Dương để thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Nam Định).
Ngân
hàng Đông Dương tái hoạt động vào năm 1958 ở những nơi khác ở Á châu. Đến năm
1975 thì nhập vào ngân hàng khác với tên mới Banque Indosuez, và đến năm 2001
thì nhập vào Alliauce Banking Grup hoạt động chính thức ở Malaysia.
Ngân
hàng Đông Dương là một ngân hàng đặc quyền, có tầm hoạt động toàn châu Á, đã
cho từng người nông dân vay nếu có yêu cầu và đủ điều kiện, cho các công ty vay
vốn, thậm chí góp vốn cho các công ty lớn hoạt động, đã giúp ích đắc lực cho
cuộc xâm lược của Pháp ở Đông Dương và chi phối nền kinh tế Đông Dương. Đây là
một ngân hàng bất khả chiến bại. Từ số vốn ban đầu 8 triệu frăng năm 1875. đã
tăng lên 24 triệu frăng năm 1900 và 157,5 triệu frăng năm 1945.
Sau khi triều đình Huế ký Hiệp ước Pa-tơ-rốt
(6-6-1884) chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, công cuộc xâm lược Việt Nam của Pháp
hoàn thành. Pháp bắt đầu tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897
– 1914).
Cô Tư Hồng, một trong những phụ nữ lấy Tây đầu tiên của Hà Nội, là một người có
thế lực. Cô đã nhận được hợp đồng phá rỡ thành cổ Hà Nội. Gạch của thành được
cô đem về xây nhà 15 Hàng Da và 9 ngôi nhà hai tầng cùng một kiểu ở phố Quán Sứ
Hà Nội. Sau đó, cô đem hàng ngàn người đến phá rỡ thành cổ Nam Định. Pháp cho
nạo vét lòng sông Đào, đặt đường xe goòng chạy suốt từ Tân Đệ, qua các đường
nay là Hàn Thuyên, Quang Trung để chở đất từ Mỹ Tân về san lấp hồ ao, ruộng
đồng mở rộng thành phố. Toàn bộ khu ruộng ở phía nam đường Cửa Đông đến bờ hữu
sông Đào Nam
Định dần dần được san lấp trong thời kỳ đó. Đường Paul Bert được định hướng
thành đường phố chính của một thành phố hiện đại.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nam Định hiện nay trước đây là Ngân hàng Đồng Dương chi nhánh Nam Định |
Khu
đất đối diện với Nhà thờ Đức Bà (Nam Định) rộng 7.027 mét vuông được bán cho
Ngân hàng Đông Dương, để từ năm 1923 xây dựng Chi nhánh Nam Định. Và năm 1926
ngân hàng này chính thức đi vào hoạt động. Khác với Chi nhánh Hà Nội và Sài
Gòn, mặt tiền của Chi nhánh Nam Định là một hàng dậu sắt cao, uy nghi lấy mẫu
từ hàng dậu sắt của Phủ toàn quyền Hà Nội. Phòng làm việc và giao dịch là một
tòa nhà 5 tầng màu ghi đá đẹp lộng lẫy. Vẻ đẹp lạnh lùng và uy nghi của nó đã
thể hiện sức mạnh to lớn trong thời gian tồn tại. Dân Nam Định rất ngạc nhiên
là qua cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ khốc liệt cũng như sự tàn phá của
thời gian mà ngân hàng gần như không phải sửa chữa, cơi nới như các công sở
ngày nay thường làm.
Bây giờ, chúng ta tìm hiểu sơ qua quá trình phát hành và sử dụng đồng tiền của
Pháp ở Đông Dương và Nam
Định.
Thời Gia Long, 1 quan tiền cổ truyền bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng kẽm hay
đồng điếu. Như vậy, 1 quan tiền bằng 600 đồng tiền kẽm.
Thương nhân nước ngoài dùng đồng peso Mexico,
được dân Việt gọi là đồng hoa xòe, hay đồng con cò, đồng con ó. 1 đồng peso Mexico có giá
bằng 1 quan tiền.
Sau khi Ngân hàng Đông Dương hoạt động, thì tiền giấy được lưu hành đầu tiên ở
Nam Kỳ. Tiền Đông Dương chia thành các đơn vị: Piastre, Centime và Sapèque.
Đồng
Piaster được gọi là đồng nếu là tiền giấy, gọi là đồng bạc hay bạc nếu là tiền
kim loại sản xuất trước 5 – 1930 vì khi đó dùng bản vị bạc. Từ 5 – 1930 về sau,
dùng bản vị vàng cho nên đồng này được gọi là đồng vàng.
Đơn
vị nhỏ hơn là Centime, hay Cent ta thường gọi là xu.
1
đồng Đông Dương = 100 xu.
10
xu là 1 hào hay 1 cắc.
Đơn
vị nhỏ nhất là Sapèque là đồng điếu, đồng kẽm, ta thường gọi là trinh.
Ngay
từ đầu, 1 đồng Đông Dương được định giá bằng 1 Peso Mexico. Như vậy:
1
quan tiền cổ truyền = 10 tiền = 600 đồng điếu (Thời Gia Long).
1
đồng Đông Dương = 1 đồng Peso Mexico
= 1 quan cổ truyền = 100 xu = 200 đến 600 đồng kẽm tùy theo từng thời kỳ.
Dần
dần các đồng tiền cũ bị loại bỏ. Năm 1906 hủy bỏ giá trị lưu hành của đồng Peso
Mexico.
Ngày
21 – 1 – 1875 lưu hành tiền giấy có mệnh giá 5 đồng, 20 đồng, 100 đồng. Mãi đến
năm 1893 mới bắt đầu in tờ 1 đồng. Vậy trong thời gian từ năm 1875 đến 1893 sử
dụng 1 đồng là đồng bạc hoa xòe bằng bạc.
Năm
1919 in tiền giấy 10 cents, 20 sents, 50 cents (1 hào, 2 hào, 5 hào). Sau khủng
hoảng kinh tế in tờ 500 đồng.
Từ
năm 1942 đến 1944, Nhật dần dần chi phối kinh tế Đông Dương. Chính quyền Đờ Cu
phải cung cấp tiền cho quân đội Nhật nên Pháp phải cho phát hành lượng tiền mặt
in dòng chữ Phủ toàn quyền Đông Dương (Gduvernement General de l’Indochine)
thay cho dòng chữ Banque de l’Indochine cho các loại tiền 5, 10, 20, 50 xu. Các
loại tiền in từ Nhật đem sang Đông Dương tiêu, không in chữ Nhật.
Các
loại tiền kim loại được đúc rất nhiều lần, rất nhiều loại. Ngân hàng Đông Dương
đúc tiền kim loại lần đầu tiên vào năm 1875. Đó là các đồng 1 xu bằng đồng có
đục lỗ, và các đồng 10, 20, 50 xu và 1 đồng bằng bạc. Khi đó 1 xu = 5 đồng kẽm.
Các đồng bạc đã bỏ hình ảnh của các triều và in hoàn toàn bằng chữ Pháp. Mặt
sau có Marianne với các tia sáng trên đầu. Dân Việt gọi đồng tiền này là đồng
hoa xòe. Sau đây là hình ảnh đồng tiền này in năm 1883 và đồng 100 bằng giấy.
Nếu
các bạn quan sát các nhân vật quần chúng thời trước trên phim hay trên sân
khấu, bạn sẽ thấy các tiểu thư yểu điệu phe phẩy cái quạt trên tay, các nho sĩ
hào hoa vắt trên vai cái túi vải lòng thòng như quả mướp lững thững đi những
bước chậm rãi, thằng hầu hoặc dân lao động thì tất tả quang gánh chạy ngược,
chạy xuôi. Trước khi Pháp đến Việt Nam, người ngoại quốc đến Trung Quốc thì tất
cả quần áo của phụ nữ, nam giới Việt cũng như Hoa đều không có túi, nên không
có chỗ chứa tiền bạc. Mà các quan tiền, đồng xu, đồng trinh đều nặng. Vì vậy
các đồng tiền kim loại này phải đục lỗ, xuyên dây để vắt vai hoặc gánh đi.
Chính
vì vậy, vào năm 1879 khi Ngân hàng Đông Dương đúc loại xu mới bằng đồng lớn hơn
cũng có giá trị bằng 5 đồng kẽm, nhưng không đục lỗ thì dân chúng kêu ầm lên,
vì khó mang đi lại quá. Đến năm 1896, khi đúc lại loại xu này, thì lại phải đục
lỗ.
Năm
1933, đúc đồng xu, trinh đầu tiên và duy nhất mang danh Bảo Đại gọi là đồng Bảo
Đại Thông Bảo. Các đồng trinh có đường kính 1 cm, các đồng xu có đường kính 1,5
cm. Khi đó 1 xu Khải Định bằng 2 trinh Bảo Đại.
Các
loại tiền kim loại không phải bằng đồng ra đời lần đầu vào năm 1923. Đấy là các
đồng 5 xu bằng hợp kim có đục lỗ. Năm 1939 đúc đồng nửa xu bằng kẽm, đồng 10
xu, đồng 20 xu (đồng góc tù) bằng ni-ken và đồng 50 xu (đồng rubi) bằng
hợp kim.
Trong
các loại tiền kim loại thì đồng bằng bạc không đục lỗ có hình Marianne là đồng
tiền được quý nhất. Việc mua bán, thách cưới bằng đồng bạc hoa xòe rất phổ biến
ở các vùng rừng núi. Còn đồng bạc miền xuôi nhà nào cũng lưu giữ vài đồng để
đánh cảm. Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, một công ty xuất nhập khẩu Nam
Định thu gom những đồng tiền này để cung cấp cho nước bạn Lào. Và có nhóm sản
xuất giả những đồng bạc này, nhưng không thành công.
Từ
năm 1942 đến 1944, Nhật rất cần tiền để chi tiêu, nên ngoài đồng ¼
xu bằng kẽm, cho lưu hành một lượng lớn tiền nhôm 1 xu, 5 xu có đục lỗ và in
chữ Estat Francais.
Đến
năm 1945 các đồng 10 xu, 20 xu rồi 5 xu, 1 đồng bằng nhôm không đục lỗ mang
danh Liên bang Đông Dương, cùng các loại tiền giấy Phủ toàn quyền Đông Dương ồ
ạt chạy ra thị trường nhằm tăng cường thu mua thóc gạo cho Nhật. Dù giá thu mua
của Nhật cao hơn của Pháp, những việc phá lúa trồng đay, ép dân bán lượng lương
thực quá lớn để tích lũy đã là những nguyên nhân gây nên nạn đói năm 1945...
Đặng Sinh
Phố Hoàng Văn
Thụ, tp Nam
Định.
(còn tiếp)
.................
Tài liệu tham khảo:
- Ngân hàng Đông Dương (Wikipedia)
- Sự ra đời Ngân hàng Đông Dương (Dương Tố, Quốc Thái)
- Lịch sử tiền tệ nước nhà (Lê Đình Chân, 1967)
- Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.
- Thành Nam xưa (Vũ Ngọc Lý)
- Ngân hàng Đông Dương (Wikipedia)
- Sự ra đời Ngân hàng Đông Dương (Dương Tố, Quốc Thái)
- Lịch sử tiền tệ nước nhà (Lê Đình Chân, 1967)
- Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.
- Thành Nam xưa (Vũ Ngọc Lý)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét