Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

HAI CÂY GẠO CHÙA CỔ LỄ



          Đồng Ngọc Hoa

          Đó là hai cây gạo tại chùa Cổ Lễ huyện Trực Ninh, Nam Định. Chuyện kể rằng: “Có đôi trai gái yêu nhau nhưng vì gia đình mà không lấy được nhau nên đã cùng nhau trồng hai cây gạo tại chùa Thần Quang (ngôi chùa do Quốc sư Minh Không xây dựng và tu tập ở đây), rồi nhảy xuống sông Hồng để quên sinh”. Năm 1611 do nạn đại hồng thủy mà ngôi chùa này bị cuốn đi chỉ còn lại hai cây gạo đứng đó trơ gan cùng tuế nguyệt ghi nhận một tình yêu không thành.

          Thương cho tình yêu con trẻ, nhân dân rào rấp hai cây gạo cẩn thận nhưng hàng trăm năm sau cây vẫn không lớn, không chết.
          Vào thời Vua Lê Chúa Trịnh thì chỉ tranh nhau quyền lực, đời sống nhân dân cực khổ trăm bề vì đê sông Hồng liên tục vỡ hàng năm. Sợ hai cây gạo bị nở xuống sông nên có hai ông bà người họ Ngô ở Nam Hồng bây giờ, mang lễ xuống khấn bái rồi đào hai cây gạo về trồng phía bắc chùa Thần Quang mà nhân dân nơi đây xây dựng từ sau đại hồng thủy để thờ Phật và Quốc sư Minh Không. Hai ông bà này lấy nhau đã tám năm mà vẫn không có con nên cùng với việc chuyển trồng hai cây gạo, họ còn mở pháp đàn tụng kinh dược sư, trả nợ Tào Quan, phóng sinh, bố thí, làm lễ cầu siêu thoát cho đôi nam nữ và cầu tự thánh tổ Nguyễn Minh Không xin có con nối dõi. Thật là người làm phúc thì lúc nào cũng sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm, họ đã sinh được người con trai khôi ngô tuấn tú. Hai cây gạo từ thời ấy cũng lớn lên xanh tốt.
          Năm  1820, hội văn thân quyên góp xây miếu thờ hai ông Đào (TS Đào Toàn Bân và con là Trạng nguyên Đào sư Tích)  ngay bên cạnh cây gạo phía bắc. Năm 1902 nhân dân làng Cổ lễ đón được sư tổ Thích Quang Tuyên về, Người đã vào Huế gặp vua Khải Định xin được xây chùa tại Cổ Lễ. Khi đã có chiếu chỉ, sư tổ về bàn với dân làng hợp ba ngôi chùa cùng mang tên Thần Quang tự lại cho to đẹp phong cảnh. Xây xong chùa, Người xây lại miếu thờ hai ông Đào cho hợp với hướng chùa nên cây gạo lại ở sau miếu là vậy.
          Hai cây gạo này tính ra đã có tuổi đến hơn 500 năm, một cây to, một cây bé. Người ta thường gọi là cây chồng, cây vợ. Cây to có bạnh gốc đến ba mét, thân cũng phải có đường kính hơn mét, chiều cao khoảng 45 m tỏa tán xung quanh che mát ao chùa và đền thờ Trần Hưng Đạo tại chùa. Cây vợ thì nhỏ hơn nhưng gốc cũng phải hàng mét, không gầm ghì hang hốc như cây chồng. còn chiều cao và tán lá cũng không kém cây chồng. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, cây gạo là nơi treo loa phát thanh mang tin tức trong và ngoài nước nhất là tin thắng trận đến cho nhân dân toàn vùng Cổ Lễ.
          Mới đây khoảng gần chục năm có đoàn hầu bóng ở tỉnh Thanh ra lễ chùa, sau khi cầu phúc cầu lộc cầu tài thì vào hầu tại phủ mẫu. Lúc cúng chúng sinh có bà cụ khoảng gần 70 tuổi người cùng hội đội mâm nả và vàng hương ra gốc cây gạo cúng. Một cụ già người dân Cổ Lễ hỏi:
          - Sao trong đền trong phủ bà không cúng lại ra gốc gạo cỏ mọc um tùm có khi người ta còn tè bậy ra đấy mà cúng?
          Bà lão trả lời :
          - Đây là cây gạo mà tổ tiên chúng tôi trồng cách đây khỏang bốn năm trăm năm gì đó di ngôn lại.
          Thấy chuyện cúng gốc gạo mọi người túm lại xem cùng chứng kiến. Khi bà cụ khấn vái kêu cầu xong thì có một cơn gió mồ côi mạnh thổi bay mâm nả rắc đầy ao chùa. Đàn cá bạc, cá vàng có cả cá đỏ, cá xanh tóe nước kính chào quý khách và ăn mồi. Mọi người thấy chuyện lạ thì ai ai cũng vái gốc gạo và vái cả cá dưới ao.

Đồng Ngọc Hoa





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét