Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

VIẾT Ở VÙNG MỚI GIẢI PHÓNG BẮC KONTUM / Lê Văn Hy




        (Trích hồi ký “Làm báo ở chiến trường” của Lê Văn Hy -  nguyên phóng viên chiến trường tại mặt trận B3 Tây Nguyên)

        …Sau Đại hội thi đua về, tôi vừa viết được 2 bài đăng ở báo Quân giải phóng Tây Nguyên thì B3 đón đoàn đại biểu của Đảng, quân đội vào thị sát chiến trường là đồng chí Tố Hữu, Bí thư trung ương Đảng, Đinh Đức Thiện - Tổng cục hậu cần và Nguyễn Thọ Trân, ủy viên dự khuyết trung ương Đảng. Sau đó thì có đợt vận chuyển đột xuất hàng ngàn xe gạo từ ngoài Bắc vào để chi viện cho Tây Nguyên.


        Tôi được phân công đi viết về đợt vận chuyển đột xuất này. Cùng đi với tôi có Tuấn, họa sĩ của báo. Hai chúng tôi xuất phát vào ngày 7 tháng 5 năm 973. Chúng tôi có nhiệm vụ tìm đến chỉ huy sở tiếp nhận trong đợt vận chuyển nắm tình hình rồi theo các đoàn xe về các kho ở vùng  giải phóng bắc Kon Tum. Đến cách chỉ huy sở  chừng nửa ngày đi bộ thì dừng lại nghỉ ở trạm ba-ri-e. Người gác trạm này là Lê Duy Mai, quê Triệu Sơn Thanh Hóa. Anh chàng hay làm thơ và thích nói chuyện văn chương. Thấy tôi là nhà báo, Tuấn là họa sĩ anh ta rất thích. Ngủ ở trạm này cũng gặp may là gặp ngay phân đội xe đầu tiên vào B3  là đoàn xe của Nguyễn Hữu Tuệ. Ở trạm gác này, Mai thấy nắp bi đông nước của tôi bị hỏng liền đổi nắp bi đông của anh cho tôi. Sáng ra, tôi và Tuấn đi theo một lối tắt, đến 9 giờ thì đến Chỉ huy sở đợt vận chuyển. Đến chỉ huy sở tôi được biết có ông Hạo, chồng chị Hạnh, phóng viên báo Nhân Dân ở Hà Tây năm 1966-1967 với tôi. Ông Hạnh hiện là thượng tá, tham mưu phó B3 nay được Bộ tư lệnh cử ra làm Tư lệnh trưởng đợt vận chuyển. Tôi với ông Hạo quen nhau từ lúc ông mới vào B3, biết chị Hạnh đã từng là phóng viên thường trú ở Hà Tây với tôi, ông Hạo càng quý tôi hơn. Ông Hạo là một cán bộ có năng lực, thích thanh niên. Đặc biệt là làm việc rất nhiệt tình và hay giúp đở người khác. Người ta kể rằng ông Hạo đi xe com măng ca mà thấy đồng chí bộ đội nào đi bộ là ông cho lên xe cùng đi cho nhanh. Hoặc ông đi trên một đoạn rừng nào mà tre nứa ngả ra chắn lối  ông bảo lái xe dừng lại và tự tay phát quang lối đi. Chính ủy đợt vận chuyển này là trung tá Nguyễn Hữu Tuệ, nguyên trước là trung đoàn trưởng trung đoàn 40 pháo binh mà tôi được biết khi ông cung cấp tài liệu cho tôi viết bài “Pháo binh Tây Nguyên đánh giỏi bắn trúng”. Trong các binh chủng thì pháo binh được tôi viết tin nhiều nhất. Ngoài ra có anh Diến mới được lên làm trưởng ban bảo vệ thay anh Tùng Chi mới ra Bắc. Anh Diến cũng rát bình dân và biết tôi từ lâu, đặc biệt ở sở chỉ huy Bộ tư lệnh B3 trong dịp đánh Đắc Tô Tân Cảnh.  Hiện anh làm phó chính ủy đợt vận chuyển.

        Trong đợt vận chuyển này tiêu chuẩn ăn rất khá. Chúng tôi được ăn 7 lạng gạo/ ngày  nhưng chỉ ăn có 6 lạng còn dành ra một lạng giúp dân. Các bản làng ở Tây Nguyên tôi ít được gặp, nay vừa đến tôi và Tuấn đến bản Buôn Ngai trước. Đồng bào thường sang chỗ chúng tôi  và được cơ quan cho gạo cho cơm. Đồng bào cũng mang rau củ sang cho nhà bếp chúng tôi. Tuấn sang bản Buôn Ngai là để vẽ, còn tôi sang là để xem đồng bào sinh hoạt ra sao. Ở Buôn Ngai, Đắc Vang, Đắc rao Peng mà trong đợt công tác đó tôi đã vào. Ở sở chỉ huy vài ngày, Tuấn ra đương thồ, đường ô tô vẽ hình ảnh công binh làm đường. Tôi cũng ra để ghi không khí làm việc và lấy tài liệu chuẩn bị cho bài viết. Tôi đi xe ô tô về kho f4. Đến F4 tôi ghi tài liệu ở tiểu đoàn 2 vận tải, rồi đến phân đội M1 ô tô vận tải. Tôi trở về chỉ huy sở và cùng Tuấn ra kho A8, rồi từ A8 chúng tôi ra kho Đắc Mót bằng ô tô.  Tử khi vào B3 đên giờ, chúng tôi mới được ra vùng giải phóng rộng lớn và bằng phẳng như ở đường 18 này, nên tôi có một cảm giác khác thường. Ở rừng có bao giờ tôi được mở rộng tầm mắt như bây giờ đâu. Ra đến đường 18, lần đầu tiên sau 6 năm đi B tôi mới lại được thấy đường nhựa. Rẫy núi Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Rinh Rua  mà tôi đã từng viết tin bây giờ mới thực sự trông thấy. Ở Đắc Mót trước là cái vị trí đầu cầu của địch bảo vệ căn cứ Tân Cảnh. Bây giờ Đắc Mót chỉ còn là một bãi vỏ đạn, dây thép gai ngổn ngang. Khu vực gần đó có bản Đắc Mót. Ở đây đang đặt một kho lớn vận chuyển gạo cho phía trước và cho đồng bào vùng giải phóng bắc Kon-Tum. Ở Đắc Mót, tôi đã hình thành sườn bài định viết với tựa đề:

        Họ hướng về đồng bào Tây Nguyên  gồm các tiêu đề nhỏ:

        - Những chuyến xe mang nặng tình nghĩa hậu phương.
        - Và những chuyến xe sắt son chung thủy.
        - Có chúng tôi anh em công binh.
        - Khi hàng đã về kho và khi hàng đã chuyển về đồng bào các dân tộc.

        Sau khi hoàn thành xong sườn bài và các ý chính, sắp xếp chi tiết xong, chúng tôi đi bộ ra sân bay Đắc Tô cho Tuấn vẽ xe tăng 377.

        Xe tăng 377 là xe tăng của ta trong trận đánh Đắc Tô Tân Cảnh đã bắn cháy 8 xe tăng địch. Nó bị đạn và nằm lại ở giữa sân bay. Nhưng chung quanh chỗ nó năm là  8 chiếc xe tăng M112 nằm gục đầu trước nó.

        Ngày hôm sau, chúng tôi ngồi xe về kho DD74. Sát kho là bản Đắc rao peng, liền đó là trận địa pháo của địch. Ở trận địa pháo đó địch còn vứt lại cơ man nào đạn cối vỏ đại bác đầu hạt nổ mà ta chưa thu nhặt hết. Sát DD74 là bệnh xá Tân Cảnh là một trong ba bệnh xá mới xây dựng ở vùng mới giải phóng Kon-Tum, tôi và Tuấn đã tham quan và lấy tài liệu ở các nơi đó. Chúng tôi xin về xã Diên Bình tham quan một ngày, lấy tài liệu ở trường cấp I Diên Bình. Sau đó chúng tôi đến chỗ anh em cán bộ B3 đang làm nhiệm vụ cứu đói ở đây. Được vài ngày, chúng tôi về xã Diên Bình, đến UBNDCM xã họ chỉ đến nhà nghỉ. Đó là gia đình cụ già đi đạo. Nhà có một cô con gái 9 tuổi, hai cậu con trai nhỏ hơn. Khi chúng tôi mới đến gia đình còn e ngại, chỉ ở nhà trong, ăn cơm thì xuống bếp. Bây giờ còn khá đấy chứ lúc vừa giải phóng đồng bào gặp người đeo súng ngắn thì chào bằng ngài, đeo súng dài thì chào bằng ông. Thế thì sự e ngại của gia đình là đúng thôi. Chúng tôi tuyên truyền và tỏ vẻ thân mật với gia đình. Sau vài ngày gia đình có quả bầu mớ rau cũng mang cho chúng tôi. Đến bữa ăn chúng tôi cũng cho các cháu nhỏ cùng ăn. Tôi lấy được khá tài liệu rồi về tiếp xã Tân Cảnh, đến thôn 2 và thôn 3  để viết bài cuộc sống mới ở xã Diên Bình và Tân Cảnh. Tôi và Tuấn còn đến tiểu đoàn pháo cao xạ ở Tân Cảnh. Tôi đã vài lần đi xe ô tô lên quận lị Đắc Tô. Nhưng nhớ nhất là hôm đi xe với Tham mưu trưởng B3 đại tá Phú. Ông Phú vừa đi chiêu đãi của phái đoàn ủy ban Quốc tế ở Plây Cần. Tôi đi cùng anh Lâm, gặp anh Lương Biên phóng viên ảnh đén Võ Định, sát điểm tiếp giáp giữa ta và địch, chỉ cách thị xã Kon-Tum 6 km về phía bắc. Chúng tôi đi theo ông Phú đến một đơn vị xe tăng, một đơn vị pháo mặt đất 85 li và 155 li. Thì ra ở ngay nơi rừng thưa này, địch vẫn cho máy bay VO10 thường xuyên trinh sát, nhưng địch vẫn không hề biết những nòng pháo của ta sẵn sàng nhả đạn vào thị xã Kon-Tum, nếu chúng vi phạm Hiệp định. Cảm giác của tôi trong chuyến đi vùng giải phóng này là thấy sức ta mạnh, nhất là tứ sau Hiệp định Pa Ri thì sức mạnh đó càng được nhân lên gấp bội./.


LÊ VĂN HY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét