Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

LÀM BÁO Ở CHIẾN TRƯỜNG B3 TÂY NGUYÊN / Lê Văn Hy




(Kỷ niệm 75 năm thành lập VNTTX- Nay là TTXVN  15/9/1945-15/9/2020)

        Đi chiến dịch Bắc Kontum  mùa Hè năm 1972.

        …Ở cái thời kỳ sôi nổi  bước vào chiến dịch lịch sử này  ai cũng háo hức đi phía trước. Nhưng cũng có một số người có vẻ bi quan  nghĩ tới khả năng xấu nhất  trong tương lai đối với cá nhân họ. Chẳng hạn: “Năm nay chúng ta phát rẫy vui thế này, nhưng đến vụ rẫy sau, trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt xẩy ra biết có còn đông đủ thế này không.” Khi chụp ảnh chung làm kỷ niệm, cũng có anh nói: “Bây giờ có điều kiện chụp ảnh thì chụp đi. Sau chiến dịch này biết có còn đâu mà chụp”. Đúng là chiến tranh ác liệt người ta thường nghĩ tới chuyện hy sinh mất mát, nhưng tôi thì tôi vẫn cứ lạc quan  và tin tưởng dù thế nào thì cuối cùng  ta cũng thắng. Trong khi địch ném bom tràn vào khu căn cứ, Phòng chính trị B3 chúng tôi phải di chuyển lên vùng núi cao để chuẩn bị mở chiến dịch Bắc Kontum.


        Trước khi đi chiến dịch, anh Trần Quý Giang, Tổ trưởng tổ Thông tấn quân đội còn giao cho tôi và Nguyễn Công Chính (quay máy 15W)  đi lấy pin chuyên dụng ở khu kho S4 gần Binh trạm Bắc. Hai anh em chúng tôi không biết đường đất nào cả. Cứ theo đường mòn giao liên mà đi, qua sông qua suối gần một ngày đường mới tới được khu kho S4 Ban Thông tin B3. Ở đây là khu kho chứa các loại pin, ăc quy, biến thế và dây điện thoại. Chỉ có một đồng chí bộ đội coi kho. Ở B3 một số kho nhỏ chỉ có một đồng chí bộ đội coi kho là chuyện thường. Cố nhiên là đồng chí đó phải có tinh thần trách nhiệm cao mới chịu được hoàn cảnh một mình ở một khu rừng như vậy. Thế mà khi chúng tôi đến, đồng chí đó còn nói: “Lấy pin xong phải đi ngay không được ngủ qua đêm. Đây là lệnh của trên“. Tôi rât thông cảm không phải đồng chí đó không muốn cho mình ở lại lâu. Muốn quá đi chứ. Đang ở một mình mà có người đến chuyện trò cho vui, dù chỉ một lúc cũng vui chứ sao. Chẳng qua cũng chỉ vì tính tổ chức tính kỷ luật cao đó thôi.

        Về đến “nhà”, tôi được phân công  đi trước với Tổ đài 15W gồm tôi, Bản, Vượng, Dần, Trà, Thoát… Hành quân đợt đó có thể nói là mang nặng nhât, vì ngoài vũ khí tư trang còn phải mang máy 15w và các phụ tùng cơ khí… lại phải đi xa hàng mấy ngày đường, mới tới chân núi Chư Chóc bên sông Sa Thầy. Chúng tôi ở chỗ hậu cứ của Trung đoàn 66 (có mật danh là đoàn Chi Lăng). Mấy ngày đầu chẳng có việc gì làm, vì chưa nối được đường dây với Chỉ huy sở. Muốn gọi điện hay nhận tin, Bản phải ra  phân đội thông tin, cách đến 3 tiếng đồng hồ đi bộ. Chúng tôi ra sông Sa Thầy ngắm cảnh. Sông Sa Thầy rất nhiều cá. Anh em ở một đơn vị thuộc Trung đoàn 66 đã đánh lưới được nhiều cá lắm. Máy bay địch lúc này đang quần đảo dữ dội ném bom liên tục ở con đường mới mở cách chỗ chúng tôi chỉ vài giờ đi bộ. Chúng tôi còn lên núi tìm xoài ăn. Phải nói là ở chiến trường rừng núi này, việc tìm kiếm quả rừng ăn cũng là một thú vị. Thông thường thì có xoài, chôm chôm, vải rừng, gùi (gùi là một thứ cây dây leo có quả chín vàng như quả thị, ăn rất ngon mà ăn no được). Dạo anh Giang đi làm rẫy (tháng 5 năm 1971). Nói Dần, Số, Hóa đi lấy hàng bồ gùi. Lúc tôi vào sản xuất đã cuối mùa gùi, Hóa chỉ còn vớt vát lấy cho tôi 2 quă  mà vẫn thấy ngon đến nay.

        Ở trên là nhắc lại chuyện cũ, chứ lúc chúng tôi ở Chư Chóc này đã là tháng 3 năm 1972, chuẩn bị đánh lớn rồi. Khi bắt đầu chiến dịch  thì Bản ra nhận điện của anh Trình (trưởng ban Tuyên huấn B3 gọi tôi ra chỉ huy sở ngay  để viết tin. Lúc đó tôi nghĩ thầm. Sao không cứ để tôi làm quay máy đi, sao bây giờ phải gọi ra. Và tôi tự nghĩ thấy việc anh Giang phân công là quá trái khoáy  đi mất rồi. Anh Chế Viết Trình cũng đã thấy rõ điều đó. Thế là ngay chiều hôm đó, tôi một mình ra đi, nghĩ cũng lo. Tính mình rất sợ lạc đường, nay một mình ra Chỉ huy sở  cách những hai ngày đường không biết đi thế nào đây. Tôi cứ tạm thời đến chỗ Bản thường ra gọi điện. Đi theo đường Bản vẽ, đi đến đó thì vừa gần tối.  May sao gặp anh em C36 thông tin cũng vừa tới. Tôi còn được ăn bữa cá chưa từng thấy do anh em đánh lưới được đến 20 kg cá, mà cũng chỉ có hơn 10 người ăn thôi. Sáng sau tôi theo đoàn về chỉ huy sở. Tôi ở với anh Châu. Anh Châu là thiếu tá, phái viên của Tổng cục chính trị  mới vào. Hồi tết Nhâm Tý vừa qua, tôi và anh Châu đã ăn đón giao thừa với nhau. Anh Châu là một cán bộ hoạt bát có trình độ lý luận. Tôi và anh Châu nằm chung một nhà hầm có sạp tre khô ráo. Hai anh em ở với nhau rất hợp. Lúc này tôi hiểu Ban gọi tôi ra là đúng, vì không có ai viết tin cả.  Có anh Kim Đồng, báo Quân đội nhân dân  mới vào phục vụ chiến dịch, nhưng anh ấy chỉ quen viết báo chứ viết tin có quen đâu.  Vả lại anh Đồng bây giờ phải đi theo sư đoàn 320 ra phía trước. Mấy ngày đầu bước vào chiến dịch, tin chưa nhiều nên tôi cũng nhàn. Sau tin chiến sự nở rộ, Ban điều anh Nguyễn Văn Minh bên báo QGP Tây Nguyên  ra cùng với tôi viết tin. Nhưng suốt trong chiến dịch mùa Hè năm 1972 đó, chỉ có tôi viết tin là chủ yếu. Anh Minh chỉ viết người thật và mẩu chuyện. Viết tin phải nói là tôi quen hơn và có tín nhiệm hơn. Cứ anh Trình giao ban bên Bộ tư lệnh về là gọi tôi ngay để viết tin. Tôi vẫn còn phải sang Ban tác chiến lấy thêm tài liệu  về mỗi trận đánh.  Công việc rất là bận rộn. Có khi yêu cầu tin Tổng hợp. Có khi chỉ tin ngắn chiến sự  tôi chỉ viết trong mươi mười lăm phút là xong, rồi phải tự gọi ra tổ Đài  kịp phát ra Hà Nội nên không trưa nào tối nào mà tôi không có việc làm. Tuy làm việc bận nhưng các tin chiến thắng phía trước  cổ vũ tôi thấy được tác dụng của mình.

        Thêm vào đoạn cuối trích Hồi ký làm báo ở chiến trường, tôi có bài thơ sau đây.

       
NGHỊCH LÝ THỜI CHIẾN

 Bộ đội Bê Ba mỗi lần chỉnh huấn
Phê và tự phê ngán ngẩm chiến trường
Ngại gian khổ sợ hy sinh ác liệt
Chớm tư tưởng này cạo gọt tới xương

Nhưng yêu chiến trường nghe như nghịch lý
Bởi nơi này chất ngất mọi gian lao
Ở thời điểm toàn dân ta đánh Mỹ
Nghịch lý ngọc lành nghịch lý giá cao

Phương ngôn: Ngọc lành còn đợi giá cao.
Lê Văn Hy, PV TTXVN tại Mặt trận B3 (TN)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét