Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm, những người lính trên trận địa ngày ấy, có người đã hy sinh. Cũng có không ít người còn sống sót nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường. Có người may mắn trở về vẹn nguyên và xây dựng cuộc sống mới. Trong vô số những người lính đã từng tham chiến đó đã hồi tưởng lại thời thanh xuân oanh liệt bên đồng đội với những chiến công hào hùng nhưng không kém phần cam go và gian khổ qua từng trang hồi ký góp nhặt trong thời bình. Đồng thời, qua từng trang hồi ký đó người lính như có dịp để bộc bạch, trải lòng với những đồng đội đã từng cùng vào sinh ra tử trên trận mạc; và bên cạnh đó còn có cả những tình cảm trong sáng, nhẹ tênh của chàng trai mới lớn. Và hình ảnh người chiến binh ấy, cũng là tác giả, được tái hiện lại qua quyển hồi ký Thời áo lính của Trần Mỹ Giống do Nxb QĐND phát hành năm 2019.
Quyển sách được ra đời nhờ có sự động viên, khích lệ từ gia đình cùng bạn bè và ngay sau đó được đăng tải lên trang mạng xã hội. Cũng từ đây, tác giả - người chiến binh Trần Mỹ Giống đã được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Và cũng từ quyển hồi ký này, tác giả được tái ngộ những người bạn chiến đấu của mình trong tâm trạng bồi hồi, xúc động của buổi tương phùng.
Quyển sách được tác giả chia thành hai phần:
Phần 1: Thời áo lính
Ở phần này, tác giả viết về tuổi thơ, rồi những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu ở Quảng Trị vào năm 1972 và những năm chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc ở biên giới sau đó.
Phần 2: Sự nghiệp và cuộc đời
Sau khi rời quân ngũ trở lại cuộc sống thường nhật, tác giả phải đối mặt với biết bao khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp. Nhưng với tinh thần không ngại khó đã được trui rèn từ những ngày còn tại ngũ, tác giả đã vượt qua sự khốn khó để gầy dựng nên tổ ấm với những người con đều thành đạt.
Đọc hồi ký Thời áo lính của Trần Mỹ Giống gợi lên trong lòng mỗi chúng ta những ký ức hào hùng, nhắc nhớ những hy sinh, nhắc nhớ những âm thầm cống hiến của bao người lính trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Bằng những cảm nhận của người trong cuộc, hồi ký như một thước phim quay chậm, những chiến công của họ được gợi về đậm rõ hơn, góp thêm nhiều tư liệu lịch sử quý giá và chân thật. Hồi ký của chính người lính đã không chỉ là bài ca hân hoan, ngợi ca chiến thắng mà đó là những người cựu chiến binh tái hiện bao nỗi đau của anh em đồng đội trong chiến đấu như nói về nỗi đau của chính mình .Bên cạnh đó, người lính hiện lên qua hồi ký không chỉ là những người cầm súng lạnh lùng, chỉ biết đến lý tưởng, nhiệm vụ mà họ còn có những nỗi niềm riêng, có một tâm hồn mơ mộng với những tình cảm chân tình, mộc mạc. Và đó mới chính thực là những con người bằng xương bằng thịt với mọi cảm giác đời thường không hề bị che giấu.
Có thể nói, hồi ký sau chiến tranh của các cựu chiến binh đã khắc họa chân dung người lính một cách chân thực, sinh động, giúp bạn đọc hiểu hơn về những cống hiến và những gian khổ, hy sinh của họ trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Hiểu để thêm trân trọng những gì đã có hôm nay bởi chúng ta không thể hình dung được mức độ khốc liệt của cuộc chiến như thế nào nếu không có những đoạn hồi ký.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long, mời các bạn tìm đọc!
Ký hiệu: 895.9228403/TH462A
Thùy Nhung
Thư viện tỉnh Vĩnh Long số 78 đường Nguyễn Huệ, phường 2, tp. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Điện thoại: 02703 822281 - 02703 822511
Email: tvien.svhttdl@vinhlong.gov.vn
Website: thuvientinh.vinhlong.gov.vn - thuvienvinhlong.org.vn
Email: tvien.svhttdl@vinhlong.gov.vn
Website: thuvientinh.vinhlong.gov.vn - thuvienvinhlong.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét