以 虛 傳
虛
(Lấy cái không có thật
truyền đi cái không có thật)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Mộng Nhưng |
Vì khó diễn đạt bằng một
câu thuần Việt ngắn gọn, cho nên đành dùng một câu trong sách Nho. Thiết tưởng
tạm dịch như thế, ai cũng có thể hiểu được ý nghĩa câu này.
Trong đời sống thực tế
có rất nhiều sự việc “dĩ hư truyền hư” đã diễn ra trong mỗi làng xã cho đến phạm
vi cả nước. Dưới đây là một số dẫn chứng:
· “Dĩ hư truyền
hư” ở làng
1- Chuyện gọi sai tên các cây cầu.
Hải Hậu, liên tục hơn 40 năm là huyện điển hình
văn hoá toàn quốc. Người dân nơi đây đã và đang tiếp nối truyền thống văn vật của
đất Quần Anh xưa. Nhưng, cũng như nhiều “làng văn hoá”, “xã anh hùng” khác, ở
miền đất này không phải tất cả đều tốt đẹp. Vẫn còn tệ nạn xã hội, vẫn còn thói
hư tật xấu và đi kèm là những hành vi kém văn minh. Trong đó, có kha khá chuyện
“dĩ hư truyền hư”.
Tên địa lý không chỉ hàm chứa thông tin mà còn
có ý nghĩa lịch sử. Việc gọi đúng tên các địa chỉ, các công trình kiến trúc tiền
nhân để lại cũng là một cách thể hiện tình yêu quê hương và lòng biết ơn các bậc
tiền bối.
Tên người đã bị đọc “trại” từ đời nào không rõ
(“Dưỡng” thành “Rưỡng”, “Dục” thành “Rục”, “Giao” thành “Rao”…). Không chỉ tên
một số ngôi chùa, bến đò bị đọc chệch đi (chùa “Cát Tường” thành “Cát Thượng”,
bến đò “Nhang Cát” thành “Giang Cát”…), hầu như tất cả người lớn, trẻ con trong
vùng đã gọi không đúng tên các cây cầu các cụ đặt từ xưa: Phe Nhì, Phe Ba… Phe
Tám, Phe Chín (Phe là đơn vị hành chính nhỏ nhất của đất Quần Anh xưa, gồm vài
ba ngõ xóm nằm ở phía Bắc và phía Nam các cây cầu dọc dòng Trung Giang - con
sông là huyết mạch giao thương, “xương sống” kiến trúc hành chính, văn hoá của
làng), bị họ gọi nhầm ra là Hai Nhì, Hai Ba,… Hai Tám, Hai Chín…
Thật đáng buồn, trong số những người gọi sai
tên cầu, có cả những người cao tuổi, người làm công tác tuyên truyền, giáo dục. “Ròng ròng theo mẹ”, người trẻ học người già:
“cầu hai ba”, “cầu hai chín”, khi chuyển thành địa chỉ thông tin, liên lạc… đã
thành “cầu 23”, “cầu 29” viết trên bảng hiệu, hoặc tin nhắn trên Facebook, trên
Zalo. Những người đã bắt chước nhau gọi tên và viết như thế, sao không tự đặt
câu hỏi: có cầu 23, cầu 29, vậy cầu 13, cầu 19… ở đâu?
2- Thầy nói không đúng sử sách
Thầy Ph. V. Th. được tất cả học viên học chữ
Hán Nôm thuộc C.L.B Hán Nôm Quần Anh (xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định) yêu mến
kính trọng. Bởi không chỉ thông thạo Trung văn và chữ Hán (trước khi nghỉ hưu
thầy là giáo viên tiếng Trung trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội), thầy Th.
còn có hiểu biết rất rộng về lịch sử, văn học… Các bài nói của thầy trong các
buổi sinh hoạt C.L.B luôn hấp dẫn người nghe vì cách trình bầy bài bản và sinh
động.
Nhưng trong một buổi sinh hoạt C.L.B, thầy đã
đọc một bài viết của thầy có đoạn: “…Trần Trọng Kim nói: Truyện Kiều còn, nước
ta còn…”
Thầy đã viết không đúng tên người nói và trích
dẫn thiếu. Câu này đầy đủ là: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn
thì nước ta còn”. Người nói là ông Phạm Quỳnh, nói tại Hội Khai Trí Tiến Đức
(Hà Nội) năm 1925 trong một cuộc họp kỷ niệm năm sinh Nguyễn Du.
Vậy ra một người thông kim bác cổ như thầy Th.
cũng không thể biết hết mọi điều. Nhưng điều không hay sẽ xảy ra là từ đây tất
cả những người đã nghe thầy nói hôm ấy có dịp sẽ nhắc lại câu thầy Th. nói như
một tín điều. (Thầy đã nói chẳng nhẽ lại không đúng!).
Có tình trạng rất nhiều học sinh, sinh viên,
nhà văn, nhà khoa học, nhà lý luận và cả lãnh đạo cấp cao nữa… đã nói sai, viết
sai tiếng Việt, điển tích, sự kiện… nguyên nhân một phần là do những ông thầy.
3- Kỷ yếu dòng họ dung dưỡng sự thù hận
Đó là cuốn “Kỷ yếu Nguyễn đại
tông Quần Anh, Hải Hậu, Trực Ninh” (Nam Định), in và lưu hành nội bộ từ
năm 2013. Lẽ ra, tập Kỷ yếu này sẽ giúp con cháu trong dòng họ hiểu biết cặn kẽ
hơn về lịch sử, truyền thống của tổ tiên, qua đó phát huy lòng tự hào, tự tôn
trong cuộc sống, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt
Nam XHCN giàu mạnh, văn minh. Nhưng tiếc thay, bên cạnh những thành công, tập Kỷ
yếu đã bộc lộ một số sai sót và lệch lạc nghiêm trọng, những sai sót và lệch lạc
ấy khiến con cháu hiểu không đúng về sự thật lịch sử, thậm chí gây bất bình
trong và ngoài họ.
Lệch lạc nghiêm trọng nhất trong phần viết về
Khởi tổ Nguyễn Bặc, là Kỷ yếu đã vùi dập Lê Hoàn.
Về việc Lê Hoàn sát hại Nguyễn Bặc, Đinh Điền,
Phạm Hạp…, việc Lê Hoàn tư thông với Dương Vân Nga, việc Dương Vân Nga trao
long bào đưa Lê Hoàn lên ngôi vương… các sử gia đã ghi chép và bình luận xác
đáng, công bằng.
Chỉ có Kỷ yếu họ Nguyễn đại tông Quần Anh mới
dám viết “hành động xảo trá, đê hèn, thô bỉ của bè lũ Lê Hoàn – Dương Vân
Nga…”, dám gọi “bọn hậu duệ và bồi bút của Lê Hoàn”, “Lê Văn Hưu là hậu duệ của
Lê Hoàn nói láo…” (trang 30 - Kỷ yếu…)
Thậm chí, Kỷ yếu họ Nguyễn đại tông Quần Anh
đã cố ý hạ thấp vai trò, công lao của Lê Hoàn trong việc đánh thắng quân xâm lược
nhà Tống: “…Chính Nguyễn Bặc – Đinh Điền – Phạm Hạp – Trịnh Tú – Lưu Cơ cùng
Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng 10 đạo quân tinh nhuệ là nhân tố chủ yếu, là lực lượng
để thắng Tống (Không nhắc đến Lê Hoàn); “Quân Tống đánh ta lần này chỉ là quân
địa phương tầm thường” (?) (trang 32 -Kỷ yếu).
4- Nội san của CLB văn chương nhận lầm danh nhân
Đó là Nội san số 3-2018 của CLB thơ Quần
Phương, ấn hành nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập huyện Hải Hậu (1888-2018).
Mục “Giới thiệu thơ của các Danh nhân Hải Hậu”,
ở trang 16, có bản dịch bài thơ “Đề miếu tổ Quần Anh” của Ngô Thế Vinh kèm theo
tóm tắt tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của ông.
Ban biên tập nội san tưởng Ngô Thế Vinh là con
dân Quần Anh nên mới xếp ông là Danh nhân Hải Hậu và viết: “Khi nghỉ việc, về mở
trường Đại tập ở Quần Phương Trung, nay là xã Hải Trung, huyện Hải Hậu”.
Sự thực không phải như vậy.
Ngô Thế Vinh người làng Bái Dương, phủ Nam
Chân, nay là xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Thi đỗ Tiến sĩ năm
1829, Ngô Thế Vinh được triều đình giao cho nhiều trọng trách, cao nhất là chức
Lang Trung bộ Lễ. Ông đã làm được nhiều việc có ích cho dân, cho nước. Nhưng rồi
ông đã bị triều đình bãi nhiệm, do một lần làm giám khảo ông đã phạm quy trường
thi. Ngô Thế Vinh về quê, mở trường Dương Đình tại Nam Định dạy học. Do vị thế và học
vấn uyên thâm của ông, trường Dương Đình trong nhiều năm đã thu hút hàng nghìn
môn sinh ở trong và ngoài tỉnh theo học. Nhiều người đã đỗ đạt cao. Ngoài ra,
ông còn về một số địa phương dạy học theo thỉnh cầu của dân sở tại, trong đó có
Quần Anh (Hải Hậu). Đồng thời Ngô Thế Vinh đã soạn nhiều văn bia, văn tế, đề
thơ ở nhiều đền, miếu tại những nơi ông đến. Bài thơ “Đề Quần Anh tổ miếu” của
ông là một dẫn chứng. Mấy chục năm nay, bài thơ này (viết bằng chữ Hán, có
phiên âm), được lồng trong khung kính, treo trang trọng tại đền thờ Liệt tổ khải
xã, thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Những ai đã một lần đến đây
đều dễ dàng nhìn thấy. Không có chuyện “Do thời gian nên các bản in không còn
rõ ràng nên việc phiên âm gặp khó khăn…” như ban biên tập nội san đã nguỵ biện
khi không thể đăng được nguyên tác chữ Hán, và phiên âm bài thơ mà chỉ đăng bản
dịch ra quốc ngữ!
Một người từ nơi khác đến địa phương A sinh sống
và làm việc một thời gian, sau đó lại trở về quê hương bản quán, sống cho đến
khi trọn đời, thì địa phương A không thể nhận người đó là người của quê hương
mình. Việc Tiến sĩ Ngô Thế Vinh về dạy học ở Quần Anh (Hải Hậu) nằm trong trường
hợp này.
Như vậy, ngoài việc đề thơ ở miếu tổ Quần Anh,
như đã làm ở nhiều địa phương khác, và mặc dù có công đào tạo nhiều nhân tài
cho đất Quần Anh, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh chỉ duy nhất là người làng Bái Dương
(Nam Dương) chứ không thể là người Quần Anh (Hải Hậu) như ban biên tập nội san
CLB thơ Quần Phương đã lầm.
Nếu không có sự đính chính, rất có thể những
người đọc nhỏ tuổi, những người ít hiểu biết về lịch sử khi đọc nội san này sẽ
bị ngộ nhận theo.
(Xin mở ngoặc: “Kỷ yếu Nguyễn Đại tông Quần
Anh - Hải Hậu” và “Nội san số 3-2018 của CLB thơ Quần Phương” đều là ấn phẩm có
ghi “Lưu hành nội bộ”. Nhưng thiết nghĩ không thể lấy đó làm “kẹp chì” an toàn,
dung chứa những điều sai trái. Người viết buộc phải lên tiếng là điều bất đắc
dĩ)
· “Dĩ hư truyền
hư” trong nước
1- Từ điển của giáo sư Nguyễn Lân và “những sai sót để đời”
GS Nguyễn Lân là một trong số tên
tuổi cự phách trong nền giáo dục Việt Nam đương đại. Từ điển Bách khoa mở
(Wikipedia) đã giới thiệu ông như sau:
Nguyễn Lân (14/6/1906 – 7/8/2003) là một giáo viên, người biên soạn từ
điển, nhà văn và nhà nghiên cứu người Việt Nam . Ông là người có công trong việc
xây dựng bộ môn và khoa tâm lý học, giáo dục học của hệ thống các trường sư phạm
ở Việt Nam .
Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ông cũng được trao Giải thưởng Nhà nước
về bộ từ điển, gồm: “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt
Nam”, “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” và “Từ điển
thành ngữ tục ngữ Việt Nam”
Cùng với những công trình biên soạn,
khảo cứu đồ sộ, Nguyễn Lân còn tạo dựng
một gia đình “danh gia vọng tộc” tiếng tăm vang khắp cả nước. Vợ chồng ông có 8
người con tất cả đều là giảng
viên đại học, bảy người có học vị tiến sĩ, trong đó có bốn giáo sư, ba phó giáo
sư.
Tuy nhiên, ít
người biết, bên cạnh những trước tác lẫy lừng Nguyễn Lân đã để lại một sự nghiệp
nhiều tai tiếng.
- Mạo nhận
học hàm Giáo sư và sự nhầm lẫn của truyền thông.
Lúc sinh thời, trong các
tác phẩm của mình viết, Nguyễn Lân luôn đề tên ở bìa sách là Giáo sư Nguyễn
Lân. Ví dụ những sách đã xuất bản như Từ điển chính tả phổ thông (1963); Từ
điển Tiếng Việt (1967); Từ điển Pháp Việt (1981); Từ điển từ và ngữ Hán Việt
(1989); Từ điển Việt Pháp (hợp soạn, 1989); Từ điển thành ngữ và tục ngữ
(1989); Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp Việt (1994); Từ điển từ và ngữ Việt Nam
(2002)... đều đề tên là Giáo sư Nguyễn Lân. Tuy nhiên quyết định 162/CP
về đợt phong học hàm Giáo sư đầu tiên ở Miền Bắc Việt Nam được ký ngày
11/9/1956 bởi cố thủ tướng Phạm Văn Đồng gồm 29 người không có tên của Nguyễn Lân và các đợt
phong sau đó, các năm 1980, 1984, 1988, 1991,... đều không có tên của nhà giáo
Nguyễn Lân.
(Theo Wikipedia)
- Bộ Từ điển với “những sai sót để
đời”
Đó là 4 cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, “Từ điển từ và ngữ
Hán Việt”, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” và “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt
Nam”, đã nêu ở trên.
Một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ và cả độc giả đã kê ra “những sai
sót” của bộ từ điển này. Nhưng công phu và thuyết phục hơn cả là loạt bài của
nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đăng trên trang Web Tuấn Công thư phòng, sau đó
được chỉnh sửa, bổ xung và in thành sách, dày trên 500 trang, nhan đề “Từ điển
G.S Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”, trong đó liệt kê hàng trăm (có thể
lên đến hàng nghìn) lỗi sai trong các từ điển của Nguyễn Lân. Trong tác phẩm
này, Hoàng Tuấn Công cũng đã chỉ ra những lỗi sai cơ bản mang tính hệ thống,
thể hiện kiến thức nông cạn và thái độ làm việc ẩu tả, thiếu khoa học của
Nguyễn Lân.
Vậy mà, với tổng cộng hàng ngàn trang in,
được nhiều nhà xuất bản tái bản nhiều lần, có trong tất cả thư viện các cấp,
các nghành, bộ từ điển của GS Nguyễn Lân được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên
coi là công cụ tra cứu ngôn ngữ chính xác, đáng tin cậy suốt mấy chục năm qua!
Một cuộc “dĩ hư truyền hư” toàn diện. Hậu quả như thế nào chắc ai cũng có thể
hình dung được!
2- “Cậu bé đuốc sống” Lê Văn Tám’ – “sáng chế” của nhà sử
học Trần Huy Liệu.
Hành động tẩm xăng vào người rồi
xông vào đốt cháy kho xăng giặc của thiếu niên Lê Văn Tám, là một trong những tấm
gương anh dũng hy sinh– biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Cái tên Lê Văn Tám, cùng với Võ Thị Sáu
không chỉ được ghi vào sử sách mà còn là một trong những cái tên phổ biến nhất
được đặt tên cho các trường học, đội thiếu niên. Đến mức hầu như tất cả các phường,
xã trong cả nước đều có một trường tiểu học, một liên đội thiếu niên mang tên
Lê Văn Tám. Tại thành phố Hồ Chí Minh, một công viên khá đẹp ở quận 1 cũng được
đặt tên là Lê Văn Tám. Rất có thể ở nhiều địa phương khác cũng có những đơn vị,
những công trình kiến trúc khác có tên Lê Văn Tám?
Lê Văn Tám sẽ còn sống mãi với thời
gian nếu như… có một ngày người ta đã được biết: “Cậu bé đuốc sống” không hề có
thật trên đời. Lê Văn Tám chỉ là “sáng chế” của nhà sử học Trần Huy Liệu. Trên
tạp chí Xưa & Nay – cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số
340, tháng 9-2009, nhà sử học Phan Huy Lê – một người học trò và đồng sự tin cậy
của Trần Huy Liệu đã thuật lại sự việc theo sự uỷ thác của người đã khuất. Xin
chép lại một số đoạn quan trọng nhất:
“…Về
câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin đươc tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn
của GS Trần Huy liệu mà tôi đã lĩnh hội như sau: nhân vụ kho xăng của địch ở Thị
Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10-1945 và loan tin rộng rãi trên báo chí
trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh, nhưng không biết ai là
người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã dựng lên
câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch
cách đấy mấy chục mét. GS còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC
đưa tin ngay và hôm sau bình luận là một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt
cháy thì gục ngay tại chỗ hay nhiều lắm chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy
mấy chục mét đến kho xăng. GS tự trách mình là vì thiếu cân nhắc về khoa học
nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà sau này tôi có
trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm.
Tôi
nhấn mạnh là GS Trần Huy Liệu không hề “hư cấu” sự kiện kho xăng địch ở Thị
Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật đó, chỉ “dựng lên”, theo cách
nói của GS, chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch. GS giải
thích là thời Nam bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hi sinh vì Tổ quốc,
nhưng “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh
hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê
Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám. Lúc bấy giờ
GS Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính
phủ lâm thời nên GS nói rõ là muốn tạo dựng lên một biểu tượng anh hùng để
tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.
…Điều
căn dặn của GS Trần Huy Liệu là: sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử
học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Trong câu chuyện,
GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn
Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng.
Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí tôi mà tôi coi là trách nhiệm
đối với GS Trần Huy Liệu đã qúa cố và đối với lịch sử. GS Trần Huy Liệu là một
con người rất trung thực, không muốn để lại một sự ngộ nhận trong lịch sử do
mình tạo nên trong một bối cảnh và yêu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến và tôi
lĩnh hội lời dặn của GS như một trách nhiệm phải thực hiện một cách nghiêm
túc.”
(trang 8, 9 tạp
chí Xưa & Nay số 340, tháng 9-2009)
Sau khi sự thật
được công bố, phần lớn người đọc có lương tri đều bình tĩnh đón nhận thông tin.
Họ thông cảm với GS Trần Huy Liệu về động cơ và thiện chí của ông khi “dựng”
câu chuyện “cậu bé đuốc sống” Lê Văn Tám cùng những giải trình tâm huyết của
nhà sử học Phan Huy Lê. Nhưng cũng có những người tự cho mình là “kiên định
cách mạng”, không được đọc trực tiếp tạp chí, khi nghe lại thông tin này đã
không chấp nhận. Thậm chí họ còn nặng lời kết tội GS Phan Huy Lê.
Bây giờ, GS
“sáng chế” và người biện hộ đều đã quy tiên.
Mong sao những
người có trách nhiệm sẽ có cách ứng xử thích hợp với “biểu tượng” anh hùng Lê
Văn Tám được “dựng lên” bằng trí tưởng tượng?
Những chuyện “dĩ
hư truyền hư” có ở mọi miền đất nước. Và hy vọng sẽ không có thêm một “cậu bé
đuốc sống” nữa!
Hà Nội, tháng
Tám 2020
N M N
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét