Đêm qua (18/06/2013), lại gặp giấc mơ rất lạ.
Khi tôi và con trai (Đặng Tuấn Hưng) đang loay hoay với đồng đồ đứng chờ xe
taxi thì gặp Dũng (con trai em Đạm). Cháu mời tôi và Tuấn Hưng lên xe: “- Tiện
đường về quê có việc, cháu mời bác và anh Tuấn Hưng về cùng.”. Nhìn đống
đồ, cháu hỏi: “- Bác về quê sao lỉnh kỉnh đồ đạc như về nhà mới thế?”.
Tuấn Hưng trả lời: “- Bố anh vừa làm thêm nhà ở quê, hôm nay bố con anh
dọn về nhà mới.”.
Trên đường về, Dũng nói chuyện thật nhiều về những ngày cháu mới ra Hà Nội
tìm việc phải vất vả, bươn chải thế nào? cơ cực ra làm sao? Rồi cháu cười, nụ
cười tự tin, mãn nguyện: “- Giờ cháu đã kiếm được tiền, tuy không giàu
có nhưng cũng đủ để lo cho cuộc sống của vợ con được no đủ và có chút ít báo
hiếu bố mẹ. Thôi thế cũng được rồi bác nhỉ?”.
Khi rẽ vào nhà mới khoảng mươi mét, thì bị vợ chồng anh Phần, chị Minh nằm
ngáng đường, không cho ô tô vào ngõ. Dũng xuống xe năn nỉ thế nào vợ chồng anh
Phần cũng không chịu đứng dậy. Tôi bước xuống, chào anh chị, rồi nói dăm câu
(tôi không nhớ cụ thể đã nói gì nhưng đại loại là dù thiên hạ rỉ tai tôi thế
này, thế kia nhưng tôi vẫn tin anh chị là người tốt.), bấy giờ anh chị mới chịu
đứng dậy.
Xe từ từ lăn bánh vào nhà. Tâm trạng tôi lâng lâng khó tả. Có gì đó như háo
hức, chờ đợi, như muốn được vỡ òa ra cho thỏa cơn khát khao, dồn nén lâu ngày
nhưng lại có nỗi sợ mơ hồ, như muốn trốn chạy, muốn bưng kín, đóng chặt để đi
vào tĩnh lặng, quên lãng...
Nhìn ngôi nhà mới, hoàn toàn khác ngôi nhà khánh thành cuối năm ngoái
(2012). Tuấn Hưng làu bàu: “- Bố lãng phí tiền. Con chẳng thích ngôi
nhà này. Con về nhà trong làng đây.”. Động viên mãi, con mới chấp nhận ở
lại làm lễ nhập trạch xong thì cùng mọi người về nhà trong làng.
Đang loay hoay không biết vào nhà bằng cách nào vì bỏ quên chìa khóa trên
Hà Nội thì anh Thắng mang chùm chìa khóa đến. Anh cười, mắng tôi là thằng dở,
hậu đậu, về nhà mà quên mang chìa khóa thì khác gì đi cày quên dắt theo trâu.
Vẫn thế, vẫn miệng nhai trầu dẻo quẹo, anh vừa bày biện đồ lễ, vừa hỏi:
“- Thằng dở đã chuẩn bị đủ đồ lễ chưa? Chị mày sợ mày đàn ông đàn ang
không biết gì nên bảo anh đến ngó xem thiếu gì còn chuẩn bị cho đủ”. Sắp
xong, anh sai mọi người bê lễ vào nhà. Dũng cười cười, nháy mắt: “- Bác
ơi, chừa lại rượu, tối cháu vào hầu rượu bác.”. Tôi cười, mắng: “- Nhà
bác đâu thiếu rượu mà anh phải nhắc bớt lại rượu.”. Dũng cười hì hì, chào
mọi người về nhà. Khi ra đến cổng, một con chó rất to, đi bằng 2 chân, lao vào
tấn công Dũng. Cháu vật lộn với nó nhưng có vẻ yếu hơn nên luôn bị nó cào cắn.
Tôi lao ra giúp cháu thì con chó bỏ chạy, người nó cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất
hút. Dũng ôm chặt tôi, lắp bắp: “- Bác ơi, ma đấy. Cháu sợ lắm.”.
Tuấn Hưng cằn nhằn: “- Con đã bảo bố đừng mua nhà này, bố cứ tham rẻ, không
nghe. Giờ thì có bán rẻ hơn cũng chẳng ai mua.”. Tôi giật mình, phân vân,
hình như nhà này tôi chưa trả tiền, nhập trạch sao được? Anh Thắng sốt ruột,
hỏi: “- Thực ra chú đã trả hết tiền người ta chưa? Cái nhà này anh cũng
không ưng. Nếu mua rồi thì làm lễ nhập trạch cho có thủ tục rồi về nhà trong
làng nghỉ ngơi, ăn uống, chứ ở đây anh cũng thấy thế nào ý.”
Tôi và mọi người vào trong nhà. Đến gian bếp thấy thiết kế rất lạ: Gian bếp
rộng. Đun nấu bằng rơm rạ. Ban thờ thần bếp được thiết kế, trang trí theo kiểu
của bọn người Tàu... Đồ vật sắp xếp rất cẩu thả, luộm thuộm… Tôi bắt đầu thấy
ngán ngẩm. Anh Thắng, lầm bầm: “- Thật vớ vẩn. Nhà này mà chú cũng mua.”.
Tuấn Hưng đế thêm: “- Bố cháu tham rẻ đấy bác ạ. Cháu gàn nhưng bố cháu
không nghe.”. Dũng, vẫn còn sợ vụ bị ma chó tấn công, phân bua: “- Nhà
này rộng, thoáng mát, vườn cây lại xanh tốt như thế nên bác Xuyến mới bị đánh
lừa...”. Cô Nha ở đâu tự dưng xuất hiện, phân trần: “- Bác Xuyến
mua nhà này cũng không sao bác Thắng ạ. Bác ấy sẽ trị được bọn ma chó đó. Có
bác Xuyến về làm hàng xóm thì em an tâm lắm. Em định làm lại nhà nhưng giờ
không cần nữa, tiền đó để em gửi tiết kiệm dưỡng già bác ạ.”.
Anh Tiến (Trần Tiến), anh rể tôi, càu nhàu: “- Cậu mua nhà này phí
quá. Đã không có tiền làm lại nhà trên 344 Đường Láng lại quẳng tiền vào mua
nhà này làm gì? Rõ phí phạm.”. Chú út khì khì: “- Chắc bác ấy mua để dành cho
cô con gái rượu khi nó tìm về nhận tổ quy tông.”. Chị gái tôi quát:
“- Cậu vớ vẩn. Con gái rượu nào? Đặng Tuấn Hưng là duy nhất. Không có
cháu gái nào cả. Nhà này trả lại khẩn trương, không mua bán gì nữa. Một nhà ở
quê là đủ rồi. Phí tiền.”.
Khó khăn lắm tôi mới gàn được mọi người không bàn cãi về ngôi nhà mới mua
nữa. Cùng cháu Dũng về nhà cũ của bố mẹ để lấy thêm đồ, gặp anh Sao, anh ấy
trừng mắt: “- Mày về đây làm gì? Về để cười đểu vợ chồng tao à?”.
Bực nhưng tôi vẫn nhẫn nại: “- Em về lấy lại chút đồ của em mang sang
nhà mới. Hay dở thì mình cũng là ruột thịt, lẽ nào em lại cười đểu anh chị?”.
Dũng thấy vậy, đon đả cho dịu căng thẳng: “- Hai bác sang giúp bác
Xuyến dọn về nhà mới đi, chứ nhà cửa bề bộn như thế không có hai bác sang giúp
thì hơi mệt đấy. Cháu cũng vào giúp bác Xuyến mấy ngày bác ạ.”.
Tuấn, con chú Toại, cùng thằng bạn bỗng xuất hiện, mắng tôi về nhà mới sao
không thông báo cho anh em bạn bè biết. Tôi gãi đầu, cười trừ: “- Tại
anh bận quá Tuấn à. Thôi, đã về đến đây thì sang giúp anh một tay. Nhà cửa còn
bề bộn lắm. Xong thì vào nhà trong làng, anh em mình hàn huyên tâm sự, mai hãy
lên Hà Nội.”. Tuấn ghé tai thì thầm: “- Anh biết chuyện vợ chồng
chị Phượng chưa? Vừa lôi nhau ra tòa, có vẻ căng thẳng lắm đấy. Anh đúng là vô
tâm.”.
Chuyện trò một lúc. Tôi cùng mọi người kéo nhau sang nhà mới. Khi thắp
hương làm lễ nhập trạch, bỗng xuất hiện một cụ bà, tay cầm roi mây quất túi bụi
vào mọi người, mắng mọi người sao không ngăn cản, lại a dua xúi tôi mua ngôi
nhà này. Chừng như đã mệt, cụ ngừng tay, chỉ mặt tôi, mắng: “- Còn
ngươi nữa, đã biết đất này không hợp với ngươi còn cố dẫn xác đến đây làm gì.
Cút! Cút ngay! Cút về nhà trong làng ngay”.
Tôi nhìn cụ, bực tức hỏi: “- Không cho mua thì thôi sao bà lại đánh
mọi người? Can cớ gì bà lại chửi cháu như thế? Bà là ai mà hung hăng thế?”.
Cụ bà mím môi lại, tức giận chửi tôi: “- Tiên sư thằng học sinh mất
dậy, dám hỗn láo với ta à?”. Thuận tay, cụ vớ cây bút trên bàn phi thẳng
vào mặt mình, chửi: “- Ta là ai à? Phục sinh cái loại học trò hỗn láo
nhà ngươi.”
Sợ quá. Tình giấc.
--------------
- P/s: Giấc mơ thật lạ: Rất liền mạch, có
đầu có cuối, hệt như câu chuyện có thật được kể lại một cách trình tự. Chỉ có
điều, ngôi nhà mới trong giấc mơ rất lạ nhưng tôi lại có cảm giác quen quen,
như đã thấy ở đâu đó. Những người đã gặp trong mơ, trừ cụ bà và con chó ma, tất
cả đều là người thân quen với tôi. Ngôi nhà trong làng và ngôi nhà của bố mẹ
trong giấc mơ cũng y hệt như thực.
Ghi lại giấc mơ này
để chiêm nghiệm xem sao.
*.
Hà Nội, ngày 19 tháng 06.2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét