Trong
tâm thức dân gian, Hưng Đạo Đại Vương được vinh danh là đức Thánh Trần và đồng
nhất Ngài với Ngọc Hoàng thượng đế, từ đó tạo nên một dòng Đạo Nội - đạo Thanh
Đồng, mà đức Thánh Trần là giáo chủ.
Suốt
mấy trăm năm qua, Đức Thánh Trần đã thực sự có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống
tâm linh của người dân Việt. Nhất là tín ngưỡng hầu đồng, ban ấn... ở đền Kiếp
Bạc.
Hầu
đồng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian Việt Nam . Về bản
chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng.
Người ta tin các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông
đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc
cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các
ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào
họ. Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì
được gọi là "Cậu", nữ giới được gọi là "Cô hoặc Bà đồng".
Ngoài
việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam còn
tin rằng sau khi chết, linh hồn người chết vẫn còn và theo dõi cuộc sống
của người thân đang sống.
Do
đó, khi lên đồng, linh hồn của người chết có thể nhập vào Đồng Cô, Đồng Cậu để
trò chuyện với thân nhân đang sống. Thông qua cuộc trò chuyện này, người sống
sẽ biết được những yêu cầu của người thân đã quá cố và người sống cũng biết
được vận mạng tương lai của mình.
Trong
ngày hội, những người đàn bà mắc chứng vô sinh, hiếm muộn hoặc mắc các chứng
bệnh của phụ nữ... đến Đền cúng bái. Thầy cúng sẽ dùng roi dâu đánh vào người
“bệnh nhân” và “bệnh nhân” ấy lăn lộn, thậm chí lăn xuống sông, thì coi như tà
ma đã được diệt trừ (xuất phát từ truyền thuyết Hưng Đạo Đại vương chém Phạm
Nhan). Người ta tin rằng, với uy danh của đức Thánh Trần trừ diệt được Phạm
Nhan thì mọi tà ma đều được trừ diệt.
Ngoài
ra, trong hội đền Kiếp Bạc, nhân dân còn đến Đền mua thuốc ở Nam Tào (Dược Sơn)
về uống rất là hiệu nghiệm.
Dân
trong vùng có tục lệ đầu năm đến đền Kiếp Bạc để cầu được bình an, học hành
hiển đạt, làm ăn phát tài, tránh được mọi điều xui xẻo và phổ biến nhất là việc
cầu được có con nối dài hương hỏa.
Tục
truyền, người đến cầu con khi đến Đền, phải tuân thủ: "Vào cửa cha, ra cửa
mẹ" (Dưới pho tượng đồng của Đức Thánh Trần và Đức Quốc mẫu có cửa chui qua)
hay xin một ít đất ở mô cao sau Đền thì thế nào cũng sẽ được thỏa
nguyện. Dân gian còn tín: nhà nào "hữu sinh vô dưỡng" hoặc con
sinh phạm vào giờ quan sát, thiết tỏa... khó nuôi thì làm lễ bán khoán
vào Đền. Đến năm đứa trẻ 12 tuổi thì gia đình biện lễ chuộc con về, làm như thế
đứa trẻ sẽ được bình yên vô sự.
Theo
lệ cổ, đêm 18 tháng 8 (Âm lịch), trước ngày ngày giỗ Đức Thánh Trần, chính
quyền sở tại cùng với thủ từ làm lễ đóng ấn vào một tấm lụa màu vàng để đến hội
ban cho khách thập phương.
- Ấn
thứ nhất, kích thước 10cm x 10cm, khắc chữ Trần triều Hưng Đạo vương chi ấn (ấn
của Hưng Đạo vương triều Trần).
- Ấn
thứ hai, kích thước 5,5cm x 5,5cm, khắc 4 chữ Quốc pháp Đại vương (Đại vương
nắm (giữ) phép nước).
- Ấn
thứ ba, kích thước 4,3cm x 4,3cm, khắc 4 chữ Vạn Dược linh phù (Bùa thiêng Vạn
Dược).
- Ấn
thứ tư, kích thước 5,2cm x 7,8cm, khắc 6 chữ Phi thiên thần kiếm linh phù (Bùa
thiêng phi thiên thần kiếm).
Muốn cầu được thăng
quan tiến chức thì xin ấn Triều triều Hưng Đạo vương chi ấn, hoặc Quốc pháp Đại
vương; cầu được sinh con, cầu xin việc trừ tà sát quỷ, diệt giặc dã, giữa bệnh,
thì xin ấn Phi thiên thần kiếm linh phù.
Sau
khi làm lễ ban ấn, nhân dân xin ấn về treo ở nhà để gặp nhiều may mắn.
.....................
(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)
*
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét