Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

NHỮNG CÁI TẾT ĐÁNG GHI NHỚ TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN / Lê Văn Hy

(Trích Hồi ký Làm báo ở chiến trường)



        Cái Tết năm 1970 đến nhanh quá, nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị  được đến  bẩy con gà  để luộc và nấu cháo. Phải nói là Têt năm ấy hơn Tết năm 1969 nhiều. Tết năm 1969  cả tổ Thông tấn quân đội chúng tôi chỉ có một con gà nhép không quá 5 lạng. Đáng lẽ con gà này còn để nuôi. Nhưng chả nhẽ cái tết Kỷ Dậu (năm con gà) lại không có thịt gà thì cũng buồn. Thế là chúng tôi làm thịt gà nấu cháo  được mỗi người một bát. Nguyễn Thanh Tùng, báo vụ trong khi làm thịt gà  còn bắt được một con chuột, luộc lên mỗi người được thêm một miếng thịt chuột ăn cũng ngon lành.


        Còn tết năm 1970 thì đàng hoàng quá, ngã bảy con gà, nhà cửa cũng rồng và đẹp  mà chỉ có tôi, Nguyễn Hữu Nền, Nguyễn Phú Tuấn làm đấy. Cái nhà có thể nói là đẹp và rộng nhất kể từ năm vào Tây Nguyên đến nay. Nhưng đối với tôi, tết năm 1970 cũng có chuyện buồn. Số là vì đêm 29 tết, Nguyễn Mạnh Dần, quay viên của tổ đài  rủ tôi đi săn xem có được con thú gì để ăn không. Tôi đi theo. Đi đêm không có đèn (vì chỉ có người đi trước cầm súng săn  mới có đèn đội trên đầu  để soi vào mắt con thú) chiếc dép lỏng quai dẫm lên đá gồ ghề làm tôi bước hẫng gây bong gân. Về đến nhà thì bàn chân sưng to nhức nhối. Sáng hôm sau 30 tết tôi phải chống gậy lê ra suối ngồi ngâm chân  cũng không khỏi. Tết khi đón giao thừa, tục lệ của phòng Chính trị và cả Bộ tư lệnh B3 nói chung  là suốt cả đêm đi thăm hỏi nhau, nhưng tôi chỉ ngồi  ru rú ở nhà, thậm chí việc làm thịt gà  nấu nướng  cũng là do Ngô Xuân Tường, Nguyễn Hữu Nền làm cả. Còn Lương Biên, Hoan, Tám thì sau khi uống rượu tối 30 ở Ban về còn đang nằm say bí tỉ. Giữa lúc giao thừa, anh Trần Quý Giang, Nguyễn Hữu Nền, Ngô Xuân Tường và tôi đang chúc tụng lẫn nhau thì đoàn Văn nghệ xung kích đến chúc tết. Gồm cô Minh Tỵ, Nguyễn Hộ…  Tôi có tỏ lời cảm ơn Đoàn  đã giúp tôi đi viện trong cái đợt sốt rét ác tính vừa qua. Sau tết tôi vẫn ở nhà với anh Giang. Anh Giang thì mải mê viết bài “Loại khỏi vòng chiến đấu chiến đoàn 22 ngụy“ mà anh mới tài liệu ở trận đánh Pubrăng- Đức Lập. Tôi vẫn phải tập tễnh sang ban tác chiến Phòng tham mưu lấy tin, viết tin. Khoảng nửa tháng sau thì tôi khỏi chân, lại được lệnh đi làm rẫy. Cái rẫy 2 ha bên sông Tà Dạt  mà tôi đã phát le trước đây, nay đã chặt đến cây to. Ở đây chỉ có tôi, Tuấn, Bản phát. Ba anh em chặt đổ hết cây to này đến cây to khác. Từ đó tôi mới biết cầm dìu chặt cây to. Chặt cây to có cái sướng là lúc nó gần đổ  dùng dìu chặt mấy nhát phía sau gọi là “tra gáy“  cây to đổ đè cành lá lên các cây nhỏ phía trước (cây nhỏ cũng đã chặt được từ ½ đến 1/3 thân cây). Thế là cả một dàn cây đổ theo dây chuyền, tiếng ầm ầm vang động cả một góc rừng. Lúc đầu thì cũng hơi chờn, nhưng sau thì quen, vì chặt cây to mà cứ đứng ở phía sau cây  thì không bao giờ việc gì cả. Lúc đó vẫn ở thời kỳ ăn một lạng gạo một ngày. Một lạng gạo lại nấu làm ba bữa  nên nồi cơm trông không thấy gạo đâu chỉ toàn thấy sắn. Thức ăn cũng chỉ có chút mắm kem muối vừng. Đọ này săn bắn cũng ít. Chỉ có  Hiều vệ binh  săn được một con cáo. Một con cáo mà cả phòng gồm hơn 20 người ăn.

        Tết năm 1971 Tân Hợi cũng là cái tết vui. Giữa giao thừa, thủ trưởng Trần Hà, chủ nhiệm chính trị B3  đến chúc tết tổ Thông tấn quân đội chúng tôi. Tôi uống đến gần ba bát rượu, đến mức thủ trưởng Hà cũng phải khen là uống giỏi quá. Ăn tết xong tôi ở nhà viết tin, vì lúc đó đang chuẩn bị chiến dịch Ngọc Tô Ba. Đáng lẽ anh Giang đi chiến dịch này nhưng trên đường đi thì quay về vì Bộ tư lệnh có chủ trương mới. Anh Giang về nhưng tôi vẫn nhắc viết tin  vì cứ dịp chiến dịch  thì phải cả hai người ở nhà mới bảo đảm đưa được tin kịp thời.

        Tháng 3 năm 1971  B52 đánh sát khu vực rẫy. Ban Tuyên huấn phải rút về họp rồi lại vào sản xuất bám rẫy. Vì phòng chủ trương hoàn cảnh nào cũng phải bám rẫy tự túc lương thực. B52 đánh vào khu vực phân đội chiếu bóng, có đồng chí đã hy sinh. Tôi đến khu vực Tà Dạt vừa biết tin B52 vừa đánh khu vực rẫy  trùm cả vào chỗ ở của phòng. Ngô Xuân Tường treo võng nằm vừa kịp xuống hầm  thì bom nổ mảnh cắt đứt cả dây võng. Có một sự kiện mà tôi không bao giờ quên được. Đó là một buổi sáng chúng tôi đang làm cỏ sắn rẫy 10 ha. Trời về mùa khô trong xanh, im lặng gió, không khí mát dịu, phia xa xa rạng đỏ ánh hồng. Tôi vừa nói với anh Ngãi là: “Trời hôm nay đẹp quá anh Ngãi à”  thì 3 loạt bom B52 nổ phía xa xa, cách chỗ chúng tôi khoảng vài giờ đi bộ. Dứt tiếng bom, thì Bản ra báo  một tin buồn  là bom đánh vào rẫy nhà in, làm cho 4 đồng chí hy sinh, một đồng chí bị thương. Thế là Ban Tuyên huấn phân công  tôi, Mai Văn Kế và Nguyễn Hữu Tặng  về cùng phòng giải quyết hậu quả  chôn cất 4 đồng chí nhà in. Đó là đồng chí Du  mà tôi đã quen từ cuối năm 1968. Khui đi cùng Nền  ở rẫy về.

        Tết Quý Sửu 1973, báo năm đó làm theo khả năng hòa bình. Tôi vẫn làm câu đối như những năm trước. Nhưng lần này làm câu đố nói về con trâu:
        Quý trẻ em/ Thèm rau cỏ? Đàn dẫu có/ Chẳng muốn nghe/ Hỏi sợ gì?/ Cô mười bẩy.

        Tết Quý Sửu ăn cũng to, nhưng cả cơ quan báo không có lấy một con gà nào, các thức ăn đều dựa vào nhà bếp của phòng. Nhưng phải nói là rất nhiều kẹo. Ăn kẹo lạc, kẹo sữa suốt mấy ngày Têt. Tết này vui vì là Tết đầu tiên hòa bình ở chiến trường. Gọi là hòa bình nhưng anbh em bộ đội ở phía trước, Tết này là Tết giữ chốt, chiến đấu còn ác liệt. Ở hậu cứ như chúng tôi thì mới được yên ổn mà ăn tết như thế này...

        Kết thúc đoạn trích hồi ký này tôi xin trình làng một bài thơ:

                        MỘNG CHIẾN TRƯỜNG

                        Đã hay đâu cũng say tiền tuyến?
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường”_
                                                (Thơ Tố Hữu)

                        Có phải anh đang mộng chiến trường
                        Bao chục năm rồi vẫn vấn vương
                        Nhớ đêm gùi gạo ven đồn địch
                        Trảng trống rừng thưa vai cáng thương

                        Có phải miếng ngon mà nhớ lâu
                        Gian khổ rèn cho ý chí cao
                        Hành quân chiếc cúc còn e nặng
                        Đi bằng chân lại nói bằng đầu

                        Nhớ chiến trường xưa nhớ những ngày
                        Cơm độn sắn canh rau tầu bay
                        Ở rừng đâu có mơ giường chiếu
                        Nằm hầm nằm võng mắc lên cây

                        Ai hỏi vì sao hỏi tại sao
                        Đường ra mặt trận lắm gian lao
                        Vì miền Nam niềm vui toàn thắng
                        Mộng chiến trường xưa mãi tự hào.
                       
                                        Lê Văn Hy
       Phóng viên TTX quân đội tại Mặt trận B3 Tây Nguyên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét