Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

ĐỌC “EM ĐỪNG RỦ NHỚ ĐI XA” THƠ PHẠM ĐỨC MẠNH / Châu Thạch




     Đang nằm trốn con Covid trong phòng kín, ngoài kia bầu trời u ám thì, nghe một tiếng gọi tên ngoài cổng. Tôi chạy ra, đã thấy một phong bì chuyển phát nhanh gắn trên cánh cửa. Mở phong bì, một tập thơ có tựa đề “Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa” có hình bìa rất đẹp với lời đề tặng của nhà thơ Phạm Đức Mạnh.  



     Phạm Đức Mạnh, một nhà thơ tôi mới biết và mới ngỏ lời xin tập thơ anh vừa xuất bản thì có ngay. Mới biết nhà thơ vì tôi quá nhà quê, nhưng tác giả là một người đã cầm bút 35 năm, đã xuất bản 7 đầu sách và đã có tên tuổi trên thi văn đàn lâu rồi.  

     Chỉ cái đầu đề của tập thơ đã cho tôi một cảm xúc lạ. Linh tính báo tôi biết đây là một tập thơ hay, sẽ cho tôi một nguồn vui, được thưởng thức những thị vị mới trong những ngày nằm nhà, khi Đà Nẵng giãn cách xã hội.  

      Không đọc ngay được cả tập thơ, tôi mở sách, đọc bài thơ mà tác giả dùng làm tựa đề cho cả tập thơ của mình: “Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa”.  

     “Nhớ” là một từ ngữ chỉ sự nghĩ đến những điều trong quá khứ, những điều tồn tại trong dòng sông ký ức của đời mình. “Em Đừng Rủ nhớ Đi Xa” nghĩa là tự nhủ với lòng đừng nhớ những điều ấy nữa. Thế nhưng tâm lý của con người còn muốn quên thì còn nhớ tới, “có những điều đốt mãi chẳng thành tro”. Bởi thế bài thơ “Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa” của Phạm Đức Mạnh lại đưa tác giả quay về đến cả một “kiếp người” đã sống, cả “thời gian” đã qua, đến nỗi hai câu thơ cuối nhà thơ đã viết: “Em đừng rủ nhớ rong chơi/ Thời gian kiệt sức lẻ đời khóc nhau...”  

     Bây giờ hãy đến hai khổ đầu của bài thơ để xem tác giả nói những gì:  

Em đừng rủ nhớ rong chơi
Bửa nay bão quét ngoài khơi đổ về
Triều cường ngấp ngó vai đê
Sông thương hờn giận hồn quê ngập sầu  

Trời chùng nhủng nhẳng mưa ngầu
Đồng không mông quạnh trắng màu khổ rơi
Bường qua đói rách tả tơi
Kiếp nghèo chèo chống sóng đời phong ba  

     Nguyễn Du nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nhưng trong hai khổ thơ nầy, tác giả cho ta một cảm nhận ngược lại: “Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ!”. Thật thế, tác giả đã đưa cái nhìn rong chơi trên cảnh vật và cảnh vật đã xui khiến tác giả buồn. Tác giả van nài em “đừng rủ nhớ rong chơi” nhưng tác giả lại nhìn đê, nhìn sông, nhìn cánh đồng để tâm hồn nghĩ đến kiếp nghèo phải chèo chống trong phong ba của sóng đời.  

     Tác giả van  nài em, nhưng em ở đây chỉ là biểu tượng vô hình được giả định trong lòng tác giả. Nhờ chữ “em” rất êm ái mà tác giả đặt ở đầu câu, khiến toàn bộ bài thơ vơi bớt đắng cay, thấy nỗi sầu không trống vắng, sự thân ái đong đầy trên mỗi khổ thơ, làm cho người đọc cũng nhận sự thẩm thấu tiếng thơ êm ái khi thấy những cảnh rất buồn mà tác giả vẽ ra trong thơ.  

     Bây giờ mời qua hai khổ thơ sau:  

Em đừng rủ nhớ đi xa
Mưa giông gió giật quở ta nát lòng
Bòng bong bong bóng bòng bòng
Tiếng ai ru lạc trôi dòng dương gian  

Thương quê run rẩy hoang tàn
Chơi vơi chới với tiếng than sụm trời
Thôi đừng rủ nhớ rong chơi
Mình đi
  gom ánh trăng rơi ướt nhòa  

     Em đừng rủ nhớ đi xa”: Miệng nhà thơ muốn dừng lại nhưng tâm nhà thơ lại muốn đi xa. Đi để nghe “Tiếng ru ai lạc trôi dòng dương gian” đi để thấy “Chơi vơi chới với tiếng than sụm trời”, nghĩa là đi đến chân trời cuối đất để thấy cho hết những đau thương, nghịch cảnh. 

     Cuối cùng em không rủ nhà thơ, mà ngược lại, nhà thơ rủ em, rủ em đi làm việc nhân nghĩa có ích cho đời: “Thôi đừng rủ nhớ rong chơi/ Mình đi gom ánh trăng rơi ướt nhòa”. “Trăng rơi” phải chăng là những mảnh đời không kham nổi “Kiếp nghèo chèo chống sóng đời phong ba”, nên bị “rơi ướt nhòa”.  

     Câu thơ “Bòng bong bong bóng bòng bòng”để diễn tả lời ru của mẹ trôi lạc trên đường trần. Tác giả cũng dùng hình ảnh của những chiếc bong bóng thi nhau nổ dưới mưa để gởi vào hình bóng tan vỡ, phôi pha của kiếp sống con người. Nhà thơ đã hóa thân khổ đau của đời vào tiếng hát của mẹ trên dòng sông mưa gió, đã hóa hình những đổ vỡ của thế nhân vào những cái bong bóng dưới mưa, và hóa hình cả tâm trạng của mình bị “Mưa giông gió giật quở ta nát lòng” vào bong bóng ấy, những chiếc bong bóng đã nát trong mưa.  

     Trong ba khổ thơ tiếp, nhà thơ sực nhớ đến người thân, đến quê hương, rất gần trong tâm hồn nhưng lại rất xa với một kiếp sông lang thang:  

Em đừng rủ nhớ đi xa
Mẹ buồn ánh mắt của cha không cười
Hương lòng héo hắt không tươi
Làm sao sưởi ấm phận người lang thang  

Đừng quên lời hứa về làng
Lau buồn mắt lá, phơi hàng sầu xanh
Rù rì khuyên nhớ giùm anh
Chắt chiu năm tháng ngọt lành tình quê  

Tha phương thèm bến đi về
Gùi mang sắc phố đê mê gọi chiều
Cùng neo cột tiếng sáo diều
Trải đêm nguồn cội lẩy Kiều mơ hoa  

     Đọc ba khổ thơ trên, không ai không nhớ đến quê hương khi thấy nhà thơ dựng lại quê hương mình bằng những ý tứ sống động. Nhà thơ đã nhân cách hóa đến cây cỏ, hoa lá trong vườn , làm cho nó nhớ đến nỗi hoen lệ, để mình về “Lau buồn mắt lá” cho nó. Nhà thơ đã hình tượng hóa chiếc lưng của mình gù đi vì “Gùi mang sắc phố” là những thứ của phồn hoa đô hội, để mơ ước trở về neo sáo diều trên bầu trời cao, nằm dưới tiếng sáo diều ấy đọc Kiều và mơ một giấc mơ hoa.  

     Ba khổ thơ trên đã gói nỗi nhớ của một người lang thang, gói sắc màu của quê hương thân yêu nằm trong ký ức và gói ước mơ của một hồn bướm thi nhân. Gói rất đủ, rất đẹp và gói rất hay!  

     Cuối cùng cuộc rong chơi mà em giả định đã rủ thi nhân đi, làm cho thi nhân chan chứa lệ:  

Em đừng rủ nhớ đi xa 
Bỏ bê trời tủi nắng già trầm ngâm
Cô đơn trăng khóc âm thầm
Mắt tim ngấn lệ tím bầm nỗi đau  

Kiếp người vụt thoáng qua mau
Niềm thương còn một chuyến tàu mồ côi
 
Em đừng rủ nhớ rong chơi
Thời gian kiệt sức lẻ đời khóc nhau...  

     Nhà thơ dừng lại cuộc rong chơi, vì cuộc rong chơi cho thấy những điều buồn thảm. Nhà thơ luôn luôn thoái thác cuộc rong chơi nhưng ngược lại, nhà thơ đã đi đến kiệt sức, đã rong ruổi khắp trần gian và quay lại quê hương để chiêm nghiệm được cho mình, thấy thật sự cái chân lý mà đạo giáo nào cũng nói đến nhưng không dễ gì cho ai giác ngộ:“Kiếp người vụt thoáng qua mau/ Niềm thương còn một chuyến tàu mồ côi”  

     Đọc bài thơ “Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa” tôi cũng có chung nhận định như lời của người viết Nguyễn Liên Châu trong phần phụ lục của tập thơ như sau: “Thơ Phạm Đức Mạnh tạo một không gian vừa lạ vừa quen, vừa nhẹ nhàng vừa trăn trở...” Cách diễn đạt và phép sử dụng tu từ trong thơ Phạm Đức Mạnh luôn gây ấn tượng và kích thích sự tò mò của người đọc”. Tôi còn nói thêm, thơ Phạm Đức Mạnh hòa nhập cái tôi trong cái chung, cái tinh vi trong cái rộng lớn, khiến khi đọc thơ, ta thấy nội tâm cô đọng và thấy ngoại cảnh bao la của thi nhân và của chính ta trong đó.
Có gì sai xin nhà thơ Phạm Đức Mạnh và bạn đọc thứ lỗi!!!

                                       Châu Thạch  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét