Chùa
Tây Phương được xây dựng lần đầu vào đời Cao Biền (865-875). Sang niên hiệu
Chính Hòa (1680-1705), Tây Vương Trịnh Tạc cho sửa lại chùa và xây thêm tam
quan. Sau lần trùng tu này chùa bị phá. Đến triều Tây Sơn, vào 2 năm 1788,
1789, chùa được xây dựng lại trên nền cũ, tọa lạc tại núi Tây Phương, xã Thạch
Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ).
Chùa
được xây hình chữ Tam với 3 tòa, mỗi tòa có 2 tầng, 8 mái và 8 đầu đao cong
vút, trong đó tòa ở giữa cao hơn nhưng lại nhỏ hơn so với tòa thượng và tòa hạ.
Nội thất của các tòa nhà đều được chiếu sáng vì thềm của các tòa cách nhau tới
1,6m. Các tòa nhà được xây bằng gạch theo hình chữ Công, còn các cửa được chạm
trổ theo kiểu bán âm bán dương. Các kèo, cột, xà trong chùa đều được trang trí
hình rồng, phượng, hoa, lá bằng kỹ thuật chạm bẹt hoặc còn gọi là chạm nông.
Chùa
có 72 pho tượng, được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng.
Nhiều pho tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao
chừng 3m, trang nghiêm phúc hậu. Phần lớn các tượng đều được coi là có niên đại
cuối thế kỷ 18. Một số tượng khác được tạc vào
giữa thế kỷ 19.
Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương gồm:
Bộ
tượng Tam Thế Phật: với ba pho tượng Phật: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai (còn gọi
là Tam Thân: Pháp thân, Ứng thân và Hóa thân) ngồi ở tư thế tọa thiền, y phục
gập nếp đơn giản phủ kín cơ thể.
Bộ
tượng Di Đà Tam Tôn: gồm tượng đức Phật A-di-đà, đứng hai bên là Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí
Bồ Tát.
Tượng
Tuyết Sơn miêu tả đức Phật Thích ca trong thời kỳ tu khổ hạnh: mỗi ngày ăn một
hạt kê, một hạt vừng, tự hành xác để vươn lên thế giới tinh thần sáng láng.
Tượng màu đen thẫm khoác áo cà sa mỏng, tay chân gầy khẳng khiu, xương nổi lên
trước ngực. Toàn bộ cơ thể chìm trong suy tưởng, mắt trũng sâu, hướng về nội
tâm. Hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A Nan Đà và Ca Diếp đứng hầu.
Tượng
đức Phật Di Lặc tượng trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương lai. Người
mập mạp, ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát ra sự thỏa mãn, sung sướng.
Tượng Văn Thù Bồ Tát: đứng
chắp tay, chân đi đất, các ngón chân bấm móng xuống mặt bệ.
Tượng
Phổ Hiền Bồ Tát: chắp tay trước ngực, khuôn mặt sáng rộng nổi lên trên tấm thân
phủ đầy y phục.
Tượng
Bát bộ Kim Cương, thể hiện trình độ rất cao về nghệ thuật lắp ghép gỗ và cách
bố cục, chuyển động của một thân thể mang giáp trụ trong các thế võ.
Mười
sáu pho tượng Tổ với phong cách hiện thực: Đó là Ưu-ba-cầu-đa, Đê-đa-ca,
Di-trà-ca, Bà-tu-mật, Phật-đà Nan-đề, Phục-đa-mật-đa, Hiếp Tôn giả, Thương Na
Hòa Tu, Mã Minh, Ca-tỳ-ma-la, Long Thụ Tôn giả, La-hầu-la-đa, Tăng-già Nan-đề,
Già-gia-xá-đa, Cưu-ma-la-đa, Chà-dạ-đa. Theo một danh sách tên các nhân vật
được tạc tượng trong một tài liệu còn lưu truyền ở chùa thì đây là tượng các vị
tổ Ấn Độ trong quan niệm của Thiền tông Trung Quốc.
.....................
(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)
*
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét