Đền Bạch Mã tọa lạc tại
phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay thuộc phố
Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành
phố Hà Nội), được xây dựng vào
cuối thế kỷ thứ IX, thờ thần Long Đỗ - vị
thần gốc của Hà Nội cổ.
Theo Việt
Điện U Linh tập
của Lý Tế Xuyên, viết về sự tích đền Bạch Mã như sau:
“Vào đời Đường Hàm Thông,
quan đô hộ của nhà Đường ở nước ta là Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một
hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa Đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối
tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng,
bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm
ấy thấy thần báo mộng rằng: - Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành
nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?
Cao Biền lấy làm kỳ lạ,
bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió
sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan
thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần
là thần là Long Đỗ.
Đến đời Lý Thái Tổ (húy
là Lý Công Uẩn, làm vua từ năm 1010 đến năm 1028), dời kinh đô đến đấy, đổi gọi
Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại
lở, bèn sai người đến cầu đảo (ở thần Long Đỗ). Chợt người cầu đảo thấy có con
ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết
chân rành tại đó, và cuối cùng, vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết
chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành
hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng
Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.
Đền Bạch Mã được tu bổ
lớn vào đời Lê Chính Hòa(1680-1705), đến năm Minh Mệnh thứ
20 (1839) lại được tu bổ thêm: sửa lại đền, dựng riêng văn chỉ, xây Phương
đình, qui mô rộng rãi, cảnh quan tôn nghiêm, nổi tiếng ở chốn đất thiêng.
Đền được xây dựng theo
hình chữ Tam, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam bảo và có hơn 13
hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã, nghi lễ cúng thần, các lần
trùng tu tôn tạo.
Hiện
nay đền vẫn giữ nguyên cấu trúc, gồm: Nghi môn,phương đình, đại
bái, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau... Tất cả đều
bố trí theo chiều dọc, trong một không gian khép kín, chủ yếu mang phong cách
nghệ thuật thời Nguyễn nhưng
được sắp xếp theo cấu trúc "tam nguyên đồng hoá" tức là thêm điện thờ
Phật và Mẫu
Trong đền hiện còn lưu
giữ nhiều di vật quý hiếm, có giá trị cao về nghệ thuật như: nhà vàng, nhà bạc,
bộ lục lạc bằng đồng (38 cái), bia
đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc
thờ, tượng chim Phượng sơn son thiếp vàng...
Lễ hội đền Bạch Mã hàng
năm được tổ chức vào hai kỳ: lễ tế Bạch thần vào ngày 15 tháng 3 âm lịch và lễ
tế Điển vào ngày 13 tháng 6 âm lịch.
.....................
(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng
Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)
*
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét