Có
rất nhiều bà vợ đã than phiền về sự nhu nhược của chồng mình và cho rằng chồng
là người không bản lĩnh. Đó hẳn đã trở thành một trong những nguyên nhân gây
nên đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Ông chồng không thể tự mình quyết đoán để định
đoạt một vấn đề gì dù không mấy khó khăn. Tự mình không tìm ra lối thoát để
giải quyết vấn đề mà cứ luẩn quẩn, vòng vo giữa hai bên. Đương nhiên họ đã trở
thành một người tội nghiệp, đáng thương và cũng thật đáng trách.
Sự nhu nhược của người chồng có lẽ được thể hiện rõ nét hơn
cả trong một mối quan hệ gia đình có nhiều thế hệ, tức là gia đình truyền
thống. Ở đó có ông bà, bố mẹ, vợ chồng con cái, người chồng có cách giải quyết
mọi việc theo về một ai đó có tiếng nói trong gia đình chứ không giám suy xét
những gì đúng sai. Có người chồng luôn sợ bố mẹ phật ý nên mọi việc đều nghe
theo sự sắp đặt của bố mẹ không cần biết việc đó đúng hay sai rồi làm khổ vợ.
Mặc dù vẫn yêu thương vợ đấy, vẫn biết việc đó là sai đi chăng nữa nhưng vẫn
không thoát ra khỏi sự quản lí của bố mẹ. Nguyên nhân vì sao lại như vậy? Có
thể đó là người đàn ông mà từ nhỏ đến lớn đã thiếu tính độc lập, thiếu lập
trường được sự bó bọc quá khắt khe của gia đình, cha mẹ hoặc đã quá thần tượng
cha mẹ mình.
Người
vợ quả là sẽ rất khổ tâm vì điều đó. Bởi người mà mình gần gũi nhất, thương yêu
nhất là chồng mình thì lại luôn không đứng về mình, mặc dù mình có sai gì chứ.
Đấy là chưa kể đến những người chồng nghe mẹ mà quay sang mắng nhiếc, vũ phu
với vợ chỉ vì mẹ mình không thích cô con dâu ấy. Đã có những trường hợp mẹ
chồng xui con trai mình đánh đuổi nàng dâu ra khỏi nhà mà không cho mang theo
thứ gì.
Có
thể lỗi lầm từ vợ hay bất cứ một ai đó trong gia đình nhưng với cương vị là một
người đàn ông, một người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình không
thể có cách xử sự như vậy.
Ngược
lại có những người chồng quá “nghe vợ” mà đối xử tồi tệ với bố mẹ và các thành
viên khác trong gia đình. Xã hội vẫn cho đây là mẫu người đàn ông sợ vợ, bị vợ
lấn lướt trong cuộc sống. Không cần biết vợ đúng hay sai nhưng nói sao thì nghe
vậy và làm theo. Cũng có những người biết vợ mình làm vậy là không đúng với cha
mẹ, anh chị em mình nhưng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ hoặc có phản ứng thì cũng thật
yếu ớt cho qua chuyện. Khi trong gia đình nảy sinh mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng
dâu thì bao giờ cũng đứng về phía vợ, bênh vực vợ.
Gia
đình anh Lê là một ví dụ: Bố anh đã mất từ khi anh mới lên 3 tuổi, mẹ anh ở vậy
một mình nuôi anh cho đến ngày anh trưởng thành và lấy vợ. Thu nhập của vợ
chồng anh thuộc loại khá, vì cả hai vợ chồng cùng làm trong một công ty liên
doanh. Hai vợ chồng son rỗi vẫn chưa định có con. Mẹ anh ngày trước làm ruộng
nhưng hiện tại đã nghỉ ở nhà vì bà rất hay ốm đau. Người ngoài nhìn vào tưởng
chừng cuộc sống gia đình anh rất yên ổn. Nhưng không, mâu thuẫn giữa mẹ chồng
nàng dâu đã làm cho mái nhà ấy thường xuyên phải hứng chịu không khí nặng nề.
Phải cái, vợ anh Lê lại là người phụ nữ khá “sắc sảo” nên anh luôn phải nhẫn
nhịn nghe theo. Vợ nói gì anh đều nghe theo, đến mức mẹ ốm nằm đấy anh cũng
không dám đưa đi bệnh viện, vì chị vợ cho rằng ốm như vậy thì chưa có gì phải
lo. Hàng xóm rất bất bình khi nhìn thấy mẹ anh mỗi ngày lại thêm héo hon đi vì
ốm đau và buồn rầu.
Theo
chúng tôi, để người đàn ông thật sự là chỗ dựa của vợ con, cần phải “dứt khoát”
với mấy lưu ý dưới đây:
1. Người đàn ông -
không thể thiếu sự quả quyết.
Kể
từ ngày chị Lan về làm dâu nhà bà, mẹ chồng nàng dâu chẳng mấy ngày được vui
vẻ. Thậm chí bà còn xui con trai đi tìm vợ khác. Chán nản, Lan rất muốn nhờ
chồng giúp đỡ, song anh cứ chậc lưỡi “chuyện đàn bà tự giải quyết lấy”.
Bà luôn kể tội con dâu “Tôi bực mình từ khi nó mới về; đồ cưới chưa thay ra, nó đã chạy xuống bếp lấy chổi quét chứng tỏ muốn thâu tóm quyền hành trong nhà”. thực ra, nguyên nhân là tại con mèo làm đổ bát canh, Lan sốt sắng dọn dẹp, đâu ngờ phạm vào “luật lệ” của bà mẹ chồng.
Cũng
từ ngày ấy, bà thành kiến với con dâu, luôn bị ám ảnh rằng nó muốn thay mình
nắm quyền. Còn Lan cũng vụng về ít nói nên cũng tìm cách tránh né mẹ chồng.
Chồng Lan thì cho rằng mẹ chồng nàng dâu toàn mâu thuẫn vì những chuyện vặt vãnh,
chẳng đáng quan tâm. Vì thế, chán nản cảnh mẹ chồng kể tội con dâu, vợ khóc nỉ
non, nên hết việc cơ quan chẳng bao giờ anh về nhà ngay mà thường tạt qua các
quán nhậu đến muộn mới về.
Không
lảng tránh trách nhiệm như chồng chị Lan, anh Bắc ở TPHCM cũng thừa biết vợ
mình đang rất khổ tâm từ khi về nhà anh làm dâu. Anh chỉ biết im lặng cho xong
chuyện.
Vợ
chồng anh đang ở xa (quê vợ) thì được mẹ gọi về “Ba bây giờ khuất núi, mấy đứa
em lập gia đình ra ở riêng cả, nhà chẳng còn ai...”. Hai vợ chồng anh mở một
quán bán hàng tạp hoá. chị vợ vừa bán hàng, vừa làm việc nội trợ, lo cho hai
đứa con ăn học. Nhiều lúc, để có thời gian cho con học, chị đề nghị anh dọn
hàng, bà mẹ xót xa: “Con biết thương con con thì má cũng biết thương con má,
cái thằng bạc phước quá”. Chị chỉ biết im lặng và buồn rầu. Những lúc mệt, bà
cứ nghĩ con dâu yểm bùa, bỏ ngãi… chịu không nổi, chị vợ bàn với chồng xin được
ở riêng, song anh Bắc lo lắng “Thôi xin mình ráng chịu, làm vậy má buồn. Rủi má
bệnh nặng, mất sớm thì thật mang tiếng”. Ngày qua ngày, không khí gia đình
nhiều lúc quá ngột ngạt, nhưng anh Bắc thì chỉ im lặng, không có một tiếng nói
gì để mẹ chồng nàng dâu bớt căng thẳng.
2. Người đàn ông phải
ngẩng cao đầu, không thể chùng chân
Giám
đốc trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình TPHCM, bà Lê Minh Nga khẳng định: Vai
trò của người đàn ông rất quan trọng trong việc xây đắp mối quan hệ mẹ chồng
nàng dâu. Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản đó là chuyện của hai người phụ nữ, nên
vô tư đứng ngoài cuộc, hoặc biết mà im lặng. Nhưng sai lầm hơn cả là người đàn
ông lại nghiêng hẳn về một phía: theo mẹ hoặc theo vợ.
Chính
bản thân bà Nga đã kể lại kinh nghiệm của gia đình mình như sau: “Ngày mới về
nhà chồng, nhiều lúc tôi cũng muốn khóc. Bà mẹ chồng tốt tính nhưng phải cái
sống phong kiến. Thấy ông xã tôi giặt chậu quần áo, cụ nóng mặt nói: “Vợ con
làm gì mà không giặt nổi chậu quần áo”. Nhà tôi giải thích ngay: “Mẹ xem, con
phải viết rồi lại đọc suốt cả ngày đầu óc mụ mẫm lắm, lao động chân tay một tí
cho đỡ căng thẳng và còn khoẻ ra. Con tự tìm việc làm chứ vợ con đâu có nhờ”.
Cụ ngạc nhiên và từ đấy thôi không cằn nhằn nữa”.
Đó
là cái khéo của anh con trai trong cách dàn xếp mối quan hệ nhạy cảm ấy trong
gia đình. Nếu như anh ấy cứ lảng tránh không nói được điều gì hay lại bỏ mặc
cho hai người phụ nữ tự dàn xếp với nhau thì sự việc sẽ trở nên xấu.
Chuyên
viên tư vấn Hoà Minh cho rằng: Hai nhân vật chính là mẹ chồng, nàng dâu phải tự
điều chỉnh những thiếu sót. Khi xuất hiện mâu thuẫn, người con trai phải luôn
đứng giữa. Anh phải đứng thật thẳng, làm chiếc cầu nối để hai người đàn bà, một
già một trẻ hiểu và quý mến nhau.
3. Người đàn ông phải
là người cầm cân nảy mực
Khi
lập gia đình, người đàn ông với tư cách là người chồng, người cha, người con…
phải đứng ra “cầm cân nảy mực”, làm sao cho cuộc sống gia đình trở nên êm ấm,
thuận hoà. Đứng trước “bên tình bên nghĩa” này phải giải quyết như thế nào cho
trọn được và chữ “nghĩa” và chữ “tình” đây?
Trong xã hội truyền thống, bà mẹ chồng thường quan niệm rằng: Con dâu do mình “mua” về nên “mất tiền mua mâm thì có quyền đâm cho thủng, mất tiền mua thúng thì có quyền đựng cho mòn”. Người con dâu phải sống cam chịu và đó là một chuyện hiển nhiên người chồng không cần phải bận tâm nhiều.
Nhưng
trong xã hội hiện đại thì quan niệm ấy đã khác, mẹ chồng nàng dâu dù có không
ưa thích gì nhau thì cũng tôn trọng nhau. Người đàn ông cũng không còn “năm thê
bảy thiếp” nữa mà chỉ một vợ một chồng. Tuy nhiên, tình trạng “nhất bên trọng,
nhất bên khinh” trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu vẫn còn
tồn tại rất nhiều. Chúng ta hãy nghe tâm sự của một người chồng (đăng trên báo
phụ nữ) để thấy cách xử sự của anh ta:
“Cách
đây năm tháng tôi đã lập gia đình, vợ tôi là một người con gái xinh đẹp và luôn
quan tâm đến tôi từng ly từng tí. Tôi thực sự mãn nguyện và tự hào về cô ấy.
Nhưng gần đây, gia đình tôi xảy ra những “xích mích, va chạm” nhỏ làm tôi rất
bực mình. Tôi đã không biết giải quyết bằng cách nào cho trọn cả đôi đường .
Số
là vợ và mẹ tôi luôn có “chiến tranh lạnh” với nhau. Dù là những chuyện rất nhỏ
thường ngày nhưng mẹ tôi cứ bới ra để tìm cớ to tiếng với con dâu khiến cho
không khí gia đình trở nên căng thẳng. Có lần tôi đi làm về đã phải bỏ nhà đến
nhà cậu bạn trai hai ngày liền mà đến khi về họ vẫn “chứng nào tật nấy”. Đầu óc
tôi căng thẳng quá, tôi chẳng biết làm thế nào để giải quyết được mâu thuẫn này
sao cho cả hai người ấy được vừa lòng… ”
Thực
sự, làm người đàn ông mà không cứng rắn, cương quyết thiếu bản lĩnh, không biết
thế nào là phải trái thì rất dễ trở thành một người nhu nhược. Điều quan trọng
nhất lúc này ở người đàn ông phải hiểu được tâm lí của từng người và hiểu được
mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là rất phức tạp.
Khi người con gái đi làm dâu sẽ xuất hiện những đặc điểm
tâm lí:
-
Thứ nhất: về nhà chồng sẽ mang theo những nếp sống, tập quán của gia đình mình.
-
Thứ hai là: giữa chốn xa lạ, người con gái dễ có cảm giác trống trải với nỗi
nhớ nhà nên càng muốn chồng bù đắp nhiều hơn…
Thế
nhưng, sự san sẻ tình cảm cũng như trách nhiệm của người con trai khi chăm nom
giúp đỡ vợ dễ khiến người mẹ (kể cả các em chồng) có cảm giác tình cảm bị chia
vơi, mất mát. Từ đó mà mâu thuẫn dễ nổ ra. Khi chuyện đã xảy ra như thế, người
đàn ông nên xác định phải tìm hiểu kỹ vấn đề một cách khách quan để tìm ra ai
đúng ai sai để tâm tình phân giải. Đừng tỏ ra mình “nghiêng” về bên này hay bên
kia, cũng như không đùng đùng bỏ đi như những người đàn ông nọ. Sẽ là không
đúng nếu người con trai lại để cán cân nghiêng hẳn về bên mẹ, trút mọi tội lỗi
lên đầu vợ mà không hề suy xét. Ngược lại, bất cần ý kiến cha mẹ, lại quan niệm
“nhất vợ nhì giời”. Cả hai cách giải quyết trên đều là sai lầm và càng làm cho
mâu thuẫn gia đình thêm sâu sắc.
4. Cần làm gì để không
phải là đức ông chồng nhu nhược?
-
Luôn luôn xác định mình là trụ cột, là chỗ dựa cho mọi thành viên trong gia
đình về cả vật chất lẫn tinh thần.
-
Người chồng phải biết điều hoà các mối quan hệ giữa bố mẹ và nàng dâu; nàng dâu
với các anh chị em chồng.
-
Phải sáng suốt để phân tích rõ ràng ai sai ai đúng giữa các thành viên trong
gia đình để giải quyết mâu thuẫn.
-
Không sống phụ thuộc và quá dựa dẫm vào cha mẹ, nhưng đồng thời cũng không cái
gì cũng nghe theo vợ mà cần phải độc lập, tự chủ, giữ lập trường trong suy nghĩ.
-
Bản thân mình luôn luôn phải sống gương mẫu để có tiếng nói chung đối với các
thành viên trong gia đình.
-
Ngay từ những ngày đầu xây dựng gia đình, người chồng cần phải cư xử đúng mực
với bố mẹ, anh em trong gia đình để người vợ noi theo, vì cha ông ta đã từng
nói “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Như vậy là đã đưa người vợ đi vào nếp sống
của gia đình mình.
- Phải
luôn cương quyết trên cơ sở đúng đắn mọi quyết định trong gia đình.
-
Cần phải lắng nghe và tham khảo ý kiến của mọi thành viên trong gia đình, đồng
thời cả những người hàng xóm và bạn bè về cách cư xử của mình.
-
Cần phải động viên, an ủi kịp thời khi mỗi người thân trong gia đình như vợ hay
mẹ bị tổn thương.
-
Cần phải luôn luôn tìm hiểu những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của mỗi người trong
gia đình để có cách xử thế hợp lí.
*
Thưa
bạn!
Trường
hợp của anh Lê hay biết bao nhiêu những trường hợp khác tương tự như vậy có
phải là do họ là người thiếu tình cảm, thiếu hiểu biết? Có lẽ không thể nhận
xét một cách chủ quan và phiến diện như vậy được mà phải tuỳ từng hoàn cảnh cụ
thể để đánh giá và nhận xét. Nhưng nhìn chung đó là những người đàn ông thiếu
bản lĩnh, thiếu cái “uy” của một đấng nam nhi, không có lập trường và không
giải quyết hài hoà giữa lí trí và tình cảm.
Bản
thân họ không hề muốn và không hề nghĩ khi có gia đình, mình sẽ trở thành người
đàn ông như vậy. Họ cũng luôn muốn bứt phá lên, luôn muốn mình sẽ là chỗ dựa
vững chắc cho cha mẹ, vợ con, là người sẽ điều hoà tốt các mối quan hệ gia
đình. Nhưng điều đó không phải ai cũng làm được và lúc nào cũng làm được mà cần
phải có sự đồng lòng giúp đỡ của cả gia đình.
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét