Ngoài việc thờ Thành
Hoàng, thờ Phật, tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam còn tục thờ Tứ Bất Tử. Đó là các
vị thần: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
1. Tản Viên
Tản Viên là thần núi Sơn
Tinh dựa theo truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Là vị thần biểu thị cho sức
mạnh đoàn kết của người Việt Nam xưa, nhằm ứng phó với thiên tai như: lũ lụt,
gió mưa…
Theo truyền thuyết thì
Thục An Dương Vương là người đầu tiên lập đền thờ Thánh Tản Viên. Nhà Lý đã
phong Thánh Tản Viên là "Thượng đẳng tối linh thần" và "Đệ nhất
phúc thần". Đền chính thờ Ngài là Đền Thượng núi Ba Vì, ngoài ra ở các nơi
khác đều có đền thờ Thánh Tản Viên và các bộ tướng, tập trung nhiều ở các tỉnh
Vĩnh Phú, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình...
Để tưởng nhớ công đức
Thánh Tản Viên, ở Đền Và (Ba Vì) cứ ba năm một lần nhân dân mở hội lớn với lễ
thức rước bài vị Thánh qua sông Hồng, lễ tắm ngai, đánh cá thờ... Đặc biệt ở lễ
hội là tục làm cỗ thờ 99 đuôi cá...
Trong tâm thức dân gian
thì Thánh Tản Viên là biểu tượng của sức mạnh liên kết giữa đất và núi, giữa
các bộ lạc, giữa con người và thánh thần... đã tạo nên sức mạnh xẻ núi, khơi
sông, dời non, lấp bể, khẳng định sức mạnh của con người trước thiên nhiên hùng
vĩ...
2. Thánh Gióng
Nhân vật Thánh Gióng gắn
liền với truyền thuyết Thánh Gióng. Việc thờ cúng Thánh Gióng thể hiện mơ ước
về một cuộc sống hoà bình của nhân dân ta.
Tương truyền từ thời Hùng
Vương, để ghi nhớ công lao của “chàng trai làng Gióng”, nhà vua đã lập đền thờ
Thánh Gióng và tôn là Phù Đổng Thiên Vương. Đến thời nhà Lý, sau lần được chứng
kiến Thánh Gióng linh ứng, vua Lý Công Uẩn đã cho tu bổ đền thờ, tạc tượng,
truy phong Thánh là Xung Thiên Thần Vương.
Từ thời Nhà Trần trở về
sau đều phong tặng sắc thần cho Thánh Gióng như: Thượng đẳng phúc thần, Nhất Vị
Tế Cương Nghị, Hiểu Hựu Anh Linh...
Ngoài đền thờ chính ở
làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội, còn có đền thờ ở Sóc Sơn, ở núi Vệ
Linh nơi mà Thánh Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt treo lên cây, bay về
trời.
Nhiều địa phương cũng thờ
Thánh Gióng cùng với các vị anh hùng cứu nước khác như: Hai Bà Trưng, Trần Hưng
Đạo, Phạm Ngũ Lão...
Để tưởng nhớ công lao của
Thánh Gióng, hàng năm nhân dân ta mở hội vào ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch. Trong
những ngày hội có các nghi lễ như: rước nước, tập trận, săn hổ, cờ tướng, múa
hát, chèo tuồng...
3. Chử Đồng Tử
Chử Đồng Tử là một nhân
vật truyền thuyết biểu trưng cho người nông dân nghèo khó với hai bàn tay trắng
đã tạo dựng nên cơ nghiệp.
Người Việt Nam ta thờ
Thánh Chử Đồng Tử như ông tổ của đạo thờ tiên. Tiên, theo quan niệm dân gian là
người ở cõi trời giáng trần, hoặc là người trần giới có đức độ tài ba, đạo cốt
qua tu luyện thành tiên, sau đó dùng phép lạ của mình để cứu nhân độ thế, được
dân gian tôn thờ, ngưỡng mộ.
Chử Đồng Tử và Nhị vị phu
nhân được thờ ở nhiều nơi thuộc tỉnh Hưng Yên như thôn Đa Hoà, thôn Dạ Trạch,
đều thuộc huyện Khoái Châu ..., ngoài ra, Thánh Chử Đồng tử và Nhị vị phu nhân
được dân gian thờ phụng ở xã Tự Nhiên, thuộc tỉnh Hà Tây.
4. Liễu Hạnh
Trong hệ thống điện thần
Việt Nam, Mẫu Liễu Hạnh là một trong Tứ Bất Tử, là vị Thánh của tín ngưỡng Tứ
Phủ, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam.
Trong truyền thuyết, Mẫu
Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi nên bị đầy xuống trần gian. Bà
được dân gian tôn là Nữ hoàng Công chúa, trở thành bậc siêu nhân, luôn ban ân
đức cho mọi người, trừng phạt kẻ phản nghịch, góp phần đánh giặc ngoại xâm....
Bà được nhân dân tôn là Thánh Mẫu. Đền thờ của bà được lập ở nhiều nơi, trong
đó Phủ Giầy (Vụ Bản), Thạch Thành (phố Cát) và Hà Trung (Đền Sòng).
Trong tiềm thức của nhân
dân, Mẫu Liễu Hạnh là một vị thần, là một nhân vật bình thường nhưng thật phi
thường.
.....................
(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng
Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)
*
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét