Nhà thơ Nguyễn Khôi |
XÓM CỎ
"Khóm tre già đợi gió đứng bên ao"
- Anh Thơ
(Tặng: Đặng Xuân Xuyến)
Mơ... được bỏ Cao Tầng về Xóm Cỏ
Ngồi bờ đê hít thở với sông dài
Ngắm dáng con đò trước cầu cao ngạo nghễ
Bãi ngô non thấp thoáng bóng ai...
Ta là kẻ lạc loài chán chê Phố Thị
Chàng Nhà Quê mê kéo vó đêm
Thả hồn thơ cùng chị Hằng "tăm" cá
Cánh tay trần "cất" cả ánh trăng lên...
Ta muốn quên cái thời đang biến động
Chỉ vài hôm đã sạch lũy tre làng!
Cánh đồng xanh đã thành Đô Thị Mới
Ở giữa quê như chẳng có Quê Hương?!
Còn chút hẻo lẻ loi chòi Xóm Cỏ
Ta ra đây ngụ với Bác cu Bần
Nuôi vịt, trồng rau...xuống sông kéo vó
No cái mùi Hoa Cỏ nức hương xuân...
Bắc Ninh, 12 tháng 03.2016
NGUYỄN KHÔI
LỜI BÌNH:
Lẽ thường, người ta mơ
"từ quê" được "ra tỉnh", để được sống không khí náo nhiệt,
sầm uất nơi phố xá, thị thành, thì nhà thơ Nguyễn Khôi lại mơ bỏ phố về làng,
ngược với lẽ thường của nhân thế:
Mơ… được bỏ Cao Tầng về
Xóm Cỏ
Ngồi bờ đê hít thở với sông dài
Ngắm dáng con đò trước cầu cao ngạo nghễ
Bãi ngô non thấp thoáng bóng ai...
Nhà thơ tự nhận mình "là kẻ lạc loài chán
chê Phố Thị" nên mới mơ khác lẽ thường ở đời: "bỏ Cao Tầng về
Xóm Cỏ", để được là:
Chàng Nhà Quê mê kéo vó đêm
Thả hồn thơ cùng chị Hằng "tăm" cá
Cánh tay trần "cất" cả ánh trăng lên...
Những câu thơ đẹp, hàm súc và tươi tắn chất thôn
quê.
Những hình ảnh lãng mạn
mà khỏe khoắn, phóng khoáng mà dung dị đời thường của “Chàng Nhà Quê”
đượm hồn quê trong giấc mơ quê.
Tôi ngẩn ngơ với câu: “Cánh tay trần “cất” cả
ánh trăng lên...”.
Nét tài hoa của nhà thơ Nguyễn Khôi ở những câu
thơ này là sử dụng câu chữ rất "đắc địa", đặt đúng vị trí, đúng
hoàn cảnh, đúng ngữ cảnh, không thể xáo trộn, thay đổi. Ví như câu: "Cánh
tay trần "cất" cả ánh trăng lên..." nếu bỏ hoặc thay chữ
"trần" bằng một chữ khác thì hình ảnh "cánh tay trần"
rất đẹp, gợi nét vạm vỡ, phong trần và đậm đặc chất đàn ông sẽ không còn nữa,
câu thơ sẽ thiếu “lửa”, nhạt đi và kém hay. Hoặc nếu thay từ "cất"
bằng một từ khác thì câu thơ: “Cánh tay trần “cất” cả ánh trăng lên...” vốn
hút hồn người đọc bởi hình ảnh thơ mộng, đẹp phóng khoáng kiểu Chử Đồng Tử an
nhiên tự tại giữa bãi Tự Nhiên: “cất” cả ánh trăng lên...” sẽ không còn nữa,
câu thơ cũng vì thế mà mất hay, hết duyên.
Ta đọc tiếp khổ thơ thứ 3 xem nhà thơ nói gì:
Ta muốn quên cái thời đang biến động
Chỉ vài hôm đã sạch lũy tre làng!
Cánh đồng xanh đã thành Đô Thị Mới
Ở giữa quê như chẳng có Quê Hương?!
Ồ. Thì ra nhà thơ mơ bỏ Phố Thị về Xóm Cỏ là xót xa
vì sự đô thị hóa "lũy tre làng" nhanh quá, khủng khiếp quá,
còn hơn cả tằm "ăn rỗi": “Chỉ vài hôm đã sạch lũy tre làng”.
“Mái rạ, bờ tre”, nét đặc trưng bao đời của làng quê Việt chỉ trong
"chốc lát" đã biến mất. Câu “tắt lửa tối đèn có nhau” sâu nặng
tình làng nghĩa xóm "ngoảnh đi ngoảnh lại" chắc cũng chẳng còn ý
nghĩa. Nhà thơ xót xa, "muốn quên cái thời đang biến động"
nhưng làm không được, khiến nhà thơ rưng lệ, ngậm ngùi: "Ở giữa quê như
chẳng có Quê Hương?!"
Chẳng có đau xót nào lớn hơn khi "Ở giữa
quê" mà "như chẳng có Quê Hương?!". Một dấu hỏi, một
dấu chấm than đặt ở cuối câu như mũi khoan xoáy vào thẳm sâu nỗi xót xa khi nhà
thơ phải chứng kiến sự đổi thay đang tàn phá chất quê, hồn quê của “cái thời
đang biến động”.
Nhà thơ dồn liên tục, liên tục tâm trạng xót xa
của kẻ cô đơn, lạc lõng bằng một loạt tính từ: "chút", "hẻo",
"lẻ loi"... đặt liền nhau, đứng trong cùng một câu thơ, để sự
cô đơn, nỗi bi thương, tuyệt vọng của kẻ vô gia cư ngay trên chính quê hương
mình thẩm sâu vào trái tim người đọc. Ôi, đã "còn chút hẻo",
nhà thơ lại bồi thêm hình ảnh "lẻ loi" của "chòi Xóm
Cỏ" trong cùng một câu: “Còn chút hẻo lẻ loi chòi Xóm Cỏ”, rồi nhấn nhá
thêm bằng giọng ngạo nghễ, bông đùa: “Ta ra đây ngụ với Bác cu Bần.”.
Khiến người đọc se lòng với những quặn thắt: Có ai thất thế ra nhập nhóm người vô
gia cư lại thản nhiên như vậy? Có ai sa cơ "nhập hội" mấy "bác thằng
bần” lại bỡn cợt như thế? Không. Đấy là nhà thơ đang cố mượn giọng bông đùa để
bỡn cợt, giấu đi nỗi đau đang bóp nghẹt trái tim.
Ở 2 câu cuối, ở khổ thơ khép lại bài thơ, nhà thơ
lại vẽ tiếp một giấc mơ quê, một giấc mơ không thể đơn giản hơn nữa, không thể
nhỏ bé hơn nữa bởi những hình ảnh trong ước mơ rất đời thường, đời thường đến
lam lũ mà đau đáu những khát khao trong trẻo của hồn quê, chất quê:
Nuôi vịt, trồng rau...xuống sông kéo vó
No cái mùi Hoa Cỏ nức hương xuân...
Ôi, giấc mơ giữ lại chút hồn quê, chất quê của nhà
thơ Nguyễn Khôi, hay đúng hơn là nhà thơ cất tiếng nói thay ước mơ giữ lại được
chút hồn quê, chất quê trên mảnh đất thôn quê, của những người dân lam lũ mà
nặng lòng da diết với quê hương, ở “cái thời đang biến động" này sao mà lệ mặn ngược
vào tim?!
Bởi, là mơ đấy, là khao khát chỉ “tầm thường” thế
đấy mà cũng e khó thành!
Ôi! Những giấc mơ quê trong thời đại kim tiền!
Hà Nội, chiều 23 tháng 09 năm 2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét