Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Hà Nội Tiếu lâm Truyền kì (Kì 83-2019): TÌNH BẰNG CÓ CÁI TRỐNG CƠM / Vũ Duy Chu





        Đêm khuya thứ 7 (hồi ấy…) mấy thằng sinh viên chúng tôi kéo nhau ra nhổ trộm các cọc tre, cọc gỗ ở hàng rào của Khu Tập thể Công ty Công trình Bưu điện giáp Khu Kí túc xá để nấu mì sợi.
        Sáng chủ nhật mấy bà khu tập thể mất cọc điên tiết chửi bọn tôi tàn mạt. Các bà chửi tới đâu chúng tôi nhại lại và phổ nhạc rồi hát lên, xoong nồi chậu đem ra gõ váng óc…

        Thằng em phiên dịch tiếng Nga cho một cơ quan Ngoại giao đến chơi với tôi thấy thế chẹp miệng:
        - Ối anh ơi, cái món phổ nhạc Việt Nam mình giỏi cũng nhất thế giới luôn. Chính em đây này, tự nhiên em phát hiện ra mình có năng khiếu phổ nhạc đấy.
        - Thế chú phổ thơ à?
        - Không, phổ thơ dễ ợt, kể làm chi. Nhiều ông nhà thơ một nốt nhạc bẻ đôi không biết, thế mà vẫn hát thơ của mình oang oang ấy chứ. Thơ đã có sẵn vần điệu, nhạc sĩ chỉ đem rải câu thơ lên khuông nhạc như vãi mộng mạ lên ruộng, thế là xong…
        Nó kể tiếp:
        - Lần ấy, em đi công tác về vùng quê với nữ đồng chí chuyên gia Liên Xô. Qua cánh đồng khoai lang, giữa trưa hè nắng chang chang, em thấy hai bà chít khăn mỏ quạ, nhảy thếch lên, hạ thếch xuống. Hai bà cứ vỗ tay vào phiá dưới rốn, rồi tát hai bàn tay vào nhau bôm bốp, rồi xiả ngược sang mặt nhau. Em biết tỏng tòng tong bà nọ bới trộm khoai bà kia.
        Đồng chí Liên Xô thấy lạ bèn hỏi (Tất nhiên bằng tiếng Liên Xô):
        - Hai đồng chí nông dân đang hát hả?
        Em đáp liền:
        - Đúng, đúng đấy đồng chí Liên Xô ạ. Hai nữ đồng chí nông dân lao động mệt quá, đang giải lao, đang hát, đang múa với nhau cho vui ấy mà.
        Phải cho đồng chí Liên Xô tin, rồi phục lăn, em giải thích:
        - Người ta vỗ vỗ như thế, là vỗ cái trống cơm tưởng tượng ấy mà. Trống cơm là thứ trống người ta phải đeo trễ toòng teng ở dưới rốn thì mới vỗ được. “Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ… vỗ… vỗ, ấy mới cơm, nên cơm…”. Sòn… sòn… rê… mí… mí… la… la... lá... lá... Đồng chí Liên Xô ạ, bài dân ca “Trống cơm” là hồn vía của đất nước chúng tôi đấy. Các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn, đoàn nào cũng hát bài này. Nước Liên Xô của đồng chí cũng rứa…
        Nữ đồng chí này có vẻ chưa hiểu.
        Nóng tiết, em vừa nhìn hai bà nông dân để bắt chước động tác cho khớp, vừa múa, vừa “phổ” nhạc oang oang…
Đồng chí Liên Xô sướng củ tỷ, cười như nắc nẻ.
Chả thế mà trước khi lên xe, đồng chí vẫy vẫy tay chào hai bà kia rối rít, rồi xổ một tràng:
        - Ố- trin -Khơ – ra - sô, Khơ – ra - sô! (Quá hay, quá tốt!)
        - Đa – xi – đa - nhè. Đa – xi - đa - nhè! (Tạm biệt, tạm biệt!)

Sài Gòn, 6.12.1998- 9.9.2018
VDC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét