Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

VÀNG - THAU - MỘT - THỜI : Tiểu thuyết / Phan Đạt Ninh (Chương 2 - 3)






       Chương 2

          Những tháng ngày sống bên Gã đôi lúc Sơn cũng cảm thấy khó chịu bởi tính nết Gã. “Một thanh niên mới  ngoài hai mươi tuổi mà đã tính toán cho những ngày hiện tại, trước mắt, lâu dài thì còn gì là thời thanh niên bay nhảy, khoáng đạt nữa...”. Sơn ngồi thu lu bên góc sân thượng nghĩ về Gã, về bản thân để rút ra bài học thì Gã mò đến. Gã nói:
          - Lại đăm chiêu suy nghĩ gì vậy?

          Sơn ngẩng nhìn Gã. Sơn không trả lời mà hỏi lại:
          - Sắp đến ngày thi mà tối qua cậu bỏ đi đâu?
          Gã bảo:
          - Đi dạy học chứ đi đâu ? Mà cậu cũng tính dạy thêm cho lũ cấp ba sắp thi đại học đi. Mình dạy nó vừa có thu nhập, vừa ôn lại kiến thức. Tớ tính thế này, cái lớp tớ đang dạy, môn toán đã có tớ, đánh cả hình đại lượng. Môn lý cậu đánh. Môn hóa tay Vinh đánh. Thế là ổn. Một tuần dạy vào những tối ngày chẵn, từ tám giờ đến mười giờ. Từ mười giờ đến nửa đêm mình học cho mình cũng đủ.
         Sơn nghe Gã nói cũng thấy hay. Phải nói rằng Gã quan sát cũng trúng thật. Sơn nhớ đã nhiều lần Gã gọi Sơn là giáo sư vật lý, Vinh là giáo sư hóa đấy thôi. Nghĩ vậy Sơn cũng thấy đôi chút tự hào. Gì thì gì cũng có bạn thân thừa nhận mình là giáo sư?
          Khi Gã dàn quân, dàn trận đánh xong, Sơn hỏi Gã để châm ngòi vào mông Gã:
          - Thế môn văn ai dạy?
          Gã cười nói:
          - Cánh thi vào bách khoa chú trọng toán lý hóa thôi. Còn văn với vẻ nói làm gì? Đến tớ với cậu còn dốt.
          Gã lại đốt lại Sơn:
          “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Cổ nhân nói cấm sai.
          Sơn và bạn bè  học được từ Gã nhiều lắm. Không hiểu Gã sinh vào giờ nào mà chỉn chu đến thế? Hôm Gã đưa cho Sơn và Vinh chương trình bồi dưỡng học sinh, Sơn và Vinh đọc đi đọc lại nhiều lần mà cấm góp được ý nào với gã. Môn toán thì khỏi phải bàn, bởi Gã siêu rồi. Nhưng lý, hóa Gã cũng chẳng vừa. Gã viết ra cái đề cương thật hãi, sát sạt với tư duy của Sơn và Vinh. Bữa cả nhóm họp để thông qua chương trình, Gã yêu cầu đối thoại và phản biện.
          Trong tay Gã cả mấy tập đề thi đại học những năm gần đây. Gã đặt ngay ngắn tập đề trên bàn. Gã thuyết trình cứ như máy mức độ các dạng toán , lý , hóa. Vinh nghe xong chỉ tủm tỉm cười. Vinh rút trong túi ra tập đề thi của nước ngoài như Nga, Mĩ, Pháp. Sơn bắt đầu chú ý xem Vinh sẽ nói gì? Vinh diễn giải xong Gã chốt lại:
          - Sử dụng thêm những tài liệu này buổi ra mắt, các phụ huynh và học sinh chắc chắn sẽ hài lòng về các thầy.
          Nghe Vinh nói Sơn hài lòng lắm. Bởi Vinh thông thạo tiếng Anh. Vinh  đã nghiền ngẫm những thứ này từ nhiều năm trước hồi còn học phổ thông lớp năng khiếu.
          Gã nói tiếp:
          - Nội dung giáo trình thế là được. Vấn đề tiếp theo và quan trọng là phương pháp sư phạm. Không thể chấp nhận khi giảng bài giáo viên nói không lưu loát, cứ rằng thì mà là... Thế thì vất! Gã nhấn mạnh từ “vất” rất rõ. Gã còn nhắc không được nói ngọng, viết sai chính tả, sai ngữ pháp.
          Gã nói xong, Vinh thở dài thườn thượt:
          - Thế này thì tớ chết! Tớ ngọng nhiều quá!
          Sơn bảo Vinh:
          - Từ giờ cậu phải sửa đi. Mỗi khi nói đến từ này thì chú ý, nói chậm lại, hoặc dùng từ khác thay thế.
          Gã nhìn Vinh như thôi miên...
          Vinh hiểu cái kiểu nhìn của Gã. Cái nhìn như trách móc, như coi thường, như giận dữ.
          Để hoàn thiện mình, từ hôm sau Sơn và Vinh bắt đầu để mắt đến công việc. Vinh luôn mồm sửa ngọng. Sơn buồn cười lắm.
          Vinh cũng cười theo:
          - Khổ thế! Thằng thanh niên voi ăn không hết thịt mà còn phải dài mồm, tròn miệng ra tập nói .
          Vinh kiên trì đến mức khổ hạnh, Gã động viên:
          - Tốt đấy, mới có mấy ngày mà ổn rồi. Tớ  nói thật giọng cậu bây giờ trong và rõ đấy. Cứ kiểu này lũ con gái trong lớp sẽ không dám chê cậu ngọng nữa. Nói thật, trước đây, mà đâu phải trước đây, mới có mấy ngày trước tớ nghe cậu tán em Phương tớ thấy xấu hổ. Đếch gì lại yêu em "nắm", "lếu " không được Phương chấp nhận anh buồn " nắm", vân vân. Đã thế cậu lại nói nhiều.
          Vinh cắt lời Gã:
          - Tớ nói thế nhưng em có chê tớ đâu? Em ấy chẳng mê tít thò lò à? Chỉ mấy đứa ngoài rìa không thấy tớ để ý là chọc thôi.
          - Cái Phương tớ không ngại. Mà là....
          Vinh cắt lời Sơn:
          - Cậu bảo ngại cái gì? Nói nhanh!
          - Ngại bố mẹ, ngại em Phương cười cho thối mũi!
          Sơn nói xong Vinh cố tình sổ ra một câu dài, phức tạp dường như để khẳng định mình đã hết ngọng:
          - Chuyện nói ngọng của tớ xong rồi, đừng nói lại nữa. Hãy lắng nghe đây: Tớ còn việc này phải học thêm là phương pháp sư phạm. Hai cậu thì ổn rồi. Rõ khổ cho tớ. Bao nhiêu năm tác phong tự do bây giờ mới khốn!
          Vinh nói xong Sơn và Gã phục liền.
          Trước giờ “Vào trận”  hai ngày, Gã kêu Sơn và Vinh tám giờ tối họp.
          Có thể nói Gã thuộc loại người khó tính. Sơn kéo Vinh ra đầu nhà trao đổi nhanh:
          - Chắc là Gã chưa được tận mắt chứng kiến tác phong của tớ chứ gì? Đợi đấy! Con sói già khó tính, khó nết. Tớ sẽ nói như một nhà hùng biện, tớ sẽ đi đứng lịch lãm như một nhà ngoại giao chuyên nghiệp cho Gã xem. Nếu cần tớ còn tung một tràng tiếng Anh cho biết tay.
          Nghe Vinh nói thế Sơn sướng lắm. Còn Sơn, Sơn sẽ tương  cho gã vài lý thuyết cao thủ về vật lý hạt nhân để Gã choáng. Vinh dân chuyên hóa, Sơn dân chuyên lý. Gã chuyên toán có biết khối về hóa, lý cao cấp.
          Đúng tám giờ Gã chưa thèm dậy. Gã vẫn nằm ngửa trên giường cầm trên tay cuốn sách. Thấy thế Sơn cao giọng:
          - Vẫn chưa chịu xuống à? Hay là để bọn tớ phải mời?
          Gã vẫn ngửa mặt lên đọc sách.
          Chừng mươi phút sau Gã mới lồm cồm bò dậy. Gã nói:
          - Hai cậu đi chơi về sớm thế?
          Nghe thế  Vinh tức ra mặt, nói như quát:
          - Ông khinh người vừa thôi!
          Gã hỏi lại:
          - Chắc hai cậu lại bất đồng quan điểm với nhau à? Có đếch gì mà khinh với trọng. Dở hơi à!
          Vinh lè lưỡi, trợn mắt nhìn Sơn...
          Sơn cũng lè lưỡi, trợn mắt nhìn lại.
          Gã từ giường tầng tụt xuống như một con mèo. Có lẽ Gã đã quá thành thạo kiểu trèo lên tụt xuống như vậy. Hãy nhìn động tác của Gã: Hai chân Gã thò xuống, hai tay bám chắc hai bên thành giường, đẩy người ra, lưng dựa thành giường tụt người xuống...Cái triết lý của Gã  là tập thể dục luôn.
          Gã nói: Còn hai hôm nữa hai cậu sẽ vào "Trận ". Tớ nói với cánh học sinh rồi. Tớ còn gửi cả tờ thông báo cho phụ huynh biết lớp tổ chức phụ đạo thêm hai môn lý và hóa. Các cậu có biết phụ huynh phản hồi thế nào không? Nghe đây...
          Gã mở cặp lấy ra tờ thông báo, Gã đọc: Kính gửi các thầy giáo trẻ. Phụ huynh chúng tôi rất phấn khởi và ủng hộ chương trình của các thầy.Chúc các thầy thành công...
          Đọc xong Gã cười hề hề như trẻ nhỏ. Gã nói:
          - Hai tướng thấy tầm quan trọng chưa? Thời buổi này xây dựng được lòng tin với học sinh, với phụ huynh khó lắm. Các lớp học quy mô quanh đây đầy ra đấy, cớ gì họ lại chui vào cái lớp nhỏ bé của tụi mình? Vì vậy chúng ta cố gắng làm thật tốt công việc.
Nói xong Gã thay đổi hẳn nét mặt. Gã trở nên lạnh lùng, nghiêm mặt nói:
          - Còn chuyện tế nhị này nữa nói thêm nhưng không thừa . Học sinh trong lớp có nhiều em nữ  tuổi mười bảy, mười tám xinh đẹp, đang  tuổi yêu, hai cậu thật cẩn thận, thật nghiêm khắc, đừng để chuyện tình cảm thầy trò biến thành tình yêu nam nữ...
          Nghe Gã quán triệt Vinh nổi nóng:
          - Ông dở vừa thôi! Ông hâm rồi đấy! Ông làm như hai thằng này không biết gì cả!
          Sơn bật cười rồi thủng thẳng nói:
          - Chẳng có gì thừa cả!


     Chương 3

          Buổi đầu tiên đến lớp Sơn và Vinh thật hồi hộp. Ngoài đời thế nào không biết, nhưng ở lớp học phải khác, phải trong khuôn khổ sư phạm.
          Đi đầu là gã sau đến Sơn và Vinh. Cả ba bước vào lớp. Học sinh và phụ huynh đã nghiêm chỉnh ngồi chờ.
          Không khí thật nghiêm.
          Gã giới thiệu về Sơn và Vinh, về chương trình, về thời gian học:
          - Kể từ hôm nay, thời gian học sẽ kết thúc lúc mười giờ. Mỗi môn học bốn mươi lăm phút, giải lao mười lăm phút. Các phụ huynh và các em học sinh thấy sao?
          Một phụ huynh giơ tay xin phát biểu:
          - Lúc các thầy chưa đến, phụ huynh các bác cũng đã trao đổi rồi. Các bác rất phẩn khởi khi các em được học các thầy là những sinh viên giỏi. Các bác cũng hoàn toàn nhất trí với thời gian biểu. Chỉ mong sao các em trong lớp hãy noi gương các thầy học tập cho tốt để kì thi đại học sắp tới đạt kết quả cao.
          Đợi phụ huynh phát biểu xong, Gã chỉ vào Vinh nói:
          - Bác phụ huynh phát biểu vậy thầy Vinh nghĩ sao?
          Thật bất ngờ cho Vinh, nhưng Vinh trấn tĩnh được ngay.  Vinh đứng dậy nói:
          - Các bác đã gửi các em vào học lớp này, cháu nghĩ đây là một quyết định đúng. Bằng kiến thức, bằng kinh nghiệm học tập nhiều năm ở trường chuyên, chúng cháu sẽ trang bị  cho các em những kĩ năng học tốt nhất. Các em sẽ là những gà nòi trong trận đấu sắp tới.
          Nghe Vinh phát câu “ gà” không khí lớp học sôi động hẳn lên.
          Phụ huynh xin phép được ở lại dự các tiết dạy của ba chúng tôi. Giờ đầu tiên là môn toán của Gã. Nhìn Gã đứng trên bục giảng Sơn và Vinh nom Gã không còn như ở ngoài nữa. Gã đúng là một thầy giáo chính hiệu. Gã lấy trong cặp ra tập giáo án mở ra. Bên trái bảng Gã viết từng mục rõ ràng. Khi viết xong các mục lớn, Gã đĩnh đạc nói:
          - Ở phần thứ nhất các em cần lưu ý các công thức sẽ dùng để giải các bài toán trong chương.
          Miệng Gã nói nhưng tay đã thoăn thoắt viết lên bên phải bảng một loạt các công thức. Dưới lớp là tiếng xì xào của của phụ huynh và học sinh:
          - Thầy trình bày rất rành mạch !
          - Đợi xem thầy giải các bài toán thế nào?
          Gã vừa giải vừa phân tích từng bước làm. Giải xong bài toán mẫu, Gã nói:
          - Bây giờ em nào hãy lấy một vài ví dụ bài bài lượng giác khó trong sách để chúng ta cùng giải.
          Học sinh lần lượt đưa ra các bài toán khó trong và ngoài sách.
          Gã phân tích bài toán, áp dụng công thức, rồi mời từng học sinh lên bảng trực tiếp cầm phấn giảng. Một bài toán Gã không để một học sinh giải hết . Gã cho mỗi học sinh giải một phần.Thế đấy, gã bắt từng học sinh phải suy nghĩ, phải trực tiếp tham gia giải bài đến kết quả cuối cùng.
          Cuối cùng Gã tóm tắt.
          Dưới lớp phụ huynh trầm trồ khen Gã. Một phụ huynh xin phép phát biểu:
          - Tôi cũng là nhà giáo, tôi thấy phương pháp của thầy hay lắm! Học sinh nào cũng phải suy nghĩ và được tham gia giải toán. Em nào yếu là biết ngay. Tôi khen thầy thật lòng.
          Sau giờ giải lao, Sơn vào tiết của mình.Vẫn ánh mắt theo dõi, tập trung của phụ huynh và học sinh. Sơn cũng phân bảng thành hai phần như gã. Bên trái bảng Sơn cũng viết các mục đề lớn sẽ giảng. Bên phải bảng Sơn dành cho việc giải các bài toán hay cần viết thêm những nội dung, ý kiến mới, đặc biệt của học sinh.
          Có điều khác là các mục đề chính Sơn viết chữ in hoa chứ không viết chữ thường như gã. Với Sơn thứ hoa tay bây giờ mới phát huy tác dụng. Dưới lớp đã rộ lời khen, lời bình luận của phụ huynh, của học sinh.
          Sơn giảng cho học sinh chương Thuyết lượng tử ánh sáng. Sơn vẽ lên bảng những quỹ đạo trong sách giáo khoa học sinh, Sơn còn vẽ thêm vài quỹ đạo khác chỉ có trong chương trình nâng cao.
          - Các quỹ đạo thầy vẽ cứ như tinh tú trong thiên hà.
          Sơn dành mươi phút yêu cầu vài học sinh nhắc lại một số kiến thức  trong chương xem học sinh đã nắm ở mức nào? Bởi lý thuyết chương này khá trìu tượng. Cái thời học lớp chuyên lý, cũng bài học này Sơn đã được nghe thầy của mình có học vị tiến sĩ vật lý giảng. Vì vậy Sơn sẽ đưa học sinh trở về những năm tháng thời học sinh của mình.
          Phần lý thuyết Sơn phân tích kĩ về bản chất .Phần bài tập, Sơn chú ý đến các công thức lượng giác, đạo hàm, vi phân, tích phân, góc độ , vận tốc hạt ánh sáng, bước sóng, tần số, là những công thức phức tạp và khó mà học sinh thường hay sợ. Sơn dẫn dắt học sinh đi từ bài tập dễ đến bài khó... Chủ ý của Sơn là dắt học sinh đi từ rừng thưa vào với rừng rậm mà không bị lạc...
          Bốn mươi lăm phút qua nhanh. Phụ huynh và học sinh thở phào:
          - Tuyệt vời quá !
          Giờ phụ đạo môn hóa của Vinh  trình tự tiến hành cũng như Sơn và Gã đã làm
          Học sinh và phụ huynh dường như không dời mắt từng ly từng tí những gì Vinh đang nói, đang viết.
          Những áo trắng, áo hoa cứ thay nhau lần lượt lên bảng viết ra
những hiểu biết của mình theo yêu cầu của bài tập.Từng dãy phương trình phản ứng hóa học theo ngón tay học sinh cứ kéo dài trên bảng như đang xảy ra phản ứng thật.
          Sơn nháy mắt cho Vinh biết có phụ huynh cứ thấp thỏm,  nghiêng người theo dỗi từng chuỗi phản ứng hóa học. Sơn biết chắc phụ huynh này cũng là giáo viên dạy hóa ở cấp ba ở trường nào đó.
          Giờ phụ đạo của Vinh rồi cũng kết thúc.
          Theo đề nghị của phụ huynh, lớp học ở lại thêm mươi phút để phụ huynh đóng góp ý kiến.
          Gã, Sơn và Vinh nhìn nhau cười. Dẫu gì thì họ đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
          Gã chủ động dẫn :
          - Đây là buổi học đầu tiên có hai thầy mới dạy. Các bác phụ huynh và các em học sinh đánh giá thế nào?
          Một phụ huynh đứng lên phát biểu:
          - Tôi là cán bộ ngành giáo dục, tôi đánh giá cao chất lượng học ở lớp. Các thầy giảng rất tốt, phù hợp với giai đoạn luyện thi đại học .Chính vì các thầy đã từng là học sinh trường chuyên nên nắm sâu, nắm vững những nội dung cần thiết để hướng dẫn các em. Vì thế các  em theo dõi rất say mê!
          Nhiều tiếng khen đồng tình cất lên:
          - Đúng thế ! Chúng tôi cũng nghĩ như vậy.
          Dưới lớp có tiếng cười khúc khích và thì thào của học sinh nữ:
          - Các thầy còn đẹp trai như tài tử điện ảnh nữa.
          - Tớ thích nhất thầy đeo kính mặc sơ mi trắng...
          Nghe thấy thế các phụ huynh ai cũng xoay người về chỗ cất lên tiếng nói...
          Sơn không thể im lặng trước những lời khen của phụ huynh :
          - Cám ơn các bác đã có lời khen. Chúng cháu được học các thầy cô là những người đi trước, giờ chúng cháu có trách nhiệm giúp thế hệ sau.

(Còn tiếp)
PHAN ĐẠT NINH         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét