Nhà văn Đỗ Trường |
Đêm
Thượng Nguyên, trăng tròn như cái vành thúng được ai đó treo lên bầu
trời. Những cơn gió, thôi lùa qua những vách nứa nơi đầu hồi. Đất
trời dường như ấm trở lại. Khách khứa, bà con xóm làng đến chia vui,
tiễn đưa tân cử nhân Doãn Khuê vào kinh thành thi Hội đã ra về. Làng Ngoại Lãng, tổng Vô Ngại, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương
trở về với cái tĩnh lặng của miền đồng quê.
Đóng
cổng, quay lại Khuê châm thêm nước vào ấm. Trà tỏa ra mùi hương thanh
dịu. Nước đã ngấm, Khuê hai tay nâng tách trà đi về phía góc phản,
nơi tân Tổng đốc Định- Yên, kiêm Tuần phủ Hưng Yên Doãn Uẩn còn ngồi
đó. Khuê chưa kịp mời, Uẩn đã hỏi:
- Chú định khi nào vào Kinh?
Khuê
đứng thẳng người:
-
Thưa bác cả, ngày mốt em sang Nam
Chân, chào thày Ngô Thế Vinh. Có lẽ, ở lại đó vài ngày, rồi cùng
Phạm Văn Nghị xuôi Kinh ạ.
- Ừ,
chú định vậy cũng phải. Đi sớm một chút có thời gian nghỉ ngơi,
chuẩn bị khoa thi sẽ tốt hơn.
Đỡ
tách trà từ tay Khuê để xuống phản, Uẩn rút chiếc túi trong tay áo
ra và bảo:
- Khoa
thi này, tuy triều đình đã lo nơi ăn, chốn ở cho các sĩ tử, nhưng
đường xa, lạ nước lạ cái, cũng cần phải chi tiêu. Ta có chút ít lộ
phí, mong chú nhận cho.
Tuy
là anh em con chú bác, nhưng Uẩn lớn hơn Khuê đến gần hai con giáp.
Khuê mồ côi cha mẹ từ tuổi lên mười, do vậy được Uẩn chăm sóc, bảo
ban, thúc giục việc học hành. Từ ân tình ấy, lúc nào Khuê cũng coi
trọng Uẩn như một người anh cả, một người cha đỡ đầu vậy.
Khựng
lại, dằn cơn xúc động, Khuê mới ngập ngừng:
-
Cảm ơn bác cả… nhưng…
-
Còn nhưng gì nữa! Cả chục năm chinh chiến, ta may mắn được triều đình
bổ nhiệm làm Tổng đốc Định- Yên, năm nay
mới được ăn Tết ở nhà. Chú cũng vất vả về đại gia đình ta nhiều
rồi. Hãy cầm lấy, lo cho tốt việc thi cử, có vậy ta mới được yên
lòng. Gặp thày Ngô Thế Vinh, và Phạm Văn Nghị, nói cho ta gửi lời
thăm hỏi…
Năm
Mậu Tuất 1838, niên hiệu Minh Mạng
thứ 19, cùng với người bạn Phạm Văn Nghị,
Doãn Khuê vượt qua hai khoa thi Hội, thi Đình, đỗ Đệ tam giáp đồng
tiến sĩ xuất thân. Tròn 25 tuổi, Khuê là người tiến sĩ trẻ
nhất khoa thi ấy. Năm sau, Khuê được phong quan
Hàn lâm viện biên tu, và sau đó được bổ nhiệm tri phủ Ứng Hòa…
Giải
quyết xong những bê bối của phủ nha mà người tiền nhiệm để lại, Khuê
đến ngay làng Vân Đình, huyện Sơn Minh,
phủ Ứng Hòa thăm người bạn Dương Quang. Dù đã
biết trước, nhưng Quang không ngờ Khuê đến nhà thăm sớm như vậy. Là
bạn, nhưng hiện Khuê đã là quan ở phủ nhà, vợ lại vừa lâm bồn làm
cho Quang một chút bối rối. Tuy nhiên, gặp nhau cái chất mộc mạc,
tình nghĩa của Khuê đã xua tan suy nghĩ ấy trong Quang. Trong lúc khật khừ, Quang bảo:
-
Nhà vừa sinh trưởng nam, mỗ tôi chưa đặt tên. Nhân Tri phủ đến chơi cho
cháu cái tên, thì thật may mắn lắm.
Đặt
cốc xuống mâm, Doãn Khuê cười:
-
Tiểu đệ vừa lập gia thất, cũng còn bỡ ngỡ lắm. Tuy nhiên, việc học
cũng lấy làm hanh thông, thôi thì cứ lấy tên tiểu đệ đặt cho cậu cả
vậy. Hậu sinh khả úy, sau này Dương Khuê* đỗ Giải nguyên, Hoàng giáp
không chừng.
Quang
nhìn Khuê xem chừng cảm động lắm:
-
Quan tri phủ làm thế này, thật là ban phúc đức cho gia đình vậy.
Quang với cút định châm thêm tửu,
Khuê đã vội xua tay:
- Bác lượng thứ, tửu lượng có
hạn, hôm nay tiểu đệ đến đây cũng có việc muốn nhờ vả đấy!
- Có chi, xin Tri phủ cứ nói.
Làm được mỗ tôi xin dốc lòng.
- Tài trí của bác, trước sau
triều đình cũng vời gọi. Tuy nhiên phủ nha hiện rất cần người. Nếu
được, mời bác ra giúp tiểu đệ một thời gian.
Trầm ngâm một lúc, Quang bảo:
- Qủa thật, gánh nặng cha mẹ
già, thêm thê tử còn dại, chưa thể ra giúp ngay, nhưng mỗ tôi sẽ tiến
cử một người có trí dũng cho Tri phủ. Người này, tính tình khí
khái, học hành khá, đặc biệt võ công rất thâm hậu, nhưng không muốn
thi cử để tìm công danh. Nghe nói, hắn là hậu duệ của Ức Trai tiên
sinh.
Nghe vậy, Khuê mừng lắm, hỏi:
- Tên gì, nhà ở đâu?
- Tên Nguyễn Bá, ở làng bên, nhưng Tri phủ phải thân hành
đến đó tốt hơn.
-
Được…được, sau đây chúng ta sẽ đến đó…
Với
tính cương trực, liêm khiết, cùng với sự trợ giúp của Bá, trong một
thời gian ngắn, Khuê đã ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân Ứng
Hòa sung túc, và đi vào nề nếp một cách rõ rệt. Năm Thiệu Trị thứ
nhất 1841, Khuê được bổ nhiệm làm Giám sát ngự sử biên thùy phía Bắc,
đạo Lạng- Bình.
Lúc
này, dân Nam Kỳ liên tiếp nổi loạn. Ngoài biên, dân Chân Lạp nổi dậy
chống đối quan lại Đại Nam cai trị. Tướng trấn thủ Trương Minh Giảng
nhùng nhằng chưa thể dẹp yên. Vua Thiệu Trị nghe lời khuyên của Đô
thống Tạ Quang Cự bỏ Trấn Tây Thành. Buộc tướng trấn thủ Trương
Minh Giảng phải rút quân về An Giang. Hay tin Khuê cho rằng, đây là việc
làm rất bất lợi, nên lập tức viết tấu biểu can ngăn Thiệu Trị: “…Nếu
ta rút quân, chắc chắn giặc Xiêm sẽ không bỏ lỡ cơ hội, quay lại lấy
Trấn Tây Thành làm bàn đạp tấn công Đại Nam. Nguy cơ chiến tranh bùng
nổ, và chiến trường sẽ ở ngay trên đất Đại Nam ta. Do vậy, hạ thần xin bệ
hạ cử ngay một tướng quân giỏi chiến trận cũng như cai trị, an dân
sang giúp Trương Minh Giảng giữ vững Trấn Tây Thành. Đó là lá chắn
vững chắc cho phía Tây Nam
Đại Việt ta. Được như vậy, thì thật may mắn lắm thay. Xin bệ hạ soi
xét kỹ.“
Là
một Hoàng đế nhân từ, nổi tiếng thi ca, nhưng không có tầm nhìn, ít
có tham vọng mở mang bờ cõi, do vậy khi nhận được tấu biểu của Khuê,
Thiệu Trị đã gạt bỏ. Không những vậy, ông còn cho bỏ luôn cả phủ Quảng
Biên và Khai Biên.
Một
tin sét đánh. Hoàng đế đã tự chặt tay của mình, Khuê buồn rầu lẩm
bẩm như vậy.
Chiều
biên cương mây mù đã giăng kín lối. Mờ mờ bên kia sườn núi những vỉa
đá nhọn hoắt đâm thẳng lên nền trời. Gió từ phía Bắc thổi về đập
vào vách đá, kêu u oa như tiếng sáo diều bị nghẹt lỗ. Khuê trầm ngâm
bên đống đơn từ kiện tụng. Chợt người lính vệ đi vào:
-
Bà Nguyễn Thị Ngũ chủ thương điếm Ngũ Thị, tìm Giám sát ngự sử
muốn có điều bẩm báo ạ.
-
Cho bà ta vào.
Ngũ
Thị là người đàn bà khoáng đạt, nhân từ. Thị có thương điếm hầu
hết các tỉnh, từ Hà Nội lên Thái Nguyên và đến Lạng Bình. Thị đã
hiến nhiều của cải, vật chất cho triều đình mỗi khi đất nước có
thiên tai, hoặc chiến tranh, giặc giã. Đã nghe tên, tỏ lòng mến phục
Ngũ Thị ngay từ khi còn ở trong Kinh đô, nên Khuê đứng dậy, ra cửa
đón.
Khi
Khuê kéo ghế mời, Thị xin phép được đứng. Có lẽ, cơn u uất trong
người còn chưa tan hết, bởi Thị vừa từ nơi Trưởng quan ty bố chính đến. Khuê chưa kịp hỏi, Thị đã đi thẳng vào việc:
-
Thưa quan, hạ dân là phận đàn bà, đến thưa gửi, kiện tụng thì thật
không nên. Nhưng không thể không đến, bởi gần đây, Trưởng quan ty bố chính Đậu Thập ép các thương
điếm phải vào bang hội. Và trưởng cái bang
hội này là người Quảng Tây đội lốt dân Việt, do Trưởng quan ty
bố chính sắp đặt. Giá cả, hàng hóa đều do
người này ấn định. Có một vài thương điếm không chịu gia nhập đã bị
bắt giữ, và tịch thu gia sản. Nguy hiểm, và dã man hơn nữa, họ
còn dùng bọn thảo khấu, được gọi là một thứ âm binh mới để đánh,
giết người, nếu chống đối. Theo hạ dân biết, cái bang hội này
chỉ là cái vỏ bọc cho Trưởng quan ty bố chính cấu kết với quan Lãnh
binh Lê Thất buôn bán thuốc phiện, hàng cấm qua biên giới mà thôi. Sự qua lại rất mờ ám với Trung Quốc của chúng là
điều lo ngại cho an ninh Đại Nam
ta. Mong quan lớn soi xét, điều tra, cứu lấy các thương điếm và dân
chúng nơi đây.
Khuê
lắng nghe, rồi hỏi Ngũ Thị:
-
Các ngươi đã trình báo lên tuần phủ chưa?
-
Dạ, thưa rồi, nhưng mỗi lần trình báo là một lần bị âm binh đánh
đấm, đe dọa. Bây giờ bọn hạ dân có nhử kẹo kéo cũng không dám đến
quan tuần phủ nữa đâu ạ.
-
Thôi, ngươi cứ yên tâm về, ta sẽ điều tra, trình báo triều đình và xử
lý thỏa đáng.
Trời
đã khuya. Khuê ngồi bó gối lặng im trong bóng tối. Đĩa đèn dầu vẫn
cháy, nhưng không thể xuyên thủng màu đen như ken trước mặt. Nguyễn Bá ướt sương đêm, từ trong bóng
tối chui ra:
-
Bác chưa đi nghỉ sao?
Khuê
bảo:
- Ông chưa về sao ta ngủ được.
Cởi
áo treo lên cột nhà, rồi Bá ngồi xuống cạnh Khuê:
-
Qủa thực, tên Đậu Thập, Trưởng quan
ty bố chính đã cấu kết với Lê Thất, Lãnh binh buôn bán thuốc phiện,
hàng cấm qua biên giới. Điểm tập kết của chúng khi thì kho bang hội,
lúc khu lãnh binh. Hai tên này là hung thần, nỗi khiếp đảm của lương
dân khu vực biên giới phía Bắc này.
Người
Khuê run lên, hai tay bóp chặt tay vào thành ghế:
-
Như vậy đã rõ. Ta sẽ viết tấu biểu về triều đình ngay. Và chúng ta
âm thầm điều tra tiếp. Về thân thế hai tên này, hồ sơ có trong văn
khố, chắc ông đã đọc?
-
Dạ, mỗ tôi đã biết.
Đậu
Thập thực ra là họ Nguyễn, người tỉnh Hà Nội, xuất thân từ nghề
hoạn lợn. Đầu năm 1830, Thập bỏ sang Trung Quốc theo Minh giáo (Mani
giáo) và đổi thành họ Đậu. Năm 1833 Thập về nước, được một Lại mục
ở phủ Tổng đốc Thái Nguyên nhận làm con nuôi. Năm Minh Mạng thứ 15
(1834) nhờ có chút công trong vụ dập tắt sự nổi dậy chống triều
đình của Tri châu Bảo Lạc Nông Văn Vân, nên Thập
đã được triều đình ban thưởng, cất nhắc. Khi được bổ nhiệm lên đạo
Lạng Bình, Thập được giới thiệu làm quen với Lãnh binh Lê Thất. Thất
người Thuận Hóa, xuất thân từ tên đốn củi, rồi làm cai mỏ cho triều
đình nhà Thanh. Sau này không rõ, bằng cách nào, và từ đâu Thất được
bổ nhiệm làm Lãnh binh thuộc phủ biên ải này. Bộ Lại nhiều lần đặt
nghi vấn, điều tra, nhưng chưa thể kết luận.
Trong
ba tháng, Khuê dâng liền ba biểu tấu, nhưng buồn thay, hoàn toàn không
nhận được hồi âm từ phía triều đình. Thập và Thất buôn bán thuốc
phiện, hàng quốc cấm, và đánh, giết người ngày càng công khai, trắng
trợn. Sự lộng hành ấy, làm cho Khuê không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi,
nên bèn gọi Bá vào bàn:
-
Bọn Thập và Thất chắc chắn có đồng đảng đứng sau, không chỉ trong
phủ, đạo này, mà còn trong triều đình nữa. Do vậy, đến hôm nay, ta
vẫn chưa nhận được chiếu chỉ. Và dù có chiếu chỉ, chúng ta khó có
thể xử tội chúng ở đây, bởi vây cánh đồng đảng, cũng như không ngoại
trừ thế lực bên kia biên giới. Nên ta muốn ông chọn ra một số người
can đảm, võ nghệ tinh anh trong đám lính vệ, cùng tập luyện, lựa
thời cơ bắt hai tên này, rồi âm thầm đưa về phủ Thái Nguyên. Ta có
thể liên lạc với người bạn Tô Trân hiện đang lãnh chức Án sát sứ ở
đó. Làm việc này, tuy vừa lòng dân, nhưng trái với qui chế của triều
đình. Chắc chắn ta sẽ mang trọng tội. Mấy năm làm quan, ta cũng tiết
kiệm được khoản tiền, ông cầm lấy, xong việc đưa gia đình đến một nơi
nào đó sinh sống. Ông không phải là người của triều đình, sẽ không
bị truy cứu đến đường cùng đâu. Ta biết, đã làm khó cho ông, nhưng
quả thật không còn cách nào khác.
Lời
của Khuê đã làm cho Bá thực sự xúc động:
-
Sao bác lại nói vậy. Mấy năm qua, không chỉ vì việc công mà mỗ tôi
theo bác, nhục vinh cũng đã trải qua. Tình như thủ túc. Mỗ tôi
sợ chết, tính toán thiệt hơn thì đâu có theo bác. Việc này, bác
đừng để trong lòng. Chúng ta cùng làm, hậu quả cùng gánh. Tuy nhiên,
bác không đáng phải làm như vậy. Nếu bác cho phép, ngay đêm nay, mỗ
tôi cho mỗi thằng một dao. Chỉ có giời biết, đất biết. Đó như là
một sự trừng phạt tội ác mà bấy lâu nay chúng đã gây ra cho nhân dân,
và đất nước vậy…
-
Không được… không được, chúng ta làm vậy, khác gì thảo khấu. Chết
thằng Thập, Thất này, sẽ có thằng Thập, Thất khác lên thay. Bởi
không vạch được tội, không xóa được tận gốc băng đảng của chúng. Do
vậy, bằng bất kỳ hình thức nào, chúng ta đưa được chúng ra công
đường xét xử, đó mới là sự trừng phạt thật sự. Cái giá phải trả,
ta đã xác định trước rồi.
-
Vâng! Đã hiểu, mỗ tôi sẽ có cách bắt hai thằng giặc già, và đồng
đảng, mang về phủ Thái Nguyên cho bác…
Chờ
khi Bá đã bắt được Thập và Thất đưa về Thái Nguyên an toàn, Khuê mới
viết lời giải thích sự việc cho tri phủ và phó Lãnh binh Hoàng Văn
Bình*. Quan tri phủ là người nhu nhược, nên lặng im chờ phán quyết
của triều đình. Giai là kẻ cơ hội, với Thập và Thất chỉ bằng mặt
chứ không bằng lòng. Hơn nữa Giai là thuộc hạ cũ của Tướng quân Doãn
Uẩn, anh của Khuê, do vậy cũng án binh bất động.
Và
đúng như dự đoán của Bá, chỉ có bọn âm binh, bè đảng kéo xuống
định giải cứu Thập và Thất. Nhưng Bá và lính vệ vây bắt sống hết.
Bọn âm binh già dái non hột này, chỉ một trận đòn của Bá khai tuốt
tuồn tuột những tội ác của Thập, Thất và băng đảng.
Được
sự trợ giúp của Án sát sứ Thái Nguyên Tô Trân, Khuê mang Thập, Thất
và đồng đảng ra xét xử, có đầy đủ vật chứng và nhân chứng. Không
thể phủ nhận tội ác, nhưng vin cớ, Khuê chỉ có quyền giám sát, không
được quyền xét xử, khi chưa có chiếu chỉ của triều đình, Thập và
Thất chống lại phiên tòa. Khuê quát: Triều đình ở xa, chiếu chỉ chậm
trễ là chuyện thường. Các ngươi ăn lộc của dân, nhưng cướp của, giết
dân, buôn bán thuốc phiện, cấu kết với ngoại bang tàn phá đất nước.
Ta thay mặt triều đình giám sát vùng biên ải này, không thể không bắt
các ngươi trị tội. Chưa có chiếu của triều đình, nhưng ta có chiếu
của dân, làm theo ý dân. Khuê lập tức tuyên phạt Thập, Thất và những
tên tay sai ngoại bang, trực tiếp giết người tội chém đầu.
Được
canh phòng khá cẩn mật, nhưng âm binh của Tổng đốc Lưỡng Quảng nhiều
lần vượt biên giới, giả dạng đột nhập nhà tù nhằm giải cứu Thập
và Thất. Tuy thất bại, nhưng chúng giết chết một số lính vệ, làm
Bá bị thương. Sợ có biến cố, do vậy, bất ngờ mùa thu năm 1842, Khuê
cho chém ngay Thập và Thất, dù đã nhận được Thánh chỉ, chờ Bộ hình
thẩm tra lại.
Tuy tấu biểu
của Khuê trình bày, giải thích rõ ràng, Thiệu Trị vẫn nổi giận
lệnh cho Bộ hình bắt Khuê về trị tội: Riêng tội kháng chỉ, đủ để ta
lấy đầu nó. Thiệu Trị hất tung cả chiếc bàn trước mặt.
Bọn
đại thần Doãn Uẩn, Nguyễn Tri Phương, Trương Đăng Quế xúm vào can ngăn.
Lúc sau Thiệu Trị mới nguôi giận, bảo: Đầu cho gửi tạm ở đó, từ nay
ta không muốn nhìn thấy mặt nó nữa. Nhưng đến cuối năm 1842 không hiểu
thế nào, Thiệu Trị chỉ giáng Khuê xuống bốn cấp, bổ nhiệm làm giáo
thụ ở phủ Xuân Trường. Và Tô Trân điều về Kinh làm Toản tu ở Quốc
Sử Quán.
Dường
như, những tháng cuối cùng của cuộc đời, Thiệu Trị càng có những
việc làm, quyết sách kỳ cục. Bức màn đêm phủ kín cả triều
đình. Khuê hoàn toàn chán nản, mất lòng tin. Vào mùa hè năm 1847,
Khuê dâng biểu từ quan.
Nghe
tin Doãn Khuê mở trường, học trò khắp nơi đến xin học. Buộc Nguyễn
Bá phải giúp Khuê dựng thêm nhà ở cho học trò. Trường Đại Tập Thành
Nam do Bá đặt tên được Khuê gật gù khen hay.
Sau
Tết Nguyên Đán 1854, đám học trò chưa trở lại, chỉ còn Khuê và Bá
ngồi nhâm nhi bên mâm cơm cúng hóa vàng. Ngoài trời, cơn mưa phùn như
đang rây bột trải lên con đường làng. Mới về chiều, nhưng bóng tối đã
kéo đến rất gần. Bóp bép như có tiếng chân người đang vào ngõ. Bá
đang định đứng dậy, một nam nhân đã bước vào cửa. Khuê chưa nhận ra,
nam nhân ấy đã chắp tay:
- Thưa thày, con là Phạm Văn Hàm, thứ nam của Hoàng giáp
Tam Đăng. Năm mới thầy con sai con sang chúc tết, và gửi cho thày phong
thư ạ.
Nghe
Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, Khuê vội đứng dậy:
-
Chà chà, mấy năm ta không gặp, con đã là một người đàn ông thực sự
rồi. Đường xa…đường xa, ngồi xuống ăn uống chút gì cho ấm cái bụng
đã.
Khuê
với tay lấy đĩa đèn dầu, mở thư cắm cúi đọc, rồi ngẩng đầu lên
bảo:
- Hoàng giáp tuy là đồng khoa thi, nhưng là bạn của thày
ta. Một người có nhân cách lớn, ta kính trọng. Tết Thượng Nguyên này,
Hoàng giáp mời ta xuống Trại Sỹ Lâm, mục sở thị nơi cửa biển Đại
Nha đang được khai khẩn. Nếu muốn, ta có thể cùng Hoàng giáp lập ấp,
mở mang cửa biển này. Đây cũng là ước nguyện của ta từ lâu. Con về
nói lời đa tạ của ta đến Hoàng giáp. Tết Thượng Nguyên nhất định ta
sẽ xuống.
Bọn
học trò Nguyễn Quang Bích*, Phạm Huy Quang, Bùi Viện… muốn được tự
khiêng võng đưa thày xuống trại Sỹ Lâm. Nhưng Khuê bảo, ta sẽ đi bộ,
các con ở lại bảo ban nhau, chăm chỉ đèn sách. Ta sẽ quay về sớm
thôi. Nói rồi, Khuê chỉ dẫn theo Bá và thứ nam Doãn Vị, cùng một số
tráng đinh.
Nhìn
trại Sỹ Lâm bước đầu Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đã khai phá xong, Khuê
ưng lắm. Dẫn Khuê ra ấp Một của trại, Nghị bảo, ta đã viết khế ước
tặng cho ông phần đất phía đông này. Có thể nói, đây là khu đất ít
phèn, đẹp nhất của trại Sỹ Lâm. Khuê cảm động, vái tạ Nghị: Tiểu
đệ thật may mắn, phước đức nhận được ân huệ từ Hoàng giáp.
Để
Bá tạm thời ở lại giúp Doãn Vị, Khuê quay về chiêu mộ dân. Hay tin,
điền chủ, gia đình học trò của Khuê cũng xuống tham gia khai hoang, mở
đất, mở trường khá đông. Và từ một cái làng Thư Điền, Khuê khai phá,
mở ra các làng Tây Thành, Chí Thiện khác, thuộc tổng Sĩ Lâm, huyện
Đại An, Phủ Nghĩa Hưng.
Năm
1861, Tự Đức thứ mười lăm, đất nước hai đầu giặc giã, chiến tranh.
Miền Nam, Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Đông, ngoài Bắc giặc trong
nước cấu kết với phỉ Thái Bình thiên quốc nhà Thanh đánh phá Tây Bắc, qua vùng
ven biển Đông Bắc, xuống giáp gianh đồng bằng. Cùng đó, khoa thi Hương
ở Sơn Tây thiếu người có khả năng làm quan chủ khảo, càng làm cho Tự
Đức lo lắng hơn, nên hỏi Đại học sĩ Trương Đăng Quế:
- Ai có thể làm quan chủ khảo khoa
thi Hương này?
Im lặng trong giây lát, rồi Quế bật nhớ ra:
- Thưa bệ hạ, còn một người tài năng, dũng trí không kém
Đốc học Nam
Định Phạm Văn Nghị.
- Ai? Tự Đức chộp lấy hỏi.
-
Đó là Doãn Khuê. Hiện nay Khuê đang dạy học và cùng Nghị khai khẩn
đất đai vùng cửa biển Đại Nha, phủ Nghĩa Hưng.
-
Có phải Khuê đã từng làm Giám sát ngự sử thời Tiên đế và là em cố
Thượng thư Bộ Binh kiêm Đô ngự sử Doãn Uẩn.
-
Dạ, thưa đúng vậy.
Như
trút được gánh nặng, ngay trong ngày Tự Đức hạ chỉ, bổ Khuê làm Đốc
học Sơn Tây, kiêm quan chủ khảo khoa thi Hương.
Nhận
chiếu chỉ, Khuê buộc phải để thứ nam Doãn Vị lo công việc khai hoang,
đèn sách giao cho bọn Nguyễn Quang Bích, Phạm Huy Quang, lên đường nhậm
chức. Khoa thi Hương vừa hoàn tất, bọn phỉ nhà Thanh (giặc Thanh) đánh
chiếm xuống tận các phủ Vĩnh Tường, Quốc Oai. Khuê liền dâng biểu lên
triều đình cho tuyển mộ các cử nhân,
tú tài, thủ dõng, thí sinh khoa thi Hương vừa qua cùng tham gia đánh giặc.
Được sự đồng ý của triều đình, các sĩ phu, tráng đinh tham gia rất
đông đảo. Khuê chia binh thành ba đạo. Đạo thứ nhất đích thân Khuê cùng
Bá tiến đánh phủ Vĩnh Tường. Đạo thứ nhì do Doãn Chi con cả của ông
đánh chiếm lại phủ Quốc Oai. Đạo thứ ba do thứ nam Doãn Giốc, và
người cháu Doãn Trứ truy kích bọn tàn quân đang đóng chiếm Hạ Hòa.
Cùng lúc cả ba đạo quân đánh tái chiếm, giặc Thanh chống cự không
nổi, bỏ chạy. Khuê ra lệnh truy kích đến cùng. Lúc này, mặt trận
Thái Nguyên cũng giao tranh ác liệt. Tri phủ Doãn Chính (con Doãn Uẩn)
cháu của Khuê đang bị giặc Thanh vây hãm tại Phú Bình. Được tin, Khuê
cấp báo cho Doãn Chi, và Doãn Giốc phải san binh thành ba đạo. Đạo
thứ ba do Doãn Trứ chỉ huy, thay ông tiếp tục truy kích giặc. Còn
đích thân Khuê và Bá lên Phú Bình giải cứu Doãn Chính. Đến nơi, giặc
Thanh vừa chiếm được Phú Bình. Khuê cho phục binh ở ngoài. Chờ đến
đêm giặc say sưa mừng vui chiến thắng, không đề phòng, Bá dẫn quân cảm
tử đánh thẳng vào trung quân. Tên chủ tướng ngơ ngác, chưa kịp nhận
biết quân nào, và từ đâu đến, đã bị Bá chém bay đầu. Bị bất ngờ,
và chủ tướng đã chết, nhưng giặc chống cự quyết liệt. Bá múa đao
vun vút lao vào. Lưỡi đao đi đến đâu đầu giặc rụng đến đó. Giặc kinh
sợ, tìm đường tháo chạy, nhưng bị phục binh của Khuê ở ngoài giết
và bắt sống hết. Nghe nói, sau trận này bọn phỉ nhà Thanh nghe tên Nguyễn
Bá đều vãi linh hồn.
Vào
thành, Khuê mới hay, do bị vây hãm hết lương thực nhiều ngày, không
được tiếp tế, cứu binh, sức lực đã cạn kiệt Doãn Chính đã nhảy
xuống sông tuẫn tiết. Ngay trong đêm, Khuê đốt đuốc chạy xuôi theo con
nước tìm Chính. Tiếng khóc than, như lời tạ tội với Doãn Uẩn, khi
không cứu được Chính của Khuê vẳng lên trong đêm làm cho các nghĩa sĩ
ai cũng phải rơi lệ.
Lúc này, Tổng đốc Tam Tuyên Bùi Ái bị thương và mất, mọi sự việc đều
do Khuê gánh vác. Tự Đức xuống chiếu cho Khuê thụ chức Tổng đốc Tam
Tuyên và Bá lĩnh chức Lãnh binh. Nhưng Khuê và Bá dâng biểu, chỉ nhận
tạm thụ phong, hết chiến tranh sẽ về dạy học. Tháng chín năm 1862 Khuê
lần lượt đánh chiếm lại bốn phủ, huyện Thanh Ba, Lâm Thao, Yên Lập,
Văn Chấn, và bắt sống, xử tử tại chỗ hai tướng giặc. Trong khi đó
hai cánh quân của Doãn Giốc và Doãn Trứ bị quân tiếp viện của địch
đánh chặn, cùng với bọn tàn binh quay lại vây hãm. Được tin, Doãn Chi
quay lại ứng cứu. Trong trận kịch chiến cuối cùng ở Tam Tuyên ấy, tuy
quân giặc bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng Doãn Giốc và Doãn Trứ đã tử
trận. Được tin này, Khuê lặng người. Khi ấy, Khuê đang giúp Tổng
thống Hải An quân vụ Nguyễn Tri Phương đưa quân từ
Tây Bắc về dẹp giặc ở đạo Đông Bắc. Đó là vào cuối tháng mười
cùng năm 1862. Vậy là, Tam Tuyên tạm ổn định, Khuê trả lại chức Tổng
đốc, và Đốc học cho triều đình trở về quê dạy học.
Nhưng
năm sau Tự Đức xuống chiếu một lần nữa, buộc Khuê phải trở lại chốn
quan trường. Khi nhậm chức Chánh sứ vùng duyên hải Bắc Bộ, kiêm Đốc
học Định An, việc đầu tiên của Khuê dâng sớ lên Tự Đức đòi chém đầu
chánh sứ Phan Thanh Giản và phó sứ Lâm Duy Hiệp, hai kẻ ký Hiệp ước Nhâm
Tuất 1862. Với Khuê, chỉ có chém đầu hai người này, mới có thể phá
bỏ hiệp ước bán nước ấy. Và giảm đi sự căm phẫn của sĩ phu, cũng
như những cuộc chống đối biểu tình của các sĩ tử thi Hương ở Hà
Nội và Nam Định.
Nhận
được sớ đòi chém hai quan đại thần, và hay tin các sĩ tử thi Hương
thành Nam của Khuê nổi loạn phản đối Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, Tự Đức
nổi giận đòi bắt ngay Khuê trị tội. Nhưng Đại học sĩ Trương Đăng Quế
can ngăn:
- Khuê là người tài, bộc trực, được giới nho sĩ, sĩ tử
kính trọng. Nếu bệ hạ bắt hắn trị tội, chẳng khác gì đổ dầu vào
lửa lúc này. Theo hạ thần, nhân lúc này, Bệ hạ triệu Khuê về kinh,
không những không trị tội mà còn thăng chức, giao cho hắn thêm công
việc mở thương cảng sắp tới. Bởi, công việc này, trong triều hiện
nay, không ai có thể làm tốt hơn Khuê. Có được như vậy, hắn chẳng tận
tụy hết lòng, còn thời gian nào để liên doanh với các huyện, phủ,
hoặc tụ tập đám sĩ tử đồng đơn kháng cáo nữa. Đó là, một công đôi
việc chẳng tốt hơn sao, thưa Bệ hạ?
Tự
Đức sực tỉnh, nén giận, gật gù:
-
Ngươi hãy giúp ta soạn chiếu, vời Khuê cùng với Đào Trí, Tổng đốc Hà
Nội, người có kinh nghiệm thủy thổ Nam Định, về kinh ngay.
Nhận
được chiếu hồi Kinh, tuy hơi bất ngờ, nhưng Khuê rất bình thản. Bá lo
lắng, sợ sau chiếu chỉ có điều gì đó khuất tất chăng, nên khuyên Khuê
chưa nên về Kinh vội. Khuê bảo, việc ta làm là vì nước, vì dân có gì
mà phải sợ. Hơn nữa, Tự Đức cũng là vị Vua thẳng thắn. Ngài muốn
bắt tội ta thì thiếu gì cách, việc gì phải làm vậy, để mang tiếng
với người đời ư. Hôm đi, một số học trò muốn đi cùng, nhưng Khuê chỉ
cho một mình Bá theo…
Khi
vào triều, Khuê thấy Nguyễn Tri Phương, Đào Trí, và bọn Trương Đăng
Quế, Trần Đình Túc, Nguyễn Huy
Tề… đã ở đó. Khuê khấu đầu chào, Tự Đức vui vẻ nói: Việc thông
thương bằng đường biển rất quan trọng và lâu dài. Do vậy, Đào Trí, Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tề đã
tấu trình, xác định rõ, việc mở thương cảng lớn tại vùng cửa Trà
Lý, thuộc các huyện Chân Định, Tiền Hải, tỉnh Nam Định. Dứt câu,
Tự Đức quay sang Khuê: Đại học sĩ Trương Đăng
Quế và Tổng đốc Đào Trí đã tiến cử Doãn Khuê thụ chức Doanh điền
sứ cai quản việc xây dựng thương cảng, ý ngươi thế nào? Khuê nói ngay:
Thưa bệ hạ, vùng cửa Hạ Lý dòng chảy hẹp, luôn thay đổi, lượng phù
sa bồi lắng rất lớn. Nếu xây dựng ở đó, hàng năm phải nạo vét lòng
sông rất vất vả, thương cảng không thể phát triển. Do vậy, không nên
xây dựng ở đó. Vậy, theo ngươi xây ở đâu thì thích hợp? Tự Đức cắt
ngang lời Khuê. Theo hạ thần, ta nên xây dựng ở vùng cửa sông Cấm, Ninh
Hải thuộc tỉnh Hải Dương. Nơi đây, lòng sông rộng, nước sâu, ít phù sa
và gió bão. Nó cũng gần cửa sông Bạch Đằng thuận lợi đường thủy
thông thương với Hà Nội và các tỉnh. Tự Đức trầm ngâm, lưỡng lự.
Không khí nặng nề, các đại thần đều im lặng. Đột nhiên, Tổng đốc
Hải An Nguyễn Tri Phương tâu bẩm: Thưa Bệ hạ, nhiều năm chinh chiến, và
trông coi vùng Duyên hải, sông Cấm cho đến nay, hạ thần thấy lời Doãn
Khuê rất chính xác. Sau Phương, có một số đại thần cùng đồng thuận
ý kiến của Khuê. Tuy đồng ý chuyển sang xây thương cảng ở cửa sông
Cấm, nhưng Tự Đức vẫn bảo Khuê, việc hệ trọng, xem xét lại, viết
bản tấu trình chi tiết, cụ thể. Và hỏi Khuê còn có yêu cầu gì
không? Khuê bảo, chỉ cần một người. Tự Đức cười, ngươi có thể chọn
bất kỳ ai ở đây. Không, thưa Bệ hạ người đó không ở đây. Vậy là ai,
ở đâu? Thưa, hắn là học trò cũ của thần. Một người đại tài, nhưng
thi Hương, thi Hội nhiều lần chỉ đỗ đến Cử nhân. Về đo lường, tính
toán, thực địa của người này, thần nghĩ, hiện nay Đại Nam ta chỉ có
một. Hắn tên Bùi Viện, sinh năm1839,
người làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam
Định. Tự Đức ngạc nhiên và vui mừng: Được, Bùi Viện từ nay sẽ phụ
tá ngươi, xong việc sẽ phong tước, ban thưởng.
Khi
đang cùng Bùi Viện vật lộn ở sông Cấm, Ninh Hải dựng xây thương cảng,
Khuê được tin giặc Pháp từ Ninh Bình đánh sang Nam Định. Cả đời đã nhiều lần
cầm binh đánh giặc, nhưng lần này chiến trường ngay trên quê hương, làm
Khuê nóng rực trong người, dù tuổi cao, sức đã cạn. Bàn giao lại công
việc cho Bùi Viện, Khuê cùng Bá đi suốt đêm về Cao Lộng. Sau khi báo
tin cho con cả Doãn Chi đang là tri huyện Chân Định và thứ nam Doãn Vị
ở Thư Điền, phủ Nghĩa Hưng mang quân tiếp ứng, Khê kéo binh về hợp
với Phạm Văn Nghị cùng Lãnh binh Nguyễn Văn Lợi chặn đánh địch ở
Độc Bộ. Rồi Khuê kéo binh về thủ thành Nam Định. Cuối năm 1873 giặc
tấn công dữ dội, thành Nam
Định bị phá vỡ. Khuê dẫn binh chạy về Đông Vinh, liên kết với Nguyễn
Mậu Kiến ở Động Trung. Và từ đây mặt trận tả sông Hồng là nơi
chống Thực dân Pháp quyết liệt nhất những năm cuối đời Khuê...
Và
chuyện kể rằng, những ngày cuối năm 1878, người ta thường thấy hai ông
già Doãn Khuê và Nguyễn Bá dìu nhau đi trên con đường làng Ngoại
Lãng. Có điều kỳ lạ, hai cụ mất gần cùng ngày, chôn cất cùng nơi.
Nhưng ngày nay, dường như không ai nhắc đến Nguyễn Bá, kể cả các nhà
nghiên cứu sử học.
Leipzig
ngày 30-9-2017
Đỗ Trường
*(Và quả thật như vậy, sau
này Dương Khuê đỗ tiến sĩ, khoa thi 1868, làm quan đến chức Thượng thư.
Dương Khuê là nhà thơ, tác giả của bài ca trù nổi tiếng: Gặp lại cô
đầu cũ…hồng hồng, tuyết tuyết. Và cũng là người bạn, để Nguyễn Khuyến
viết bài thơ: Khóc Dương Khuê.)
*Nguyễn Quang Bích (tức Ngô
Quang Bích) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ đình nguyên (tức Hoàng giáp) năm
1868, làm quan tri phủ, nhà chống Pháp nổi tiếng thế kỷ 19.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét