Dịch giả Đoàn Mạnh Thế |
Năm 1992, tôi cùng ông
bạn “cố tri”, thời học phổ thông đến hiệu sách Ngoại Văn (Tràng Tiền,
Hà Nội) tìm mua cuốn Đại Từ Điển Từ Hải (Biển từ) do Trung Quốc xuất bản. Loay
hoay ở quầy sách Hán Ngữ, tôi tìm được 4 hộp sách Kho Tàng Tri Thức Khoa Học” gồm 20 cuốn, do Nhà
xuất bản Thiếu Niên Nhi Đồng Giang Tô (Trung Quốc) xuất bản. Thấy tôi cứ tần
ngần, xem kỹ từng cuốn sách, ông bạn bảo tôi: - “Tao tặng mày bộ sách đó.
Mang về Hải Phòng, đọc để ôn lại tiếng Trung, nâng cao trình độ Hán Ngữ, giúp
cho việc dạy Trung Văn của mày.!”
Vài ngày sau, hết kỳ nghỉ
hè, tôi trở về Hải Phòng với một đống sách tiếng Trung, vừa đọc để giải trí, để
nâng cao trình độ Hán Ngữ, vừa làm tài liệu tham khảo thêm cho việc giảng dạy ở
Trung tâm ngoại ngữ tiếng Trung.
Thời gian dạy tiếng Trung
của tôi rất ít. Một tuần chỉ có 3 buổi nên thời gian rảnh của tôi cũng khá
nhiều. Tôi dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để đọc những cuốn sách mới mua. Cuốn
đầu tiên tôi đọc là cuốn Khám Phá Bí Mật Trái Đất,
đã cuốn hút tôi, tạo nhiều cảm hứng để tôi đọc tiếp Động Vật Hoang Dã Diệu
Kỳ, Thế Giới Vật Lý, Vòng Quanh Thế Giới Diệu
Kỳ... Càng đọc, càng thấy hay, tôi càng biết thêm nhiều chữ mới. Tôi bèn
ghi chép lại thật cẩn thận những điều tôi đã đọc, hy vọng vợ con mình sẽ đọc để
biết thêm những điều mới lạ. Nhưng thật đáng tiếc, con ở xa, còn vợ thì không
bao giờ mó đến sách.
Suốt 4 năm ròng, số bản
thảo tôi viết cứ tăng dần lên tới vạn trang, bụi bám đầy.
Vào thời điểm ấy, việc
sửa chữa tàu ở Xưởng của vợ tôi sa sút. Mỗi ngày đi làm chỉ nửa buổi nên lương
của vợ tôi cũng giảm xuống một nửa. Công việc ở Trung Tâm Ngoại Ngữ cũng gặp
trục trặc, tôi thành kẻ thất nghiệp.
Sau một tháng thất
nghiệp, còn vợ tôi thì bán thất nghiệp, cô ấy nói với tôi: - “Ông thất nghiệp tháng
nay rồi. Còn tôi cũng bán thất nghiệp tháng nay. Bây giờ lương của tôi chỉ còn
một nửa, không nuôi thêm được ông đâu. Ông về Hà Nội với các con ông đi. Chúng
nó phải có trách nhiệm nuôi ông. Giờ tôi lo cho cái thân tôi cũng đủ mệt rồi.”.
Tôi giật mình ngơ ngác, nhưng cũng trấn tĩnh rất nhanh: - “Ừ. Mai tôi về Hà Nội, cố
tìm việc gì làm chứ ở đây thì khổ bà. Con cái tôi cũng không trông đợi gì chúng
nó cả. Bà cố giữ sức khỏe đấy.”
Cả đêm đó tôi không tài
nào chợp mắt được vì lo lên Hà Nội sẽ sống thế nào vì vợ tôi nhắc đi nhắc lại
tiền cho thuê nhà trên Hà Nội (nhà của bố mẹ tôi để lại) tôi không được đụng
đến, phải gửi đủ về Hải Phòng để cô ấy giữ, phòng khi vợ chồng về già không
được con cái hiếu thảo.
Bốn giờ sáng hôm sau, tôi
ra ga đi tàu về Hà Nội, không quên mang theo đống bản thảo, với hy vọng sẽ gặp
được anh Đoàn Mạnh Phương, Trưởng Ban Biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên mà có
lần tôi xem ti vi thấy chương trình giới thiệu anh là nhà thơ trẻ, rất tài hoa
và tốt tính, để nhờ anh ấy đỡ đầu mấy đầu sách, lấy nhuận bút mà sống.
Sáng sớm thứ 2, đầu giờ
làm việc, tôi đến Ban Biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên ở phố Bà Triệu, tìm gặp
anh Đoàn Mạnh Phương và đề đạt ý kiến của mình. Anh Đoàn Mạnh Phương rất vui
vẻ, hồ hởi nhận lời sẽ xem bản thảo, rồi hẹn tôi tuần sau đến nhận kết quả.
Thứ 2 tuần sau, tôi lại
đến Nhà xuất bản Thanh Niên để nhận kết quả. Gặp cháu Thủy, biên tập viên, cháu
nói: - “Sách bác viết
hay lắm. Cháu chưa thấy tác giả nào đưa 4 bản thảo lại được duyệt in cả 4 bản
thảo như trường hợp của bác. Anh Phương dặn cháu nói với bác tuần sau đến xem
trang bìa, nếu bác thấy hợp, anh Phương sẽ cho in ngay.”.
Tôi mừng quá, cám ơn cháu
Thủy rồi ra về.
Tuần sau, tôi đến xem bìa
sách: Khám Phá
Bí Mật Trái Đất, Động Vật Hoang Dã Diệu Kỳ, Thế Giới Vật Lý, Vòng Quanh Thế Giới Diệu
Kỳ... Bìa sách trình bày đẹp, phù hợp với nội dung cơ bản của cuốn sách.
Tôi hỏi Đoàn Mạnh Phương: - “Thời gian in ấn có lâu
không? Khoảng bao lâu thì ra sách?”. Đoàn Mạnh Phương trả lời: - “Làm các thủ tục xét duyệt
thì lâu, còn in ấn bây giờ hiện đại nên nhanh lắm. Khi nào sách nhập kho hoặc
ra cửa hàng, em sẽ báo anh đến nhận sách biếu và tiền nhuận bút.”. Anh Phương
còn động viên tôi: - “4
cuốn này, nhuận bút cũng khá đấy! Gặp em là anh may lắm đấy. Sau này anh thành
người nổi tiếng, đừng có quên công thằng em đã đỡ đầu cho mấy tác phẩm đầu tay
đấy.”. Tôi cám ơn rồi chào Đoàn Mạnh Phương ra về, lòng vui mừng khôn xiết,
khấp khởi mừng thầm, chờ đợi những “đứa con tinh thần ra đời”.
Hơn tháng sau, Đoàn Mạnh
Phương điện, bảo tôi đem thêm bản thảo đến để anh giới thiệu cho đối tác. Tôi
đem 2 bản thảo Khí
Công Bách Nhật Thông và Hóa Học Thần Kỳ đến
Nhà xuất bản Thanh Niên giao cho Đoàn Mạnh Phương. Anh hẹn tôi khi nào có kết quả
sẽ thông báo. Tôi hỏi Phương về tiến độ của 4 bản thảo trước, anh bảo tôi vài
tháng nữa sẽ ra sách. Tôi cám ơn Phương ra về với niềm tin sẽ sớm có nguồn sống.
Thời gian trôi đi, từ tâm
trạng phấn chấn sẽ có nhuận bút để sống đến tâm trạng chờ đợi, chán nản, vì đã
hết năm 1996, rồi qua cả năm 1997 mà 4 bản thảo vẫn chưa ra được sách. Tôi hết
hy vọng sống bằng dịch sách. Lại tiếp tục lo kiếm công việc để tồn tại. Sống
bằng sự nhờ vả, cưu mang của bạn bè mấy năm qua, tôi cũng ngại lắm nên nghĩ,
vay tiền bạn bè mua chiếc xe máy chạy xe ôm nhì nhằng kiếm sống vậy.
Giữa lúc chán nản nhất
thì tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, anh báo tin: - “Sách đã về đến cửa hàng rồi.
Anh đến Nhà sách Bảo Thắng, ở 276 phố Huế, gặp anh Đặng Xuân Xuyến để nhận sách
biếu, rồi đến nhà xuất bản để nhận tiền nhuận bút.” Anh Phương còn dặn đi
dặn lại: - “Anh đến
nhận sách biếu, ký nhận rồi đến em nhận nhuận bút, không chuyện a chuyện b gì
với Đặng Xuân Xuyến đấy.”. Tôi mừng quá, cám ơn Đoàn Mạnh Phương rồi vội
đạp xe đạp đến gặp anh Đặng Xuân Xuyến.
Đó là vào giữa
năm 1998, lần đầu tiên tôi gặp Đặng Xuân Xuyến tại Nhà sách Bảo Thắng ở 276 phố
Huế, Hà Nội.
Cảm giác ban đầu, đập
ngay vào mắt tôi: Cửa hàng bày biện rất khang trang, rất nhiều sách, nhiều
chủng loại... Và ông chủ Nhà sách là một chàng trai trẻ, điển trai, chỉ trạc
tuổi con trai lớn của tôi, tiếp tôi rất niềm nở. Qua trò chuyện, tôi cảm nhận
được sự trung thực, tử tế ở con người Đặng Xuân Xuyến.
Hơn một tiếng đồng hồ,
ngồi đợi Đặng Xuân Xuyến tiếp khách: Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, nhà thơ Ý Lan,
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, họa sỹ Trần Đại Thắng... tôi mới biết anh còn là tác
giả của gần chục đầu sách nên tôi hy vọng anh có thể giúp đỡ tôi trong lĩnh vực
xuất bản sách. Đối với tôi, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và bỡ ngỡ. Tôi giở
hết kinh nghiệm học được từ những bản dịch về tướng thuật mà tôi đã dịch cho
khách, lặng lẽ ngồi “xem tướng” Đặng Xuân Xuyến. Và căn cứ vào những nét tướng
của anh thì anh là người trọng tình trọng nghĩa, sống trung thực và tử tế. Tôi
tin tôi đã tìm được người thực sự sẽ giúp đỡ mình. Quả nhiên, tôi dự đoán chính
xác. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của Đặng Xuân Xuyến, tôi đã ra khá nhiều đầu sách
(27 đầu sách) và tiền nhuận bút trở thành nguồn sống khá sung túc của tôi ở đất
Hà Thành.
Hôm đó, gặp được nhà thơ
Đoàn Thị Lam Luyến, tôi rất vui, nhất là khi biết chị cũng đang công tác ở nhà
xuất bản Thanh Niên nên tôi mạnh dạn đến làm quen và nhờ chị giúp đỡ. Chị bảo
tôi: - “Bên em chỉ cấp
giấy phép, còn ra sách, phát hành sách... là bên đối tác nên bản thảo, anh chuyển
đến nhờ cậu Xuyến ra sách là hợp lẽ nhất. Xuyến ít tuổi nhưng sống đàng hoàng
với bạn bè lắm. Khi đã nhận lời giúp ai việc gì, cậu ấy sẽ tận tâm tận lực nên
anh nhờ cậu ấy là đủ rồi.” Tôi thầm cám ơn cơ duyên trời đất đã cho tôi gặp
Đặng Xuân Xuyến.
Ngồi nói chuyện với Đặng
Xuân Xuyến, tôi càng cảm nhận được sự thẳng thắn ở con người anh. Không rào
trước đón sau, Xuyến bảo: - “Cách đây ba tháng, anh
Đoàn Mạnh Phương chuyển đến 4 bản thảo nhờ em ra sách nhưng em từ chối vì mảng
đề tài này bên em ra nhiều rồi, e sách sẽ khó bán, nhưng anh Phương nói anh là
người bà con của anh ấy nên em đành nhận lời. Nhuận bút em đã chuyển đủ 10
triệu theo đề nghị của anh Phương. Còn sách tác giả thì theo thỏa thuận, mỗi
tác phẩm em gửi anh 10 cuốn nhưng đây là 4 tác phẩm đầu tay của anh nên em biếu
thêm mỗi tác phẩm 15 cuốn để anh tặng bạn bè cho thoải mái. Nếu anh em mình có
duyên cộng tác tiếp thì nhuận bút sẽ thỏa thuận cụ thể theo từng bản thảo.”.
Tôi cám ơn Đặng Xuân Xuyến rồi đạp xe đến nhà xuất bản Thanh Niên để nhận nhuận
bút. Số tiền nhuận bút (10 triệu), tuy không lớn nhưng theo mệnh giá tiền lúc
bấy giờ thì 10 triệu đó đủ cho tôi trang trải cuộc sống trong vòng 4 hoặc 5
tháng nên tôi rất phấn chấn.
Gặp nhà thơ Đoàn Mạnh
Phương ở cổng nhà xuất bản, tôi mừng lắm, chưa kịp rủ anh đi ăn trưa để cám ơn
thì nhà thơ đã nói: - “Giờ em có việc đột xuất
nên không lên phòng làm việc với anh được. Anh ký xác nhận đã nhận đủ tiền
nhuận bút vào tờ giấy biên nhận này. Khi khác rảnh, mời anh đến phòng em nói
chuyện nhé.”. Cầm 5 triệu Đoàn Mạnh Phương đưa, tôi thắc mắc: - “Anh thấy cậu Xuyến bảo
đã chuyển cho Phương đủ 10 triệu nhuận bút rồi, sao Phương chỉ đưa anh có 5
triệu?”. Đoàn Mạnh Phương cười cười rồi vỗ vai tôi: - “Đúng là cậu ấy có đưa
cho em 10 triệu nhưng tiền nhuận bút của anh chỉ có 5 triệu thôi. Còn 5 triệu,
em chi cho biên tập viên đọc bài, sửa bài, nhiều khoản phải chi lắm...”.
Cầm 5 triệu Đoàn Mạnh Phương đưa, tôi buồn vì niềm vui của mình bị giảm mất một
nửa.
Mấy hôm sau, tôi mang tập
bản thảo Thiên Nhiên
Những Điều Kỳ Bí, số trang tương đương như các bản thảo trước, đến gặp Đặng
Xuân Xuyến. Cầm bản thảo, anh cặm cụi đọc khoảng nửa tiếng rồi nhận lời sẽ ra
sách giúp tôi. Anh hỏi tôi có cần ứng nhuận bút không? Hay đợi sách ra rồi nhận
nhuận bút cả thể. Tôi thật thà hỏi: - “Cuốn này chú cũng lấy
giấy phép xuất bản bên chỗ nhà thơ Đoàn Mạnh Phương à?”. Xuyến bảo: -“Vâng!”. Tôi mạnh dạn
hỏi: - “Nhuận bút
cuốn này anh được bao nhiêu?”. Xuyến cầm tập bản thảo, ngó số trang, bấm
máy tính rồi trả lời: - “Cuốn này có thể em để
giá bìa 30.000đ. Anh nhân 10% của 1.000 cuốn với giá bìa 30.000, là 3 triệu tiền
nhuận bút. Ngoài tiền nhuận bút, anh nhận thêm 15 cuốn sách tác giả.”. Tôi
vội hỏi: - “Mấy cuốn
trước Xuyến trả nhuận bút cho anh bao nhiêu?”. Xuyến trả lời: - “Em đã chuyển đủ 10 triệu
nhuận bút cho anh Đoàn Mạnh Phương khi nhận bản thảo. Anh chưa đến nhận nhuận
bút chỗ anh Đoàn Mạnh Phương à?”. Tôi liền hỏi: - “Thế còn tiền chi cho
biên tập viên đọc bài, sửa bài và các chi phí khác thì thế nào?”. Xuyến
bảo: - “Đọc bài, sửa bài
là công việc của biên tập viên, đã có nhà xuất bản trả lương. Còn chế bản, in
ấn, nộp quản lý phí xuất bản, nộp lưu chiểu và phát hành là việc của bên em.”.
Để chắc chắn, tôi hỏi lại Xuyến tiền nhuận bút 4 cuốn trước của tôi có đúng là 10
triệu không? Xuyến cười, bảo: - “Anh cứ đến gặp anh Đoàn
Mạnh Phương. Anh ấy sẽ giao đủ cho anh 10 triệu.”. Cảm giác lúc bấy giờ của
tôi thật hẫng hụt, chua xót. Tôi không ngờ Đoàn Mạnh Phương lại cư xử với tôi
như thế. Tôi đã thật lòng kể gia cảnh của tôi và nhờ người anh em cùng họ giúp
đỡ. Tôi cũng đã rất tin tưởng và cảm thấy mình thật may mắn khi gặp được người
anh em cùng họ, sống tình cảm, chân thật và rất thương người như Đoàn Mạnh
Phương đã nói, vậy mà sự thật lại bẽ bàng thế này... Thấy thái độ của tôi khác
lạ, Xuyến ái ngại: - “Anh
bị sao thế? Em thấy thần sắc anh lạ lắm, hình như là anh đang buồn phiền, bực
tức một chuyện gì đó?”. Tôi đành kể lại chuyện nhận nhuận bút chỗ nhà thơ
Đoàn Mạnh Phương. Xuyến lặng người một lúc rồi hỏi: - “Em thấy anh Phương nói
anh với anh ấy là anh em bà con mà?”. Tôi kể cho Xuyến nghe gia cảnh của
tôi và mối quan hệ của tôi với Đoàn Mạnh Phương chỉ là người chung họ chứ không
có họ hàng. Xuyến không nói gì. Một lúc sau, Xuyến bảo tôi: - “Theo em, chuyện của anh
với anh Đoàn Mạnh Phương cũng không nên nhắc lại nữa. Bản thảo này và các bản
thảo sau của anh, em sẽ đăng ký ở nhà xuất bản khác cho tiện.”.
Khoảng tháng sau, tôi
mang đống bản thảo đã dịch từ dưới Hải Phòng đến nhờ Xuyến ra sách. Nhìn đống
bản thảo (15 cuốn), anh lắc đầu, nói mảng đề tài này bên anh ra sách đã nhiều
nên giới thiệu tôi đến các nhà sách khác để chào bản thảo. Anh ghi rất cẩn thận
địa chỉ, điện thoại từng nhà sách và mong tôi sẽ được những nhà sách đó cộng
tác. Lần theo địa chỉ, tôi đến cô Mão ở Đinh Lễ, cô Miên ở Hàn Thuyên, anh Dũng
ở Lý Thường Kiệt, anh Dương Tất Thắng ở Hàng Chuối, cô Chung ở Bà Triệu... ai
xem bản thảo cũng khen hay nhưng đều lắc đầu vì không hợp với mảng sách nhà
sách nên không giúp tôi được. Chán chường, tôi quay lại gặp Xuyến, nói thật sự
việc để mong anh giúp ít nhiều. Có lẽ thấy bộ mặt tôi thiểu não quá nên Xuyến
nhận lời giúp tôi 5 bản thảo. Anh khuyên tôi nên tóm tắt nội dung cuốn sách sẽ
dịch đến chào các nhà sách, khi có khách hàng rồi thì hãy dịch để đỡ tốn công
sức, vật chất. Tôi làm theo lời khuyên của anh, và đã dịch cho nhà xuất bản
Giáo Dục được 5 bản thảo, dịch cho anh Dương Tất Thắng ở Hàng Chuối 6 bản
thảo...
Sau nhiều năm làm việc
với Đặng Xuân Xuyến, chúng tôi trở nên thân thiết như anh em. Tôi rất cám ơn
Đặng Xuân Xuyến đã giúp tôi xuất bản nhiều (27) đầu sách: Có loại sách phổ
biến kiến thức khoa học, sách tham khảo, sách chính trị, sách thâm cung bí
sử... có loại sách về văn hóa tâm
linh như phong thủy, tướng số... Càng làm việc với Xuyến, tôi càng khâm phục
Xuyến. Anh thật sự là một người có vốn kiến thức sâu rộng. Có lần đọc bản thảo
về phong thủy tôi soạn, anh góp ý: - “Chỉ vì hướng cửa phòng
vệ sinh ở buồng ngủ không tốt cho cung Tử Tức mà anh tư vấn đập bỏ phòng vệ
sinh là không ổn. Thứ nhất sẽ ảnh hưởng tới kết cấu ngôi nhà, thứ 2 sẽ gây lãng
phí về vật chất, thứ ba sẽ bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp này,
anh nên tư vấn treo một bức tranh phong cảnh, che kín phòng vệ sinh là được.”
Hay như khi đọc bản thảo về tướng thuật, anh góp ý: - “Theo năm tháng, con
người sẽ thay đổi, già đi và khuôn mặt cũng khác đi nhiều nhưng ánh mắt, nụ
cười, nhất là ánh mắt thì thay đổi rất ít, cực ít. Để nhận ra người lâu năm mới
gặp lại thì phải căn cứ vào ánh mắt, nụ cười chứ không thể căn cứ vào khuôn
mặt, giọng nói. Xem bàn tay cũng vậy. Dù có những điểm chung nhưng vẫn có sự
khác biệt giữa tay con trai và tay con gái nên khi soạn, anh phải chỉ ra những
khác biệt đó, cứ chung chung như thế này thì không được vì sẽ sai, sẽ không
chính xác.”
Đáng tiếc, sau này công
nghệ thông tin phát triển mạnh, điện thoại thông minh, Aipel, máy tính xách
tay... ra đời. Văn hóa đọc bị lấn át, nhiều nhà sách, nhà xuất bản phải đóng
cửa. Để bảo toàn đồng vốn, năm 2011, Xuyến quyết định sẽ giã từ nghề sách, từ
đó, tôi mất đi nguồn thu “ngân sách” cho tuổi già.
Từ khi từ bỏ công việc
phiên dịch, hướng dẫn du lịch (1996) để bước chân vào công việc biên dịch, tôi
đã học được nhiều bài học bổ ích. Tôi cứ tưởng đây là công việc đơn giản, quan
hệ chỉ cần có giữa tác giả với nhà xuất bản nhưng tôi đã nhầm. Người tạo điều
kiện nâng đỡ các tác giả thực ra là các nhà sách,
các đối tác quan trọng của các nhà xuất bản chứ không phải là các nhà xuất bản.
Cho đến giờ phút này, 2 bản thảo Khí Công Bách Nhật Thông và Hóa Học Thần Kỳ vẫn chưa ra được sách vì
nhà thơ Đoàn Mạnh Phương không làm ở nhà xuất bản Thanh Niên nữa, và theo lời
anh Phương thì “2 bản thảo đã bị ai đó
lấy trộm.”.
Ngay nhà xuất
bản Giáo Dục cũng vậy. Cuốn sách Những Chuyện Lý Thú Về
Địa Lý Tự Nhiên đã được giám đốc nhà xuất bản ký duyệt giao cho chi
nhánh ở Đà Nẵng in, nhưng từ năm 2002 đến nay (2015) cũng không thấy
hồi âm, mặc dù tôi đã nhiều lần gọi điện hỏi về bản thảo Những Chuyện Lý Thú Về
Địa Lý Tự Nhiên nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Trong
khi sách đã ra năm 2005 (căn cứ vào cuốn TÁC GIẢ SÁCH NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC
1957 - 2007 - xem ảnh minh họa) nhưng tiền nhuận bút thì tác giả vẫn chưa nhận
được.
Ngẫm lại quãng thời gian
làm dịch giả, tôi cám ơn anh Đặng Xuân Xuyến, anh Dương Tất Thắng, anh Đoàn
Mạnh Phương và các Nhà xuất bản: Giáo Dục, Văn Hóa Thông Tin, Văn Hóa Dân
Tộc... đã giúp đỡ tôi có được những tác phẩm ra đời, để có được nguồn thu
nhập cho cuộc sống của tôi những năm qua.
Tôi vô cùng cảm tạ bạn
đọc đã chịu khó đọc bài viết này.
Tôi cũng hy vọng văn hóa
đọc sẽ sớm trở lại như ngày xưa để những trang sách sẽ đem lại những niềm vui
và kiến thức cho mọi người!
ĐOÀN MẠNH THẾ
Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ
133 phố Hồng Mai,
quận Hai Bà
Trưng, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0169.627.9729
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét