Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Lam Hồng, Trần Đức Minh giới thiệu sách “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định” của Đồng Ngọc Hoa



VỀ CUỐN SÁCH “LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TỈNH NAM ĐỊNH”


Lam Hồng
 

           Nhà xuất bản Tôn giáo vừa xuất bản cuốn sách “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định” của tác giả Đồng Ngọc Hoa. Đây là công trình nghiên cứu về tôn giáo, thể hiện tình cảm, tâm huyết của tác giả hướng tới kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Với sự am hiểu và dày công tìm tòi của tác giả; sự chỉ đạo nội dung của Thượng toạ Thích Tâm Vượng, Phó Trưởng Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh, cuốn sách thực sự là tài liệu quan trọng về Phật giáo của Nam Định.


Tác giả Đồng Ngọc Hoa
         Sách gồm 8 chương và phần phụ lục đã tập hợp được khối lượng tư liệu phong phú, giúp bạn đọc có cái nhìn tương đối đầy đủ, rõ nét về Phật giáo Nam Định trong mối tương quan với lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng cũng như những đóng góp của Phật giáo Nam Định đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Chương I của cuốn sách khái quát đặc điểm địa lý, dân cư, tôn giáo Nam Định từ khi lập đất đến nay. Các chương II, III, IV, V nói về Phật giáo và quá trình du nhập, phát triển Phật giáo ở tỉnh Nam Định qua các thời kỳ. Chương VI giới thiệu những gương mặt tiêu biểu của Phật giáo Nam Định. Chương VII nói về tín ngưỡng thờ thần thánh ở chùa. Chương VIII phản ánh hoạt động của Giáo hội Phật giáo Nam Định gắn với mọi mặt đời sống xã hội. Ở một số chương, tác giả Đồng Ngọc Hoa đã nêu bật những nét đặc trưng của Phật giáo ở Nam Định. Chẳng hạn như chương V: Phật giáo cứu quốc. Đây là đặc điểm nổi bật, khá riêng biệt của Phật giáo Nam Định. Tinh thần “hộ quốc, an dân” là dòng chảy xuyên suốt trong lịch sử mấy ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. Nhưng có lẽ chưa ở đâu, tư tưởng “dân tộc và đạo pháp” lại thể hiện rõ ràng như ở Nam Định. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại chùa Cổ Lễ đã có 27 nhà sư phát nguyện cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận. Sau khi làm tròn nghĩa vụ công dân, nhiều vị cao tăng đã trở về với cuộc sống tu hành. Tinh thần nhập thế của Phật giáo Nam Định chưa bao giờ đi ngược với triết lý đạo Phật… Câu giải thích: “Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh thì diệt trừ một kẻ ác để cứu muôn người hiền là phúc đẳng hà sa” của Hoà thượng Thích Thế Long đã thực sự thuyết phục. Đó là lý do để Phật giáo luôn là chỗ dựa bình an cho tâm hồn mỗi con người. Hoặc trong chương VI: Tinh hoa vườn thiền giới thiệu những gương mặt tiêu biểu của Phật giáo Nam Định, tác giả đã dành nhiều dung lượng giới thiệu về Hoà thượng Thích Thế Long - nguyên Phó Chủ tịch Phật giáo châu Á, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người có nhiều đóng góp cho Phật giáo và các hoạt động xã hội, thực sự đồng hành cùng dân tộc trong cả việc đạo, việc đời.
          Nhìn bố cục của cuốn sách, ta thấy nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa đã đi từ tổng thể đến những vấn đề cụ thể. Điều đó giúp bạn đọc nhìn nhận rõ nét về Phật giáo Nam Định trong mối tương quan với dòng lịch sử nói chung, lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Đó là kết cấu tương đối khoa học và chặt chẽ. Điều đáng ghi nhận ở cuốn sách là sự dày công sưu tầm, tập hợp tư liệu, qua đó có thể thấy bức tranh toàn cảnh của Phật giáo Nam Định qua những tháng năm thăng trầm của lịch sử, bước phát triển và những đóng góp to lớn của Phật giáo với tỉnh nhà.
          Viết “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định”, nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa đã có nền tảng tương đối vững khi trước đó, ông từng có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử các địa phương trong tỉnh. Trong cuốn sách, ông đặc biệt nhấn mạnh về sự phát triển rực rỡ của đạo Phật ở triều đại Trần với những dấu ấn không thể phai mờ đã ghi vào văn hoá, lịch sử dân tộc. Với tinh thần sáng tạo không cố chấp và không vọng ngoại, thời đại nhà Trần đã tạo nên một nền văn hóa với bản sắc dân tộc độc đáo thể hiện ý thức tự cường, vượt lên được những ảnh hưởng sâu đậm của Trung Quốc trong đó phải kể đến việc phổ biến chữ Nôm và Quốc ngữ thi, đặt nền móng cho một nền văn học thuần túy Việt Nam và việc sáng lập thiền phái Trúc Lâm của vua Trần Nhân Tông - một thiền phái phật giáo mang tinh thần quốc gia Đại Việt. Nam Định tự hào là nơi phát tích vương triều Trần… Việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa và tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của đạo Phật tại nơi phát tích triều Trần càng có ý nghĩa hơn khi lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định đang cận kề.
          Thông qua cuốn sách “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định”, nhà nghiên cứu phê bình Đồng Ngọc Hoa còn muốn khẳng định giá trị của văn hoá truyền thống trong việc giáo dục, định hướng về tư tưởng, lối sống cho mỗi người trước sự xâm nhập của văn hoá ngoại lai. Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình để hòa nhập vào trào lưu phát triển với thế giới, mở cửa để giao lưu với bạn bè quốc tế, tiếp thu và học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, không thể tránh khỏi sự du nhập nhiều luồng văn hóa ngoại lai, trong đó có cái tốt, cái xấu. Làm thế nào để phân biệt, tiếp thu cái tốt và giải trừ cái xấu. Chính nền văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc với những tư tưởng truyền thống tốt đẹp sẽ chống lại những yếu tố độc hại của văn hóa ngoại nhập hoặc văn hóa mê tín phát sinh từ bản địa. Những yếu tố tích cực của Phật giáo là một phần tư tưởng văn hóa Việt sẽ cùng với văn hóa dân tộc Việt làm nhiệm vụ chọn lọc và phát triển văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách. “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định” là một công trình nghiên cứu không chỉ cung cấp tư liệu, số liệu chính xác cho các nhà nghiên cứu lịch sử, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, hướng về cội nguồn cho mọi người./.
                                                                                               
                                                                   Lam Hồng


ĐÔI LỜI VỀ CUỐN SÁCH LỊCH SỬ PHẬT GIÁO NAM ĐỊNH CỦA ĐỒNG NGỌC HOA

 PGS-TS Trần Đức Minh
 
Tác giả Trần Đức Minh
          Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm. Trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, đạo Phật đã có nhiều đóng góp xứng đáng, làm phong phú thêm lịch sử văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc. Trong quá trình truyền bá vào Việt Nam, đạo Phật đã trải qua một quá trình Việt hoá, trở thành đạo Phật của người Việt với những con người trác tuyệt lỗi lạc.
          Lịch sử ghi nhận, Đức Phật là hoàng tử con vua Tịnh Phạn, thuộc dòng quý tộc Thích ca (nước Ấn Độ). Tương truyền, khi sinh ra, có chín con rồng phun nước, tắm cho hoàng tử. Trong lễ quang đính (đặt tên), có nhiều vị đạo sĩ đến dự, trong đó có một vị thông thái nhất tên là Kiều Trần Như (Konđanna) quả quyết rằng: “Một ngày kia, hoàng tử sẽ thoát tục và đắc đạo quả Phật”. Ngài lớn lên, quyết từ bỏ chốn cung đình tráng lệ, dấn thân vào con đường tu hành và trở thành Phật Thích ca Mâu ni.
          Có một sự tương đồng khá thú vị giữa Thích ca Mâu ni và người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam - Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, mặc dầu hai vị ở hai nước khác nhau và cách nhau tới hàng ngàn năm. Vua Trần Nhân Tông tên huý là Khâm, đản sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258), con trưởng Thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Sử cũ ghi: “Vua giáng sinh có được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần tuý, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung (tức hai bà phi) đều cho là lạ, gọi là “Kim Tiên Đồng Tử” (sách Tam Tổ thực lục gọi là “Kim Phật”); ở vai bên trái có một nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn”. Năm 16 tuổi, được lập làm Thái tử. Vua có ý từ chối, xin nhường cho em, vì có ý xuất gia từ nhỏ, song không được vua cha chấp thuận. Vua bản tính thông minh, học rộng, tài cao, đọc hết các sách sử, thông hiểu nội, ngoại điển, lại có cơ duyên tham vấn Thiền đạo theo tư tưởng nhập thế và thuần Việt của Tuệ Trung Thượng Sĩ - một Thiền tăng giỏi, một ngôi sao sáng về Thiền học Đại Việt thời Trần - giúp cho nhận thức của Ngài về Phật giáo nhập thế được nâng lên tầm cao mới. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Trần Nhân Tông - Đức vua anh hùng và Phật hoàng thông tuệ - đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm và trở thành Đệ nhất Sư tổ, với danh hiệu Điều Ngự Giác Hoàng của thiền phái này. Đây là Thiền phái của dân tộc Việt.
          Năm 1279 (21 tuổi), được vua cha Thánh Tông truyền ngôi, lấy hiệu là Thiệu Bảo Nguyên Niên. Tuy ở ngôi chí tôn, vua vẫn giữ mình thanh tịnh, ban ngày lo việc triều chính, đêm về nghỉ ở chùa Tư Phúc, trong nội thành Thăng Long. Trần Nhân Tông trị vì 15 năm (1279-1293), làm Thượng hoàng 6 năm (1294-1299), tu Phật khổ hạnh 9 năm (1300-1308), băng ở am Ngoạ Vân, hưởng dương 51 tuổi. Sử cũ ghi: “Vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng làm vẻ vang đời trước, thực là vị vua hiền của nhà Trần”. Sách Lược sử Phật giáo Việt Nam (Thành Hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh xuất bản, 1993, tr.364) viết: “Với đạo, Trần Nhân Tông đã xây dựng một giáo hội mới. Với Thiền học, Trần Nhân Tông đã xa hẳn truyền thống thiền Ấn Độ, thiền Trung Quốc, mở đầu cho một dòng thiền nhập thế hoàn toàn mang tính Việt Nam”. Tư tưởng nhập thế của Trúc Lâm thiền phái nhấn mạnh đến sự tuỳ nghi của từng người, nhìn nhận chữ “Tâm” trên một tầm sâu sắc mới, giúp cho đời có cái nhìn tu thiền đúng mức, theo tấm gương của các vua Trần, sẵn sàng rời bỏ quyền quý đi tìm kiếm cái phi thường của đạo, cái nhân văn bất tử của đạo Phật.
          Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn cho dân tộc và cho Phật giáo. Sau khi nhường ngôi cho con là Anh Tông, Thượng hoàng Trần Nhân Tông lui về Tức Mặc để tĩnh tâm nghiên cứu đạo thiền. Năm 1299, Điều Ngự đã tinh cần tu 12 hạnh đầu đà và mời các danh tăng về chùa Phổ Minh (Nam Định) lập ra trường giảng. Tháng Giêng năm Hưng Long thứ 11(1303), sau chuyến viễn du Chiêm Thành trở về, Trần Nhân Tông lại cho mở hội Vô lựợng Phật pháp tại chùa Phổ Minh, úy lạo và ban phát tiền, lụa cho dân nghèo, phát kinh Giới thí cho thiên hạ.
          Đạo Phật thời Lý - Trần có nhiều nhà sư nổi tiếng uyên thâm như Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải… Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có công lớn trong việc Việt hoá đạo Phật, đã quy tụ Tam giáo (Nho, Phật, Lão), đã dung hoà các phái (Thiền tông, Trịnh tông, Mật tông), góp phần tạo ra sự thống nhất ý thức hệ tôn giáo, tạo thêm sức mạnh cho dân tộc.
          Đạo Phật có sự phát triển rực rỡ ở triều đại nhà Trần và đã ghi vào văn hoá, lịch sử dân tộc những dấu ấn khó phai mờ. Đạo Phật không những phát tích ở hành cung Thiên Trường, phủ Thiên Trường, mà lan rộng đến cả nhiều vùng đất mới trong cả nước. Tư tưởng của đạo Phật, thiền phái Trúc Lâm đã có ý nghĩa to lớn trong việc cố kết cộng đồng, hướng tới chân, thiện mỹ, hướng tới sự cao cả của chủ nghĩa nhân văn, góp phần phát huy cao độ sức mạnh dân tộc, làm giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
          Thiên Trường – Nam Định là quê hương và là nơi phát tích của triều đại Trần, một triều đại đã ghi vào lịch sử dân tộc trang vàng chói lọi về chiến công hiển hách chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII, một triều đại làm vẻ vang và phong phú nền văn hoá dân tộc. Thiên Trường - Nam Định cũng là cái nôi của Phật giáo. Trải qua bao cuộc bể dâu, Phật giáo Nam Định có những bước thăng trầm. Nhưng sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc đã làm cho Phật giáo có cơ hội chấn hưng cùng sự phồn vinh của dân tộc. Nam Định cũng là quê hương, nuôi dưỡng nhiều bậc thạc đức cao tăng nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam, như các vị Hoà thượng Phạm Quang Tuyên, Thích Tâm Thi, Thích Đức Nhuận, Thích Thé Long, Thích Tâm Thông, Thích Thuận Đức và nhiều vị khác.
          Nét nổi bật của Phật giáo Nam Định trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, làm cho Phật giáo Nam Định có những nết đặc sắc, đó là tư tưởng nhập thế, tư tưởng “công thành, thân thoái”, nghĩa là sau khi làm tròn nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, nhiều vị cao tăng lại trở về với cuộc sống tu hành. Hình ảnh “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận” của 27 vị cao tăng chùa Cổ Lễ (Trực Ninh - Nam Định) năm 1947, có lẽ là một hình ảnh oai hùng và độc đáo nhất của “dân tộc và đạo pháp” nói chung và của truyền thống yêu nước của Phật giáo Nam Định nói riêng. Đại lão Hoà thượng Thích Thế Long, nguyên Phó Chủ tịch Phật giáo châu Á vì hoà bình, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá VII, nguyên Phó Chủ tịch TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam Ninh, trụ trì chùa Cổ Lễ, người đã chủ trì lễ mít tinh trọng thể phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận, lúc sinh thời, có lần phóng viên nước ngoài phỏng vấn, đại ý rằng, đạo Phật dạy không sát sinh, vậy các vị sư cầm súng ra trận phải chăng đã làm sai lời Phật dạy(?). Hoà thượng trả lời rằng: “Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh thì diệt trừ một kẻ ác, để cứu muôn người hiền là phúc đẳng hà sa”. Đây cũng là một nét đặc sắc của Phật giáo Nam Định khi nhập thế một cách “khế lý, khế cơ”.
          Ngày nay, Phật giáo Nam Định cơ bản vẫn giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hoá lịch sử của mình, gắn liền đạo pháp và dân tộc. Nhiều sinh hoạt lễ hội lành mạnh gắn với sinh hoạt truyền thống làng xã, gắn với đạo Phật đã và đang góp phần thoả mãn nhu cầu văn hoá tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, đồng thời góp phần làm phong phú nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đã bản sắc dân tộc.
Nhà nghiên cứu lịch sử, hội viên Hội sử học Việt Nam Đồng Ngọc Hoa, với kiến thức sâu rộng và nhiều trải nghiệm về Phật giáo, đã chắt lọc từ nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước, cùng sự tư vấn khích lệ của đồng nghiệp đã hoàn thành cuốn sách “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định” dầy dặn gần nghìn trang giới thiệu với bạn đọc về sự vĩ đại, tôn kính của Đức Phật, về Phật giáo Việt Nam qua các thời đại nói chung và đi sâu về Phật giáo Nam Định nói riêng, trong dòng chảy của lịch sử dân tộc với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Cuốn sách Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định cũng giành phần thích đáng giới thiệu nhiều danh lam, thắng cảnh, chùa chiền tôn nghiêm nơi thờ Phật trên địa bàn tỉnh Nam Định, như là những di tích, danh thắng lịch sử, như là những sản phẩm du lịch văn hoá lịch sử, mang đậm phong cảnh quê hương văn hiến giàu đẹp.
          Tùy hỷ với tác giả, tôi viết đôi điều, hân hạnh giới thiệu với quý độc giả gần xa, đặc biệt là với các quý Tăng Ni Phật tử Nam Định và Việt Nam cuốn sách này. Mong mỏi cuốn sách đầy ý nghĩa này được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định phát hành rộng rãi.
  
PGS.TS Trần Đức Minh
Uỷ viên Ban Chấp hành Hội sử học Việt Nam
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định




1 nhận xét: