Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

CUỘC TRANH LUẬN VỀ CUỐN “ĐỨA CON MANG HAI HỌ” TRÊN BÁO VĂN NGHỆ TRẺ NĂM 2007



Tranmygiong.blogspot.com: 

Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định bắt đầu tổ chức khởi động một kỳ mới... Bản blog xin đăng lại bài này (đã đăng ở tranmygiong.blogtiengviet.net) hy vọng những người có trách nhiệm rút kinh nghiệm tránh đi vào vết xe đổ của giải kỳ trước...

Hồi thứ nhất

Thiếu tự tin nên nhờ thẩm định
Chia chác giải gây sóng bất bình

          Giữa năm 2006, Đại hội VI của Hội VHNT Nam Định thành công trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến tàn khốc giữa các nhà lãnh đạo khóa V cùng các phe phái. Trên báo chí xuất hiện liên tiếp nhiều bài viết phê phán các vị lãnh đạo chủ chốt của Hội như:
          - “Ông Trịnh Quang Khanh gác bút múa gươm” của Nhà văn Đặng Huy Hải Lâm trên Nhân đạo và đời sống số 24 năm 2006;
          - “Tiếp tục bài báo Những khuất tất đằng sau một cuốn sách xuất bản ở Nam Định: Thêm nhiều điều cần được làm sáng tỏ” của Nhà văn Nguyễn Danh Khôi trên Tiền phong số 42 năm 2004;
          - “Một vụ đạo văn ở Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định” của Nguyễn Đăng (Văn nghệ trẻ. – 2007. – Số 19),
          - “Những sai lầm của ông Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Nam Định”…
          - “Một kiểu đá nhầm sân” của Đinh Văn Cấn (Thời báo ngân hàng, 2006, Số 64).
          - “Xin đừng mượn gió bẻ măng” của Trần Thị Hồng (Văn nghệ trẻ, 2006, số 21).
          - “Một bài viết thiếu trách nhiệm” của Vũ Duy trên Văn nghệ trẻ năm 2007 số 21.
          - “Về bài viết Rất cần phải chơi đúng luật của ông Lê Hoài Nam: Ông Lê Hoài Nam không giám nhìn vào sự thật” của Nguyễn Đức Phước trên Bảo vệ Pháp luật số 66 năm 2005; “Xử lý nghiêm túc sai phạm của ông Lê Hoài Nam” cũng trên Bảo vệ Pháp luật số 71 năm 2005; “Sai phạm đã rõ vì sao chưa được xử lý?” cũng vẫn là của Nguyễn Đức Phước trên Bảo vệ Pháp luật.
          - “Nhà văn Lê Hoài Nam hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thôi sinh hoạt Hội VHNT Nam Định như thế nào?” của Phạm Ngọc Khảnh (Văn nghệ trẻ. – 2006. – Số 20)...
          - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nhân Đặng Hồng Nam lạnh lùng, kiêu bạc, tưng tửng “vạch áo phơi lưng” những người lãnh đạo Hội cho thiên hạ “chiêm ngưỡng” qua bài “Cuộc chiến” ở Hội VHNT Nam Định trong con mắt một hội viên” trên báo Tiền phong Chủ nhật số 28, ra ngày 9/7/2006.

          Tỉnh điều chuyển Lê phó chủ tịch sang Hội Chữ Thập đỏ tỉnh. Việc này tạo thời cơ cho phe đối lập đơn phương khai trừ Lê phó chủ tịch trước khi đại hội 6 diễn ra. Nhà thơ Phạm Trọng Thanh bị khủng bố tinh thần vì trong kỷ yếu nhà văn người ta in một vài chi tiết sai lý lịch của ông. Trần Trọng Nghiêm được tự do mạt sát ông ngay trong Đại hội, còn ông thì chủ tịch đoàn không cho phát biểu. Nhà văn Nguyễn Danh Khôi bị khai trừ vì “tội” hết sức vớ vẩn là “uống rượu nói năng thiếu văn hóa” trong cuộc họp bộ môn văn xuôi. Người ta chờ đúng dịp Khôi cưới con thì trao quyết định khai trừ.

          Đại hội VHNT năm 2006 diễn ra sôi động, nóng bỏng. Phần thủ tục Đại hội kéo dài cả buổi. Không khí đại hội chẳng khác gì một cuộc đấu tố địa chủ thời cải cách ruộng đất. Trịnh chủ tịch bị “mời” khỏi chủ tịch đoàn, thay vào đó là Nguyễn Xuân Năm.
          Đại hội đã bầu được một Ban Chấp hành mới do Nhà thơ Trần Đắc Trung làm chủ tịch, Nhà thơ Phạm Trường Thi làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân.
          Không bao lâu, Phạm Tổng biên tập Văn Nhân bộc lộ trình độ quá non kém. Chất lượng tạp chí xuống cấp chưa từng thấy. Một số hội viên tố cáo Phạm Tổng biên tập khai man lý lịch để vào Đảng và để được bổ nhiệm chức Tổng biên tập.

                                       ***

          Vừa chân ướt chân ráo nhậm chức, bộ lãnh đạo mới phải bắt tay ngay vào tổ chức xét giải Lương Thế Vinh. Mới qua kỳ sơ khảo ở bộ môn, dư luận phản đối đã lan nhanh. Nào ông Trưởng Hội đồng nghệ thuật bộ môn thơ không xét tác phẩm của Nhà thơ Trương Xương để tranh giải nhất. Sau đó ông này còn tiểu nhân quyết không đăng Văn Nhân bài giới thiệu thơ Trương Xương ngay cả khi Trương Xương đã qua đời. Nào Hội đồng nghệ thuật bộ môn văn bị Hồng Quốc Văn lũng đoạn, buộc các thành viên phải làm theo ý Văn. Hậu quả là tác phẩm của Văn được xếp loại A, tác phẩm của Nhà văn Hữu Anh bị loại...
          Bất bình với cung cách làm việc của Hội đồng nghệ thuật cơ sở bộ môn văn, Nhà văn Trần Thị Nhật Tân gửi đơn kiến nghị lên tỉnh, Nhà văn Hữu Anh gửi đơn lên Ban Chấp hành Hội đòi loại ra khỏi giải tác phẩm dở của Hồng Quốc Văn.
          Trước dư luận phản đối sôi sục, lãnh đạo Hội thiếu tự tin, bèn nghĩ ra kế tham khảo ý kiến thẩm định của một số Hội viên bộ môn nghiên cứu phê bình mà họ tin cậy. Hai cuốn yêu cầu được thẩm định là “Đứa con mang hai họ” của Hồng Quốc Văn và “Nếu được làm lại” của nhà văn Hữu Anh. Ban lãnh đạo Hội không cho thành viên nào biết người thứ hai, không ghi tên tác giả trên bản thẩm định, để lãnh đạo đánh số mật danh. Điều thú vị là ba người thẩm định ai cũng ngỡ chỉ có mỗi mình được lãnh đạo hội tin tưởng giao cho nhiệm vụ thẩm định, vậy mà khi khớp các bản thẩm định thì kết quả kết luận giống nhau: “Đứa con mang hai họ” yếu kém cả nội dung và nghệ thuật không xứng đáng vào giải, “Nếu được làm lại” là tác phẩm hay rất xứng đáng vào giải.
          Có ba bản thẩm định rồi, Ban chấp hành tiến hành xét giải vòng hai. Kết quả: “Nếu được làm lại” được vào giải C; “Đứa con mang hai họ” rớt từ A xuống C.
          Bạn đọc lấy làm vui mừng về sự sáng suốt của Ban chấp hành chưa được bao lâu đã lại rơi vào thất vọng. Số là khi biết kết quả xét giải vòng hai, Hồng Quốc Văn và các thành viên Hội đồng xét giải vòng một phản ứng quyết liệt bằng đơn thư kiến nghị gửi Ban Chấp hành. Xuất hiện nhiều thư nặc danh bôi nhọ những người thẩm định gửi khắp nơi.
          Nhà văn Trần Kim Lung – thành viên Ban giám khảo bộ môn văn, gửi “Ý kiến” của mình tới BCH tỏ ra mâu thuẫn đến kỳ lạ. Ông ngạc nhiên cho rằng các phiếu thẩm định là nặc danh mà ông Chủ tịch Hội lại rất trân trọng. (Nếu ông tỉnh táo, hẳn ông sẽ phải nghĩ xem vì sao ông Chủ tịch lại rất trân trọng các bản thẩm định). Ông thừa nhận “Đứa con mang hai họ” của Hồng Quốc Văn có nhiều khuyết nhược điểm về nhiều mặt” nhưng ông lại nói “những điều này không đến mức làm cho tác phẩm bị đổ, phần thành công của tác phẩm vẫn là cơ bản”.
          Nhà văn Nguyễn Đức Hòe – thành viên Ban giám khảo bộ môn văn, không chấp nhận ba bản thẩm định. Ông gọi đó là không chính thống, mà chỉ thẩm định của bộ môn – của ông mới là chính thống. Ông đòi đối thoại với ba người thẩm định và in lên báo chí ba bản thẩm định đó “để cho thiên hạ biết cái “phông” phê bình của Nam Định”... Ông tuyên bố rằng nếu BCH chấp nhận ba bản thẩm định đó thì “chẳng còn gì là văn chương nữa”.  Nhưng cái gọi là “văn chương” thì không thấy bóng dáng đâu trong chính bản thẩm định cơ sở và trong đơn kiến nghị của ông…
          Sự thực thì ba bản thẩm định chỉ là tài liệu tham khảo, còn quyết định là của Ban chấp hành. Kết luận của Ban Chấp hành ở vòng hai cũng là chính thống và quyền hạn của họ có thể phủ quyết thẩm định kết luận của Hội đồng nghệ thuật cơ sở. Điều này thì ông Hòe không hiểu hay cố tình không hiểu?
          Dưới sức ép bằng mọi cách của Hồng Quốc Văn và Ban giám khảo cơ sở - những người bảo vệ Văn, lãnh đạo Hội đã làm cái việc quá ư ấu trĩ là xét lại tác phẩm của Văn, nâng từ loại C lên B (không có A). Bằng việc làm này, BCH đã tự phủ định và thú nhận sự thiếu tự tin của mình, đánh mất niềm tin của bạn đọc.
          Dư luận phản đối kết quả trên lại bùng lên mạnh mẽ, rộng rãi và quyết liệt. Cuộc “chiến” giữa bạn đọc và Hồng Quốc Văn cùng phe cánh nổ bùng trên Văn nghệ trẻ liên tục hơn ba tháng…


Hồi thứ hai

Trần Ngọc Minh tiên phong nổ súng
Hồng Quốc Văn xảo biện phản công


          Ra ngồi vỉa hè cũng thấy người ta bàn tán về giải Lương Thế Vinh (2001 – 2006). Những người phản đối việc đưa “Đứa con mang hai họ” vào giải rất ngại dây với Hồng vì chẳng ai là không biết Hồng là con người thế nào. Nỗi bức xúc trong bạn đọc càng thêm bức bối, dồn nén. Sự bung ra của cái lò xo bị nén quá độ chính là bài báo của Trần Ngọc Minh trên Văn nghệ trẻ số 1 năm 2007 với tiêu đề “Một tác phẩm có dấu hiệu đạo văn được xét giải thưởng Lương Thế Vinh 2001 – 2005 ở Nam Định”. Bài viết phân tích chứng minh rõ ràng cái yếu kém về nội dung và nghệ thuật của “Đứa con mang hai họ”. Bài báo còn chỉ ra cốt truyện, tên nhân vật và những đoạn văn sao chép giống y tác phẩm “Chiều Sông Lô” của Phạm Đỗ Thái Hoàng (tức Phạm Thái Quỳnh). Tác giả bài báo đề nghị những người có trách nhiệm cần xem xét lại việc xét giải tác phẩm của Hồng, làm rõ ai đạo văn ai.
          Bài báo của Trần Ngọc Minh là phát súng châm ngòi mở màn cho cuộc tranh luận về tác phẩm của Hồng trên Văn nghệ trẻ.
          Hai tuần sau kể từ khi bài của Trần Ngọc Minh lên báo, Hồng Quốc Văn và Phạm Thái Quỳnh mới ra được bài chống đỡ. Đó là bài “Tôi không đạo văn của ai” của Hồng Quốc Văn và bài “Không có dấu hiệu đạo văn” của Phạm Thái Quỳnh trên Văn nghệ trẻ số 3 năm 2007.
          Trong bài viết của mình, với lối xảo biện bộc lộ rõ trình độ tầm thường về lý luận, Hồng phủ nhận tới 10 vấn đề Trần Ngọc Minh phê phán. (Nội dung cụ thể xin đọc trên báo). Hồng còn dẫn và phê phán tác phẩm “Những đêm huyền ảo” của Nhà văn Lê Hoài Nam, “Nếu được làm lại” của Hữu Anh để biện minh cho tác phẩm của mình. Hồng cũng công khai tự cho mình có trình độ cao, kiêu căng hợm hĩnh khuyên nhủ Trần Ngọc Minh kém cỏi thì không nên tập viết phê bình.
          Còn Phạm Thái Quỳnh, trong bài trả lời phóng vấn của mình, Phạm thừa nhận mình viết “Chiều sông Lô” và Hồng viết “Đứa con mang hai họ” đều dựa vào cùng một cốt truyện dài 70 trang A4 của Phạm. Nhưng Phạm nói việc đó không gọi là đạo văn cũng ví như Nguyễn Du viết Truyện Kiều từ Kim Vân Kiều Truyện.

Hồi thứ ba

Trần Ngọc Minh khinh Văn, xỉa Phạm
Nguyễn Hữu Anh đấm thép bồi thêm

          Bài của Hồng và Phạm vừa in trên Văn nghệ số 3 – 2007 thì ngay số sau – số 4 - 2007, Trần Ngọc Minh đã ra đòn bằng bài “Trao đổi lại với Hồng Quốc Văn và Phạm Thái Quỳnh”. Trần Ngọc Minh chỉ ra sự thiếu văn hóa trong tranh luận và sự không trung thực trong bài viết của Hồng. Trần hài hước tự nhận trình độ của mình mới xóa nạn mù chữ - cử nhân, còn Hồng thì chưa qua được phổ thông. Trần tỏ thái độ không hạ mình đi tranh luận với một người có trình độ thấp kém lại kiêu căng hợm hĩnh như Hồng. Trần chỉ rõ nhận thức của Phạm về đạo văn là sai trái, việc Phạm ví sự đạo văn của Hồng và Phạm với Nguyễn Du viết Kiều dựa vào Kim Vân Kiều truyện là ngụy biện. Uy tín của Phạm sau vụ này giảm rõ rệt, đến nỗi Phạm muốn xin ra khỏi Hội VHNT địa phương. Sau này Phạm có bài trên Văn nghệ trẻ “Không có không khí văn chương không sáng tác được” ám chỉ Hội VHNT Nam Định không có không khí văn chương, không bao dung nhân tài, không có nhân tài.
          Trong số báo này, Hữu Anh có bài “Tác phẩm Đứa con mang hai họ không đạt một tiêu chí nào của giải thưởng Lương Thế Vinh lại được trao giải”. Bài viết một lần nữa vạch ra những yếu kém về nội dung và nghệ thuật của “Đứa con mang hai họ”, đối chiếu với quy chế giải thì không đạt tiêu chí nào. Bài viết theo kiểu bài phân tích tác phẩm của thầy giáo dạy văn. Có người đánh giá đây là quả đấm thép bồi tiếp vào Hồng và Phạm.
          Cũng trong số báo này còn có bài “Ai đạo văn ai” của Vũ Duy bênh vực Hồng Quốc Văn. Vũ Duy cho rằng sách của Hồng ra đời trước sách của Phạm nên không thể nói Hồng đạo văn mà chỉ có thể ngược lại. Về lý thì Vũ nói đúng. Nhưng Vũ phớt lờ chuyện Phạm công khai thừa nhận cốt truyện là của Phạm tặng cho Hồng.
          Nếu Phạm quân tử thì đừng viết “Chiều sông Lô”, đằng này Phạm lại viết “Chiều sông Lô” cũng bằng cốt truyện đã cho Hồng. Việc làm đó là đánh lừa và coi thường bạn đọc, là làm hàng nhái.
          Mà dù Hồng có được Phạm tặng cốt truyện thì cũng không phải là sáng tạo của mình, người tự trọng hẳn không nhận giải.


Hồi thứ tư

Trương Vĩnh Tuấn về Nam tìm hiểu
Làng Văn Nhân đồng loạt tiến công

          Sau khi báo Văn nghệ Trẻ đăng liên tục các bài phanh phui chuyện đạo văn của Hồng và Phạm, Phó Tổng biên tập - Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn bị Hồng dọa sẽ kiện ra tòa vì đăng bài bôi nhọ Hồng. Trương đã định khép lại cuộc tranh luận sau ba số báo đã đưa bài của hai bên, nhưng cú đe dọa của Hồng làm Trương nổi giận. Trương quyết định tiếp tục phản ánh cuộc tranh luận thêm một thời gian nữa.
          Dư luận ồn lên: Trương Vĩnh Tuấn về thành Nam tìm hiểu tình hình dư luận trong giới văn nghệ sĩ địa phương về cuốn “Đứa con mang hai họ”. Những người được Trương Vĩnh Tuấn tham khảo ý kiến đều ít nhiều đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn, có người là Nhà văn Việt Nam.
          Trả lời cho câu hỏi “Tại sao không tới Trụ sở Hội VHNT tỉnh tìm hiểu về vụ việc qua lãnh đạo hội?”, Trương bảo “Không cần, vì các anh lãnh đạo hội đã lên tòa soạn báo nói rõ quan điểm rồi...” Quan điểm của lãnh đạo Hội như thế nào thì Trương không nói, nhưng mọi người đều hiểu là lãnh đạo Hội xin xỏ Văn nghệ trẻ dừng cuộc tranh luận lại. Sau cuộc điền dã về Nam Định, Trương tiếp tục đăng các bài tranh luận về Giải Lương Thế Vinh, tập trung vào “Đứa con mang hai họ” của Hồng. Các bài bào chữa của Hồng và phe cánh được Trương in nguyên bản.
          Trong số 5 – 2007 báo Văn nghệ trẻ, Trương dành hai trang cho tít “Nhà văn Nam Định nói gì” trong đó ý kiến của hai tác giả được giật tít riêng là Nhà báo Giang Phong với bài “Liệu có trao giải được không?” và Nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống với bài “Rất cần Ban chấp hành thể hiện vai trò lãnh đạo”.
          - Nhà báo Giang Phong phê phán cung cách làm việc thiếu khoa học và trình độ của Hội đồng chấm giải chỉ ở mức “cơm chấm cơm”; Cung cấp thêm một chi tiết khá thú vị là việc ông Phạm Thái Quỳnh có nộp cho Hội cái đơn xác nhận đã tặng cho Hồng cốt truyện của mình. Giang Phong đồng ý với quan điểm không ai đạo văn ai và phê bình Vũ Duy chụp cho Phạm tội đạo văn theo kiểu “Hồng vệ binh” là duy lý mà không đúng sự thật. Giang Phong cho rằng mặt bằng tất cả các tác phẩm văn xuôi vào giải là rất thấp. Câu hỏi Giang Phong đặt ra xoáy vào lãnh đạo hội và tỉnh: “Liệu có trao giải được không?”
          - Nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống tổng hợp dư luận bạn đọc của Thư viện tỉnh đánh giá thấp “Đứa con mang hai họ”, nêu quan điểm chấm giải phải bám sát tiêu chí, không nhất thiết cứ phải cố có giải A, coi Văn nghệ trẻ đăng bài tranh luận là cơ hội để Văn Nhân Nam Định có diễn đàn, lúc này là lúc cần Ban chấp hành Hội tỏ rõ quan điểm, kiến nghị tạm dừng xét giải cho “Đứa con mang hai họ”, làm rõ chân giá trị tác phẩm và chuyện ai đạo văn ai...
          - Nhà nghiên cứu thạc sĩ Hoàng Dương Chương từ góc độ lý luận văn học soi rọi vào tác phẩm của Hồng Quốc Văn một cách sắc sảo và khoa học, chỉ ra những yếu kém không thể phủ nhận của “Đứa con mang hai họ” và nhận thức chưa tới tầm của Hồng Quốc Văn.
          - Nhà văn Đặng Hải Lâm phê phán những người được trao trọng trách xét giải là cánh hẩu, đã phớt lờ những tác giả và tác phẩm hay để chia chác giải với nhau, nói mặt bằng văn xuôi thấp là ngụy biện, thực tế có nhiều tác phẩm hay không được xem xét như “Chân trời”, “Hoa cúc nâu”, “Con đường phía trước”, “Một ngày và một đời”... (trong đó “Hoa cúc nâu” và “Một ngày và một đời” đã được giải cao, thậm chí là cao nhất của Ủy ban toàn quốc liên hiệp VHNT Việt Nam năm 2002)...
          - Nhà thơ Trần Hùng Thắng khẳng định sự giống nhau của “Đứa con mang hai họ” và “Chiều sông Lô”, đích thị là đạo văn, đánh lừa bạn đọc, hành vi của ông Phạm Thái Quỳnh là không văn hóa.
          - Nhà văn Nguyễn Danh Khôi nói ông và nhiều người biết rõ sự thấp kém của “Đứa con mang hai họ” mà nhà văn Trần Thị Nhật Tân đã có đơn gửi tỉnh. Nếu ông Trần Ngọc Minh và Hữu Anh không đưa lên báo thì chắc tỉnh đã trao giải cho Hồng Quốc Văn rồi. Như thế thì dân Nam Định biết nói gì với thiên hạ?
          - Nhà văn Trần Thị Nhật Tân chỉ rõ “Đứa con mang hai họ” là loại sách có tiền là in được, không thể so với “Chân trời” của chị được nhà xuất bản Quân đội bao cấp. Vậy mà “Chân trời” không được xét, lại xét giải cao cho “Đứa con mang hai họ”. Đề nghị tỉnh đọc lại tác phẩm, xét giải cho chính xác.
          - Nhà thơ Trương Xương nhận xét hơn ba chục năm nay không có chuyện xét giải thưởng làm hội viên chán nản như lần này.
          - Nhạc sĩ - nhà thơ Huy Tập thì nói thẳng rằng “Đứa con mang hai họ” kém cả nội dung và nghệ thuật, là chép văn, không xứng vào giải.
          - Nhà thơ Trần Khắc Cánh cho rằng toàn cảnh văn chương Nam Định không phải bi quan như một số người nhận định. Ông chứng minh bằng một loạt tác phẩm được giải trung ương và địa phương khác của một số nhà văn chỉ riêng ở huyện Hải Hậu, nhưng lại không được Hội dòm ngó đến. Ông phê phán cái nhìn đố kị và thái độ bao che tiêu cực của Vũ Duy.
          - Nhà văn Đặng Huy Hải Lâm đề nghị tỉnh nhất thiết không xét giải cho các tác phẩm đạo văn, nhờ Trung ương xét giải, phải đưa vào xét một số tác phẩm hay mà hội đồng giải đã bỏ qua như “Một ngày và một đời” và “Bên kia sông có người bạn gái” của Nhà văn Lê Hoài Nam, “Chân trời” của Trần Thị Nhật Tân, “Cỏ và cát” của Nguyễn Danh Khôi, “Hoa cúc nâu” của Đặng Huy Hải Lâm, “Con đường phía trước” của Phan Chương...
          Vậy là rõ: dư luận của bạn đọc và văn nghệ sĩ Nam Định không đồng tình với việc đưa tác phẩm của Hồng Quốc Văn vào giải. Một vài người ủng hộ Hồng lại là những người trong Hội đồng nghệ thuật cơ sở đã xét đề nghị tác phẩm của Hồng loại A.

Hồi thứ năm

Hồng Quốc Văn la to: “Không được bóp méo sự thật”
Nguyễn Đức Hòe trao đổi khiến bạn đọc rác tai thêm

          Trên Văn nghệ trẻ số 9 – 2007 Hồng Quốc Văn có bài “Không được bóp méo sự thật”, Nguyễn Đức Hòe phụ họa “Đôi điều trao đổi”... khiến bạn đọc Đặng Ngọc Dư phải kêu lên “Khổ bạn đọc mà thôi”.
          Trong bài “Không được bóp méo sự thật” Hồng kể chi tiết diễn biến Hội đồng nghệ thuật bộ môn văn xuôi xét giải cho tác phẩm “Nếu được làm lại” của Hữu Anh. Rằng: Ông chủ tịch Hội đồng phải nói như khóc xin cho Hữu Anh vào giải; Hội đồng châm chước để Hữu Anh vào giải mà đành bỏ ra ngoài giải tác phẩm của người khác… Cũng với cung cách ngụy biện như bài trước, Hồng bác lại sáu điểm trong bài Hữu Anh phân tích “Đứa con mang hai họ”. Kết thúc bài viết của mình, Hồng trịch thượng, hợm hĩnh khuyên nhủ và hạ nhục Hữu Anh bằng câu chuyện ngụ ngôn tự ví mình là con hổ, còn đối phương là mèo.
          Nguyễn Đức Hòe phụ họa cho Hồng bằng bài “Đôi điều trao đổi” khoe mình từng tu nghiệp ở Liên Xô, và dẫn ra nhiều sách vở để thể hiện quan điểm của mình. Quả thật, bạn đọc bị ông đưa vào mê cung “giáo điều” không còn biết đâu mà lần. Ông tập trung kể chuyện ngoài văn chương về ông Hữu Anh nhằm làm tăng uy tín cho việc ông hạ thấp tác phẩm “Nếu được làm lại” của Hữu Anh.
          Giữa hai bài của Hồng và Hòe là bài “Khổ bạn đọc mà thôi” của bạn đọc Đặng Ngọc Dư. Đặng Ngọc Dư thẳng thắn ủng hộ quan điểm của Trần Ngọc Minh, chỉ rõ những yếu kém của “Đứa con mang hai họ” và hành xử phi văn hóa của Phạm Thái Quỳnh, thái độ loanh quanh của Hồng và Phạm chẳng qua là để chối tội đạo văn, kết luận: các ông chỉ làm khổ bạn đọc mà thôi.

Hồi thứ sáu

Dừng tranh luận, báo Văn tổng kết
Hồng nổi điên đòi kiện ra tòa

          Báo Văn nghệ trẻ số 10 – 2007 có bài “Lòng tin và trách nhiệm” của bạn đọc Trần Thị Thanh. Bài viết mạch lạc rõ ràng, tổng kết lại cuộc tranh luận, chỉ rõ cái đúng cái sai của các bài tranh luận. Nội dung tóm lại như sau:
          - Bài “Một tác phẩm có dấu hiệu đạo văn...” của Trần Ngọc Minh và bài “Tác phẩm Đứa con mang hai họ không đạt một tiêu chí nào...” của Hữu Anh đã phân tích rõ ràng, thuyết phục, bám sát học thuật, không nói ngoài văn chương.
          - Bài “Tôi không đạo văn ai” và “Không được bóp méo sự thật” của Hồng Quốc Văn lý luận thì mơ hồ, so sánh thì khập khiễng, tác giả không cầu thị. Bài “Đôi điều trao đổi” của Nguyễn Đức Hòe cũng không hơn Hồng Quốc Văn mà lại sa vào chuyện ngoài văn chương, bảo vệ “Đứa con mang hai họ” lại lạc đề sang phê phán “Nếu được làm lại” của Hữu Anh. Bạn đọc thể hiện thái độ với ông Hồng Quốc Văn và những người bảo vệ ông Văn qua bài “Khổ bạn đọc mà thôi” của Đặng Ngọc Dư.
          - Bằng chính những lời trong bài viết của ông Hồng Quốc Văn và Nguyễn Đức Hòe, tác giả đã chỉ ra những sai trái và mâu thuẫn của Hội đồng nghệ thuật bộ môn văn xuôi. Tác giả còn đưa ra nhiều thực tế về cuốn “Nếu được làm lại” của Hữu Anh trái ngược với nội dung phê phán của hai ông Văn và Hòe.
          - Tác giả kết luận bạn đọc có đủ khả năng phân biệt đúng sai, hay dở bằng vào việc đọc tác phẩm, vì thế ông Văn và Hòe không nên làm khổ bạn đọc và tốn giấy mực của Văn nghệ trẻ nữa.
          Nhà báo Nhà viết kịch kỳ cựu Giang Phong nhận định: Bài “Lòng tin và trách nhiệm” chính là kết luận của Văn nghệ trẻ. Giang Phong nói có lý: Đầu bài báo có lời tòa soạn như sau: “Báo Văn nghệ Trẻ đã in loạt bài về Giải thưởng Văn học Lương Thế Vinh của Hội VHNT Nam Định với nhiều ý kiến dư luận khác nhau. Trong số này, VNT chuyển tải bài viết của tác giả Trần Thị Thanh để bạn đọc tiện theo dõi và có được sự đánh giá xác đáng, đồng thời mong rằng những người trong cuộc nên nghiêm túc xem xét lại trách nhiệm của mình trước lòng tin của độc giả và uy tín Giải thưởng Văn học này”.
          Tưởng cuộc tranh luận đã tới hồi kết, không thấy Hồng tranh luận lại Trần Thị Thanh. Nhưng sự rơi rớt của cuộc tranh luận còn diễn ra ở Văn nghệ trẻ số 11 – 2007 bằng bài “Đọc báo cần hiểu báo” của Nguyễn Đức Hòa (cõ lẽ báo in nhầm tên tác giả Nguyễn Đức Hòe). Nội dung bài báo trao đổi với Trần Thị Thanh, cho là Trần Thị Thanh không hiểu đúng báo, chủ yếu là chưa hiểu đúng bài viết của Nguyễn Đức Hòe. Qua việc thanh minh để bảo vệ uy tín của mình, ông Hòe tỏ ra lúng túng. Ông không hiểu nổi thuật ngữ “Chủ nghĩa xét lại”, “tên xét lại” nên phải hỏi lại Trần Thị Thanh. Điều hài hước nhất là chính ông từng khoe đi tu nghiệp ở Liên Xô, nơi mà “chủ nghĩa xét lại” từ Đức truyền lan sang sớm và ảnh hưởng lớn nhất... mà ông lại không hiểu được thuật ngữ “Chủ nghĩa xét lại”, “Tên xét lại”. Không biết những ngày đi tu nghiệp ấy ông đã tu được cái gì?
          Xin chép lại lời tòa soạn trên đầu bài của ông Hòe để cùng hiểu rõ thái độ quan điểm của tòa báo: “Đã kéo quá dài về cuộc tranh luận cũng khá bổ ích và lý thú, biết rằng sẽ còn nhiều ý kiến muốn bày tỏ, song công việc làm báo không thể kéo dài hơn được nữa, xin kết thúc cuộc tranh luận này tại đây, và lời kết dành cho độc giả”.
          Vậy là sau hơn ba tháng trên hơn chục số báo Văn nghệ trẻ, cuộc tranh luận về Giải thưởng Lương Thế Vinh, chủ yếu là về tác phẩm của Hồng Quốc Văn đã kết thúc. Qua văn đàn công khai, rõ ràng đông đảo bạn đọc phản đối trao giải cho “Đứa con mang hai họ” là dư luận rộng lớn. Phía bào chữa chỉ là tác giả và mấy ông đã bỏ phiếu cho “Đứa con mang hai họ”.
Điều đặc biệt là chính bạn đọc là người viết bài châm ngòi và cũng là người viết bài “tổng kết” cuộc tranh luận, chứ không phải là một Hội viên Hội VHNT tỉnh hoặc một nhà văn chuyên nghiệp nào. Chỉ một bạn đọc Trần Ngọc Minh, một Trần Thị Thanh bình thường đã làm cho nhóm người cầm bút là Hồng Quốc Văn, Phạm Thái Quỳnh, Nguyễn Đức Hòe... mất bình tĩnh, bộc lộ rõ sự lúng túng, trượt ra ngoài quỹ đạo học thuật, văn chương. Thế cho nên, đừng bao giờ nghĩ mình là nhà văn thì có quyền coi thường bạn đọc. Cùng với thời gian, bạn đọc công chúng là nhân tố quyết định giá trị chân thực của tác phẩm. Ai không hiểu điều đó, nhất là những người có trách nhiệm với văn chương, tất sẽ sai lầm.
          Cuộc tranh luận đã khép lại, nhưng người hiểu rõ Hồng thì tin rằng Hồng chưa cam tâm chịu thua. Quả đúng vậy, Báo Văn nghệ trẻ số 12 – 2007 đăng toàn văn thư của Hồng và trả lời của Văn nghệ trẻ như sau:
          “Thư của ông Hồng Quốc Văn:

          Hà Nội 16 – 3 – 2007
          Kính gửi Ông Trương Vĩnh Tuấn
          Sáng nay lúc 10h25” tôi tới báo gặp ông để được trao đổi một số vấn đề xung quanh việc tôi bị bêu trên báo của anh mà tai hại thay họ viết về tôi bịa đặt điêu quá và theo 1 giọng hành quyết của hơn chục tác giả qua bài “Nhà văn Nam Định nói gì?”. Vậy chúng tôi Hồng Quốc Văn, Mai Thanh, Trần Kim Quy đã có bài trả lời. Lý do gì mà không cho đăng? Phải chăng ông đứng về phía họ?
          Nếu đúng như vậy tôi xin tuyên bố. Tôi sẽ kiện tòa báo ra tòa theo quyết định số 03/2007/QĐBVHTT) về việc ban hành cải chính trên báo của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.
          Lúc đó xin ông đừng cho là chúng tôi vô tình.
          Chào ông.
          Hồng Quốc Văn.”

          Bên cạnh thư trên là “Trả lời của Văn nghệ Trẻ:
 
Kính gửi: Ông Hồng Quốc Văn
          Trên 7 số báo với dung lượng 11 trang báo VNT đã tổ chức một diễn đàn văn học trẻ nhằm để cho những người sáng tác ở một vùng đất nổi tiếng về văn chương tự nói về giải thưởng của mình. Thiết tưởng đây là một cuộc trao đổi lý thú và bổ ích.
          Riêng ông Hồng Quốc Văn chúng tôi đã dành hai trang rưỡi để ông trình bày quan điểm của ông (chúng tôi đã in nguyên văn). Và những người ủng hộ ông chúng tôi cũng đã dành một số trang khá trân trọng.
          Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau chúng tôi không thể đăng tải toàn bộ các ý kiến trao đổi, kể cả mọi phía.
          Bản báo sẵn sàng hầu kiện ông!
          Chúc ông thắng kiện.
          VNT”.

          Có lẽ không cần phải bình luận thêm gì về chuyện kiện cáo này.
          Bạn đọc cả tin yên tâm rằng sau cuộc tranh luận, hẳn những người trong Ban giám khảo vòng ba – vòng cuối đã có đủ cơ sở để loại bỏ tác phẩm kém cỏi của Hồng Quốc Văn khỏi giải. Bạn đọc cũng hy vọng tỉnh sẽ xét lại một số tác phẩm khác mà dư luận khen hay đã bị Hội đồng nghệ thuật cơ sở loại ra không cần thẩm định.
Nhưng...

Hồi thứ bảy

            Tỉnh tắc trách dở hay đảo lộn
            Sau năm năm mặt chuột lòi ra


          Bao hy vọng mong chờ của bạn đọc rốt cuộc đã bị những người có trách nhiệm dội cho thùng nước lạnh, bằng việc duyệt nguyên xi kết quả của BCH Hội VHNT đã xét vòng hai - nguyên nhân trực tiếp nổ ra cuộc tranh luận nêu trên. Nhì nhằng hàng năm trời, cuối cùng thì giải cũng được trao. Ban giám khảo vòng Ba đã không được thành lập như quy chế đã định. Vì thế, “Đứa con mang hai họ” vẫn được giải B. Việc này đã khắc thêm một vết nhơ trong lịch sử văn học nghệ thuật của một tỉnh vốn đã có trước đó những vết nhơ không tẩy rửa nổi. Chẳng hạn “Đại hội hạ bệ” cố nhà văn nổi tiếng Chu Văn, nguyên chủ tịch Hội VHNT cùng lúc Nhà nước tặng Huân chương Lao động cho ông. Nhà văn Lê Hoài Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội kiêm tổng biên tập tạp chí Văn Nhân bị khai trừ vô nguyên tắc. Chuyện mất đoàn kết, tham nhũng của lãnh đạo Hội... Tất cả những điều đó đã di hại sang thế hệ sau mà xin để một dịp khác tác giả sẽ tường thuật.
          Trong khi nhiều người chạy chọt, đấu đá tranh giành giải thưởng thì nhà thơ Trần Đắc Trung lại rút tác phẩm của mình khỏi Giải dù tác phẩm của ông khá hơn nhiều tác phẩm được giải. Hành động của nhà thơ Trần Đắc Trung đem lại niềm tin cho hội viên, rằng hội vẫn có những người có nhân cách đẹp.
          Từ hy vọng, bạn đọc lại rơi vào trạng thái mất niềm tin với những người có trách nhiệm trong Hội VHNT tỉnh. Một số nhà văn tiếp tục viết bài chỉ ra những cái yếu kém không đủ tiêu chuẩn vào giải của những tác phẩm đã được trao giải cao. Nhà thơ Trương Xương - Nhà văn Việt Nam trước khi qua đời còn ủy thác cho đồng nghiệp Phạm Ngọc Khảnh công bố bài viết của mình góp ý cho Ban lãnh đạo Hội...
          Chuyện khuất tất, nhân cách kém, tác phẩm dở dù che đậy thế nào, rồi cũng có lúc bị bóc trần. “Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng lòi ra”. Hồng Quốc Văn – Tác giả của “Đứa con mang hai họ” đã bị khai trừ khỏi Hội VHNT Nam Định vì đã có những hành vi gây ảnh hưởng xấu cho Hội. Một nhân cách kém thì làm gì có tác phẩm hay và tư tưởng tốt?
          Nhưng khi mà vẫn còn đó những kẻ từng bao che cho Hồng, là cánh hẩu với Hồng, thì biết đâu đấy, một khi nắm được quyền hành rất có thể họ sẽ thực hiện được âm mưu “sẽ đưa Hồng trở lại Hội”...
          Hoa đẹp chóng tàn, cỏ dại sống dai.
          Những người kế tục nắm quyền lãnh đạo Hội, nếu không nghiêm túc rút ra bài học từ vụ việc nêu trên, rất dễ sa vào sai lầm, đặc biệt trong việc xét Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh thường kỳ…

          Xin hãy góp chất xám, mồ hôi, công sức cắt đào cỏ rả, giữ cho môi trường VHNT tỉnh nhà trong sạch, nở hoa.

Mùa Thu 2011
HN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét