Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

“NGU NGƠ” - THƠ HAI CÂU CỦA TRẦN MỸ GIỐNG VÀ LỜI BÌNH



                                    NGU NGƠ

                   Mải mê đuổi bóng bắt hình
          Tóc sương chợt ngộ ra mình ngu ngơ

                                                         Trần Mỹ Giống


             Lời bình của ĐẶNG KIM QUY
        Phó hiệu trưởng Trường THCS Hàn Thuyên (Nam Định)

Tác giả Đặng Kim Quy
          Đọc hai câu thơ, ta hình dung ra nhân vật trữ tình luôn khát khao, theo đuổi một ước vọng nào đó, nhưng cái ước vọng ấy chỉ là ảo ảnh không có thực. “Đuổi bóng bắt hình” là cách nói ẩn dụ rất ý nhị, sâu sa, muốn nói tới một mục đích, một lý tưởng sống, “tóc sương” biểu hiện cho tuổi già, mặc dù đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời nhưng giờ đây nhân vật trữ tình mới chợt nhận ra điều mà mình mơ ước theo đuổi bao năm qua chỉ là ảo vọng, không đạt được mục đích mà mình mong muốn. Giọng điệu thơ buồn, trĩu nặng một nỗi niềm ưu tư, trăn trở về những điều cay đắng khi con người nhận ra chính mình thì đã quá muộn. Đó chính là một bài học mang ý nghĩa triết lý cho những ai chưa xác định đúng mục đích, ước mơ của cuộc đời mình.

                                                                         Tháng 11 - 2013
                                                                        ĐẶNG KIM QUY



Lời bình của PHƯƠNG BIN

Trần Tuấn Phương
          Bài bình của cô Đặng Kim Quy ngắn gọn và hay. Con chỉ bổ sung thêm mấy ý cảm nhận của riêng mình:
          - “Mải mê” : Say mê làm một việc gì đến nỗi không còn để ý gì đến chung quanh.
          - “Ngu ngơ”: Ngây ngô khờ dại.
          - “Chợt”: Bỗng nhiên, thình lình.
          - “Ngộ”: Từ Hán Việt: Tỉnh biết ra được, Hiểu rõ, Mở trí khôn...
Một thời gian rất dài (đến khi đã già “tóc sương”) nhân vật trữ tình – tác giả tập trung hết sức lực, tâm trí phục vụ cho một mục tiêu – lý tưởng mà mình cho là cao đẹp lắm (có cao đẹp mới đủ hấp dẫn lôi cuốn nhân vật trữ tình cống hiến tất cả cho nó chứ!) nhưng buồn thay mục tiêu lý tưởng đó chỉ là viển vông, không tưởng (hình và bóng). Chỉ là hình và bóng mà nhân vật trữ tĩnh vẫn chạy theo nó quá nửa đời người bởi “mải mê” đến độ lý trí hoàn toàn nhường chỗ cho tình cảm.
          Nhưng rồi đến khi “tóc sương”, bao nhiêu va đập trong cuộc sống, những hiện thực trái ngược với mục tiêu phấn đấu đến một lúc nhân vật trữ tình chợt bừng tỉnh, đốn ngộ (hiểu biết) ra chân lý, rằng mình thật ngu ngơ khờ dại, cái mục tiêu lý tưởng chỉ là ảo ảnh, không bao giờ có thực. Than ôi, một thời tuổi trẻ phung phí vô ích, khi hiểu ra thì tóc đã điểm sương rồi... Âm hưởng buồn nuối tiếc do sai lầm trong nhận đường ở câu thơ cứ vang trong đầu người đọc... Phải chăng đó chính là thông điệp tác giả muốn gửi đến người đọc. Bài học chọn đường còn nóng hổi hiện nay và mãi mãi cho lớp trẻ.

Phương Bin Trần Tuấn Phương
Sinh viên Đại học Nội vụ năm thứ nhất.               



Lời bình của TRẦN NHƯ CHUYÊN

Nhà thơ Trần Như Chuyên
          Bóng là phần ánh sáng bị che khuất bởi một hình cụ thể nào đó, nếu chỉ cần tách riêng (Đuổi bóng, bắt hình) thì một bên ảo và một bên thực. Điều lý thú ở đây là (Đuổi bóng bắt hình” thì cái hình lại trở thành lẩn khuất không có thực, xa vời, cũng ảo nốt và đồng lõa với bóng.
          Tuổi đã rất cao, từng lăn lộn, trải nghiệm và có thể phải trả giá quá đắt, đổi bằng biết bao công sức, máu xương... mới chợt “ngộ” ra. Ngộ là nhìn thấy, nhận ra... và ở mức cao hơn, dày dạn hơn đó là xây dựng được một quan niệm. Về “Lý tưởng” đó là một quan điểm, mà đến quan điểm cũng đã phải thay đổi thì mới “ngộ” ra chắc gì đã vững bền? Vấn đề lý thú nữa ở đây là mới “ngộ” ra đã biết mình “ngu ngơ”, còn khi xác định được quan điểm thì chắc hẳn nhận ra rằng mình trên cả dại dột.
Điều đặc sắc của thơ chính là chất gợi, ta đọc xong rồi, đọc lại, đọc mãi mà còn chưa thấy hết được cái hay thì đó chính là sự thành công!

Trần Như Chuyên

2 nhận xét: