Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

“CÔ ĐƠN” - THƠ HAI CÂU TRẦN MỸ GIỐNG VÀ LỜI BÌNH



 CÔ ĐƠN

Quanh mình đầy ắp tiếng cười
Tôi cô đơn giữa những người tôi yêu

Trần Mỹ Giống




 
LỜI BÌNH CỦA MỘT NHÀ THƠ KHOÁC ÁO ĐẸP DẤU TÊN:

          - Rất kém!


 
LỜI BÌNH CỦA ĐẶNG KIM QUY
Tác giả Đặng Kim Quy
Phó hiệu trưởng Trường THCS Hàn Thuyên (Nam Định)

          Hai câu thơ ý đối lập nhau, đưa ra nghịch lý của hoàn cảnh sống và tâm trạng của nhân vật trữ tình. Với nghệ thuật tả thực “Quanh mình đầy ắp tiếng cười”, “tiếng cười” biểu tượng cho niềm vui của con người, “đầy ắp tiếng cười” là nói tới niềm vui, niềm hạnh phúc dâng tràn, hân hoan hay những giây phút thăng hoa của tâm hồn. Lẽ ra tác giả phải hòa nhập vào niềm vui, chia sẻ niềm hạnh phúc ấy với mọi người nhưng lại cảm thấy “cô đơn giữa những người tôi yêu”. Sống bên những người mà mình yêu quý mà vẫn cảm thấy cô đơn? Giọng điệu thơ buồn, u uất, muốn trút bầu tâm sự, muốn dãi bày một nỗi niềm gì đó nhưng không thể nói ra được, cứ khép lòng mình lại ôm ấp nỗi khổ đau, đơn chiếc lặng thầm… Nhưng sao lại phải sống như vậy chứ? Người đọc có thể suy ngẫm và đưa ra chính kiến của mình: Hãy lau khô những giọt lệ đau buồn, những mặc cảm về bản thân mình, hãy dâng tặng cho những người thân yêu và cuộc đời này những nụ cười, bởi đó là ý nghĩa sống lớn lao của mỗi con người.

Tháng 11 - 2013
Đặng Kim Quy

 
LỜI BÌNH CỦA TRẦN TUẤN PHƯƠNG

Tác giả Trần Tuấn Phương
          Xin nói ngay rằng tôi là cháu ngoại của tác giả bài thơ hai câu trên. Ông bà tôi cùng học một lớp đại học Thư viện. Học tới năm thứ tư thì ông bà tổ chức lễ cưới, trước khi ông đi chiến trường. Suốt những năm ông tôi đi chiến đấu, bà tôi một mình nuôi ba con khôn lớn. Cho đến giờ tình yêu của ông bà tôi vẫn trẻ trung, hạnh phúc. Mẹ tôi và hai cậu tôi, cùng dâu rể của ông bà đều là cử nhân, thạc sĩ, hầu hết là đảng viên, có công ăn việc làm tử tế. Các cháu nội ngoại quây quần bên ông bà… Trên blog của mình, ông tôi từng nói: “Niềm vui lớn nhất của tôi là hàng ngày được chơi với các cháu nội ngoại và chơi… blog”.
          Vậy tại sao ông tôi lại thấy cô đơn giữa những người thân yêu? Điều này xuất phát từ cái “nghề viết” của ông.

          Ông tôi là nhà nghiên cứu phê bình. Đêm đêm, khi cả nhà đã ngủ, ông ngồi đọc, viết tới khuya, có khi tới sáng. Từ ngày nhà có máy tính, ông không phải viết bằng tay nữa. Tiếng gõ bàn phím khi rào rào như nước chảy mưa tuôn, khi ngập ngừng đứt quãng theo cảm xúc của ông. Chẳng hạn, để hoàn thành bản thảo cuốn “Tác giả Hán Nôm Nam Định”, ông tôi suốt ba tháng liền, đêm nào cũng làm việc từ 22 giờ đến 1 giờ sáng. Khi tác phẩm hoàn thành, ông tôi bạc tóc quá nửa. Thư viện tỉnh Nam Định lấy tác phẩm đó làm “xương sống” cho công trình nghiên cứu khoa học “Hệ thống đặc điểm đội ngũ tác giả Hán Nôm Nam Định…”. Công trình đã được tỉnh nghiệm thu đánh giá loại xuất sắc.
          Những khi ông tôi viết, sáng tác, không ai trong gia đình có thể giúp cùng sáng tác với ông. Bởi sáng tác văn học là một công việc cực kỳ cô đơn. Nhà văn chỉ có thể một mình tưởng tượng, suy nghĩ hình thành nội dung và hình thức tác phẩm trong đầu mình. Khi đó, nhà văn tách mình ra khỏi thế giới bên ngoài, khép mình vào thế giới riêng sâu lắng bên trong, đuổi theo trí tưởng tượng và tư tưởng mình, sống cùng những xao động nhỏ trong chính tâm hồn mình.
          Ai đó đã nói: Sự đơn độc là điều kiện để sáng tạo văn học. Tôi cũng đã đọc ở đâu đó những câu nói rất ấn tượng, đại loại như: Sự đối thoại làm tăng hiểu biết nhưng chính sự đơn độc mới là ngôi trường của các thiên tài; Người ta có thể được giáo dục trong xã hội, nhưng người ta chỉ được gợi hứng trong sự đơn độc; Không có sự đơn độc lớn sẽ không có một tác phẩm nghiêm túc nào được ra đời…
          Trong hoàn cảnh sáng tác, nghiên cứu đơn độc để cho ra đời những tác phẩm mang “thương hiệu” Trần Mỹ Giống, ông tôi đã viết lên bài thơ hai câu này. Như vậy, cái cô đơn của ông tôi giữa những người thân yêu không phải là sự xa lánh người thân hay sự thiếu quan tâm của người thân, (dù người thân có muốn giúp ông sáng tác cũng không thể được), mà là sự cô đơn – cô đơn đến tận cùng - trạng thái tâm lý khi sáng tạo nghệ thuật của tác giả…

Khu đô thị Hòa Vượng, đầu thu 2014
TRẦN TUẤN PHƯƠNG (Biệt hiệu Phương Bin)
Lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền, Tp. Nam Định.

1 nhận xét:

  1. Cháu Tuấn Phương rất hiểu ông
    tri âm đồng điệu nên đồng cảm luôn
    có đâu "giọng điệu u buồn"?
    cô đơn sáng tạo ngọn nguồn niềm vui

    Trả lờiXóa