Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

CUỘC ĐỜI DÂU BỂ...


Ảnh minh họa lấy từ internet

           Trần Mỹ Giống

            “Trải qua một cuộc bể dâu”
            An vui chưa trọn, đã sầu vô cư...

 HOAN HÔ QUY HOẠCH… TREO!

            “Xóm văn hoá” là một xóm nghèo. Gọi là xóm văn hoá nghèo vì hầu hết các hộ dân ở đây là cán bộ ngành văn hoá đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Mà lương cán bộ ngành văn hoá làm sao không nghèo được. 

            Năm 1987 ngành văn hoá được tỉnh quan tâm cấp cho khu đầm lầy làm nhà tập thể cho cán bộ, công nhân viên trong ngành để không còn cảnh cán bộ ăn nghỉ tại phòng làm việc của cơ quan. Chủ trương của tỉnh làm nức lòng cán bộ ngành văn hoá. Nhưng cơ quan không có kinh phí xây dựng, thay vì phải làm nhà tập thể, đành chia đất cho từng hộ gia đình tự vượt lập và xây dựng. Khốn nỗi hộ nào cũng nghèo (Có nghèo mới phải bám lấy nhà làm việc mà tá túc chứ), thành ra hẹo hẵng mãi đến ba bốn năm sau mới hình thành xóm nhà cấp bốn.
            An cư chưa được bao lâu, năm 1996 nhà nước lại quy hoạch đô thị, hầu hết xóm văn hoá nằm trong diện đất quy hoạch. Cán bộ phòng nhà đất đo đạc, lập biên bản hiện trạng từng hộ để làm cơ sở đền bù khi thành phố thu hồi đất. Cán bộ phường thông báo cho các hộ thuộc diện quy hoạch không được cơi nới, xây dựng thêm để tránh phức tạp cho việc đền bù. Người xóm văn hoá lại háo hức chờ đón ngày thực hiện quy hoạch. Nhà nào cũng gương mẫu chấp hành quy định, không xây dựng gì thêm.
            Thế là ai nấy cố chịu đựng cái cảnh trời mưa thì ngập lụt, nhà dột nát, phân rác trôi vào tận phòng ở, trời nắng thì nóng bức, chật chội. Chất lượng sống của dân xóm văn hoá thật ... chẳng văn hoá chút nào.
            Nhưng chờ đến mỏi mắt mà không thấy chính quyền thực hiện quy hoạch. Gần mười sáu năm sống cảnh chờ đợi nhà nước thực hiện quy hoạch đã quá sức chịu đựng, các hộ buộc phải làm đơn kiến nghị gửi Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, song chẳng có hồi âm. Chính quyền địa phương cũng không biết bao giờ trên mới thực hiện quy hoạch.
            Bán nhà không được, cải tạo cũng không được, người xóm văn hoá thật bức bối. Chú Lương là thủ trưởng một đơn vị quân đội, được đơn vị và đồng đội ủng hộ vật tư, kinh phí bèn mua đất đô thị mới, xây luôn nhà ba tầng. Hôm ăn mừng nhà mới, chú oang oang tâm sự :
            - Bà con hẳn còn nhớ gia đình em ở xóm văn hoá khốn khổ như thế nào. Nhờ cái quy hoạch treo, vợ chồng em mới được đơn vị, bạn bè giúp đỡ mà làm được ngôi nhà cao tầng, tiện nghi đầy đủ. Thật là sung sướng. Em phải hoan hô cái quy hoạch treo!
            Nếu được như nhà chú Lương thì tôi cũng phải hoan hô cái quy hoạch... treo. Nhưng còn bao nhiêu gia đình vẫn phải chịu đựng cái khổ do quy hoạch treo gây ra? Nghe nói nhà nước có quy định quy hoạch nào sau ba năm không thực hiện thì phải bỏ. Nhưng ai công bố xoá bỏ cái quy hoạch treo? Dân xóm văn hoá còn phải chịu đựng đến bao giờ tình trạng này?

                                                                                                 1-2003


VỠ TRẬN

            Năm 1996, chính quyền cắm mốc quy hoạch làm đường qua xóm văn hóa, cấm tiệt việc cơi nới, xây dựng mới. Các công dân gương mẫu xóm văn hóa kiên nhẫn chịu đựng cảnh mưa ngập cứt trôi vào nhà, hè nóng như lò nung hành hạ... quyết không xây dựng mới, không sửa chữa nâng cấp nhà ở, chấp hành nghiêm lệnh của chính quyền.
            Đầu năm 2015, chính quyền mời bà con ra phường, báo cáo dự án của thành phố, hứa đền bù công trình trên đất theo giá thị trường, bằng giá xây dựng mới, đất cũng được tính theo giá thị trường thời điểm đền bù. Bà con hoan hỉ, ai nấy háo hức mong mỏi dự án nhanh chóng được thực thi để đổi đời. Gặp ai cũng nghe câu cửa miệng cảm ơn..., cảm ơn...
             Ban dự án cùng đại diện các hộ bị thu hồi đất chia nhau đến từng nhà kiểm đếm thật chi tiết, từ cái cây cau tí tẹo đến cái giếng đã bị lấp bỏ cũng được kiểm đếm, không bỏ sót cái gì. Không cần đọc kỹ biên bản kiểm đếm, các chủ hộ ký cái rụp, tin tưởng vào tương lai tươi sáng...
            Nhưng tâm trạng phấn khởi mong mỏi đã nhanh chóng chuyển sang ngơ ngác, bất bình, thất vọng khi nhận được bản dự toán tiền đền bù. Hóa ra cái giá thị trường mà ban dự án nói chỉ bằng nửa giá thực tế. Chẳng hạn, nhà mái bằng một tầng được chi trả 2,5 triệu đồng một mét vuông, bằng một nửa giá xây dựng hiện tại. Mỗi mét vuông đất bị thu hồi được đền bù gần 6 triệu đồng, trong khi đó giá thị trường 10 đến 12 triệu đồng mét vuông... Toàn bộ số tiền được đền bù đất và công trình nhà ở trên đất không đủ mua một suất đất tái định cư tương đương với diện tích đất bị thu hồi mà ban dự án bán cho theo giá thị trường. Vậy là cơ nghiệp cả đời tích cóp của hai vợ chồng chủ hộ bỗng nhiên mất trắng. Ông bạn đồng hương nguyên là chiến sĩ đơn vị anh hùng, xuất ngũ làm nghề bán bánh mì dạo, ở nhà tập thể trước năm 1980, không có tiền chạy sổ đỏ, giờ chỉ được đền bù một nửa.
            Bà con bị thu hồi đất đồng lòng làm đơn kiến nghị lên UBND thành phố, không chấp nhận giá đền bù quá thấp, giá đất bán cho dân lại cao... Ban dự án lại tổ chức họp và hứa chuyển ý kiến bà con lên trên xem xét. Bà con lấy lại hy vọng, nôn nóng chờ phản hồi của chính quyền... Nhưng chưa có hồi âm, đã thấy quyết định đền bù đóng dấu UBND thành phố đỏ chót gửi xuống từng hộ gia đình bị thu hồi đất. Ban dự án mời đại diện từng hộ gia đình lên ký biên bản đền bù theo từng thời điểm khác nhau. Bà con xóm văn hóa lại tổ chức họp khẩn cấp, thề quyết không ký. Ông Lê Đạo Đức hùng hổ tuyên bố:
            - Tôi quyết không chấp nhận giá đền bù vô lý này. Cùng lắm, tôi làm Đoàn Văn Vươn* thứ hai...       
            Trưa hôm sau, tôi về xóm với tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của hội nghị xóm, không chấp nhận đền bù của ban dự án, thì thấy xóm nháo nhác như ong vỡ tổ. Ông bạn hưu trí cùng ngành văn hóa nói trong nước mắt:
            - Vỡ trận rồi bác ơi!
            - Sự thể ra sao?
            - Nó tung cò đất đến từng nhà, gạ trả tiền tươi chênh lệch từ 100 triệu đến 130 triệu một suất đất dự án bán cho hộ dân. Ai ký đồng ý chấp nhận giá đền bù của Ban dự án sẽ được chọn mua lô đất đẹp để trao tay giấy tờ cho cò đất, nhận ngay tiền chênh lệch. Ai ký muộn sẽ chỉ còn đất xấu, cò không mua. Bà con bảo nhận tiền tươi chênh lệch bán đất được cả trăm triệu đồng, chả hơn là đấu tranh biết có kết quả không... Vậy là tranh nhau ký...
            - Ông Lê Đạo Đức thế nào?
            - Ông Đức nhận tiền tươi cò đất trao tay, ký nhận đền bù của Ban dự án rồi...

            Các hộ dân bị thu hồi đất lúc này vẫn nói câu cửa miệng: Cảm ơn... nhưng không phải là cảm ơn... cảm ơn... như mấy hôm trước, mà là cảm ơn cò đất.
             Đúng là cái khó bó cái khôn. Ban dự án kinh nghiệm đầy mình, cò đất lại cáo già, cánh dân nghèo thật như đếm không vỡ trận, thua đau mới là lạ!
            Một tháng sau, xóm văn hóa tan hoang những ngôi nhà bị phá dỡ. Gặp mấy bà hôm trước còn luôn mồm cảm ơn cảm huệ cũng đang ngơ ngẩn nhìn nơi ở cũ, tôi hỏi:
            - Sao bây giờ không thấy các bà cảm ơn cảm huệ vậy?
            - Ôi dào... Bây giờ chúng em chẳng cảm ơn cảm huệ thằng nào con nào sất cả!
                                                                                                             3-2016
..........
                * Vụ án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là vụ án về tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang cùng gia đình và Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Vụ án thu hút dư luận Việt Nam vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột về đất đai, của những bất cập về cả pháp luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương và là một tổn thất chính trị to lớn. Kết quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương,[1] 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất bị hủy bỏ,[2][3][4] một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách.


NGẨN NGƠ NƠI CŨ, MỚI
 
            Thực hiện lệnh giải tỏa nhà đất, nơi diễn ra bao nhiêu kỷ niệm của gia đình suốt một phần tư thế kỷ, đã một tháng nay, tôi hàng ngày vẫn vô thức trở về nơi ở cũ ngắm nhìn cảnh tan hoang mà lòng như xát muối.
            Tất cả tiền người ta đền bù cho 72 mét vuông đất và toàn bộ cơ ngơi nhà, công trình phụ của tôi chỉ mua được 50 mét vuông đất nơi tái định cư họ bán cho... Hôm qua tôi đã nhận đất mua ở nơi tái định cư.
            Từ trên cầu Lộc Hạ bắc qua con mương thoát nước thải của thành phố mà dân chúng gọi là MƯƠNG THỐI (bới nó thối kinh khủng) tôi nhìn thửa đất mới mua trong màn mưa bụi ảm đạm mà lòng buồn khôn tả.
            Đi đến ngang khu đất tái định cư, từ bờ bên này mương thối nhìn sang thấy họ mới khai phá con đường mới lổ đổ xếp gạch vỉa hè mà chưa đổ nhựa lòng đường.
            Khi tới sát lô đất 50 mét vuông tôi mua, thấy nó bé tí tẹo... Lô đất của tôi  liền kề với lô đất cùng diện tích mà một nhà dãy trước mua và làm cái ga-ra để ô tô con của gia đình, trông  như cái chuồng chim chuồng chó...
            Lô đất bé tí tẹo thế mà tôi vẫn lo không biết xoay đâu ra đủ tiền để làm một căn nhà tương tự như cái chuồng chim chuồng chó của ông hàng xóm dùng để xe con...
            Trước mắt, vẫn phải để vợ và cả gia đình thằng con út ở nhờ con gái lớn, đến đâu hay đến đó.
            Một bà thấy tôi ngơ ngẩn trước mảnh đất mới mua, tò mò hỏi han. Khi rõ chuyện, bà thật thà:
            - Bác mua chỗ nào không mua, lại mua ở cạnh cái mương thối. Em ở đây tứ mùa ngửi cứt khổ lắm bác ơi...
            - Rồi người ta phải làm cống hộp chứ bác! Nhà nước ai lại để dân sống trong môi trường mất vệ sinh như thế!
            - Xin lỗi bác đi! Còn lâu nhé! Em ở đây ba chục năm rồi nhé!...
            Nói rồi bà xỉ mũi cái roẹt và quay ngoắt đi, bỏ mặc tôi ngơ ngác cạnh mảnh đất của mình...
                                                                                                       5-2016
TRẦN MỸ GIỐNG
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét