(Trích trong MƯU LƯỢC GIÀNH
CHIẾN THẮNG của Đặng Xuân Xuyến, xuất bản năm 1998)
*
Trên con đường chạy đua đến
thành công, bạn phải đối mặt với một thị trường thiên biến vạn hóa, luôn luôn
biến động, nếu chỉ đơn thuần dựa vào vật lực, tài lực của doanh nghiệp mình thì
quả là chuyện không dễ dàng. Mượn đá của núi nhà người mà chế tác thành ngọc
quý cho mình đấy mới là cách làm của người thông minh. Với cùng một điều kiện,
ai biết phát huy hết những tiềm năng sẵn có của doanh nghiệp mình, biết khai
thác triệt để những ảnh hưởng của điều kiện khách quan thì người ấy mới là
người chiến thắng, mới hy vọng tương lai sáng lạn của doanh nghiệp mình.
Đọc “Tam quốc diễn nghĩa”,
hẳn bạn sẽ thán phục Gia Cát Lượng rất giỏi trong việc sử dụng kế “vô trung sinh hữu” - (Mượn gió đưa thuyền) để tương kế tựu kế, tranh
đoạt chiến thắng về mình. Chu Du rất muốn tiêu diệt Gia Cát Lượng nên đã ép ông
ký vào giao ước phải lấy đủ mười vạn mũi tên trong vòng ba ngày, nếu không lấy
đủ mũi tên thì Gia Cát Lượng phải bị chặt đầu.
Một giao ước coi như trọn vẹn
phần thắng đã thuộc về Chu Du, vậy mà Gia Cát Lượng lại giành chiến thắng. Ông
đã mượn “sương mù” để đưa thuyền cỏ đi “xin” mười vạn mũi tên của Tào Tháo. Chu
Du vì kiến thức thiên văn không có nên đã không tính toán được lý do gì mà
Khổng Minh lại khẳng định chỉ cần 3 ngày ông sẽ nộp đủ. Nhờ có kiến thức uyên
thâm, cộng với mưu trí hơn người Gia Cát Lượng đã biến nguy thành an, biến
không thành có. Lấy đủ mười vạn mũi tên từ Tào Tháo về cho Chu Du nhẹ nhàng như
một cuộc dạo chơi, ngắm cảnh. Thật là một vị chí sĩ hơn người!
Hay như câu chuyện vị giám
đốc Nhà máy dệt vải Song Hải (Thiệu Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc) cùng với
viên cung tiêu của mình đi xem phim “Sự biến Tây An” ở Tây
An tình cờ nghe được lời khen ngợi của một thanh niên trong rạp về “màu vàng
quân phục tướng quân” trong phim mà Trương Học Lương và Đương Hổ Thành mặc, ông
liền điện về cho phó giám đốc nhà máy yêu cầu chuyển tất cả vải Tơ-ki-len màu
vàng quân phục tướng quân lên Tây An ngay, không được tiếc phí vận tải vì trên
thị trường Tây An loại vải đó không có, mà thanh thiếu niên thì lại đang “mê
mẩn” màu vàng quân phục, nên khi nhà máy dệt vải Song Hải tung ra thị trường
Tây An loại vải đó, thanh thiếu niên nhìn thấy đã tranh nhau mua. Chỉ trong
ngày đầu, doanh thu đạt trên 30 nghìn nhân dân tệ, đạt kỷ lục cao nhất thị
trường Tây An. Vị giám đốc đó thật giỏi! Ông đã biết tận dụng sở thích “nhất
thời” của thanh niên để tiêu thụ vải của mình và nhờ đó đã thắng lớn.
Mấy năm gần đây, các doanh nghiệp
Nhật Bản đã dần dần chuyển hướng chiến lược: từ “chiến lược trong nước” chuyển
sang “chiến lược toàn cầu”. Họ sử dụng rất thành công kế “vô trung sinh hữu” mà
người Trung Quốc cổ xưa đã soạn thảo. Công ty NISSAN là một ví dụ điển hình cho
sách lược “mượn gió đưa
thuyền” của các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng là một ví dụ điển hình, sinh
động cho các doanh nghiệp noi theo.
Trước năm 1978 công ty NISSAN
chỉ được Mỹ cho phép bán ô tô vào thị trường Mỹ theo tỷ lệ 4/10, có nghĩa mỗi
năm công ty NISSAN cứ sản xuất được 10 chiếc thì chỉ được phép xuất sang thị
trường Mỹ 4 chiếc. Đây là một điều bất lợi cho NISSAN vì thị trường ô tô Hoa Kỳ
là một thị trường có khả năng tiêu thụ rất lớn. Để tranh giành được thị trường,
từ năm 1978, NISSAN đã đầu tư 240 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy chế tạo ô
tô tại Mỹ. Với sách lược này, NISSAN không những dựa vào vốn nước ngoài và các điều
kiện có lợi cho sản xuất mà còn tránh được hạn chế của chính sách bảo hộ mậu
dịch của địa phương để giành phần thắng trong cạnh tranh tiêu thụ. Nhờ có sách
lược “Vô trung sinh
hữu” - “mượn gió đưa thuyền” - mà chỉ sau 11 năm lượng xe ô tô do
NISSAN sản xuất đã đạt tới 300.000 chiếc, nổi bật về đầu tư và tiêu thụ xe ô tô
ở nước ngoài.
Trong thương chiến hiện đại,
kế “mượn gió đưa thuyền”
đã làm cho nhiều nhà hoạch định chiến lược phải vắt óc suy nghĩ, phải bóp trán
đau đầu để tìm ra kế tuyệt chiêu trong sách lược “mượn gió” của mình! Việc sử
dụng kế “Vô trung sinh hữu”
ngày càng được ứng dụng rộng hơn trong các kế sách cạnh tranh - làm giàu của
các doanh nghiệp. Nếu bạn muốn “mượn gió đưa thuyền” đẩy doanh nghiệp của mình
lên thì việc “mượn” của bạn phải đáp ứng:
- Mượn để bổ sung thêm cho
sức mạnh của doanh nghiệp.
- Mượn để cường hoá ưu thế
của doanh nghiệp.
- Mượn để biến nguy thành an.
- Mượn để đột phá cục diện
thương trường.
- Mượn để giành toàn thắng.
Trong công cuộc doanh nghiệp
của mình, tôi tin bạn sẽ tìm được nhiều “cái mượn” hữu ích vì công cuộc kinh
doanh của bạn luôn luôn có những thứ buộc phải “mượn” của người để doanh nghiệp
bạn tồn tại và phát triển, chỉ có điều bạn có chịu suy nghĩ, tìm tòi hay không?
Lần nữa tôi lưu ý với bạn:
Trên con đường chạy đua đến thành công nếu chỉ đơn thuần dựa vào sức mạnh của
mình thì bạn khó cầu được sự phát triển lâu dài và ưu thế hơn hẳn trong thị
trường đang ồn ào, sôi động đến nghiệt ngã của sự cạnh tranh.
Vì thế, “mượn gió đưa thuyền”
là kế sách không thể không biết, không thể không làm của bạn trong cuộc chạy
đua này!
*
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét