Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

HỒI KÝ TRẦN MỸ GIỐNG (KÌ 6)



Đã đăng:
Kì 1: “Gác bút nghiên theo việc binh đao”
Kì 2: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”
Kì 3: Từ Côn Sơn đến Thạch hãn
Kì 4: Những mảnh ký ức về đồng đội
Kì 5: Lên chốt


       TRẬN CỬA VIỆT

Tháng 1 - 1973, tin ta thắng lợi ở hội nghị Paris làm chúng tôi rất phấn khởi, mong đình chiến sớm được thực hiện. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được chính thức ký kết. Lính ta ôm nhau hoan hô vui mừng. Chỉ huy, lãnh đạo trung đoàn tỏ ý lo lắng tư tưởng hoà bình chủ nghĩa sẽ làm ta mất cảnh giác.

Quân nguỵ tuyên truyền kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, “Kiện toàn an ninh lãnh thổ”, “Bình định đặc biệt”.  Địch tổ chức tấn công liên tục cướp đất. D2 của E101 rải quân từ Tám Cát về Cửa Việt phải chiến đấu vô cùng ác liệt. Trước sức tấn công điên cuồng của địch, Tiểu đoàn 2 tổn thất nặng nề. Trung đoàn bổ sung quân không kịp với số hy sinh. Cuộc chiến đấu giành đất giữa ta và địch diễn ra ác liệt suốt đêm 27 - 1 - 1973.
Bộ chỉ huy mặt trận B5 nhận định địch sẽ tấn công cao điểm 33 bên bờ bắc Thạch Hãn làm điểm tựa uy hiếp toàn mặt trận Cửa Việt. Phần lớn các đơn vị tăng, pháo, cối, chủ lực của ta triển khai chiếm lĩnh khu vực Bắc Cửa Việt.  
Trung đội vệ binh chúng tôi ở cùng bộ chỉ huy tiền phương đóng trên cao điểm 28,8 bờ Nam Cửa Việt. Đêm 27 - 1 - 1973 địch tập trung xe tăng, pháo binh, bộ binh tấn công từ biển lên, từ đường quốc lộ Một thọc ra, từ phía tây tràn xuống... tiến tới sát bờ Nam cửa Việt. Lực lượng chốt bờ Nam của ta quá mỏng, không cản được bước tiến của địch. Quân ta ở bờ Bắc lại không sang kịp. Có ba xe thiết giáp 28 tấn kịp bơi qua sông, được lệnh tấn công ngay. Nhưng trước số đông xe tăng địch, xe thiết giáp của ta không phát huy được uy lực. Trên xe chỉ có súng 12 ly 7, không thể diệt được tăng địch. Có lẽ thiết giáp ta tấn công chỉ nhằm củng cố tinh thần cho bộ binh. Trên cao điểm 28,8 nhìn rõ xe tăng địch lù lù tiến. Các chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường trên trảng cát. Một chiến sĩ xông lên, quỳ xuống, chĩa B40 chống tăng vào chiếc xe tăng địch gần nhất. Nhưng mãi không thấy súng nổ. Chiến sĩ đã hy sinh trong tư thế quỳ bắn. Chính uỷ Nguyễn Trung Nến theo dõi trực tiếp cuộc chiến đang diễn ra trên cảng nguỵ, nhìn các chiến sĩ ta hy sinh ông bật khóc vì đau xót, vì cảm thấy mình bất lực.
Có lệnh tất cả sĩ quan và lính vệ binh trung đoàn cầm súng chiến đấu trực tiếp. Tiểu đội vệ binh của tôi được lệnh tiến vào tham gia giữ khu cảng. Lực lượng chủ yếu của ta ở đây đã thương vong nặng nề. Chúng tôi tiến vào vị trí chiến đấu chỉ với lựu đạn và súng AK. Trung úy Lê Thanh Oai – Trưởng ban 5, người bé nhỏ, mắt long sòng sọc, tay vung vẩy khẩu K59, trực tiếp đốc thúc và chỉ huy vệ binh chiến đấu. Nhìn dáng vẻ kiên cường dũng cảm và có phần… ác liệt của ông, tôi kìm được cái cảm giác sợ chết đến run giật da thường thấy trước khi lâm trận và lấy lại được bình tĩnh.
Toàn mặt trận đạn nổ như ngô rang suốt đêm. Phía Nam, đạn vạch đường bắn thẳng lên trời. Lạ nhỉ, sao lại có đạn bắn lên trời? Làm gì có máy bay? Sau này tôi được biết có một trung uý tiểu đoàn trưởng của ta đã liên lạc với địch cùng ở tại chỗ, không chiếm đất, không đánh nhau, hai bên cùng bắn lên trời. Nghe đâu vị trung uý này sau đó bị kỷ luật.
Xe tăng địch như cua dọc bờ biển tiến vào. Tôi lia một loạt AK vào chiếc tăng gần nhất. Đạn AK như gãi ghẻ xe tăng, không hiệu quả. Tăng vẫn lù lù tiến tới. Hình như bộ binh địch cũng không ham đánh. Cảm giác thời gian dài như vô tận. Cuối cùng thì 7 giờ sáng, giờ ngừng bắn cũng tới. Không gian bỗng im bặt tiếng súng. Tai tôi ong ong. Rồi bất ngờ bật lên tiếng reo hò, cả của lính ta, cả của lính cộng hòa. Tôi đứng dậy nhìn. Xe tăng địch xen kẽ với quân ta. Các chiến sĩ ta giơ cao súng tiểu liên, vẫy cờ xanh đỏ. Lính cộng hòa đưa thuốc lá Rubi ra mời quân giải phóng. Mấy cậu lính đơn vị bạn bắt tay, trao đổi lương khô lấy thuốc lá của lính đối phương. Trông cảnh ấy, cứ như là hai bên vốn là anh em, chưa từng đánh nhau bao giờ vậy. Mà quả thật, lính cộng hòa và lính Bắc Việt đều là người Việt Nam, hà cớ gì cứ phải giết nhau? Tại sao cùng là người Việt mà chúng tôi cứ phải giết nhau? Nước Đức thống nhất hai miền một cách hòa bình, đâu phải hy sinh hàng triệu người như ta? Tại sao thống nhất bốn chục năm rồi, dân ta vẫn chịu bao bất công cơ cực, tham nhũng ngày càng ghê gớm, những kẻ bán nước ngang niên cắt đất, đem tài nguyên cống cho giặc ngoại bang? Những câu tự vấn cứ xoáy vào não làm tôi day dứt khôn nguôi, mà không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng…
Khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tỏ ra nghi ngờ cái xã hội tốt đẹp – mục tiêu lý tưởng của Đảng, rằng đến hết thế kỷ này cũng chưa chắc đã có xã hội chủ nghĩa hoàn hảo... tôi mới chợt ngộ ra rằng cái chủ nghĩa tốt đẹp ấy chỉ có trong lý thuyết, còn thực tế nó chỉ là thứ chủ nghĩa không tưởng. Ngộ ra rồi, trong tôi như có sự đổ vỡ, thất vọng ghê gớm. Tâm trạng ấy dồn nén làm tôi bật ra hai câu thơ:
          Mải mê đuổi bóng bắt hình
Tóc sương chợt ngộ ra mình ngu ngơ

                   ***
Bộ chỉ huy lệnh cho tiểu đội vệ binh rút về trung đoàn bộ. Thay thế chúng tôi là đại đội trinh sát vào tiếp quản. Địch và ta xen kẽ nhau. Theo quy định, sau giờ ngừng bắn, bên nào ở đâu là đất thuộc quyền quản lý của bên đó. Tại khu cảng, ta và địch đều không nhường nhau. Ngày 28 và 29 - 1 - 1973, chúng tôi được lệnh vượt sông Thạch Hãn, sang bờ bắc tham gia đón và dẫn quân tiếp viện sang bờ nam. Riêng bộ binh ta tăng cường sang bờ nam tới 19 tiểu đoàn. Linh tính cho tôi biết, cuộc chiến chưa dừng lại. Quả như thế thật. Đêm 31 - 1 - 1973, quân ta dốc toàn lực mở trận phản kích bất ngờ và giành thắng lợi lớn, chiếm lại đất. Địch lên tiếng phản đối, tố cáo ta vi phạm hiệp định.

                   ***
Hơn bốn mươi năm sau gặp lại anh Lê Thanh Oai, ôn lại trận Cửa Việt, tôi hỏi:
- Ngày ấy bác thể lực rất nhỏ mà sao trông bác lẫm liệt thế? Em thì sợ run lên trước khi lâm trận. Trông dáng vẻ oai phong, đằng đằng dũng khí của bác, em lấy lại tự tin và bất chấp hy sinh…
Anh Lê Thanh Oai thật thà:
- Khi ấy đốc thúc các em tiến lên chặn địch, anh biết là với trang bị AK và lựu đạn, anh em mình khó mà thắng được đại bác, xe tăng của nó. Nhưng tình thế mình không diệt nó thì nó diệt mình, chỉ còn cách là xông lên giáp chiến. May mà sắp đến giờ đình chiến, nó dừng lại, chứ nó cứ tiến lên chắc anh em mình hy sinh cả rồi.
Nhớ về đồng đội hy sinh như Trung đội phó vệ binh Lục (người Tây Nguyên), chiến sĩ Hệ (Hải Dương), Trắc (Phú Thọ), Thắng (Thị xã Hải Dương)… chúng tôi bùi ngùi lặng đi.
                             *   *
                                *
          Năm 2013, trong buổi giao lưu với chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quang Trị của Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định, tôi có trả lời phỏng vấn của phóng viên… Xin trích một phần cuộc phỏng vấn này:
          Phóng viên (PV):
          - Thưa bác Trần Mỹ Giống, được biết bác từng chiến đấu bảo vệ cửa Việt năm 1972 – 1973, xin bác cho biết tầm quan trọng của cảng Cửa Việt, tương quan giữa ta và địch, diễn biến trận Cửa Việt năm xưa!
          Trần Mỹ Giống:
          - Khi trận Cửa Việt diễn ra vào đầu năm 1973, tôi là lính vệ binh (B23) trung đoàn 101 sư đoàn 325. Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ chủ lực bảo vệ Cửa Việt. Xin tóm tắt theo báo cáo tổng kết trận chiến này của đơn vị ngày ấy: 
           Cửa Việt có vị trí hết sức quan trọng trong cuộc chiến giữa ta và địch.
          Đối với ta, Cửa Việt là bàn đạp phát triển tấn công mở rộng vùng giải phóng về phía Nam, là căn cứ trung chuyển hậu cần trọng yếu cho các đơn vị đóng ở phía Đông phòng tuyến Thạch Hãn. Mất Cửa Việt, ta khó giữ được phòng tuyến Thạch Hãn và nguy cơ mất cả mặt trận Quảng Trị.
          Đối với địch, đánh chiếm được Cửa Việt sẽ làm chủ khu cảng quan trọng, lập ra các chốt giữ cửa sông Thạch Hãn, tạo thành bàn đạp có giá trị quân sự quan trọng, có thể phối hợp lục quân - hải quân để tấn công chiếm lại phần đất ở Bắc Thạch Hãn, đẩy đối phương vào tình thế rất khó khăn trong tiếp vận hậu cần cho Quảng Trị.
          Do Cửa Việt có tầm quan trọng như vậy nên cả ta và địch đều quyết tâm giành giật bằng được Cửa Việt. Cuộc chiến trở nên vô cùng ác liệt.
Ngày 21/1/1973 quân Việt Nam cộng hòa mở trận Tangocyti tấn công Cửa Việt.
Lực lượng địch tham gia trận này có: 1 lữ đoàn đặc nhiệm, 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 2 tiểu đoàn bảo an binh, 3 thiết đoàn xe tăng, 4 tiểu đoàn pháo, 4 tàu đổ bộ, 5 tàu khu trục, 1 sư đoàn không quân có B-52 của không lực Hoa Kỳ yểm hộ.
Lực lượng của ta có E95 của F325, E64 của F320B tổ chức 3 tuyến phòng ngự chặn địch.
Đêm 25/1/1973, quân địch nổ súng tấn công, sử dụng 80 phi vụ B52 rải thảm, bắn hơn 60.000 viên đạn pháo xuống trận địa quân ta. Lữ đoàn đặc nhiệm địch luồn lách qua các chốt chặn của ta, đến nửa đêm 27 – 1 chúng tiếp cận được cảng Cửa Việt.
Trung đoàn 101 thuộc F325 của chúng tôi khi đó đang ở Gia Hội, được tăng cường 5 xe tăng, vận động tiến công đánh vào sườn Lữ đoàn đặc nhiệm ở Đông Hòa, Vĩnh Hòa, bắn cháy 8 xe tăng nhưng vẫn không ngăn được Lữ đặc nhiệm tiến về cảng Cửa Việt, hình thành 3 cụm quân vây bọc cảng.
Rạng sáng ngày 28/1, Bộ tư lệnh B5 tiếp tục điều 5 tiểu đoàn từ các trung đoàn 27, 48, 64 (sư đoàn 320B), 271 (độc lập), 38 (Quân khu IV) tăng viện cho các lực lượng giữ Cửa Việt. Đến trưa 28/1, điều tiếp Trung đoàn 24 (sư đoàn 304) và 1 đại đội xe tăng (thuộc trung đoàn 203) tấn công phía sau cánh quân của lữ đặc nhiệm địch.                                                                                                    
Ngày 30/1 quân ta nổ súng tấn công nhưng bị địch đẩy lùi. Ngày 31/1, quân ta tổ chức tổng công kích đồng loạt vào 5 cụm quân của địch. 8h 30' sáng 31/1, ba cụm quân địch ở cảng bị diệt, hai cụm quân còn lại rút về Mỹ Thủy. Tuyến phòng thủ Vĩnh Hòa, Thanh Hội, Long Quang, Chợ Sãi của B5 được khôi phục. Cuộc hành quân Tangocyti của địch đã bị đập tan.


(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét