(Tặng Quỳnh Hương)
Em có cần anh không?
Nếu cần hãy cùng anh chung sống
Gạo nấu chung nồi
Chăn trùm chung gối
Ta chia chung ánh mắt nụ cười
Đừng ngại em ời
Giường nhà anh đủ dài đủ rộng
Chăn nhà anh đủ ấm đủ nồng
Ta khêu ngọn lửa hồng
Ta nối câu quan họ
Ta bện mây với gió
Kết thành thuyền chơi trăng…
Em sẽ là buồm căng
Anh sẽ là gió lộng
Thuyền trăng mình thơ mộng
Dập dìu giữa biển xanh
Em, nào, về với anh.
Hà Nội, trưa 25 tháng 04. 2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH
CỦA NGUYỄN THANH LÂM:
Đã lâu… tôi
mới nghe được một thông điệp tình yêu - lời tỏ tình mộc mạc, giản đơn mà chân thành, vừa cổ điển
vừa hiện đại. Lời tỏ tình từ tâm can, không ấp úng rụt rè vụng dại của tuổi trẻ
mới vào đời, mà là lời tỏ tình của người đã trải qua những cung bậc thăng trầm
trong tình ái, đã bước vào ngôi đền tình yêu thắp nén tâm hương của lòng mình
và nghe được thần ái tình mách bảo lẽ hằng thường vĩnh cửu - bền vững của tình yêu. Tiếng nói của
thần ái tình thường thì thầm trong lòng con người, nhưng không phải ai cũng
nghe rõ. Hình như trời cho trái tim thơ của Đặng Xuân Xuyến nghe được tiếng nói
tâm linh.
Trong kinh
dịch quẻ Hàm là đạo vợ chồng - tiếp nối đến
quẻ Hằng là đạo dài lâu. Sự dài lâu nào cũng có nguyên lý của nó như nhu cầu
thiết yếu trong cuộc sống con người. Như khí trời, không có khí trời thì vạn
vật và con người không thể tồn tại và con người cũng cần tình yêu như khí trời
vậy, “Đến sỏi đá cũng cần có nhau” thì con người sinh ra trong trời đất không
có tình yêu và tình vợ chồng chẳng có lỗi với tạo hóa lắm sao!
“Em có cần anh
không”, một câu hỏi tưởng giản đơn bình thường nhưng đầy nội lực, không
trải qua những thao thức với tình yêu, không hiểu thấu nguồn cội của tình yêu,
đặc biệt là tình yêu vợ chồng là sự hằng thường lâu dài không thể tỏ tình từ
tâm can như vậy. Chữ “cần” vừa mang sức nặng của câu thơ, vừa là ngọn lửa minh
bạch và chân thành thắp sáng trong ngôi đền tình yêu của mọi lứa đôi trong cõi
đời này. Thiếu sự “cần” ấy mọi cuộc tình sẽ thành tẻ nhạt. Ngược lý của cần là
không cần, ôi không cần nhau thì đâu còn là tình yêu nữa.
“Em có cần anh không”. Cần là
một nhu cầu như nhu cầu hít thở để bảo toàn sự sống con người, và con người
không có tình yêu như trái đất thiếu mặt trời là điều tất nhiên. Nhưng câu hỏi
này đối tượng được hỏi phải là người nào? Mới gặp nhau, mới biết nhau mà hỏi
như vậy thật là vô duyên. Đặng Xuân Xuyến tặng bài thơ này cho Quỳnh Hương có
nghĩa là 2 người đã hiểu nhau, biết nhau lâu rồi. Quỳnh Hương đã là không khí trong
lành trong lồng ngực nồng nàn của nhà thơ hít thơ, nàng đã là bài thơ mà Đặng
Xuân Xuyến là tác giả. Cũng có trường hợp 1 bóng hồng lướt qua đã rung động cho
thi nhân làm thơ tặng, nhưng tôi dám chắc rằng không có nhà thơ nào dám cả gan
hỏi “Em có cần anh không” như Đặng Xuân Xuyến.
Sau câu hỏi “Em
có cần anh không” thì câu thứ 2 sinh ra là lẽ tất nhiên “Nếu cần hãy
cùng anh chung sống”. Lòng thành của nhà thơ cụ thể hơn, tính mục đích rõ
ràng minh bạch hơn, câu thơ như ánh nắng hồi hộp thở trong hoa, ánh mắt của nhà
thơ đang ngước lên thành kính đợi chờ vị thần tình ái của lòng mình. Sự chân
thành như sóng đã dâng lên là hối hả vỗ bờ, và mọi sự chân thực đều ngắn gọn và
rõ ràng:
“Gạo nấu
chung nồi
Chăn trùm
chung gối
Ta chia chung
ánh mắt nụ cười”
Lời tỏ tình
đến đây tưởng như đã đủ, nhưng với tình yêu đặc biệt là tình yêu chân thành thì
nói biết bao nhiêu cho vừa. Xuân Diệu: “Đã hôn rồi/ Hôn lại/ Hôn mãi mãi
muôn đời/ Anh mới thôi dào dạt”. Đặng Xuân Xuyến là nhà thơ hậu sinh cái
gen đa tình bay bổng của thơ đã nhiễm với gen đời. Anh vẫn tỏ tình với ngôn ngữ
mộc mạc:
“Đừng ngại em
ời
Giường nhà
anh đủ dài đủ rộng
Chăn nhà anh
đủ ấm đủ nồng”
Câu thơ gọi
hồn những trang cổ tích, cho người đọc trôi ngược về cội nguồn nề nếp cha ông,
nhưng cũng rất hiện đại trong cuộc sống hôm nay. Chữ “đủ” là linh hồn của câu
thơ, đủ có nghĩa là không thừa không thiếu, đủ mang hồn của triết học phương
đông, kín đáo nói với người tình của mình và cho tất cả những lứa đôi, những
cặp vợ chồng và cả chúng ta: mọi sự ở đời này hãy tự cho là đủ - thì sẽ đủ. Tôi
nghe thấy tiếng Lão Tử cười thầm và tay khẽ vuốt râu - Đạo đã thành thơ.
Cái đẹp của
thơ Đặng Xuân Xuyến là sự mộc mạc vì hồn cốt của anh mộc mạc. Nhưng cái mộc mạc
của chàng trai quê Hưng Yên đã già nửa đời ra đi dan díu với kinh thành, nên vẻ
đẹp mộc mạc mang một vẻ đẹp khác. Sau những điều cụ thể của sự “cần” có anh
không, của gạo chung nồi, chăn chung, gối chung của căn nhà đủ dài đủ rộng, sự
mộc mạc của thơ bay lên với tất cả nỗi lòng:
“Ta khêu ngọn
lửa hồng
Ta nối câu
quan họ
Ta bện mây
với gió
Kết thành
thuyền chơi trăng”.
Khêu ngọn lửa
hồng ý tưởng của câu thơ mang nỗi lo xa, cẩn thận gìn giữ tình yêu, ngọn lửa
tình yêu khêu lên, thắp sáng không chỉ một đêm nay, đêm mai mà sáng cả một đời.
Câu quan họ không chỉ hát trong đêm nay mà “Ta nối câu quan họ” nối dài
mãi ngân vang mãi trong cả đời. Chữ “khêu” và chữ “nối” đọc lướt
qua sẽ không thấy nỗi lòng của nhà thơ.
Từ bệ phóng
của đời sống, của lòng chân thành hồn thơ bay lên, tình yêu ảo diệu lung linh “Ta
bện mây với gió/ Kết thành thuyền chơi trăng”. Bàn tay của ái tình thật kỳ
diệu “Bện mây với gió”, chủ thể và khách thể giao hòa - anh với em là
một. Anh không nhớ anh la mây hay là gió, em không nhớ em là gió hay là mây.
Như Liệt Tử nói: “Ta cưỡi gió hay gió cưỡi ta”, gió và mây quện vào nhau
kết thành con thuyền chơi trăng, và con thuyền chơi trăng ấy vừa có, vừa không
mang sắc màu huyền bi đạo phật. Bơi trong cuộc sống vĩnh hằng. Đọc đến đây mới
thấm thía chữ “cần”. Mây cần có gió, gió cần có mây để hóa con thuyền
chơi trăng và vui sống trong cõi đời này.
Nếu là tôi,
tôi sẽ dừng bài thơ ở đây. Nhưng nhà thơ đang yêu, đang say nên dù đã qua sự
tột đỉnh thăng hoa, nhưng tình yêu hoàn nguyên cho anh sức khỏe, vẫn yêu tiếp:
“Em sẽ là
buồm căng
Anh sẽ là gió
lộng
Thuyền trăng
mình thơ mộng
Dập dìu giữa
biển xanh
Em, nào, về
với anh”.
Buồm căng và
gió lộng là ý thơ không có gì mới, không say lòng người bằng “Bện mây với
gió”, “Thuyền trăng mình thơ mộng/ Dập dìu giữa biển xanh” tưởng là
hình ảnh đẹp của thơ nhưng đã thiếu lửa, không cháy như sự đam mê quấn bện vào
nhau như mây gió.
Thế mới biết
làm thơ cực khó, thêm một chữ thì thừa, bớt một câu thì thiếu. Ngoài sự xúc động
thực, vốn đời cần có tư tưởng và câu chữ bầu lên nhà thơ.
Ở bài thơ này
một số chữ tôi đã phân tích ở trên đã bầu lên nhà thơ Đặng Xuân Xuyến.
Câu kết: “Em,
nào, về với anh”. Một câu nói thừa nhưng lòng tôi hình dung hình ảnh bàn
tay nắm bàn tay, đôi tình nhân cùng nhau tung tăng bước vào ngôi nhà hạnh phúc.
Tôi thầm cầu trời sự hình dung mong đợi của tôi và của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến
thành sự thật.
*.
Hà Nội, chiều 09 tháng 10.2016
Nhà thơ NGUYỄN THANH LÂM
Địa chỉ: Số 4, ngõ 179 Minh Khai
quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội
Email: thanhlam.tho@gmail.com
Điện thoại: 0984787426
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét