Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

TRẦN QUỐC TUẤN - MỘT NGƯỜI VÌ NGHĨA LỚN





           Trần Mỹ Giống

          Người anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trở thành vị Thánh trong tâm thức người Việt Nam. Nhân dân suy tôn Trần Quốc Tuấn là Thánh vì sự hoàn thiện cả về tài năng và nhân cách của ông.


          1- Trần Quốc Tuấn là người luôn có ý thức trách nhiệm rất cao về cá nhân mình trước quốc gia, dân tộc. Ông luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân và gia đình. Ý thức trách nhiệm đó đã chi phối mọi hành động và mọi mối quan hệ xã hội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của ông, làm cho nhân cách ông trở nên lớn lao và cao đẹp.
          Cuộc đời của Trần Quốc Tuấn là một tấm gương sáng về lòng trung quân ái quốc. Chính lòng trung thành đó đã giúp ông xử sự các mối quan hệ xã hội một cách đúng đắn, luôn vì lợi cho quốc gia, dân tộc. Trong xã hội phong kiến, chữ “trung” và chữ “hiếu” rất được coi trọng. Trần Quốc Tuấn đã nêu một tấm gương trong việc giải quyết mối quan hệ giữa trung và hiếu một cách trọn vẹn, biểu hiện rõ nhân cách lớn của ông – một bài học về đạo làm con khi quốc gia có đại sự.
          Cha Trần Quốc Tuấn là Trần Liễu bị Trần Thủ Độ ép nhường vợ đang có mang cho em trai là vua Trần Thái Tông. Trần Liễu nổi dậy chống lại nhưng bị thất bại. Từ đấy, Trần Liễu mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Trần Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh (Trần Liễu) cầm tay Trần Quốc Tuấn giối giăng rằng: “Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.(1)
          Sau này Trần Quốc Tuấn đem chuyện đó hỏi con trai mình là Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng có ý  muốn ông cướp ngôi nhà Trần. Ông nổi giận rút gươm toan xử tội và dặn người nhà rằng: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.(2)
          Lúc vua Trần lâm nguy, khi quân quyền đất nước nằm trong tay, Trần Quốc Tuấn vẫn một lòng trung thành với vua Trần, không hề có ý định thực hiện nguyện vọng của cha. Điều đó càng khẳng định nhân cách cao đẹp dũng cảm hiến dâng quyền lợi cá nhân và gia đình cho dân tộc của Trần Quốc Tuấn.
          Vào thời thịnh trị, các vua Trần có tài cao đức lớn đã thực sự là những ông vua sáng xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân. Vì vậy trung với vua cũng là trung với nước. Nhận thức sâu sắc điều đó, Trần Quốc Tuấn một lòng phò vua cứu nước.
          Trong lúc xa giá nhà vua xiêu dạt, Trần Quốc Tuấn thường dùng cây gậy đầu bịt sắt nhọn để chống khi đi theo vua. Vua và quần thần thấy Trần Quốc Tuấn là bậc kỳ tài, lại có mối hiềm cũ của Yên Sinh Vương nên rất lo ngại. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không. Những việc làm như thế đã xua tan mối ngờ vực của mọi người. Ông được vua Trần tin cậy ban cho đặc quyền nhưng ông không bao giờ lạm dụng những đặc quyền đó.
          Ngô Sĩ Liên có lời bình về việc này như sau:
          Ban tước cho người là quyền của Thiên tử, không phải là quyền của kẻ làm tôi”... “Bề tôi nhà Trần mà biết đạo ấy, phải chăng chỉ có Quốc công Hưng Đạo Đại Vương”.(3)
          Điều đó cho thấy Hưng Đạo Vương rất nghiêm trong giữ gìn kỷ cương phép nước.

          2- Trong hoàng tộc, Trần Quốc Tuấn luôn cẩn trọng xử sự sao cho triều đình đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm. Ông chủ động dẹp mối bất hòa với Trần Quang Khải. Mối bất hòa giữa Trần Quốc Tuấn (con Trần Liễu) và Trần Quang Khải (con vua Trần Thái Tông) bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa hai chi của họ Trần. Sự hòa hợp giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải chính là biểu hiện thống nhất ý chí của vương triều Trần, góp phần đánh thắng giặc Nguyên hung hãn.
          Trần Quốc Tuấn hiểu rằng ông có được quân dân tin yêu hay không, sự thành bại của cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông mà ông làm Quốc công tiết chế phụ thuộc rất nhiều vào sự đoàn kết trong hoàng tộc mà mối quan hệ giữa ông và Trần Quang Khải là tiêu biểu. Đoàn kết hoàng tộc vì lợi ích quốc gia là yếu tố quan trọng để chiến thắng quân xâm lược. Vì vậy Trần Quốc Tuấn sẵn sàng từ bỏ cái lợi ích riêng của mình, khi cần ông dám từ chối ân huệ của vua.
          Khi Trần Quang Khải theo Trần Thánh Tông đi đánh giặc, ghế Tể tướng bỏ không, vừa lúc sứ phương Bắc đến. Thái Tông phong Trần Quốc Tuấn là Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Trần Quốc Tuấn chỉ nhận nhiệm vụ tiếp sứ, còn chức Tư đồ thì ông từ chối vì sợ “tình nghĩa trên dưới e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng quan gia và Quang Khải”.(4)
         
          3- Trần Quốc Tuấn rất quý trọng nhân tài. Ông cưu mang, bồi dưỡng, trọng dụng và tiến cử nhiều người tài đức cho triều đình nhà Trần như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực... Ông biết nhận xét đánh giá và sử dụng các tướng lĩnh bằng cả tài thao lược và nhân tâm. Những người này đều vốn là gia thần hoặc môn khách của Trần Quốc Tuấn. Họ thực sự là những người nổi tiếng về văn chương, quân sự và chính trị thời bấy giờ.
          Quả là Trần Quốc Tuấn chọn tướng thật tinh tường, thương quân hết mực. Tướng ấy, quân ấy sẽ là đội quân không thể chiến bại.

          4- Trần Quốc Tuấn là người có ý thức trách nhiệm rõ nét về cuộc đời mình. Chúng ta chưa có đủ tài liệu để dựng lại toàn bộ cuộc đời riêng, những quan hệ và sinh hoạt cá nhân đời thường của Trần Quốc Tuấn, nhưng ta vẫn có thể tìm thấy trong chính sử những dấu ấn về cuộc đời ông trong lĩnh vực này.
          Năm 1251, vua Trần Thái Tông “Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn”.
          “...Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa...”
          “...Vua bất đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn”.(5)
          Chúng ta biết rằng Đại Việt sử ký toàn thư được hoàn thành chủ yếu vào thế kỷ XV, thế kỷ mà tư tưởng Nho giáo là tư tưởng thống trị. Các nhà viết sử với quan điểm Nho giáo đã tỏ thái độ rất khắt khe đối với các hành động vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo của nhà Nho. Họ nghiêm khắc phê phán hành động “cướp lấy công chúa” của Trần Quốc Tuấn. Còn ở thế kỷ XIII, tư tưởng Phật giáo được coi là tư tưởng chính thống, các mối quan hệ con người với con người chưa bị ràng buộc chặt chẽ, nghiệt ngã của tư tưởng Nho giáo. Những biểu hiện nhân cách kiểu như Trần Quốc Tuấn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn. Ở thế kỷ này, chúng ta bắt gặp một Trần Ích Tắc sắc sảo nhưng đố kị và ích kỷ, một Trần Khánh Dư tài giỏi nhưng cũng mang đầu óc vụ lợi cá nhân, một Trần Tung thiền sư nổi tiếng với phong cách phóng cuồng... Những nhân cách rất riêng ấy là biểu hiện của yếu tố làm nên bản sắc riêng của từng người, tạo ra bản sắc thời Trần tỏa sáng hào khí Đông A.
          Hành động táo bạo cướp công chúa, bất chấp lệnh vua, không sợ nguy hiểm, làm một việc đã rồi buộc vua Trần phải chấp nhận của Trần Quốc Tuấn là biểu hiện sự “nổi loạn” của mối tình không chịu ép buộc và xếp đặt của người khác, đòi được tự do yêu đương và lựa chọn xây dựng hạnh phúc lứa đôi, cho thấy thời trai trẻ Trần Quốc Tuấn có tình yêu mãnh liệt và bột phát.
          Nhân cách của Trần Quốc Tuấn luôn được đề cao trong các tài liệu lịch sử, cũng như trong các tác phẩm văn học. Vào thế kỷ XV, khi chế độ phong kiến Việt Nam cực thịnh, một học giả uyên thâm là Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm (1456-1522) đã làm thơ ca ngợi như sau:
          Sinh phùng gia hấn thệ thấu trung
          Mậu kiến Trung hưng đệ nhất công
          Một hậu uy do tôi bắc lỗ
          Ỷ thiên trường kiếm dạ minh phong.
Dịch là:
          Quyết bỏ hiềm nhà vẹn chữ trung
          Trung Hưng nghiệp lớn lập nhiều công
          Uy còn phá giặc thân tuy thác
          Tiếng gió gầm đêm kiếm múa vung (6)
          Đến thế kỷ XVII, trong Thiên Nam ngữ lục (chữ Nôm) cũng hết lời ca ngợi công đức, nhân cách của Trần Quốc Tuấn:
          Đền công huyết thực muôn xuân
          Sắc Thượng đẳng thần, muôn kiếp khói hương(7)
          Nhiều tác phẩm như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, hay Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính cũng luôn đề cao nhân cách của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
          Tính cách mạnh mẽ đấu tranh cho quyền tự do, ý thức sâu sắc và hành động đúng đắn về trách nhiệm của bản thân đối với quốc gia dân tộc thể hiện nhân cách lớn của Trần Quốc Tuấn. Có lẽ ông trở thành Đức Thánh Trần trong tâm thức dân gian không chỉ vì ông là một tài năng, mà còn là vì nhân cách cao đẹp của ông.

                                                          Trần Mỹ Giống

.....................

Chú thích:
          (1), (2) Đại Việt sử ký toàn thư. - H.: Khoa học xã hội, 1998. – T.2. – Tr. 79-80.
          (3), (4), (5) Sđd. – Tr. 10.
          (6) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. – H.: Văn hóa, 1958. – Tr. 81.
          (7) Tổng tập văn học Việt Nam. – Khoa học xã hội, 1997. – T.7. – Tr. 904.


Ghi chú:            Bài tham luận trong Hội thảo khoa học về Trần Quốc Tuấn do Viện lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức và đã in trong sách ANH HÙNG DÂN TỘC, THIÊN TÀI QUÂN SỰ TRẦN QUỐC TUẤN VÀ QUÊ HƯƠNG NAM ĐỊNH. – H.: Quân đội nhân dân, 2000. - Tr. 209 - 214.
            Tác giả ghi trong sách: Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống là do hai chúng tôi thường ghi liên danh cho vui. Sau này anh Hoàng Dương Chương yêu cầu trả bài của ai về cho người đó để tránh rắc rối khi in tuyển tập cá nhân nên nay tôi chỉ ghi tên tác giả Trần Mỹ Giống.
            Ban đầu tôi gửi bài tham luận chủ đề về nghệ thuật quân sự của Trần Quốc Tuấn, nhưng Ban tổ chức đề nghị tôi chuyển đề tài khác do nội dung đề tài bài viết đó đã có một vị tướng lĩnh đăng ký tham luận rồi. Do đó tôi viết bài tham luận mới “Trần Quốc Tuấn - một nhân cách lớn”. Tiêu đề này lại trùng với tiêu đề bài tham luận của một người khác nên tôi lại phải chỉnh thành “Trần Quốc Tuấn – một người vì nghĩa lớn”.
            Tôi đưa bài cho anh Hoàng Dương Chương xem xét (cùng đứng tên tác giả để cả hai được mời dự Hội thảo). Anh Chương thêm một phần cuối bài phân tích so sánh Trần Quốc Tuấn với các nhà quân sự nổi tiếng thế giới như Hít Le, Tần Thủy Hoàng... nhưng khi Ban tổ chức Hội thảo duyệt họ đã cắt bỏ toàn bộ phần này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét