Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

KỂ CHUYỆN PHỐ NAM ĐỊNH (KÌ 10)



Đặng Sinh (Sưu tầm biên soạn)
 
 NGÂN HÀNG ĐÔNG DƯƠNG CHI NHÁNH NAM ĐỊNH (tiếp theo)


          Chúng ta đã tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của Ngân hàng Đông Dương (NHĐD) 141 năm đã trôi qua, nhiều việc đã bị quên lãng. Chúng ta tái hiện lại một vài cảnh sinh hoạt và giá cả của thời Pháp thuộc xa ấy.
            Từ năm 1875 khi các đồng tiền của NHĐD lần lượt ra đời thì các đồng tiền cổ truyền của Việt Nam như bạc nén, quan tiền, tiền, đồng điếu chỉ còn được sử dụng hết đời vua Tự Đức, đến năm 1887.

            Các đồng trinh bằng đồng có đục lỗ được phát hành năm 1887. Nhưng giá sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nên các đồng tiền này dần dần không phù hợp với thực tế. Nhất là trong đại chiến thế giới lần thứ nhất và cuộc khủng hoảng sau đó (1918 – 1920), các đồng tiền này cũng dần vắng bóng.
            Năm 1937 tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố được đăng trên báo Việt Nữ và in thành sách năm 1939 đã làm cho người đọc bàng hoàng. Chuyện kể về gia đình anh Dậu, một nông dân khỏe mạnh 26 tuổi, bắt đầu đi làm ruộng từ năm 9 tuổi. Mẹ anh chết năm ngoái và em trai chết tháng 1 năm sau. Sau khi mua hai quan tài hết 8 đồng và làm ma cho mẹ và em trai hết 6 đồng, thì anh trở thành cùng đinh, bị sốt rét phải nằm liệt giường. Ba tháng nay ngoài việc chăm sóc chồng, chị Dậu phải lo toan việc chi tiêu cho cả gia đình năm miệng ăn. Cái Tí – con gái đầu lòng của anh phải thay mẹ đảm đương việc gia đình. Các cháu đi mót 2 mẫu khoai bán được 5 hào, không đủ tiền đong gạo, nên cả nhà phải ăn khoai trừ bữa.
            Đúng thời điểm ấy đến đợt nhà nước thu sưu. Lí trưởng cho mõ đi rao khắp làng, cho đày tớ đi thúc từng nhà. Tiếng mõ cá hiệu ốc, hiệu sừng được thổi inh ỏi hòa với tiếng trống thúc từng hồi ầm ĩ làm cho cả làng náo động suốt từ sáng sớm đến tối mịt. Mặc dù còn 5 ngày nữa mới đổ thuế, nhưng anh và một số người nữa chưa nộp thuế bị bắt trói ở đình làng, mười đầu ngón tay sưng bằng mười quả chuối mắn. Nhiều nhà phải đến vay tiền bà nghị Quế. Vay một đồng phải trả lãi 5 xu mỗi tháng, tức là lãi 5% tháng hay 60% năm. Vợ chồng anh đành bán cái Tí làm con nuôi cho con bà Nghị lấy 1 đồng. Đến nhà bà, cái Tí phải ăn hết cơm thừa của chó mới được ăn cơm mới. Bà mua tiếp chó mẹ và đàn chó con của chị với giá 1 đồng 2 hào. Nhưng muốn lấy được tiền phải viết giấy cầm cố. Ông đồ dạy con nghị Quế cũng là người chuyên viết các loại giấy tờ này cho gia đình. Ông viết vợ chồng chị “vay của bà Hoàng Thị Sẹo vợ cả ông nghị viên Trần Đức Quế một đôi hoa tai bằng vàng 3 đồng cân giá là hai chục đồng bạc. Hẹn trong 5 năm phải trả. Nếu không trả chúng tôi xin chịu tội bội tín”... Chị sợ quá, kêu ầm lên. Ông nghị gắt: “Nếu anh chị đòi lại con, tao sẽ chiểu giấy bỏ tù cả vợ lẫn chồng”.
            Phải biếu cụ đồ 2 hào tiền giấy bút. Còn lí trưởng thì vòi 1 đồng để cụ đóng cho cái dấu vào giấy cầm cố này. Sau khi kêu van, cụ đồng ý cho nợ và trả 1 đồng này bằng cách đến vụ tới cấy cho cụ 1,5 mẫu ruộng. Câu chuyện đau khổ này chưa dừng ở đây. Khi nộp tiền sưu thì thủ quỹ không nhận tiền xu mà chỉ nhận tiền giấy. Lại phải nói khó với cụ nhận hộ tiền xu bằng cách mỗi đồng tiền xu đổi sang tiền giấy biếu cụ 3 xu. Khi đếm tiền xu mới phát hiện mỗi đồng tiền xu bà nghị đưa thiếu 4 xu. Như vậy, bán cả con, cả chó được 2 đồng 2 thì nộp sưu được có 8 hào (0 đ 8). Lại phải chạy vạy tiếp. Nhưng khi nộp đủ 2 đồng 7 cho suất sưu của anh Dậu, chị phải đóng tiếp suất sưu cho chú em, dù rằng chú đã chết từ tháng Giêng.
            Anh Dậu yếu sức, không có ăn, lại bị hành hạ từ thể xác đến tinh thần, lo lắng quá mà ngất đi. Lí trưởng sợ anh chết, phải đem cái xác ấy trả lại nhà. Rồi đến chiều, khi anh tỉnh lại, chúng lại đến bắt anh và thúc suất sưu của chú em. Chị Dậu tức quá, đẩy ngã cai lệ, nên bị bắt giải ra đình.
            Đúng vào thời điểm cao trào ấy thì quan phủ xuất hiện. Ngài phát hiện lí trưởng thu tiền không đưa biên lai, quỹ dư tiền, nên ngài quát lên:
            - Đã thu được của những đứa ngoại canh mấy trăm đồng, còn chực thu lạm của bọn cùng đinh.
            Chúng ta hãy xem quan xử “vụ tham nhũng” thế nào.
            Quan dịu giọng:
            - Mai lên phủ hầu nghe không?
            Rồi ngài đổi giọng ngọt ngào:
            - Mai lên phủ hầu, giải cả vợ chồng thằng Dậu lên nghe không!
            Quan đi rồi, lí trưởng chửi chị Dậu:
            - Việc này chưa biết ông lo liệu thế nào cho xong. Có lẽ hơn trăm đồng bạc kiếm trong vụ thuế này ông phải đổ đi.
            Rồi hắn rít lên: Ông giết mày cũng không oan. Còn chị Dậu được mấy cậu lính lệ bố trí vào trại, bắt tắm rửa, mặc quần áo mới, trang điểm cho sạch sẽ, và đưa lên hầu quan. Nhưng chị không chịu và bỏ trốn. May chị được mụ Cửu Xung cho vay tiền và giới thiệu cho nghề mới, là đi làm vú em cho Cố. Cố là một vị quan đã về hưu trí, ngoài 80 tuổi, không còn răng để nhai. Ngày ấy không có hãng sữa bột En sua, cho nên các nhà quan lại thường phải lấy sữa của đàn bà để khỏe mạnh, không có bệnh tật cho các cố uống. Sau khi có giấy kiểm nghiệm xác định sữa của chị là tốt, chị được nhà Cố thuê làm vú em, lương tháng 5 đồng. Đấy là số tiền lớn.
            Được ăn uống đầy đủ, nhàn hạ, chị béo trẻ ra, nước da đen trở nên trắng mịn màng. Anh bếp đi ra đi vào tán tỉnh. Còn cậu lái xe thì hung hăng: “Bỏ cha thằng chồng quê mùa ấy đi. Lấy chồng lái xe sướng như tiên”.
            Còn Cố cũng có ý thương. Cố dặn về hỏi chồng có muốn làm lí trưởng thì cố cho làm. Nhưng rồi một đêm khi chị ở một mình, đang thiu thiu ngủ thì có ai sờ vào người.
            - Ai đấy?
            - Ta...ào đây! Cố đây!
            - Lậy cụ chúng con là phận tôi tớ.
            - Không cần! Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh.
            Chị vùng dậy chạy ra ngoài. Nhà văn Ngô Tất Tố thở dài: Trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị.
            Nói đến trinh, xu, hào, đồng nghe nó xa xôi quá. Vào khoảng những năm 30 ở Nam Định bát bún riêu 2 xu và bát phở mà nay 25.000 đồng đến 40.000 đồng bát có giá từ 3 xu đến 5 xu. Ngày vua Bảo Đại về thăm Nam Định, nhà phở Quảng Nguyên thu được 2 thúng tiền xu bán phở. Công chức thấp nhất được 3 đồng/ tháng. Cụ Nguyễn Đạo Khang, thân sinh nhà văn Nguyễn Công Hoan làm huấn đạo (dạy học) lương 15 đồng / tháng nuôi được cả gia đình. Còn cụ Tri phủ của chúng ta được lương 140 đồng/ tháng.
            Năm 1942 đang chiến tranh thế giới thứ hai, sinh hoạt hết sức đắt đỏ, nhà văn Nguyễn Công Hoan xác định rằng mỗi người nông dân mỗi tháng tiêu hết 8 hào (0,8 đồng). Vậy thì những năm 30 phải tiêu ít hơn. Mỗi khi có dịp thu thuế, các vị chức sắc của làng tranh thủ ăn uống, hút sách, cãi vã, chửi rủa nhau. Một bọn hào lí làng khác vào một cửa hàng ăn ở phố Phủ thiếu nợ 2 hào rưỡi, phải gán 11 cái ô mà chủ nhà vẫn chưa vừa ý, bắt để thêm một cái áo the nữa. Nhưng vào hầu quan mà thiếu áo the coi sao được. Ông lí phải gán lại cái triện. Tức quá, ông đe nhà hàng:
            - Gần năm trăm đồng mới được cục đồng này đấy.

(Còn tiếp)

Đặng Sinh
Phố Hoàng Văn Thụ, tp. Nam Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét