Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

HỒI KÝ TRẦN MỸ GIỐNG (KÌ 7)



Đã đăng:
Kì 1: “Gác bút nghiên theo việc binh đao”
Kì 2: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”
Kì 3: Từ Côn Sơn đến Thạch hãn
Kì 4: Những mảnh ký ức về đồng đội
Kì 5: Lên chốt
Kì 6: Trận Cửa Việt


                   HỌC SĨ QUAN LỤC QUÂN

          Sau trận Cửa Việt, Trung đoàn trưởng Ngoan về Sư đoàn bộ 325 nhận chức Tham mưu trưởng. Ngày 23 - 2 - 1973, chính uỷ trung đoàn cho gọi tôi, Châu, Sánh lên nhận nhiệm vụ mới: Nguyễn Minh Châu đi học Sỹ quan ở Học viện chính trị đóng tại Vĩnh Phú. Nguyễn Văn Sánh và tôi về học Trường sỹ quan lục quân ở Sơn Tây. Nhận nhiệm vụ mới, tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì được ra Bắc có dịp về nhà. Buồn vì đã học sĩ quan chắc phải phục vụ quân đội lâu dài, mơ ước học tiếp đại học của tôi không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

          Chúng tôi bàn giao vũ khí trang bị cho đơn vị, chỉ mang theo tư trang cá nhân. Nửa đêm, cả trung đội tập họp chia tay chúng tôi. Mọi người cùng thức đến 3 giờ sáng, giờ chúng tôi xuất phát. Những ngày sống chết có nhau, chia sẻ ngọt bùi, yêu quý nhau như ruột thịt làm chúng tôi bịn rịn không muốn rời nhau.
          Khi lên xe tải có mui bịt kín, tôi thấy đã có khoảng ba chục đồng đội từ các đơn vị cơ sở cùng đi học. Xe chở chúng tôi ra tới cầu Hiền Lương thì dừng lại. Chúng tôi xuống xe đi bộ. Tới hậu cứ Bãi Hà, cán bộ quân lực thanh toán cho chúng tôi phụ cấp tiêu vặt suốt những tháng chiến đấu ở Quảng Trị, trao cho chúng tôi giấy tờ nhập học. Chúng tôi nghỉ lại Bãi Hà một đêm. Tôi trằn trọc không sao ngủ được, nằm nghe tiếng suối róc rách, tiếng côn trùng ri rỉ, tiếng lá rừng xào xạc mà buồn vui khó tả. Sáng hôm sau Châu, Sánh và tôi bắt đầu cuộc hành trình đi bộ từ Bãi Hà ra Bắc. Tôi mời Châu và Sánh cùng về chơi nhà tôi trước khi mỗi đứa một nơi. Hai đứa nhận lời. Ba chúng tôi đi bộ mấy ngày liền ra Đồng Hới. Đêm ngủ nhờ trong dân.
          Mấy ngày vất vưởng ở Đồng Hới mới mua được vé xe ra Vinh. Ngày ấy đi xe khách rất khó khăn. Tôi say nôn suốt dọc đường. Đến Vinh, lại cả ngày xếp hàng mua vé tàu. Tới Thanh Hoá, Châu đi tiếp cho kịp ngày nhập trường ở Vĩnh Phú, còn tôi và Sánh xuống ga vào thăm gia đình chính uỷ Nguyễn Trung Nến ở một xã miền biển (tôi không nhớ tên xã) thuộc huyện Tĩnh Gia. Chẳng có gì làm quà, chỉ là báo tin chính uỷ vẫn còn sống cho gia đình mừng thôi. Cô con gái và bà mẹ ở trong căn nhà nghèo nàn. Bà mẹ quý chúng tôi như con. Nghỉ một ngày, chúng tôi ra tàu về Nam Định. Lại một ngày một đêm xếp hàng ở bến xe Đò Quan Nam Định mới mua được vé xe Giao Thuỷ.
          Về tới nhà lúc 10 giờ sáng. Vẫn hàng dậu đài bi vàng rực tơ hồng, u tôi thường lấy lá nấu nước xông cho tôi mỗi khi tôi bị cảm. Vẫn ngôi nhà thấp bé lợp bổi giản dị, nơi anh em tôi được sinh ra và sống trọn tuổi thơ ở đó. Dòng sông nhỏ bên nhà chảy quanh làng, nơi chúng tôi hụp lặn nô đùa, vẫn trong xanh hiền hòa...
          Sánh giữ tôi lại để vào nhà trước cho u tôi bất ngờ. Tới ngõ, thấy bà nội tôi đang lom khom quét sân. Bà tôi đã 80 tuổi, mắt loà rồi. Nghe tiếng Sánh hỏi nhà anh Giống, tiếng khu Bốn trọ trẹ, bà tôi dừng quét, buồn bã:
          - Ai hỏi thằng Giống đấy? Nó đi bộ đội hy sinh rồi còn đâu.
          Nghe bà tôi nói thế, tôi sững người. Tôi chạy vào sân, ôm lấy bà thảng thốt:
          - Bà ơi, cháu về rồi đây mà.
          Bà tôi quăng cái chổi đi rồi rờ rẫm lên mặt, lên lưng tôi. Khi đã nhận ra đúng cháu mình, bà reo lên, nước mắt đặc quánh chảy trên má nhăn nheo:
          - Ôi, đúng là thằng Giống về rồi. Anh Thuỵ ra mà xem con anh về đây này.
          Bố tôi đứng lặng bên bậu cửa, hai tay níu chặt thành cửa như chực ngã. Ông không nói nên lời. Tôi cứ nhìn quanh không thấy vợ tôi đâu. Bố tôi bảo:
          - Vợ con đang ở quê ngoại. Để bố đi đón nó về.
          Nói rồi bố tôi lấy xe đạp đi Thái Bình đón con dâu.
          - Thằng Giống đâu? Thằng Giống đâu? Ôi, thằng Giống đã về rồi đâu…
          U tôi đang đi chợ, nghe tin tôi về, bà bỏ tất cả hàng lại, chạy vội về nhà. Đôi chân u tôi khẳng khiu như díu lại, bước xiêu bước vẹo, người gầy da bọc xương. Tóc u tôi bạc trắng, lưa thưa. Ngày trước, tóc u tôi dài qua gót chân. Mỗi bận chải tóc, u tôi thường phải đứng lên ghế. Anh em tôi cứ quấn vào phủ tóc u lên mặt. Vậy mà mới hai năm tôi nhập ngũ và đi chiến trường, u tôi già đi nhanh quá. Chỉ có ánh mắt sâu thẳm của u chan chứa tình yêu con cái là vẫn thế. Tôi ôm lấy u tôi, sung sướng nghẹn ngào. Chợt u tôi chửi ầm lên:
          - Mẹ cha những đứa độc mồm, nó lại bảo thằng Giống nhà tôi hy sinh rồi. Trời có mắt. Nhà tôi ăn hiền ở lành nên thằng Giống được thần phật phù hộ. Tôi biết mà, con tôi không thể chết được mà...
          Tôi mặc cho u tôi chửi thoả thích. Tôi biết tính u tôi, có chuyện gì là không để trong bụng được, cứ phải nói ra mới thoả lòng. Hồi trẻ, do đẻ mấy anh tôi toàn chết yểu, u tôi hoá điên hơn ba năm mới khỏi. Từ đấy, cứ động không vừa ý điều gì là U tôi chửi rủa, chửi có bài có bản, chửi văn hoa, chửi có vần như vè như thơ, lại kèm động tác vũ điệu hẳn hoi. Có thế U tôi mới bình tĩnh lại được. U tôi sinh ra đồng bóng. Thỉnh thoảng bị kích động thần kinh, u tôi lại nhập đồng. U tôi thuộc làu làu Truyện Kiều, Nhị Độ Mai. U tôi hay làm thơ, phần nhiều là thơ đả kích thói tham nhũng của các vị chức sắc trong làng. Thế mà nhiều người thuộc thơ của u tôi mới lạ chứ. U tôi rất tốt bụng. Chẳng giàu có gì, nhưng u tôi thường nhịn miệng để giúp người nghèo. Dân làng rất quý mến u tôi.
          Thời kháng chiến, u tôi nuôi dấu cán bộ và nhiều con nuôi, lớn lên cho đi du kích. Sau năm 1975, tình cờ một anh cán bộ đi công tác qua làng, đánh rơi ba lô, u tôi nhặt được đem trả lại nguyên vẹn. Anh cán bộ cảm động ở lại chơi một ngày. Biết chuyện u tôi có người con nuôi đi du kích bên Thái Bình rồi không có tin tức gì, anh cán bộ hứa sẽ tìm giúp. Tưởng anh nói chơi, nhưng sau đấy vài tháng anh báo cho u tôi là đã tìm thấy mộ liệt sĩ Đức, con nuôi u tôi. Ông Đức là em con chú con bác với ông nội tôi. Bố tôi phải gọi ông bằng chú xưng cháu. Vì cha mẹ ông mất sớm, khi ông mới 5 tuổi nên bố u tôi đón ông về nuôi, khi lớn cho đi du kích. Năm 1952 ông hy sinh ở Kiến Xương, Thái Bình. Nhận được tin, bố tôi lai u tôi bằng cái xe trâu Liên Xô sang Thái Bình thăm mộ ông Đức. Sau này cũng nhờ có người em nuôi là cán bộ ở huyện làm giúp, bố mẹ tôi được hưởng chế độ thân nhân liệt sĩ.
          Tôi trở về làm u tôi như trẻ lại. U tôi tất bật lo cơm nước. U tôi thể hiện tình yêu con và bạn của con bằng những bữa ăn nhiều món ngon do chính tay u nấu nướng. Mấy đứa em tôi đi học về reo mừng.
          Châu đi Vĩnh Phú nhập trường xong thì xin nghỉ ba ngày về nhà tôi ngay. Đến chiều thì Châu cũng hỏi thăm được tới nơi. Chú Giang, em thứ ba của tôi dẫn hai anh Châu và Sánh đi thăm quan nhà thờ Phú Nhai, chùa Trung, đi xem chợ Trung... Châu và Sánh cứ nắc nỏm "nhà thờ Phú Nhai to", "chùa Trung đẹp thật"...
          Bố tôi sang Thái Bình đón vợ tôi về luôn trong ngày. Vợ tôi vẫn gầy, rỏng rớt y hồi sinh viên. Chúng tôi ôm chặt nhau, không nói nên lời. Khi chưa gặp vợ, tôi có biết bao điều muốn nói, nhưng gặp rồi thì chẳng nói được gì. Lần này hy vọng chúng tôi sẽ có con. U tôi thắp hương rì rầm khấn vái cho vợ chồng tôi. Hẳn lời cầu khẩn của u tôi làm cho thần phật cảm động, vợ tôi nghén con Thanh, đứa con gái đầu lòng của chúng tôi mà tôi yêu quý hơn tất cả trên đời.
          Khế thi tốt nghiệp xong, chưa được bố trí công tác, ở nhà chồng chăn bò, làm ruộng, sống trong lo âu phấp phỏng. Một cậu cùng đơn vị, quê ở Thọ Nghiệp, bị thương nặng được ra Bắc, báo tin cho u tôi biết là tôi đã hy sinh. Cậu ta nói có nhặt được cái sáo khắc tên tôi ở trên chốt. Khế vừa về Thái Bình được hai ngày cho khuây khoả thì tôi trở về.
          Ba ngày ở nhà loáng cái qua đi. Chúng tôi từ biệt gia đình để lên trường. Đến Hà Nội, Châu đi Vĩnh Phú, còn tôi và Sánh đi Sơn Tây. Làm thủ tục nhập học xong, Sánh phải về ngay lớp đào tạo sĩ quan trẻ. Chia tay nhau, chúng tôi đều nghĩ sẽ còn được gặp nhau đều đều, ai ngờ từ đó đến nay chúng tôi chưa một lần gặp lại. Tôi có gửi thư mấy bận về quê Châu và Sánh, nhưng không có hồi âm. Đến nay tôi vẫn không rõ hai đứa có còn không, hay hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, hay biên giới Tây Nam rồi. Đã hơn bốn mươi năm qua, hình ảnh hai đứa vẫn đậm nét trong ký ức của tôi.
                                       *
          Tôi được ban quân lực trường trưng dụng viết danh sách trích ngang học viên vì chữ tôi đẹp. Tới đầu tháng 5 - 1973 tôi mới xong việc và nhận lệnh đi Lương Sơn (Hoà Bình) nhập lớp đào tạo sĩ quan ngắn hạn. Ban chỉ huy Tiểu đoàn xếp tôi vào Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội đào tạo sĩ quan lục quân khoá 35, thời gian một năm (Từ tháng 5 - 1973 đến tháng 5 - 1974). Trung đội trưởng - trung uý Nguyễn Tiến Tề đã ngoài ba mươi tuổi, dẫn chúng tôi lên một quả đồi tranh, chỉ vị trí đóng quân. Toàn đơn vị bắt đầu một tuần làm doanh trại. Chúng tôi chia nhau, người vào rừng chặt gỗ nứa, người cắt cỏ tranh bện thành tấm để lợp mái nhà, người san nền... Sau một tuần công việc cũng đã hoàn thành. Doanh trại của trung đội tôi là một ngôi nhà tranh rộng, rộng dài như nhà kho, hai bên là các dãy giường nứa, chân giường là các cột gỗ chôn xuống đất, ván giường là nứa đan thành liếp. Từng tổ ba người, từng tiểu đội được bố trí vào vị trí nhất định. Súng đạn, bát đũa, bàn chải đánh răng, mũ, áo... tất cả đều có giá để theo quy định. Hiệu lệnh ăn cơm, báo thức, báo động, báo họp, báo luyện tập... đều dùng cái kẻng bằng vỏ một quả bom Mỹ. Một ngày bình thường của chúng tôi như sau:
          5 giờ báo thức, tập thể dục tập thể; 5 giờ 30 vệ sinh cá nhân; 5 giờ 45 ăn sáng; 6 giờ 30 nghe đọc báo; 7 giờ bắt đầu học tập hoặc tập luyện; 11 giờ 30 nghỉ ăn trưa đến 12 giờ; 12 giờ 15 ngủ trưa; 13 giờ 15 báo thức, vệ sinh cá nhân; 13 giờ 30 học tập; 17 giờ 30 chơi thể thao đến 18 giờ thì ăn tối; 19 giờ sinh hoạt tối; 21 giờ nghe đọc truyện hoặc bản tin trên loa của đại đội; 21 giờ 30 đi ngủ; 22 giờ trực ban đi kiểm tra.
          Chúng tôi học nhiều môn quân sự như công tác tham mưu, chỉ huy hiệp đồng tác chiến, chiến thuật quân sự, tính năng tác dụng và sử dụng các loại vũ khí, công tác chính trị, công tác Đảng... Thời gian và công việc luyện tập của chúng tôi rất căng thẳng và nặng. Người ta gọi trường chúng tôi là trường “luộc quân” mà. Tôi gầy yếu nhất đại đội, nhưng cố theo kịp mọi người. Khả năng văn nghệ và làm báo của tôi được sử dụng triệt để. Những đêm liên hoan giao lưu với nhân dân địa phương, tiết mục độc tấu sáo trúc (bài Anh vẫn hành quân, Lý hoài nam, Trên đường chiến thắng) và đơn ca (hai bài "tủ" là Anh quân bưu vui tính, Tôi là Lê anh nuôi) của tôi là một trong những tiết mục được hoan nghênh nhất, thường phải biểu diễn lại hai ba lần.
          Cuối tháng 5 - 1973, u tôi dẫn con dâu lên thăm con trai. Nhà khách đơn vị bên ngoài doanh trại, là nhà tranh vách đất, được ngăn ra từng buồng nhỏ. Người nhà của lính được đón tiếp chu đáo, được mượn chăn màn và các dụng cụ sinh hoạt, được cấp suất ăn hàng ngày theo chế độ. U tôi mừng rỡ cho tôi biết là bà sắp có cháu nội rồi. Khế báo tin đã có giấy gọi đi nhận công tác ở tỉnh Ninh Bình. Hàng ngày tôi vẫn phải đi học tập, chỉ buổi tối mới được ra khỏi doanh trại sau sinh hoạt tối. Tôi thức tới khuya để chuyện trò với u. Đêm, tôi sờ bụng Khế cảm thấy con tôi đang lớn. Tôi sung sướng không tả nổi. Thầm trong lòng, tôi mong có con trai. Đời người lính chiến, biết thế nào…
          Ngày 22 - 6 - 1973 âm lịch, tôi có điện báo bố vợ mất. Đơn vị không giải quyết cho tôi đi phép. Tôi buồn bã và suy nghĩ mung lung đến đãng trí. Khi tổ chức chi đoàn đại hội, tôi quên cả hô chào cờ, chính trị viên phải luôn nhắc nhở. Chính trị viên, đại đội trưởng, trung đội trưởng thay nhau làm công tác tư tưởng, động viên nhưng tôi không sao nguôi ngoai được. Bố vợ tôi bề ngoài trông rất nghiêm, nhưng ông rất yêu con cái. Ngày tôi về lần đầu, ông bà giữ con gái, không cho tôi ra ruộng hái dâu cùng Khế. Nghỉ hè năm thứ nhất, tôi sang nhà chơi định cùng Khế đi xe đạp lên trường. Đáng lẽ ngủ luôn ở nhà Khế, tôi lại bỏ sang thành phố Nam Định. Sáng sau chờ đến 9 giờ không thấy Khế, tôi sốt ruột đạp xe sang nhà. Tới Quán Chuột, gặp ông cũng đang đạp xe về. Ông bảo:
- Cái Khế vừa đi rồi, anh đuổi theo cùng nó lên trường đi.
          Tôi chỉ kịp đáp một tiếng “Vâng ạ” rồi phóng theo hướng Hà Nội. Qua thành phố ba cây số thì gặp Khế. Bữa ấy chúng tôi đạp xe đến tối. Kỳ nghỉ ấy, nước sông Hồng lên to ngập lụt lớn, ông cụ phải thân hành đưa cô con gái rượu qua phà Tân Đệ.
          Khế kể, khi ông sắp mất, Khế đang có mang con Thanh. Lúc Khế ngồi bên ông, ông cứ hỏi:
- Đứa bé gái nào nó ngồi bên mày thế?
          Khế ngạc nhiên và bảo:
- Chẳng có ai ngoài con.
          Nhưng ông nhất quyết là có đứa trẻ con ngồi bên cạnh Khế. Sau này Khế đẻ con Thanh, mọi người mới giật mình: Thì ra ông đã nhìn thấy cháu ngoại ngay khi nó còn trong bụng mẹ.
          Tháng 10 - 1973, đại đội tôi xảy ra chuyện. Số là một cậu lính để cái đài National ở doanh trại, cùng toàn đơn vị ra thao trường tập bắn đêm, khi về thì không thấy cái đài. Ban chỉ huy đại đội lập danh sách những người xin phép ra ngoài trong buổi tập, yêu cầu tự giác nhận và trả lại đài cho đồng đội, vì chỉ có người trong đơn vị mới biết và mới ra vào được doanh trại. Trường hợp người dân vào ăn trộm bị loại trừ. Cả 7 người trong nghi án đều không nhận. Bắt viết tường trình tới ba lần không kết quả, ban chỉ huy tuyên bố sẽ kỷ luật cả 7 người. Tháng sau, có quyết định trả 7 người về đơn vị cũ với lý do “không đủ tiêu chuẩn học sĩ quan”. Tôi thương những đồng chí bị kỷ luật nhưng không biết làm thế nào. Quả thật, kỷ luật ở đây vô cùng khắc nghiệt. Không ngờ đến lúc chính tôi cũng rơi vào số phận tương tự. Sau này tình cờ tôi gặp hai trong số bị kỷ luật: Một người trở về làm nông dân quê ở Vĩnh Phú, một người tên là Thắng về sản xuất bánh nướng ở phố Hoàng Văn Thụ thành phố Nam Định. Gặp tôi, các bạn mừng rỡ như gặp người ruột thịt, cùng ôn lại những kỷ niệm về trường sĩ quan lục quân. Dường như chuyện xử lý bất công của ban chỉ huy ngày ấy không làm họ tức giận, họ chỉ nhớ những kỷ niệm đẹp mà thôi.
          Khoảng cuối năm 1973, chi bộ đại đội đề nghị trên xét kết nạp tôi vào đảng, nhưng việc không thành vì sau đó không lâu tôi bị kỷ luật. Chúng tôi vào đợt dã ngoại dài ngày. Một lần đeo 35 kg gạch, mang theo khẩu CKC và 3 quả lựu đạn gang, hành quân vượt núi, tôi bỗng nôn thốc nôn tháo, máu ướt đẫm ngực và ngất xỉu. Trung đội trưởng Tề và Đại đội phó Náo trực tiếp đưa tôi xuống núi, ra đường số 6, bắt xe tải về Sơn Tây, giao cho một cậu lính đưa tôi đi Bệnh xá của trường. Được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, tôi khoẻ lại. Tôi được xác định là bị viêm loét dạ dày và hành tá tràng. Thể trạng tôi lúc này có 36 kg nên phải an dưỡng sau một thời gian mới có thể mổ. Nhưng khi tôi hồi phục sức khoẻ, khám lại, các vết loét đã ổn định, không cần thiết phải mổ nữa. Tôi xin ra viện.
          Đi xe khách về tới Hà Nội, đáng lẽ đi Hoà Bình thì tôi lại nhảy tàu về Nam Định. Linh tính cho tôi biết có sự kiện lớn đã diễn ra đối với tôi. Tới Nam Định, không còn xe về Giao Thuỷ, tôi đi bộ liền 3 tiếng sang nhà bố mẹ vợ. Tới nhà, thấy giữa nhà có đống lửa củi xương đay, tôi ngờ ngợ có chuyện bất bình thường. Trông thấy tôi, bà ngoại vui vẻ báo tin luôn:
          - Vợ anh đã đẻ con gái rồi.
          Bà đưa cháu qua đống lửa cho tôi. Con bé đỏ hỏn, luôn kéo tay lên mút. Ôi! Mình vẫn cứ tâm niệm có con trai. Như đọc được suy nghĩ của tôi, bà ngoại bảo:
- Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng.
          Tôi ôm xiết con bé vào lòng, ôm luôn cả vợ. Vợ tôi bảo :
- Khai sinh cho con tên là Thanh.
          Từ đây, Trần Thị Thanh là cái tên thương mến và đẹp nhất đối với tôi. Khế xanh xao, yếu ớt, vẫn gầy như trước. Tôi không sao nói được ra lời rằng tôi yêu Khế vô cùng. Gần đến ngày sinh, Khế xin nghỉ phép về nhà, đến Nam Định thấy đau bụng liền về nhà mẹ đẻ cho gần. Về nhà rồi đi trạm xá xã đẻ. Đó là ngày 12 - 1 - 1974. Hai ngày sau tôi có mặt ở nhà và quyết định bỏ đơn vị 7 ngày để gần vợ con.
          Tưởng đơn vị không biết ngày tôi ra viện, tôi chữa ngày xuất viện cho hợp lý. Nhưng hoá ra khi tôi ra viện, bệnh xá đã điện về báo cho đơn vị biết. Đó là quy định chung để quản lý chiến sĩ. Lên đơn vị sau một tuần yên ổn, tôi bị chính trị viên gọi lên và gợi ý nhận khuyết điểm, làm kiểm điểm. Tôi hoảng lên, phen này bị đuổi về đơn vị thì còn mặt mũi nào. Tôi kiểm điểm tới ba lần, thành khẩn nói đúng sự thật. Tiểu đội, trung đội, rồi chi đoàn lần lượt tổ chức sinh hoạt kiểm điểm tôi để giáo dục chung. Mọi người phê phán nghiêm khắc, phân tích sai phạm của tôi, nhưng hầu hết đều yêu quý tôi và đều thừa nhận tôi là chiến sĩ tốt, có nhiều đóng góp cho đơn vị nhất là kết quả học tập và văn nghệ. Cuối cùng tôi bị cảnh cáo trước tiểu đoàn. Cuối khoá tôi bị xếp vào loại yếu của Đại đội, chỉ phong hàm Chuẩn uý cùng 10 người khác, trong khi tất cả là Thiếu uý và có một số Trung uý. Phạm Văn Đỡ cùng tiểu đoàn với tôi, là anh hùng nên được trao hàm Thượng uý. Anh em tỏ ra ái ngại cho tôi thiệt thòi, nhưng tôi lại lấy làm mừng vì mức kỷ luật như thế còn là nhẹ hơn nhiều những trường hợp khác.
          Tháng 5 - 1974. Tổng kết khoá học xong chúng tôi được nghỉ 7 ngày thăm nhà trước khi nhận nhiệm vụ mới. Tôi về thăm bố u một ngày, hôm sau đi Thái Bình thắp hương bố vợ rồi vào ngay Ninh Bình thăm vợ con. Thư viện Ninh Bình sơ tán ở động Thiên Tôn cách thị xã 8 km. Xuống xe ở thị xã Ninh Bình, tôi đi bộ một mạch tới động Thiên Tôn. Ông Hồng đang bế con Thanh liền giơ con bé cho tôi. Con bé cười toét miệng. Tôi ôm xiết con bé, hôn hít khắp người làm nó cười như nắc nẻ. Hồi chưa hết sài, con Thanh quấy khóc suốt đêm tới ba tháng mới thôi. Các chú bộ đội thuộc tỉnh đội Ninh Bình đóng bên cạnh thư viện thường sang “xem con chàn chạt nó thế nào mà khóc ghê thế?”. Khế thường cho con Thanh nằm úp trên ngực mà dỗ nó, thành ra nó quen, hễ đặt nó xuống là nó khóc. Có lần con bé đái dầm ướt đẫm ngực bố. Tôi nằm thật im, cảm nhận dòng nước đái nóng hổi của con chảy xuống bụng, sợ làm con bé giật mình đái không hết.
          Hai mẹ con Khế ở trong gian nhà lá 6 mét vuông. Bà ngoại thuê một người đi giúp việc cho Khế. Tất cả trông vào đồng lương tập sự nên mẹ con Khế gặp rất nhiều khó khăn. Ngày ấy người ta quản lý lương thực rất chặt. Ra đường khó kiếm được bánh trái vì có lệnh cấm bán. Khế đưa bố con tôi đi chụp hình. Hết phép, tôi tạm biệt vợ con đi Lương Sơn Hoà Bình để nhận nhiệm vụ với tấm ảnh vợ con trong túi áo ngực. Không biết nhiệm vụ tới của tôi là vào Nam hay ở Bắc?

(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét