TS. Nguyễn Ngọc Kiên
Cầm
truyện ngắn “Quyền được rên” trên tay, ngườì đọc nghĩ ngay đến Hà Nội những năm
tám mươi của thế kỷ trước. Nhà chật chừng hai mươi mét vuông mà chứa đến ba cặp
vợ chồng. Mọi sinh hoạt thật bất tiện! Ngay cả rên khi quan hệ tình dục cũng phải
ý tứ nhìn trước ngó sau! Nhưng “Quyền được rên” không phải truyện viết về tình
dục hay sinh hoạt vợ chồng. Truyện viết về cuộc đời thực của nhà văn Hoàng Công
Khanh, người đã được nhà nước đặt tên đường ở Kiến An Hải Phòng.
Trong
công ước LHQ về quyền con người có nói, mọi
người đều có quyền được lao động học tập và nghỉ ngơi (Each person has
the right to work, to rest and to housing). Rồi quyền hội họp, quyền biểu
tình…, nhưng không thấy nói đến quyền được rên.
Có
thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng “Quyền được rên” của nhà văn Lê mai có thể xếp
trên “Sống mòn” của Nam Cao; vì “Sống
mòn” viết về cuộc đời của ông giáo Thứ rất khổ cực trước cách mạng tháng Tám. Ở
đây nhân vật chính là Hoàng không những vô cùng cực khổ mà còn phải chịu trăm đắng
ngàn cay! “Quyền được rên” còn xếp trên “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn,
có dung lượng mấy trăm trang, cuối cùng chỉ đi tìm câu trả lời vì sao mình bị
tù. “Quyền được rên” là truyện ngắn nén rất chặt trong mấy chục trang, nhưng nó
có tầm tư tưởng rất lớn của một tiểu thuyết. Nó được viết ra không phải để gây
thù chuốc oán hoặc khắc sâu thêm mối hận thù. Mà nó rất bao dung để nhớ lại một
thời ấu trĩ! Đúng như có lần nhân vật chính đã “thủ thỉ nói với con và cũng như nói với lòng mình:
Ông - Con ơi! Oán hờn mà trả bằng oán hờn
thì oán hờn ngày càng chồng chất. Con người hơn con vật ở chỗ đối xử với nhau
có nghĩa có nhân. Lớn lên rồi con sẽ hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Thánh Găng
Đi nói: “Tôi không bao giờ tự hạ thấp mình ngang tầm của bạo lực.” Cái gì đã
qua bố con mình cùng cho qua con nhé! Chớ để bụng, đừng thù oán ai cả… Càng đớn
đau mình phải sống càng nhân hậu, con có hiểu không?”
Đó
cũng chính là tư tưởng nhân văn xuyên suốt của mạch truyện.
Cách
hành văn có những đoạn đảo ngữ, nói lên được cái phi lý không thể giải thích được.
Nó hệt như các truyện của Kafka, phi lý nhưng rất đúng “quy trình” ở xã hội Việt
Nam
hôm nay!
“Quyền
được rên” giống như câu thành ngữ của người Anh: “thanh gươm Damocles (the
sword of Damocles) treo lơ lửng trên đầu” nhà văn. Viết văn là nghề hết sức
nguy hiểm. Nhà văn lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Nguyên nhân chính là người ta
nghi ông có dính dáng đến “Nhân văn giai phẩm” và bắt ông vào tù.
Nhân
vật Hoàng, tức Hoàng Công Khanh bắt đầu được biết đến qua vở kịch thơ Về Hồ
được diễn ở Hà Nội chào mừng quốc hội khóa một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và sau đó được
công diễn trên nhiều vùng kháng chiến khắp cả nước. Thời gian đầu kháng chiến
chống Pháp ở Liên khu 3, ông giữ nhiều chức vụ quản lý trong ngành văn hóa và vẫn
viết đều tay. Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám đến 1950, ông xuất bản hai
tập truyện ngắn Trên bến Búng (1947) và Chuyện người tù binh Algérie
(1948), hai vở kịch nói Màn cửa vàng (1950) và Nhập ngũ (1950)
cùng tập thơ Hà Nội không ngủ (1950). Các sáng tác của Hoàng Công Khanh
thời kỳ này chủ yếu có mục đích phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.Từ giữa năm
1950 đến 1954, ông về Hà Nội viết văn, viết báo, làm tổng biên tập tạp chí Dân
ý, một tạp chí có sự lãnh đạo của thành ủy Hà Nội. Những tác phẩm được nhắc
tới nhiều nhất của Hoàng Công Khanh được viết trong thời gian này. Ông đã cho
xuất bản các tác phẩm Mối tình đầu (tiểu thuyết, 1951), Mẹ tôi sớm biệt
một chiều thu (tiểu thuyết, 1953, tái bản 1991), Yêu chỉ một lần (tiểu
thuyết, 1954), Trại Tân Bồi (tiểu thuyết, 1953), Bạn đường (tiểu
thuyết, 1953), Éo le (tiểu thuyết, 1954), Bến nước Ngũ Bồ và Cung
phi Điểm Bích (kịch thơ, xuất bản 1953, tái bản 1991). Các vở kịch thơ Bến
nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích được dựng lại trên sân khấu vào các
năm 2007, 2008 và đều được đánh giá rất cao. Riêng Cung phi Điểm Bích
còn được Giải A giải thưởng sân khấu 2007 của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Cuộc đời của nhân vật Hoàng (Hoàng Công Khanh) đầy tài năng và lừng lẫy như vậy
nhưng đầy những nghịch lý:
Nghịch lý thứ nhất, ông làm nhà văn, và viết văn khi chẳng biết làm nghề
gì khác. Với một nhà văn lừng lẫy như thế, khi ra tù nhớ nghề lúc rảnh, ông lại
viết. Ông biết “ Văn chương là thứ cực kỳ
nguy hiểm. Vinh quang chẳng đáng là bao mà nhục nhã ê chề thì vô tận. Ngày ra
tù ông đã ngầm tự hứa sẽ cai nó, sẽ cạch nó đến già. Nhưng gió, nhưng nắng,
nhưng hương đồng gió nội, nhưng những thôn nữ dịu dàng, e ấp như lúa, như ngô…
khiến thi hứng giờ đây cuồn cuộn trào dâng. Ông chặc lưỡi . Sao mình lại không
viết?”
Thấy ông ngồi viết, đứa con gái ông sợ
hãi – một nỗi sợ mơ hồ, đã phải kêu lên:
“Bố ơi! Bố đừng viết nữa con sợ lắm. Thảo
nào thi sĩ Phúc, văn sĩ Lam cứ phải viết chui, viết lủi. Mỗi lần viết cứ phải
lén lút như tội phạm. Những câu thơ hay, những áng văn hay thẫm đẫm tình người
– tình vật phải chịu chung số phận đớn đau nơi gầm giường, nóc bếp, đống rơm,
chuồng lợn…
Có
lần, ông nghiêm túc nói với con:
“- Bác Trần vừa tề gia nội trợ - nữ
công gia chánh để bác gái bán hàng vừa viết truyện. Ông Trương vừa bới rác nhặt
rau nuôi lợn vừa viết kịch. Bác Phùng vừa cắt tóc vừa làm thơ. Bác Loan vừa câu
cá vừa vẽ… Chẳng lẽ bố lại không vừa làm lái chó vừa viết văn được sao? Không đọc
không viết bố thấy tiếc thời gian lắm, tủi mình và chưa xứng với mẹ, với các
con. Vả lại, không viết nữa tức là bố công nhận mình sai, phải đi tù là đúng”
- Nghịch lý thứ hai, một ngày ở ngoài nghìn thu ở tù. Bạn bè phải thốt lên,
khi ông được vào tù - cái chi tiết thật
đắt và cũng hài hước, chỉ có ở Việt Nam:
“- Học tập xong rồi hả? Giác ngộ rồi, đến
giáo huấn ta đấy phỏng?... Ngẫm kỹ thấy anh cũng giỏi. Giỏi lắm! Người đời phải
gây tội mới được tù. Còn anh, chẳng phải nhọc xác gây gì cũng được tù. Thời
Pháp đi tù thời Pháp. Thời ta đi tù thời ta. Thời nào cũng được tù. Dễ thường
nghề tù cũng đến kịch bậc rồi chứ kém cỏi gì!”
Cuộc
đời ông này ở tù đâm ra lại còn sướng hơn ở ngoài. Ở tù ông có cơm ăn, áo mặc
và có công ăn việc làm. Ra tù thì chẳng có việc gì để làm. Để kiếm kế sinh nhai
ông đã từng làm kéo xe, rồi làm người buôn chó, rồi dùng sức “chân cò tay vượn”
của mình để đi đào hầm thuê.
Ra tù, có lúc không việc làm,
những bạn bè, “đồng chí” một thời cũng xa lánh ông như xa lánh hủi:
“Ngày ra tù, về nhà con thấy đấy. Nhà
mình vẫn hoang lạnh như nấm mồ hoang. Bạn bè thân thiết, hàng xóm láng giềng có
ma nào đến sẻ chia với mình đâu. Thậm chí ra ngoài đường có người chẳng may gặp
bố, họ còn kéo mũ che mặt lảng đi.”
- Nghịch lý thứ ba, nỗi buồn khi hết chiến tranh. Người ta thì vui mừng
khi nghe tin chấm dứt chiến tranh. Đối với ông, hết chiến tranh đồng nghĩa với
việc ông bị thất nghiệp. Hết chiến tranh thì ai còn thuê ông đào hầm nữa! Cuộc
đời đầy chua chát!
“Sư cha cái anh Giôn Xơn, nó lại tuyên
bố: Ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nghĩa là, nó ngừng ném bom ở khoảng
không gian mà ông sống và đào hầm để kiếm sống. Thế là… ông lại thất nghiệp.”
Nghịch lý thứ tư, ông đi tù mà không biết mình phạm tội gì. Ở trong tù,
ông hỏi quản giáo:
“Thưa cán bộ, trường hợp tôi bao giờ thì
được ra toà?” Ra tòa! Phải! Ra tòa! Các phạm kinh tế hay hình sự ở lán
ông ai cũng đã được ra tòa. Họ có án đàng hoàng. Họ biết rõ ngày đi – cũng biết
rõ ngày về. Còn ông… Ông mong ước được ra tòa. Ra tòa – ông nghĩ: Mọi việc sẽ
được phân định rõ ràng. Trắng ra Trắng. Đen ra Đen. Lúc ấy, dẫu có phải đi tù
ông cũng không oan ức. Người quản giáo nhìn ông. Nhìn từ đầu xuống chân rồi
khinh khỉnh nói:
- Ông là nhà văn có tiếng mà còn dốt thế!
Tù rồi còn đòi ra tòa làm gì?
Những
câu trả lời ngô nghê của người quản giáo là minh chứng hùng hồn cho một thời
quá ư là ấu trĩ:
Ông lạnh người nhận ra cái tuyệt đúng,
tuyệt gọn, tuyệt dễ hiểu của lời lẽ anh quản giáo, nhưng như thế thì mông lung
quá, mịt mờ quá… Ông rụt rè thưa tiếp:
- Nếu không ra tòa, không có án tôi biết
sao được tội gì? Hình phạt là bao nhiêu năm?
Và
đây nữa, lời anh quản giáo mới thật hài hước như lời một diễn hài:
“Nhìn ông, anh quản giáo cười hiền, tỏ
ý thông cảm:
- Dốt thế, ở tù cũng đáng... Ông là đi
học tập, đi cải tạo chứ có phải tù đâu mà hỏi án bao nhiêu năm. Đi học tập, đi
cải tạo thì bao giờ học tập tốt, cải tạo tốt thì… ra trường. Tốt nghiệp ý mà!
Muốn biết bao nhiêu năm thì phải tự hỏi mình chứ hỏi gì tôi. Thôi, hồ hởi, phấn
khởi nhé!.
Cái
tư tưởng nhân văn của tác phẩm được gói lại ở đoạn đối thoại với vợ ông, khi
ông bộc bạch – đây là cái đoạn cũng rất con người:
“Vợ con khóc tu tu: Tiếng Tây tiếng Tàu
đầy người…Tù thì còn hiểu được chứ. Đẩy xe bò thì không thể nào hiểu nổi”.
Và
cuối cùng Hoàng đã trả lời vợ:
“Mà bà còn lạ gì tôi, nào có biết hận
thù, căm uất ai đâu mà bà phải lo, phải sợ. Họ đánh mình đau quá thì mình rên.
Rên cho nó đỡ đau, bà ạ! Con người ai chẳng có quyền được Rên.
Nhưng
thật hài hước khi mà ở một xã hội đến rên cũng không thể được, thì không thể
nói quyền làm gì khác của con người. Vợ ông nói:
- Sắp xuống lỗ rồi mà ông còn thơ ngây
thế? Ông tưởng Rên là tội nhẹ lắm ư? Các ông ngày xưa ngợi ca – hát ông ổng
còn bị kẻ độc miệng cho mang vạ. Giờ lại đòi Rên. Quyền được Rên! Ơ hơ…quyền được
Rên! Ngớ ngẩn, ngớ ngẩn hết chỗ nói…”
Vĩ
thanh
Tóm
lại “Quyền được rên” là một kiệt tác của Lê Mai. Cách hành văn trong sáng, ngắn
gọn, khúc triết, dung lượng của truyện được nén rất chặt. Nội dung tư tưởng và
tính nhân văn rất rõ được thể hiện qua từng nhân vật. Mặc dù trải qua những ngày tháng tù đày phải
chịu “trăm đắng ngàn cay” nhưng cuối cùng ông đã được minh oan. Tên Hoàng Công Khanh đã được đặt tên đường.
Tác phẩm của ông đồ sộ và có giá trị ghi dấu ấn một thời như vậy, nhưng nhà văn
chưa một lần được giải thưởng (phải chăng đây lại là một nghịch lý). Nhà văn
Hoàng Công Khanh giờ đây hẳn cũng ngậm cười nơi chín suối. Mỗi tác phẩm đều có số phận riêng của nó.
Nhưng người viết tin rằng “Quyền được rên” sẽ sống mãi cùng hậu thế, bất chấp
thời gian.
Nguyễn Ngọc Kiên
Phụ lục:
QUYỀN ĐƯỢC RÊN
Cuốn tiểu thuyết thứ 8 ông mới in
xong được vài ngày đã nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè thân hữu. Ông
vui. Ông tự thưởng cho mình vài ngày nghỉ ngơi để xả hơi, trước khi bắt tay vào
việc hoàn thiện tập thơ tự sự của đời. Ông pha ấm chè Thái thật nóng. Ngồi nhâm
nhi một mình trong căn nhà tuyềnh toàng đồ đạc, ông lơ đãng nhìn ra ngoài trời.
Mưa! Mưa quá! Ngâu mà…
Chuông điện thoại ré lên như động cỡn.
Ông nhấc máy, nhỏ nhẹ:
- Alô. Ai đấy ạ! Tôi là Hoàng, xin
nghe.
- Hoàng hả. Khỏe chứ! Kha lán 9 đây!
Nhớ không! Cuốn “Lẽ đời” được đấy. Hồ hởi, phấn khởi nhé!...
Ông giật thót người, buông rơi ống
nghe xuống nền nhà. Trong màn mưa dầy đặc ông bỗng thấy quản giáo Quang lừ lừ
đi vào. Vẫn da mặt bì bì, xàm xạm; vẫn cái phẩy mạnh tay vào không gian; vẫn
cái miệng hơn hớn nói trước mọi phạm nhân: “Hồ hởi, phấn khởi nhé!” Ông chăm chắm
nhìn quản giáo Quang… Những ký ức của hơn bốn mươi năm trước tưởng mãi mãi bị
chôn vùi bỗng ào ạt sống dậy trong ông…
“Bao giờ đậy nắp áo quan
Mang theo xuống huyệt nỗi oan tày
đình…”
Thơ ông từng viết thế.
Sau hội nghị Ấp Thôn, ông thấy mình rất
hoang mang. Ở đâu, làm gì, ông cũng thấy như mình bị theo dõi, nghi ngờ. Nhiều
người bạn vẫn ngày ngày bù khú, đàm đạo, trò chuyện với ông, giờ đây hình như họ
tìm cách lảng tránh. Ông lơ mơ đoán: có chuyện rồi. Nhưng là chuyện gì thì ông
chịu. Ông uể oải đạp xe đến nhà thi sĩ Phương – người nổi tiếng với biệt danh
“Biết tuốt” để dò hỏi. Với vẻ mặt quan trọng của kẻ “biết tuốt” những bí mật quốc
gia, thi sĩ Phương nhẩn nha nói: “Có nhiều người dò hỏi về cậu lắm, cậu phải liệu.
Nghe nói, ở hội nghị Ấp Thôn người ta xếp cậu là Kẻ nổ phát súng đầu tiên của
phái Nhân Văn đấy. Nổ phát súng đầu tiên, cậu hiểu không?” Nghe thế, ông trợn
tròn mắt nói:
- Vô lý! Họ căn cứ vào đâu mà kết luận
thế. Vô lý. Thậm vô lý!.
- Họ không vô lý đâu. Họ dựa vào đơn
tố cáo của thằng Năng Lé. Nó dựng đứng chuyện cậu dịch bài “Văn nghệ và chính
trị” của Lỗ Tấn là khơi mào cho một âm mưu. Tưng tửng hỏa mù thế thôi! Đấy, cái
chết của anh em mình nằm ở chỗ ấy đấy. Văn chương mà, hiểu thế đếch nào chẳng
được.
Lời tủng tẳng của thi sĩ Phương làm ông đã hoảng lại càng
thêm hoảng…
Nhưng nỗi hoang mang không phải kéo lâu. Vào một ngày, ông
cũng không rõ nắng mưa ra sao, chỉ biết vào khoảng gần trưa, có hai người đàn
ông ăn mặc bình thường cùng người tổ trưởng dân phố bước vào nhà. Họ yêu cầu
ông đứng dậy, rồi một người dõng dạc đọc lệnh khám nhà. Sau lệnh, tất cả giấy tờ,
sách báo, bản thảo và cả những quyển sách Mác-Lê dày cộp cũng được xếp lên chiếc
xích lô đỗ xịch trước cửa nhà. Ông cúi đầu lặng lẽ bước theo họ. Vẳng theo ông
là những tiếng thút thít kìm nén của vợ con. Định dừng bước nói với vợ con vài
lời, nhưng họng ông nghẹn ứ. Một cú huých nhẹ và một lời thúc giục nhỏ, nhưng
đanh: Đi. Đi mau…
Trại 12 Hỏa Lò, vẫn thế - ông đưa mắt
nhìn quanh. Trước thời gian, mọi vật đều biến đổi. Nhưng có lẽ, nhà tù là nơi
biến đổi chậm hơn cả. Vẫn cái nhà xí mốc meo, hôi thối. Vẫn cái bể nước tầng tầng
lớp lớp rêu phong. Vẫn cái không gian mờ mờ ẩm ẩm. Ở đây, hơn mười năm trước
ông cùng các tù nhân trong trại đã tận mắt chứng kiến những giây phút bi tráng
cuối cùng của người chiến sĩ cộng sản họ Hoàng trước khi ra pháp trường. Cũng ở
đây, ông phải căng đầu suy nghĩ để chống lại những cuộc hỏi cung mưu mô và căng
thẳng của bọn Phòng Nhì Pháp. Hơn mười năm trước, tang chứng vật chứng “phản lọan”
của ông và các đồng chí đã rõ ràng nên kẻ thù mới đầy được ông lên Sơn La… Giờ
tang chứng, vật chứng có gì đâu cơ chứ! Hơn nữa, lòng ông sạch. Ông thanh thản
chờ đợi cuộc hỏi cung để tự biện minh cho mình. Nhưng… Chờ mãi, chờ mãi vẫn chẳng
thấy gì. Nửa tháng sau, ông được đưa lên núi rừng Yên Bái. Những thâm niên ở
nhà tù Hỏa Lò, Sơn La ngày trước bỗng thức dậy trong ông một sự dò kiếm, tìm hiểu
những điểm giống nhau, khác nhau giữa chúng với trại cải tạo Yên Bái của ta bây
giờ. Núi thì cũng điệp trùng, rừng thì cũng âm u đến như Sơn La là cùng. Có lẽ
nhà tù Đế Quốc hiện đại hơn, nhiều bê tông, nhiều kẽm gai sắt thép hơn và dữ dằn
hơn – lính canh gác quanh mình đầy súng đạn, còn ở đây thì… chỉ những lán tre nứa,
ọp ẹp; chỉ những sạp giường nứa gồ ghề và những hàng rào tre nứa sơ sài và những
anh quản giáo hiền hiền ngô ngố. Nhưng chớ coi thường… Ở Sơn La còn có thể vượt
ngục được nhưng ở đây thì… trốn ra ngoài rồi sống ở đâu, vợ con sẽ ra sao? Ông
khẽ rùng mình. Ở lán trung tâm ông thoáng nhìn thấy văn sĩ Phùng, thi sĩ Thảo,
họa sĩ Phạm. Mấy gã còn nháy mắt gật đầu trêu ông như ở ngoài đời. Ông vội quay
mặt, lờ đi như không biết gì – kinh nghiệm tù dạy ông phải thế. Sao lại đông thế
nhỉ? Họ mắc tội gì? Ông thèm được nói chuyện với họ quá mà không dám nhìn lâu.
Lán 9 – nơi ông ở có 16 phạm nhân.
Mươi anh ăn cắp vặt, du thủ du thực; dăm anh đâm người, đánh vợ; ông và Apao
(nghe nói, đâu như anh này chứa chấp thổ phỉ). Một dãy nhà tre nứa, tuềnh
toàng, ọp ẹp nằm thườn thượt như nấm mồ hoang, cỏ chui qua vách nứa. Ông hòa nhập
nhịp sống của trại rất nhanh. Sáng sáng, khi hồi kẻng lành lạnh rờn rợn ré lên,
là ông đổ nước vào miệng, súc òng ọc vài cái rồi ra lĩnh củ khoai ăn sáng. Xong
là ra lĩnh cuốc xẻng, quang gánh – công cụ cho một ngày lao động. Định mức là rất
rõ ràng cụ thể, nhưng có hoàn thành hay không lại là việc không quan trọng.
Quan trọng là ý thức: phân công việc gì cũng chấp hành không ý kiến, không thắc
mắc. Quan trọng là: khi có mặt quản giáo phải cố làm việc hăng say, chờ lúc quản
giáo vẫy tay gọi phải nhanh nhẹn chạy đến, đứng cách xa 3m cúi đầu, lắng nghe lời
huấn thị, giáo dục của quản giáo: “Hồ hởi, phấn khởi nhé – Đào sâu suy nghĩ
nhé!” Tất cả chỉ có thế thôi. Rồi buổi tối ngồi gật gà bình xét. Khổ, đói rồi
cũng quen, nhưng nhớ nhà thì không thể. Chiều chiều, sau bữa cơm thấy Apao lánh
riêng ra một chỗ, đăm đắm nhìn rừng núi thâm u là ông lại lặng lẽ rơi nước mắt.
Apao nó đang nhớ nhà, nhớ rừng… Ngày ông bị bắt, đứa con út mới sinh được mấy
ngày, mới chỉ kịp đặt tên. Vợ đã yếu giờ lại bị cho thôi việc. Tấm thân gày còm
ấy giờ đây biết làm gì để nuôi bốn đứa con nhỏ dại. Tuần trước, nghe nói, họ cử
cán bộ đến tận nhà vận động vợ con ông đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hoàn cảnh
kinh tế khó khăn… Những lời nói đường mật… Những viễn cảnh ngọt ngào… Lòng ông
nóng như lửa đốt. Ông muốn thét vào không gian dặn vợ: “Cố bám chặt lấy phố phường.
Cống rãnh, đường phố sẽ giúp Em và các con vượt qua hoạn nạn.” Nhưng núi rừng
trùng điệp thế, không gian mang mang thế làm sao ông dặn nổi vợ con! Ông đau
đáu thấy mình có tội với vợ con. Bất lực, bí tắc, ông lê chân đến đứng trước mặt
người quản giáo – người trạc tuổi con ông, chưa đọc thông viết thạo. Ông chắp
tay, cúi đầu, giữ đúng khoảng cách 3 mét rồi nhỏ nhẹ thưa: “Thưa cán bộ, trường
hợp tôi bao giờ thì được ra toà?” Ra tòa! Phải! Ra tòa! Các phạm kinh tế
hay hình sự ở lán ông ai cũng đã được ra tòa. Họ có án đàng hoàng. Họ biết rõ
ngày đi – cũng biết rõ ngày về. Còn ông… Ông mong ước được ra tòa. Ra tòa – ông
nghĩ: Mọi việc sẽ được phân định rõ ràng. Trắng ra Trắng. Đen ra Đen. Lúc ấy, dẫu
có phải đi tù ông cũng không oan ức. Người quản giáo nhìn ông. Nhìn từ đầu xuống
chân rồi khinh khỉnh nói:
- Ông là nhà văn có tiếng mà còn dốt
thế! Tù rồi còn đòi ra tòa làm gì?
Ông lạnh người nhận ra cái tuyệt
đúng, tuyệt gọn, tuyệt dễ hiểu của lời lẽ anh quản giáo, nhưng như thế thì mông
lung quá, mịt mờ quá… Ông rụt rè thưa tiếp:
- Nếu không ra tòa, không có án tôi
biết sao được tội gì? Hình phạt là bao nhiêu năm?
Nhìn ông, anh quản giáo cười hiền, tỏ
ý thông cảm:
- Dốt thế, ở tù cũng đáng... Ông là
đi học tập, đi cải tạo chứ có phải tù đâu mà hỏi án bao nhiêu năm. Đi học tập,
đi cải tạo thì bao giờ học tập tốt, cải tạo tốt thì… ra trường. Tốt nghiệp ý
mà! Muốn biết bao nhiêu năm thì phải tự hỏi mình chứ hỏi gì tôi. Thôi, hồ hởi,
phấn khởi nhé!.
Ông ghìm tiếng thở dài ngao ngán, biết
mình rơi vào tình trạng sống dở chết dở rồi, muốn thoát khỏi nó chỉ còn cách:
“… Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm hại
Khôn ngoan không dám làm người
Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi…”
Phải biết chấp nhận thực tại. Chấp nhận
một cách hồn nhiên và phải luôn hồ hởi, phấn khởi. Apao đấy. Họa sĩ Kha đấy. Họ
đi tù rất hồn nhiên, đâu có trĩu nặng như ông. Càng hồn nhiên, giác ngộ tốt, hồ
hởi, phấn khởi, sẽ càng chóng… ra trường.
Mấy tháng sau, ông được giám thị gọi
lên giao nhiệm vụ mới: làm y sinh – dùng lá lẩu quanh trại chữa bệnh cho phạm
nhân của trại. Hồ sơ lý lịch cho họ biết, ông có tài vặt này từ khi ngồi tù thực
dân ở Sơn La, có lẽ vậy. Tốt quá! Nhận nhiệm vụ mới ông rất vui. Vui vì nhiều lẽ.
Từ đây ông được tạm chia tay với cuốc, với xẻng, với gánh phân… với những tối
ngồi bình xét ngày lao động. Từ đây không có người giám sát, ông sẽ có thời
gian tranh thủ hái thêm mớ rau rừng, vồ thêm con cóc, đập thêm con rắn cải thiện
bữa ăn, bồi dưỡng cơ thể để còn có sức mà về với mẹ đĩ. Ông bồi hồi nhớ tới lần
vô tình nhìn thấy con cua đang lổm ngổm bò dưới đáy ruộng lúa. Ông gạt vội đám
đỉa lúc nhúc ngoe nguẩy trên mặt nước, ào xuống ruộng, vồ gọn mấy chú cua. Xé từng
con ăn sống, mà chất ngọt chất bổ của con cua thấm đến đâu ông biết rõ đến đấy.
Đúng là bổ hơn cả nhân sâm. Từ đây, ông sẽ có dịp la cà sang các lán chuyện
trò, thỏa chí tò mò ham biết của nhà văn. Và nhất là việc trị bệnh cứu người
còn giúp ông nuôi dưỡng ngọn lửa tính người mà giờ đây trong ông nó chỉ còn leo
lét cháy… Nghe đồn, ở lán chân đồi còn gọi lán Đồi Ma có nhốt một phạm lạ. Phạm
này chẳng biết mắc tội gì. Cũng chẳng biết có điên hay không. Chỉ biết từ ngày
vào trại hắn chỉ nói, nói sang sảng, nói toàn đúng, nói tới mức giám thị trại
phải nhốt riêng hắn ra một lán khuất nẻo. Hôm trên đường sang lán 4 chữa bệnh,
ông ngó trước ngó sau không thấy ai liền tạt sang lán Đồi Ma. Đúng lời đồn, khi
còn cách lán vài chục mét ông đã nghe tiếng nói sang sảng phát ra. Giọng nói có
âm có sắc, tròn vành rõ chữ, khúc triết mạch lạc nhưng đã đuối. Ông ghé mắt
nhòm qua vách lán. Trong không gian tử thần có một bộ xương người ngồi ngay ngắn
trên mặt sạp nứa dài thườn thượt. Từ lỗ thủng sâu hoắm trên chiếc đầu lâu sang
sảng phát ra tiếng nói rất hay và tuyệt đúng. Ông rùng mình, bỏ chạy. Hai ngày
sau hắn chết. Ông ghìm tiếng thở dài, thương lắm số kiếp một sinh linh nhỏ bé.
Con người có số phận không? Ông nhớ, sau lần vượt ngục Sơn La, tổ chức Đảng cho
người tìm đến tận nhà giao cho ông một cái chức kha khá… Tiếp theo là những
ngày hoạt động sôi nổi, tràn đầy hào khí. Những bài thơ, trang văn, lời kịch đậm
đà lòng yêu nước diết da toát ra trong bản ngã của con người nhân hậu có sức
hút công chúng lạ lùng. Ông hừng hực sống. Ông rạo rực sống. Miền Bắc hoàn toàn
giải phóng, toàn Đảng toàn dân náo nức bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, ông háo
hức vung ngọn bút náo động kịch trường. Ngày đêm ông say sưa làm việc, lúc viết
kịch bản, viết báo, viết thơ…, khi làm đạo diễn chọn diễn viên, phân vai, chọn
cảnh; lúc gặp người này, khi người khác gặp… náo nức tưng bừng… Thế mà bỗng
nhiên, thoắt một cái thành thằng tù xa vợ, lìa con, bạn bè lảng tránh…
Ông ngậm ngùi chợt nhớ đến cái ngày
ra tù… “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”. Ra tù, ở Yên Bái tiếng ấy reo vang, hừng
hực như lửa phát nương nhưng khi về đến đô thành nó trở thành đốm lửa ma lạnh lẽo.
Ở Yên Bái bạn tù lưu luyến tiễn đưa, về đến nhà không bạn bè thăm viếng. Thậm
chí mấy ngày sau, ra phố vô tình gặp người bạn văn (người bạn hiểu rõ nỗi oan
khuất của ông giờ đã có chức có quyền trong làng văn nghệ), người đó kéo sụp mũ
che mặt lảng tránh… Cũng phải thôi, họ sợ liên lụy. Ông tự nhắc mình: giờ đây
trong quan hệ mình phải thận trọng giữ gìn đừng để liên lụy đến bạn bè hàng
xóm. Ngày ông đến đồn công an trình báo, người chiến sĩ công an trạc tuổi con
ông (cái tuổi mà khi ông và đồng đội bừng bừng dũng khí tham gia cướp chính quyền
thực dân – phong kiến, chúng còn đỏ hỏn) nghiêm khắc, ân cần giáo dục và nhắc
nhở ông phải sống sao cho ra sống. Lòng ông nhức nhối, buốt đau. Giá trước đây
thì… Nhưng giờ đây, sau những lời giáo huấn đó là hộ khẩu, tem gạo; là người vợ
và những đứa con xanh xao, gầy còm, ngơ ngác sống, rụt rè sống, nhẫn nhục sống…
Ông lểu thểu về nhà, lăn ra giường và nghĩ miên man. Phải kiếm việc để làm ngay
– ông tự nhủ. Nhưng, làm gì? Văn sĩ Đoàn nói: “Vì không biết làm gì, tôi phải
làm nhà văn.” Còn ông, đến nhà văn cũng không được làm thì làm gì? Làm gì?...
Té ra, một ngày ở ngoài nghìn thu ở tù. Ông lò dò đến thùng gạo. Mở nắp thùng
thấy chỉ còn vài lon gạo. Ông giật mình hiểu ra cái khảnh ăn của vợ con. Thảo
nào, vợ con ông gầy gò, xanh xao thế! Phải tìm việc đi làm ngay – ông tự nhủ rồi
đi luôn đến nhà văn sĩ Trần. Nghe nói, mình đi Yên Bái được ít lâu thì cậu ấy
cũng bị nghỉ việc. Lăn lộn hè phố lâu rồi, chắc cậu ấy có nhiều mối tìm việc,
lo gì ế! Ông căng mắt nhìn xiên vào lớp không gian mờ mờ ảo ảo, trống trải, lạnh
lẽo như căn nhà mồ và giật mình, ngơ ngác khi nhận ra hình dạng người bạn nối
khố. Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! Đúng là: hết thời kỳ oanh đến thời kỳ
liệt. Còn đâu văn sĩ Trần đầy vẻ tinh tướng. Ăn mặc thì phong lưu, đài các. Lời
nói thì khúc triết, văn hoa. Đi đứng thì ung dung tự tại. Giờ đây, văn sĩ Trần
lừng danh đang ngồi co ro như chú gà rù trên chiếc giường giẻ quạt cũ, đầu gối
quá tai, nom rũ rượi, thê lương hơn con bù nhìn trên ruộng. Vừa nhìn thấy ông,
văn sĩ Trần hơi ngửa mặt cười và nói luôn:
- Học tập xong rồi hả? Giác ngộ rồi,
đến giáo huấn ta đấy phỏng?... Ngẫm kỹ thấy anh cũng giỏi. Giỏi lắm! Người đời
phải gây tội mới được tù. Còn anh, chẳng phải nhọc xác gây gì cũng được tù. Thời
Pháp đi tù thời Pháp. Thời ta đi tù thời ta. Thời nào cũng được tù. Dễ thường
nghề tù cũng đến kịch bậc rồi chứ kém cỏi gì!
- Tưởng cậu hộ khẩu ngoài đường phố.
Biết đâu lại “cấm cung” thế này! Yếu liễu đào tơ quá! Nghe nói, tớ đi Yên Bái
được mấy tháng thì cậu cũng có quyết định cho thôi việc hả?
- Quyết định quyết đeo gì đâu. Sau mấy
hôm kiểm điểm, đến cơ quan làm việc tự dưng thấy anh em nhạt nhẽo với mình quá.
Cứ xà vào đâu thì chúng nó hình như lại lảng đi. Cũng chẳng thấy thủ trưởng
phân công công việc… Được vài hôm như thế thì chán, thì nghỉ, chứ quyết định
quyết đeo gì. Ông Trương, thằng Phùng, thằng Nguyễn cũng nghỉ việc cơ quan rồi.
Thằng Phùng ra bờ hồ cắt tóc, gần cây đa ở đền Ngọc Sơn ấy. Ông Trương tối tối
xách sọt đi các chợ, bới rác nhặt lá lẩu về nuôi lợn, nuôi người. Thằng Nguyễn
đi đội than ở Vọng. Ông có biết thằng Văn không? Thằng ấy hóa ra số sướng ông ạ.
Khi ở nhà, thì nhà cạnh hồ, tha hồ sát cá. Giờ lại được điều đến nông trường
trông giữ mía cho Hợp tác xã ông ạ. Đúng là chuột sa chĩnh gạo. Phải tay ông
thì, mía sẵn đấy ông cứ “tẩn” cho đã đời.
- Ông tìm được việc làm ổn định như
chúng nó chưa?
- Ông lạ gì tôi. Tôi thì làm được cái
đếch gì ngoài việc viết. Học từ tấm bé đến giờ. Cái kìm còn không biết cách cầm.
Mó phải cuộn dây điện nằm trong tủ còn sợ giật. Giờ không được viết nữa thì ở
nhà trông nhà, nấu cơm, cho vợ với cái mẹt thuốc lá lê la đầu đường xó chợ.
Thương bà ấy, trước tôi cũng lò dò ra giúp thêm. Nào ngờ cứ dò ra lần nào là lần
ấy mẹt thuốc bị bắt. Họ không bắt mình mà chỉ bắt mẹt thuốc mới đau. Sau bà ấy
cấm chỉ, bắt tôi cấm cung ở nhà. Lúc nào buồn quá thì… “Mây ở đầu ô, mây lang
thang”…
- Nghe nói, cậu Hoàn – bạn con chấy cắn
đôi với cậu, dạo này lên to lắm. Đến nhờ nó một câu việc gì chẳng xong. Có việc
làm nó mới ra con người ông ạ.
- Tớ đếch đến! Mình gặp nạn nó không
đến, mình lại mò đến xin xỏ, nhờ vả nó thì còn ra đếch gì cái tình bạn. Mà có lẽ
bạn mình tinh những loại hiểu biết, giỏi giang, vô tình gặp mình trên phố chúng
đều biết cách kéo sụp mũ xuống che mặt, lảng tránh. Làm vậy đỡ khó xử ông ạ!
“ Mai sau có gặp lại nhau.
Xin đừng cúi mặt để đau lời chào.”
Nó không đánh hôi mình thế là tốt rồi.
- Nó thù ghét gì mình mà đánh hôi. Chẳng
qua là do bị phân công mà phải viết thôi. Thông cảm với chúng nó – người mà.
- Ông ở xa nên không biết. Đúng là
chúng nó chẳng có thâm thù gì với mình. Đúng là có đứa bị phân công, nhưng cũng
có đứa vì chút lợi lộc, quyền chức nhỏ nhoi mà a dua, xiểm nịnh. Có đứa té nước
theo mưa để ra vẻ ta đây là oai, là quan trọng, là trung thành và cách mạng tới
cùng… Lão Sơn đấy, khi bài Nam Chinh mới ra đời thì hết lời khen ngợi, tụng ca,
giờ thì quay ngoắt 180 độ phê cái này, phán cái kia, đọc mà lợm giọng. Nhưng
thôi, giờ cái gì đã qua rồi thì cho qua luôn, không giữ cho khỏi rặm bụng. Hỏi
thật nhá: Hôm nay anh đến định nhờ tôi xin việc chứ gì? Phải thì khai ra!
- Phải! Nhưng tôi về đây. Ốc còn chẳng
mang nổi mình ốc…
- Thế mà lại mang được cọc cho rêu đấy.
Ông có thích đi đẩy xe bò không? Đẩy thôi. Phụ thôi. Không được cầm càng đâu. Cầm
càng là phải giỏi lắm! Lớ ngớ nó tùng bê mẹ xe bò lên, người lơ lửng trên không
trung như con nhái bén ấy. Tôi có quen anh tổ trưởng tổ vận chuyển Toàn Thắng.
Chưa bại lần nào. Ở đấy họ đang cần tuyển một người đẩy xe kiêm bốc dỡ hàng.
Lương công nhật đồng tư một ngày, không cao lắm nhưng cũng nhiều hơn tiền công
đan thuê của mấy con vịt giời nhà ông. Bở đấy. Thích thì tôi xin cho. Áo quần đầu
tóc lếch thếch thế này là tốt rồi nhưng… phải cái là da còn trắng quá, mịn quá.
- Bở đấy. Ông làm đi. Tôi đâu dám
cướp “nắm cơm chim” của bạn.
- Tôi cũng muốn làm lắm nhưng họ
không dám nhận. Không dám nhận ông hiểu không? Cái tình thế khốn nạn của tôi là
thế đấy. Thà như ông đi tù rồi là xong. Thằng tù rồi thì làm gì mà chẳng được.
Còn thằng tôi, thật sống dở chết dở…Việc đang làm thì tự nhiên nghỉ. Bài viết
chẳng dám in… Chẳng có tai tiếng gì nên thiên hạ họ vẫn nghĩ mình cao sang lắm…
Anh đây công tử không nhà. Cái áo đi mượn cái quần đi thuê… mà họ vẫn tưởng là
ông nọ bà kia. Tôi đã xin tay tổ trưởng rồi, hắn tưởng tôi nói lỡm nên lại nói
dỗi, càng làm mình thêm đau. Thế có chết cha mình không. Thôi, không dài dòng,
ông theo tôi đến gặp nó ngay, không nó nhận người khác thì khốn…
Ông từ từ mở mắt, nhấp nhẹ một hớp
chè, tự thưởng cho cái trí nhớ của mình. Mấy chục năm ba chìm bảy nổi ngỡ tưởng
tất cả đã trôi vào quên lãng, nào ngờ… Ông nhớ rõ từng chi tiết, từng từ ngữ, từng
biến thái sắc mặt của văn sĩ Trần trong cuộc trò chuyện đó. Giờ đây bạn ông đã
là người thiên cổ. Hết rồi, đời của một con người tài hoa bạc phận nhưng những
gì bạn ông làm được lúc văn chui – rượu lậu vẫn còn cả đấy… Những trang văn, những
bài thơ bạn âm thầm viết, giấu vợ, giấu con, giấu bè giấu bạn… mà sao thấm đẫm
tình người, mà sao run rẩy cõi không gian. Giá mà ông Trần còn sống, cùng ông
đi dự lễ phát giải thưởng văn chương cho ông Sâm (trong lũ chúng ta) thì ông Trần
sẽ nói gì, khi thấy cảnh vợ con ông Sâm xốc nách, đặt ông lên ghế ngồi. Còn ông
Sâm chỉ lặng lẽ ngồi, mặc cho mấy giọt cặn lệ khó nhọc rỉ ra nơi khóe mắt. Một
vinh quang cay đắng. Một hạnh phúc muộn mằn. Ai đó nói nhỉ:
Hạnh phúc đến sao người thân nước mắt
rưng rưng
Hạnh phúc muộn, mong manh hơn sợi
khói
Hạnh phúc đến, anh lặng không cười
nói
Anh biết mình, không còn được như
xưa…
Thương những giọt nước mắt rơi
Nuối tiếc thời hoa đỏ
Lo sợ ngày mai…
Trên đỉnh cao vời vợi
Gió rít mịt mùng
Đỉnh chon von, chơi vơi…
Mà anh tóc bạc, da mồi…
Hạnh phúc muộn như trái cây chín ép
Chỉ nhợt nhờ, ưng ửng đến quái thai
Chỉ sợ xấu trai!
Không cần đẹp lão!
Phải lắm! Đẹp lão còn nhử được ai!
Mà có nhử được cũng bất lực, phí cả cái đẹp đi. Nhưng nói thế liệu có thái quá
không? Vì méo mó có vẫn hơn không. Hơn nữa, chí ít đó cũng là sự ghi nhận: lũ
các ông đâu phải tồi. Suối giải oan cũng bớt đi được vài chục giọt… Ông tủm tỉm
cười khi nghĩ tới cảnh ông hân hoan từ nhà văn sĩ Trần về báo cho vợ con biết
tin: ông đã trúng tuyển và được bổ nhiệm làm thằng đẩy xe bò kiêm bốc vác trong
tổ vận chuyển Toàn Thắng – không bại. Nghĩ vợ con cũng mừng rú như ông, nào ngờ…
Họ ôm mặt khóc thút thít. Những tiếng nấc nức nở, xót thương làm ông hoảng sợ.
Thời gian sau, khi công việc đi vào ổn định, cả nhà đã quen cảnh sáng sáng ông
úp chiếc nón rách lên đầu, tay xách liễn cơm lầm lũi bước ra khỏi nhà, vợ ông mới
nói: hôm đó họ khóc vì họ thương ông quá. Một nguời chữ nghĩa đầy mình, thông
minh sáng láng, tiếng Tây tiếng Tầu vanh vách…, phải đi tù còn có thể hiểu được,
chứ làm ông xe bò kéo thì họ chưa bao giờ tưởng tượng được. Cái bà, trông thế
mà lạc hậu. Còn vương vít tư tưởng tiểu tư sản (Tạch – Tạch – Sè). Thời đại mới:
lao động là vinh quang. Là nhà văn, là nghệ sĩ, là giáo viên hay anh hót cứt đều
vinh quang tuốt. Ăn trộm ăn cướp của ai mà xấu hổ. Hơn nữa, lao động sinh niềm
vui. Tự giác ngộ mình thế thôi, nhưng thực lòng những ngày đầu đi đẩy xe bò ông
thấy ngượng ngùng, xấu hổ… Vẫn chỉ dám cắm mặt xuống đường và rất lo gặp người
quen. Lòng tự nhủ phải dấu mình, để lòi đuôi ra thì rách việc lắm…
“… Li ti đi dưới gầm trời
Vẫn lo nhiều lúc mây rơi trúng đầu…”
Rồi cũng dần dần quen… Những ngày
đi đẩy xe bò, cắm mặt xuống đất ông thấy lòng thanh thản, đầu óc thư thái, ăn
ngon ngủ say. Vĩnh biệt nhé danh hão! Vĩnh biệt nhé họp hành, kiểm điểm! Rồi
ông cũng tự nhiễm những “thói quen nghề nghiệp”: nắng thì úp mê nón rách lên đầu,
nóng thì quần đùi - cởi trần, khát thì chổng mông bên vòi nước công cộng, mưa
thì phủ chiếc áo tơi… Những thói quen rất tốt cho cuộc sống đầy cảnh giác. Giờ
thì ông đã an tâm sống. Trong con mắt của đồng nghiệp, cái anh Hoàng hiền đến mực
cậy mồm mới nói vài câu, chỉ được cái hùng hục làm, đích thực là người của họ,
cũng bố cu mẹ đĩ, cũng thành phần cốt cán, không có gì phải cảnh giác. Cuộc sống
và sự nghiệp của ông sẽ êm ả trôi nếu không có một lần… Quái lạ, cái đất nước
mình, ở đâu, môi trường nào cũng có gái đẹp mới chết chứ. Cái cô Thúy đã đi đẩy
xe bò mà người ngợm cứ ròn tan, tươi tắn. Lại còn cái mắt, cái mồm mới diệt giới
làm sao. Lại còn cứ tìm cớ trêu chọc, va chạm. Những va chạm, tình tứ làm ông
nhớ về những ngày tháng huy hoàng… Những cô đào, nghệ sĩ lừng danh thiên hạ
cũng va thế, cũng chạm thế, cũng liếc thế… Mình là thằng đẩy xe bò, ngơ ngơ,
dôn dốt – ông luôn tự nhắc mình và cố lờ như không hiểu những lời trêu chọc:
Ai sinh ra cái xe bò
Để chàng quân tử kéo gò lưng tôm
Dựa lưng vào chiếc xe, ông lấy nón
úp lên mặt, vờ như nằm khểnh mặc mẹ đời. Lại vút lên tình tứ:
Làm trai cho đáng nên trai
Ăn cơm với vợ còn nài vét niêu
Rồi những cái lay, tiếng giục, tiếng
cười rạo rực… Nó nhìn cậu, nó cười kìa… Không dằn nổi mình, ông buột miệng:
Gái này là gái cũng liều
Thắt lưng thật chặt giằng niêu với
chồng
Tiếng vỗ tay, cười nói rầm rầm làm
ông hứng khởi. Chợt nhận thấy ánh mắt nghi ngờ, cảnh giác của ông tổ trưởng.
Ông giật mình ân hận. Rồi đến một trưa nắng. Nắng mềm đường nhựa. Nắng cháy
gió. Có hai người Pháp đỏ như tôm luộc nói với nhau những lời lo lắng vì lạc đường.
Ông bèn chỉ cho họ biết đường về khách sạn Metropol… Việc chỉ vậy thôi nào ngờ…
Chỉ ít phút sau ông đã phát hiện thấy tay tổ trưởng bí mật vào đồn công an
trình báo những điều nghi vấn. Ông ghìm tiếng thở dài, số kiếp ông sao khổ vậy,
người ta làm người lao động sao dễ thế, mà ông… Ông nhớ tới ông Xuân ở bãi Phúc
Tân, trốn cải cách ở quê lên bãi sinh sống. Cũng trắng trẻo thư sinh như ông,
cũng tiếng Tây tiếng Tàu làu làu mà cũng xe bò ba gác như ông, tối tối còn xách
cái đèn dầu đi học bình dân học vụ. Hai năm ròng học không xong cái vỡ lòng nên
gia đình được xếp thành phần dân nghèo thành thị. Giờ đây ông ấy đã là người
lao động thực thụ rồi, không còn ai eo xèo, xoi mói. Thế mà ông đoảng quá… Binh
tình này phải nghỉ việc thôi. Gia đình đang đi vào thế ổn định. Các con đang
thì lớn, ăn như tằm ăn rỗi. Da vợ, má con đã có chút sắc hồng. Chẳng ai còn phải
khảnh ăn như trước…
Ông lại nhấp ngụm chè nhỏ và bất chợt
lè lưỡi nhớ tới từng ngày đi đào hầm thuê sau đó. Các cụ nói cấm có sai: Nhất
thổ nhì mộc.Ông không thể quên những lần vung chiếc búa chim xuống nền đá ong
khô khốc. Hai cánh tay bật chùn lại. Một luồng điện giật nẩy toàn thân. Ông khạc
mạnh vào lòng bàn tay một bãi đờm vấy máu. Lúc đó ông hoảng hồn, nhưng rồi lại
có cách tự trấn an mình. Hồi ở nhà tù Sơn La, có lúc ông đã thổ ra từng bát
máu, rồi cũng có sao đâu. Hơn nữa, bát cơm nào của người lao động chẳng đổi bằng
mồ hôi, xương máu. Ông lại nghiến răng vung cuốc. Công việc đang thuận lợi, thu
nhập cũng rảnh rang thì… Sư cha cái anh Giôn Xơn, nó lại tuyên bố: Ngừng ném
bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nghĩa là, nó ngừng ném bom ở khoảng không gian mà
ông sống và đào hầm để kiếm sống. Thế là… ông lại thất nghiệp. Nhưng ơn giời,
phúc tổ, các cụ lại nói đúng: Trời sinh voi thì sinh cỏ. Trong lúc chưa biết
nên buồn hay vui, khi mà anh Giôn Xơn giở chứng thì ông lại gặp vận may: ông được
anh buôn chó tuyển luôn làm phụ tá. Thế là từ đấy, sáng sáng với chiếc xe đạp
tòng tọc, với 2 chiếc sọt sắt buộc chắc chắn 2 bên gác ba ga, với cái thòng lọng
cắm sau yên, ông thong thả đạp xe sau anh lái chó, đi khắp đường làng ngõ xóm.
Đường xá ngoại thành và các vùng quê lân cận nhỏ lắm, xấu lắm. Nắng thì xóc nẩy
người. Mưa thì lầy ngập ngụa. Nhưng gió. Nhưng nắng. Nhưng bát ngát cánh đồng.
Bỗng thi hứng dạt dào trong ông. Ông dùng ý chí cố gạt nó ra khỏi đầu. Văn
chương là thứ cực kỳ nguy hiểm. Vinh quang chẳng đáng là bao mà nhục nhã ê chề
thì vô tận. Ngày ra tù ông đã ngầm tự hứa sẽ cai nó, sẽ cạch nó đến già. Nhưng
gió, nhưng nắng, nhưng hương đồng gió nội, nhưng những thôn nữ dịu dàng, e ấp
như lúa, như ngô… khiến thi hứng giờ đây cuồn cuộn trào dâng. Ông chặc lưỡi .
Sao mình lại không viết? Chẳng lẽ những cái mình viết trước đây đều vớ vẩn sao?
Cứ viết. Giờ chưa hiểu thì sau sẽ hiểu. Lưu Bang chẳng từng đã đái vào mũ Lục
Sinh sao? Sau lại phải dắt cả hoàng tộc và bá quan đi tế trên dòng sông nước Lỗ
để mua lòng sĩ phu trong thiên hạ? Lịch sử nhiều nước đã chứng minh chỉ có hôn
quân, bạo chúa mới căm thù trí thức, căm thù sách vở. Phải viết. Phải viết. Ông
lẩm nhẩm sắp xếp lại ý tứ trong đầu:
“Anh thích chồi thật xanh
Và hoàng hôn giáng đỏ
Con đường làng nho nhỏ
Hun hút vào chân mây…
(Ờ… ờ…) Cánh đồng quê bối rối
Con đường quê ngập ngừng
Hương quê thơm phập phồng
Em dịu dàng, e ấp…
Bỗng, từ một mái nhà lúp xúp ven đường
vẳng ra tiếng đàn bà gọi giật giọng: Chó ơi, Chó ơi… ời! Ông ngớ người nhận ra
họ gọi mình. Chút tủi thân, tủi phận chợt bật lên làm mắt ông nhòe đi…
… Ông bồi hồi nhớ về một ngày ở thời
buôn chó… Ngày ấy, ú ớ gặp hên. Mới nửa buổi ông đã mua được một xe chó đầy. Về
đến nhà thì vợ đi trả hàng, con đi học… Ông lôi giấy bút ra viết. Dòng cảm hứng
dâng trào. Những con chữ thân quen bừng bừng rạo rực nở rộ trên mặt giấy. Ông cố
ngoáy tay thật nhanh cho kịp, cho hết những ý nghĩ vùn vụt xuất hiện trong đầu.
Ông cắm cúi viết, miệt mài viết cho đến khi chợt nhận ra vợ và đứa con gái đầu
lòng đang ôm nhau thút thít khóc ở góc phòng. Ông thẫn thờ rời bút, hoang mang
đến với họ. Mấy năm này gia đình ông đã ở thế ổn định. Khó khăn và nỗi buồn nào
vào nhà mà ông không biết? Gạn hỏi ông mới biết, thì ra thấy ông đói viết, ngấu
nghiến viết như thằng đói lâu năm vớ được bữa ăn ngon, bà thương bà khóc. Bà
nói: Trong người có tơ thì phải nhả, nhưng chớ động tới ai. Viết xong không được
mang in mà phải nộp để bà lưu giữ.
- Vâng! Tôi viết thì ai người ta in
mà bà lo. Bà giữ cho tôi là tốt rồi.
Ông kéo đứa con gái vào lòng, xoa đầu
an ủi nó. Nó ngước mắt nhìn ông nói trong nghẹn ngào:
- Bố ơi! Bố đừng viết nữa, con sợ lắm.
Lời nói trẻ thơ như cật nứa cắt lòng
ông. Ông ứa nước mắt tự nói với lòng mình: “Bố hiểu rồi. Con đừng lo. Ngày ra
tù là bố biết ngay: Một ngày ngoài ngàn thu ở thù. Khi ở trại làm y sinh, chưa
được lên voi, chỉ ở mức lên chó thôi, đi tới đâu, gặp ai bố cũng được “đồng
nghiệp” tay bắt mặt mừng, chuyện trò, động viên, chia sẻ… Ngày ra tù, về nhà
con thấy đấy. Nhà mình vẫn hoang lạnh như nấm mồ hoang. Bạn bè thân thiết, hàng
xóm láng giềng có ma nào đến sẻ chia với mình đâu. Thậm chí ra ngoài đường có
người chẳng may gặp bố, họ còn kéo mũ che mặt lảng đi. Bố hiểu rồi, nỗi nhọc nhằn,
cực khổ của bố trong những năm ở trại sẽ chẳng là gì so với nỗi nhọc nhằn, tủi
hổ của mẹ và các con phải gánh chịu hàng ngày”. Một ngày ngoài ngàn thu ở tù. Bố
ơi! Bố đừng viết nữa con sợ lắm. Thảo nào thi sĩ Phúc, văn sĩ Lam cứ phải viết
chui, viết lủi. Mỗi lần viết cứ phải lén lút như tội phạm. Những câu thơ hay,
những áng văn hay thẫm đẫm tình người – tình vật phải chịu chung số phận đớn
đau nơi gầm giường, nóc bếp, đống rơm, chuồng lợn… Ông nghiêm túc nói với con:
- Bác Trần vừa tề gia nội trợ - nữ
công gia chánh để bác gái bán hàng vừa viết truyện. Ông Trương vừa bới rác nhặt
rau nuôi lợn vừa viết kịch. Bác Phùng vừa cắt tóc vừa làm thơ. Bác Loan vừa câu
cá vừa vẽ… Chẳng lẽ bố lại không vừa làm lái chó vừa viết văn được sao? Không đọc
không viết bố thấy tiếc thời gian lắm, tủi mình và chưa xứng với mẹ, với các
con. Vả lại, không viết nữa tức là bố công nhận mình sai, phải đi tù là đúng.
Đứa con gái ngừng khóc, mặt nó đanh
lại, biểu lộ sự sẻ chia nỗi đau với người cha. Nhìn mặt con, ông giật mình chợt
nhận ra, trên gương mặt nó, có những nét gì phảng phất nét mặt Việt Vương – Câu
Tiễn trong những năm nhẫn nhục. Lòng ông the thắt thương con và lo sợ cái gì lạ
lắm đang ẩn giấu trong mắt nó. Ông thủ thỉ nói với con và cũng như nói với lòng
mình:
- Con ơi! Oán hờn mà trả bằng oán hờn
thì oán hờn ngày càng chồng chất. Con người hơn con vật ở chỗ đối xử với nhau
có nghĩa có nhân. Lớn lên rồi con sẽ hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Thánh Găng
Đi nói: “Tôi không bao giờ tự hạ thấp mình ngang tầm của bạo lực.” Cái gì đã
qua bố con mình cùng cho qua con nhé! Chớ để bụng, đừng thù oán ai cả… Càng đớn
đau mình phải sống càng nhân hậu, con có hiểu không?
Lẽ ra ông có thể yên tâm sống trên
cõi đời này với vị thế của ông lái chó kiêm văn sĩ, nếu không có một ngày…Ông
khẽ lắc đầu… Ngày đó, ông mang chó về giao cho cửa hàng thịt chó Quang Vinh.
Người ta rọ mõm con chó lại rồi treo ngược lên cành cây. Hai hàng dãi chó nhễu
ra. Trong ánh mắt hoảng loạn của nó, ông nhìn thấy những tia oán hờn, trách
móc, nhẫn nhục, xót xa… Người đồ tể xía một đường dao sắc lẹm. Một tia máu phọt
ra đỏ hồng ấm như máu người. Con chó oằn mình giẫy giụa trong không gian. Càng
giẫy máu càng phọt mạnh. Thế là xong! Một số kiếp nhỏ nhoi, yếm thế trước sức mạnh
dửng dưng đến lạnh lùng của bạo tàn. Ông rùng mình, ân hận, xót xa… Thương cho
một kiếp chó vốn rất tận tụy, trung thành với con người. Và từ đó ông bỏ việc…
Cứ thế, ông ngồi chết lặng rồi lại
mỉm cười mơ hồ nhớ tới chuỗi năm tháng đổi nghề như thay áo. Những ngày ra ngoại
thành để đóng gạch thuê. Nhớ một trưa hè nắng như đổ lửa. Đang nhào đất thì bỗng
ngứa ran khắp lưng. Chân tay dính đầy bùn đất không làm sao mà gãi được. Chợt
nhìn thấy con trâu đang cọ mình dưới gốc đa, thế là ông chạy ngay vào chiếm một
chỗ. Bắt chước trâu, ông cọ mạnh tấm lưng trần vào gốc cây sần sùi. Cọ đến đâu
sướng run đến đấy. Đang sướng, bỗng ông giật mình nghe thấy tiếng khóc nức nở
như từ trên trời rơi xuống. Ngửa mặt lên nhìn thì… Ối giời ơi! Đó là cô đào
Bích – nghệ sĩ Bích Đào lừng danh. Bích Đào nói trong tiếng nấc:
- Ngứa mà cũng không biết đường gãi
gọn được như trâu… Em không thể ngờ đời anh lại có đận khốn nạn thế này… Về! Về
ngay! Em sẽ kiếm cho anh nghề khác.
Ông lại lắc đầu cười, nhớ về những
ngày sau đó nặn từng con lợn đất đem bán. Đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Người ta có nhiều mối giao hàng. Làm đến đâu có người đến tận nơi lấy hết tới
đó. Hơn nữa, họ lại có vốn. Lợn đất của họ, phơi khô xong được đưa vào lò nung
qua cho rắn, rồi lại còn được phết một lớp sơn đỏ rực màu. Đằng này lợn đất ông
làm tiền đâu mà thuê nung. Đành chỉ phơi khô rồi quét qua một lớp vôi hồng
trông cứ nhờn nhợt dài dại. Làm xong không có mối giao. Đành gánh hàng ra chợ
bán lẻ. Mua vé vào chợ thì lãi có ngày chẳng đủ tiền vé. Bán ngoài cổng chợ thì
công an, quản lý chợ bắt hàng. Gánh rao dọc phố thì tiếng rao đuối hơi, lạc
chìm giữa dòng đời ồn ã… Gánh ra ngoại thành thì bán được nhúc nhắc nhưng nhiều
lúc gặp mưa giữa đường, giữa đồng thấy cũng nản lòng. Có lần ông đã chịu ướt,
dành tấm ni lông che lên miệng thúng mà những cơn gió cứ tớn lên, giật mạnh tấm
ni lông để xối những hạt mưa vào những con lợn đất… Mươi phút sau, cả vốn lẫn
lãi của ông đã trở thành bùn đất… Ông lắc đầu mủm mỉm cười: rõ đúng, tình
thương vô ý gây nên tội. Ông lại bắt đầu những tháng ngày đi tìm việc. Ông nhẩm
tính trên ngón tay. Phải mượn thêm cả những ngón chân. Mác-xim Gooc-ky thời lưu
lạc trải qua bao nhiêu nghề nhỉ? Ơn giời, cuối cùng ông cũng neo đậu được cuộc
đời bằng nghề mộc. Tai ông lại vang lên tiếng gọi: Ê… mộc! Ê… mộc! Tiếng gọi
tuy xấc xược nhưng sau nó vẫn là cơm ăn, áo mặc, là tiền bạc, là cuộc sống của
gia đình. Ông vẫn hồi hợp chờ mong tiếng gọi như trước đây từng mong thiên hạ gọi
chó ơi! Chó ơi! Mấy chục năm gắn bó với nghề mộc cũng mang đến cho ông nhiều buồn
vui đáng nhớ. Đoạn đời này nếu viết ra cũng được tập sách dầy cỡ dăm trăm trang
chứ ít ỏi gì! Mà nhất định sẽ không tầm tầm, nhàn nhạt. Viết sách về cuộc đời
mình ư? Tướng tá, chính khách gì mà hồi ký. Jiu-cốp đâu mà “nhớ lại và suy
nghĩ”. Phải, mình sẽ viết lại những kỷ niệm buồn vui của một đời oan trái phải
học tập, phải rèn luyện thế nào để giữ được tính người trong một hoàn cảnh trớ
trêu, hoang dại. Hơn 40 năm sống trong oan sai mà giúp vợ nuôi 4 con ăn học nên
người, viết được dăm chục tác phẩm các loại. Đời người thế kể cũng chẳng đến nỗi
nào. Thân phận cỏ cây như thế phải đâu là bèo bọt. Có cây còn nuôi được trâu
bò, chó đẻ còn chữa được ỉa chảy, nhọ nồi còn cầm máu hay hạ được cơn sốt… Cỏ
cây như thế còn trăm lần hơn, vạn lần gấp những tên tuổi lẫy lừng mà độc hại.
Phải, mình sẽ viết lại cuộc đời mình để sẻ chia với bè bạn, người thân. Biết
đâu sau này, ai đó ngồi thăm thẳm trên ghế cao quyền lực, đọc cuốn truyện này sẽ
phải ngập ngừng nghĩ suy trước khi thò tay ký một quyết định liên quan đến thân
phận một con người, dù đó là thân phận con sâu cái kiến.
Cõi trời chỉ có cỏ hoa
Cõi người – nếu có, chỉ là chữ
NHÂN.
Nghĩ tới đây, dòng cảm xúc trong
ông dâng lên dào dạt. Ông lập cập đeo kính rồi lập cập ngồi ngay ngắn trước màn
hình, tay bật máy, tay rê rê con chuột. Rồi như có sức mạnh của quyền năng, các
ngón tay ông bắt đầu múa nhanh trên bàn phím. Những con chữ hối hả chen nhau xuất
hiện trên màn hình. Ông cứ gõ, gõ, tay như múa… Bỗng ông giật mình ngừng tay
khi chợt nghe thấy tiếng nấc rất quen thân của vợ. Tiếng nấc của một thời tưởng
đã là ngày xửa ngày xưa, không bao giờ trở lại.
- Ông!... Ông viết cái gì thế này?
Sao lại bắt đầu bằng ngày ông bị đi tù, hở giời!
- Tôi viết lại những kỷ niệm buồn
vui của đời mình ấy mà.
- Ông dừng ngay, dừng ngay không được
viết nữa! Tôi lạy ông, xin ông đấy. Bới lại những cái đó làm gì. Phế thải hạt
nhân đã chôn rồi thì không được bới, nguy hiểm lắm, ông a...à…ạ!...
- Bà yên tâm. Bây giờ đổi mới rồi.
Con người đối xử với nhau nhân văn hơn trước nhiều rồi. Mà bà còn lạ gì tôi,
nào có biết hận thù, căm uất ai đâu mà bà phải lo, phải sợ. Họ đánh mình đau
quá thì mình rên. Rên cho nó đỡ đau, bà ạ! Con người ai chẳng có quyền được
Rên.
- Sắp xuống lỗ rồi mà ông còn thơ
ngây thế? Ông tưởng Rên là tội nhẹ lắm ư? Các ông ngày xưa ngợi ca – hát
ông ổng còn bị kẻ độc miệng cho mang vạ. Giờ lại đòi Rên. Quyền được Rên! Ơ
hơ…quyền được Rên! Ngớ ngẩn, ngớ ngẩn hết chỗ nói…
Nghe vợ mắng, ông buông tay sững sờ…
ờ… ờ… Bà ấy nói… Bà ấy nói… Ông đưa mắt nhìn ra ngoài trời… Mưa! Mưa! Mưa vẫn xối
xả. Trong làn mưa mù mịt ông lại thấy quản giáo Quang lừ lừ đi vào, tay vẫy vẫy,
miệng làu bàu mà như ra lệnh cho ông: Hồ hởi, phấn khởi nhé! Hồ hởi, phấn khởi
nhé!.
Một làn gió lạnh thổi thốc vào nhà.
Ông rùng mình, tê buốt.
Cao ốc N5A, Trung Hòa- Nhân
Chính, 5/2007
Lê Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét