Trang chủ vừa nhận được sách mới xuất bản do nhà văn Kha Tiệm Ly gửi tặng, cuốn:
MÌNH ƠI! : Tủ sách kiến thức / Kha Tiệm Ly. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2020. – 198 tr. ; 19 cm.
Nhà văn Kha Tiệm Ly sinh năm 1947 tại xã An Quy, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ông tên thật là Thái Quốc Tế, bút danh Kha Tiệm Ly, Liêu Tấn Chương, Lam Kha, Vũ Chương. Thân phụ ông là nhà thơ Chánh Đạo Thái Vĩnh Tông. Các anh em ông cũng đều là những nhân vật nổi tiếng đương đại, như học giả Thái Quốc Mưu bút danh Mưu Thai, nhà văn Thái Quốc Phong bút danh Quốc Phong, nhà soạn cổ nhạc Thái Quốc Thế Nguyên bút danh A Lý Phương Tuyền được mệnh danh Viễn Châu 2, nhà thơ Thái Quốc Lệ Hoa bút danh Lệ Hoa và Thái Lệ Hoa.
Ông tốt nghiệp Đại học luật khoa và Văn khoa Sài Gòn.
Trước năm 1975, ông dạy Hán văn, Quốc văn ở nhiều trường tư thục Định Tường, Sài Gòn. Từng cộng tác với nhiều nhật báo ở Sài Gòn bằng viết truyện ngắn, thơ phú…
Sau năm 1975 ông phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Từ năm 2008 đến nay ông sống bằng nghề viết văn, nhanh chóng được nhiều bạn đọc trong và ngoài nước biết đến và ngưỡng mộ.
Một số tác phẩm chính đã xuất bản của ông là: Xóm cô hồn (tập truyện), Thơ túi rượu bầu (thơ), Hương xưa còn đó (tản văn), Bánh đúc có xương (tập truyện), Mình ơi! (sách kiến thức…
Trong gia tài sáng tác của Kha Tiệm Ly có đủ các thể loại văn, thơ, phú, kịch bản điện ảnh, cổ nhạc… mà thể loại nào ông cũng có tác phẩm được đông đảo bạn đọc mến mộ. Tôi từng nhận định Kha Tiệm Ly là một trong rất ít các cây bút viết phú hay nhất Việt Nam đương đại với Hoàng Sa nộ khí phú, Đối diện quân thù phú, Trường Sa tâm thư phú, Phú tặng vợ, Hàn sĩ nghinh xuân phú…
Năm 2020 tác phẩm Văn tế đại thi hào Nguyễn Du của ông đoạt giải Nhất cuộc thi viết văn tế về Nguyễn Du…
MÌNH ƠI! là một tập sách gồm 20 câu chuyện nói về địa danh, thuật ngữ, nhân vật, sự kiện ta thường nhắc đến hàng ngày mà không ít người hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, lịch sử của chúng như: Chiều dài của một con sông, Bà chúa xứ núi Sam, Quan niệm về cái đẹp, Phép lịch sự trong bàn ăn, Tại sao buổi chiều người ta hay buồn, Tại sao phụ nữ nói nhiều hơn đàn ông, Cải lương có từ khi nào, Văn hóa Facebook, Chợ nổi Cái Răng, Người xưa làm đẹp, Anh hùng anh thư… và nhiều hỏi đáp đời thường khác.
Bằng hình thức hỏi đáp giữa hai vợ chồng Cao Thám Hoa, tác giả đã góp phần tuyên truyền, thảo luận với bạn đọc một số kiến thức phổ thông rất bổ ích, nâng cao hiểu biết cho người đọc, qua đó tác động vào tình cảm người đọc yêu quê hương, cảnh vật, con người hơn…
Nghệ thuật đối thoại khi rủ rỉ tâm tình, lúc sôi nổi tinh nghịch của hai vợ chồng Cao Thám Hoa góp phần chuyển tải các kiến thức phổ thông về lịch sử, địa lý, văn học nghệ thuật, đạo đức, tập quán địa phương, ngôn ngữ… của vùng đất phương Nam. Văn phong của ông nhẹ nhàng, bình dị, dễ hiểu, có duyên, cách sử dụng nhiều phương ngữ miền Tây Nam Bộ, lối nói nửa cổ nửa kim… có sức cuốn hút người đọc, một khi đã đọc thì muốn đọc một lèo cho hết…
Chân thành cảm ơn nhà văn Kha Tiệm Ly tặng sách quý và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
15-7-2020
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét