Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

NGUYỄN KHẮC DOANH ( ? - 1930) / Trần Mỹ Giống


Tác giả Trần Mỹ Giống


            Nguyễn Khắc Doanh còn gọi là Nguyễn Khách Doanh, hiệu Hải Đàm, thường gọi Tú Khắc, Tú Khách, Tú Doanh.
Không rõ năm sinh. Chỉ biết ông mất năm 1930.
           Ông quê thôn Đầm, làng Tang Trữ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
           Ông đỗ Tú tài năm 1906. Khoa này ông được vào phúc hạch nhưng vì bài làm có mấy câu văn “láo xược” nên bị đánh rớt xuống Tú tài. Sau ông có đi thi một lần nữa nhưng vẫn không đỗ Cử nhân.


           Ông là người giàu lòng yêu nước, chán ghét thời thế, quyết không ra cộng tác với giặc Pháp. Sau khi đỗ Tú tài ông về sống bình thường ở quê, thường giao du với các bạn nhà nho bất đắc chí, làm thơ đả kích chế độ thực dân.

            Năm 1925 bọn thực dân Pháp bắt cóc cụ Phan ở Thượng Hải đem về nước xử án. Trước đó, năm 1912 thực dân Pháp đã kết án vắng mặt cụ Phan. Nguyễn Khắc Doanh đã cưỡi bò đi xem xử án. Giữa công đường, ông tha thiết xin chết thay cho cụ Phan Bội Châu. Ông bị giặc Pháp bắt giam. Sau khi được thả về, ông lại đón xe Toàn quyền Varenne, một lần nữa đòi được tù thay cho cụ Phan. Cùng với phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân đòi thực dân Pháp phải thả cụ Phan, hành động khảng khái của Nguyễn Khắc Doanh góp phần gây sức ép buộc tòa án Pháp kết án cụ Phan tù chung thân, không dám xử tử cụ. Toàn quyền Varenne phải can thiệp để cụ Phan được về an trí tại Bến Ngự - Huế…

            Nguyễn Khắc Doanh là một nhà thơ trào phúng nổi tiếng của Nam Định chuyển sang sáng tác bằng chữ Quốc ngữ. Thơ ông đả kích sâu cay bọn thực dân xâm lược và bọn tay sai bán nước, được nhân dân hào hứng đón nhận. Ông có tập thơ trào phúng “Chim oanh học nói” đả kích chế độ của thực dân cướp nước… Bon thực dân Pháp phải ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành những sáng tác của ông.

           Hầu hết các sáng tác của ông đã bị chính quyền đô hộ Pháp tịch thu tiêu hủy. Chỉ còn một bài lưu truyền đến ngày nay. Đó là bài phú nổi tiếng “Thi trường thảm trạng” được in trong một số sách tuyển tập văn học (Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. – Nxb. Văn hóa, 1963. – Tập 4 ; Tổng tập văn học Việt nam. Nxb. Khoa học xã hội, 1996. – Tập 21. – Tr. 823 – 825).

           Chỉ một bài “Thi trường thảm trạng” cũng đủ đưa ông vào hàng các tác giả yêu nước chống Pháp của đất Nam Định văn hiến và của cả nước hồi đầu thế kỷ hai mươi

Trần M Giống




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét