Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Hà Nội Tiếu lâm Truyền kì (Kì 106-2018): BÀI VĂN THI THỬ ĐẠI HỌC KHỐI C / Vũ Duy Chu




        Sau các kỳ thi đại học khối C với các loại đề mở, điểm thi môn Văn vẫn rất kém và thí sinh thi vào khối C càng ngày càng ít. Ít tới mức thảm. Tại một địa điểm đăng ký dự thi ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ có 3 hồ sơ dự thi khối C, trong tổng số hơn hai nghìn hồ sơ.
        Mấy ông dân quê bảo:
        - Đề thi mở tênh hênh hay khép tối hù thì cũng là thứ đề xa lạ. Đề thi chống tham nhũng thì học sinh chống thế nào được mà chống? Người lớn chống muốn khùng luôn mà tựa như gãi ghẻ, mang tội mang vạ tèm lem. Đề thi chống thói giả dối, bệnh thành tích thì tấm gương thầy Đỗ Việt Khoa to tổ chảng, còn sờ sờ ra kia kìa. Đề thi hâm mộ thần tượng thì thần tượng bà Ba Sương nông trường Sông Hậu Cần Thơ đó, thấy là tởn tới già luôn.

        Thế là hội phụ huynh trăm phần trăm người mần ruộng của xã Cà Hạ bèn tự tổ chức chung cho con em đang học cấp 2 và trung học thi thử môn Văn xem sao.
        Đề thi như sau:
        “Em hãy kể về sự gắn bó giữa con trâu với người mần ruộng quê em”.
        Sau đây là bài thi của trò Tèo, con bà Bảy ở ấp Cây Mắm.
        Anh Năm Cheo Trưởng Ban Giám khảo hắng giọng đọc:
        Em là Nguyễn Trọng Tèo, chăn trâu mướn cho ông Bảy Mập từ lúc em mới 6 tuổi cho tới lúc 15 tuổi lận. Em và trâu suốt ngày ngoài đồng. Họ hàng có đám cưới, đám giỗ, má cũng hổng cho em tới ăn, vì má biểu người mày toàn hôi mùi trâu.
        Ông nhà thơ đã không rành chuyện chăn dắt trâu cực thế nào, lại còn bày đặt véo von mùi mẫn:
        “Ai bảo chăn trâu là khổ
        Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”
        Ông Bảy Mập hổng bao giờ cho em cỡi trâu quí, em toàn phải cỡi lén. Ông ấy biểu “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trong ấp này ai cũng phải thuê trâu ông Bảy cày ruộng, kéo lúa, kéo gỗ… Ổng thu bộn tiền, làm nhà bự và đẹp nhứt ấp.
        Có bữa ông Bảy biểu má em:
        - Bà đừng có lo cái thằng Tèo ốm nhách, rồi nó “Mười bảy bẻ gẫy sừng trâu” cho bà coi. Em nghe sướng rơn, nhưng chờ gần 5-7 năm nữa mới 17 tuổi thì lâu quá, mà ngày nào em cũng đói bụng nè…
        Buổi tối hay sáng sớm em thường nghe ông Bảy nói chuyện với trâu trong chuồng, gãi lưng cho chúng nữa.
        Thế mà có bữa em nghe ông quát mấy ông cán bộ xã:
        - Nói chuyện với mấy người như “đàn gẩy tai trâu”.
        Thảo nào, ở lớp em mấy đứa cự lộn nhau về chuyện ông nghệ sĩ Đặng Thái Sơn có mang đàn về đây gẩy thì cũng chẳng ai biết nghe, gẩy cho nó uổng đàn.
        Ông Bảy hâm mộ trâu tới mức chuyện chi ông cũng đem ví von với trâu hết trọi.
        Ông vừa đi nhậu vừa càm ràm:
        - “Trâu chậm uống nước đục”.
        Ý ổng là nếu tới đám nhậu trễ thì hết mồi ngon, mồi dở thì giống nước đục.
        Bà Bảy nghe thế liền biểu:
        - “Thời buổi bây giờ chả có trâu nào chậm hết bay ơi, ngu gì chậm. Cái chi dính tới tiền bạc là người ta “tranh cướp nhau như tranh cướp thịt trâu toi”.
        Kì nha, thịt trâu toi có ngon bằng thịt trâu nhúng mẻ không ta?
        Ông Bảy biểu anh Đẹt lớn đòi lấy vợ rằng:
        - “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, mày ơi. Ham hố chi mà lấy gái tận tỉnh xa cho cực. Mỗi lần về thăm ba má vợ đi tong cả mấy trăm ngàn tiền xe đò, sướng hả con.
        Anh Đẹt vùng vằng không chịu. Ông Bảy quát:
        - “Ngu như trâu”. Trâu già còn đòi ham cỏ non.
        Chú Tư Lèo bên hàng xóm nghe thấy thế, thủng thẳng biểu thím Tư:
        - Ông Bảy kì, trâu già mà còn ham cỏ non là thứ trâu có chỉ số IQ cao, khôn thấy bà cố nội, ngu hồi nào? Hi… hi… hi…
        Thím Tư cầm chổi rượt chú Tư chạy có cờ luôn…
        Nhưng chú Sáu Ngoéo nói về trâu mới lạ nhen.
        Chú làm chức gì bự bự trên Sài Gòn. Chú về tới ấp là đám bạn hữu chú lại gầy độ nhậu, nghe chú nói chuyện thời sự.
        Mấy ông trong ấp biểu sao mấy vụ cướp đất đai bị dân kiện cáo, cán bộ tham ô làm thất thoát trăm tỉ, ngàn tỉ không thấy xử sọt gì ráo.
        Chú sáu Ngoéo chẹc một li, rồi hỏi:
        - Tôi hỏi mấy cha, cứt trâu có giống bùn không?
        - Khác! Khác chớ, cứt trâu bón ruộng tốt hơn chớ.
        Chú Sáu trịnh trọng:
        - Đúng. Nhưng nếu để lâu ngày thì cứt trâu hóa bùn. Người có tội không xử ngay thì cũng như cứt trâu lâu ngày vậy. Các cụ dạy ”Cứt trâu để lâu hóa bùn” là thế. Nước ta là một nước nông nghiệp trồng lúa nước, vì vậy không có trâu là dân ta bó tay. Hèn gì Xi Gêm 2003 tổ chức tại Việt Nam, người ta đã chọn con trâu làm linh vật, làm biểu tượng vui đó.
        Thế nhưng không ai chịu học những bài học có từ con trâu mới lạ. Ví dụ: “Chết ở vũng trâu đằm” là cái chết của anh cán bộ ngớ ngẩn. Người ta ăn chục ngàn mét vuông đất hổng sao, anh mới rớ có cái nền mấy chục mét vuông đã toi.
        “Mần như trâu húc mả” là cái anh mần mà không biết tính toán.
        Chú Tư Lèo nghe bức xúc quá, liền nổi sùng:
        - Bọn vô cớ tấn công người lương thiện thì được gọi là bọn “đầu trâu mặt ngựa”… Bọn mặt dái trâu
        Ôi, em rất yêu quí trâu nên nghe chú Tư Lèo nói thế, em ghét chú Tư Lèo luôn. Chú Tư xúc phạm trâu của em.
        Bài văn về con trâu của em tới đây là hết. Hẹn gặp lại

                                        ***

        Năm Cheo vừa ngưng đọc, tiếng vỗ tay, tiếng gõ muỗng chén rần rần tán thưởng:
        Đồng thanh:
        - Thủ khoa Tèo!
        - Mười điểm! Mười…! Mười…! M ư ời…!...

Sài Gòn, 20.7.2015
VDC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét