Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

NHỚ KỲ NHÂN LÊ XUÂN QUANG / Trần Mỹ Giống


NNC Lê Xuân Quang

           Một số bài viết trên báo và tạp chí của tác giả Lê Xuân Quang để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi hình dung tác giả là một người đạo mạo, kiểu như một giáo sư tiến sĩ với kính trắng trên mắt, ca-táp da trong tay, giày “I lích” dưới chân và đóng bộ “com-lê ca-ra-vát”... Nhưng khi được gặp tác giả trong một lần đi công tác ở xã Khánh Phú (Tam Điệp - Ninh Bình) hồi năm 1984, tôi ngẩn ra vì Lê Xuân Quang không hề giống với những gì tôi vẫn mường tượng về ông. Trước mặt tôi là ông già sáu chục tuổi, thân thể gầy gò trong bộ đồ xuềnh xoàng, cưỡi trên cái xe đạp cà tàng, trông như một lão nông nghèo khó. Tôi băn khoăn tự hỏi: “Tác giả của Bảy làng Cà, ba làng Hóp Làng rèn Vân Chàng trên ba miền đất nước là lão nông này ư?” Duy có đôi mắt của ông cứ sáng lạ làm tôi phải chú ý. Sau mấy buổi cùng ở nhà khách xã và trò chuyện với ông, tôi bị ông cuốn hút vào thế giới lịch sử, văn hoá dân gian Việt Nam bằng vốn hiểu biết Hán - Nôm và niềm say mê nghiên cứu của ông. Từ ngày ấy, tôi trở thành người bạn nhỏ của ông. Quan hệ của ông với tôi càng gắn bó hơn từ khi tôi được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định, cùng Bộ môn Nghiên cứu – Phê bình với ông.

           Kể từ ngày tôi gặp ông lần đầu, tháng một hai lần, ông đến Thư viện tỉnh Nam Định, nơi tôi công tác, khi thì trao đổi về một vấn đề mới phát hiện, khi tra cứu tài liệu, khi nộp cho Thư viện công trình nghiên cứu mà ông vừa hoàn thành hoặc tặng sách vừa được xuất bản. Lần nào đến thư viện, ông cũng đề nghị tôi đóng cho ông cái dấu cơ quan vào cuốn sổ nhật trình công tác của mình, chỉ để ghi lại những nơi ông đã đến như là một thú chơi, chứ chẳng có ai trả công tác phí cho ông.
           Quen biết ông đã hai mươi năm, nhưng mãi năm 2004 tôi mới có dịp về thăm ông tại nhà ở làng Đồng Côi, xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nơi ông ở là cái gác xép 5 mét vuông, chật như nêm bởi sách báo, tài liệu, bản thảo, trên tường la liệt những giấy chứng nhận giải thưởng và giấy khen. Một lần nữa tôi lại băn khoăn tự hỏi: “Những công trình nghiên cứu có giá trị của nhà nghiên cứu mà tôi ngưỡng mộ được ra đời tại cái nơi ở khốn khổ thế này ư?”
          Có một vị tiến sĩ khi nói về Lê Xuân Quang đã khinh thường: “Chuông khánh còn chả ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ ao”. Thế nhưng cái “mảnh chĩnh” ấy đã được nhận cả chục giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và nhiều giải thưởng của một số hội, tổ chức xã hội khác.
 Lê Xuân Quang sinh năm 1924 trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cụ thân sinh là thày đồ làng, cụ tổ bốn đời là Cử nhân Tri phủ Lê Xuân Thành, một trong “Nam Chân tứ hổ” nổi tiếng hay chữ ở huyện Nam Chân. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Lê Xuân Quang chỉ được học chữ Hán hết Luận ngữ, chữ quốc ngữ tới sơ học, rồi phải vào đời mưu sinh. Để kiếm sống, ông làm mọi việc, từ làm giáo viên bổ túc văn hoá, làm ruộng, đến bán lẻ sản phẩm cơ khí. Năm 1947, ông tản cư vào Kim Sơn (Ninh Bình), tham gia Công đoàn rèn, sản xuất vũ khí cho bộ đội và du kích địa phương. Nhưng ông say mê nhất “nghề” sưu tầm, nghiên cứu lịch sử - văn hoá dân gian, cái nghề không đủ sống, càng không thể làm giàu. Ông cần mẫn lặn lội khắp nơi, lúc đầu ở trong huyện, trong tỉnh, sau đi các tỉnh bạn trên toàn quốc để tìm... hồn dân tộc. Không được học trong nhà trường đến nơi đến chốn như nhiều người khác, ông học trong trường đời. Dần dà, hiểu biết của ông cứ nhiều thêm theo năm tháng. Thời gian chuyển cư vào Hà Trung (Thanh Hoá) ông hoàn thành công trình “Từ căn cứ Nham Tràng đến chiến khu Ba Đình lịch sử”. Nhờ công việc giao dịch, mua bán ông đã đặt chân đến nhiều địa phương và miền biên giới phía Tây. Khi qua Lào ông không bỏ lỡ việc khảo sát di tích Cánh đồng chum. Năm 1954 ông hồi cư, tham gia cộng tác viên Ty Văn hoá Nam Định rồi Sở Văn hoá Hà Nam Ninh, Nam Hà, được điều động tổng kiểm kê văn hoá nhiều huyện. Ông là cộng tác viên của Viện Khảo cổ, Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm UNIMA Việt Nam, Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử Văn hoá Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam.
Năm 1966, Lê Xuân Quang được kết nạp vào Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, rồi hội viên các hội: Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh (nay là Nam Định). Bằng con mắt tinh đời, sớm nhận ra năng lực và lòng nhiệt tình của Lê Xuân Quang, năm 1981 quyền Chủ tịch Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Giáo sư Phạm Huy Thông đã cấp giấy giới thiệu cho ông hoạt động nghiên cứu lịch sử trong cả nước, như là một phái viên đặc biệt của hội. Từ đó, Lê Xuân Quang như được tiếp thêm sức mạnh để đi điền dã nghiên cứu và cống hiến cho đời nhiều công trình có giá trị, với bút danh Sơn Hà Khách, Bá Ngọc, Hà Tuyết, Minh Chính... Một số công trình của ông đã xuất bản, được nhận giải thưởng như: Thần tích Việt Nam đoạt Giải C Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1996, Giải C giải thưởng Nguyễn Khuyến của Hội Văn học Nghệ thuật Nam Hà lần thứ 3 (1991 - 1995), Vũ Thư văn hoá và sự tích đoạt Giải C Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2001, Truyện đức Dương Không Lộ - Minh Không đoạt Giải C Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh của UBND tỉnh Nam Định (1996 - 2000), Tuyển câu đối thờ Nam Định (đồng tác giả với Dương Văn Vượng) đoạt Giải C Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1998...
           Ngoài các công trình đã được xuất bản, nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang còn hàng chục tác phẩm với gần 4.000 trang chưa xuất bản nhưng đã được nhận giải khuyến khích hoặc khen thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và một số tổ chức xã hội khác như: Làng nghề truyền thống Nam Hà (1994), Sao sáng trời Nam (1995), Truyện cổ Nam Hà (1996), Hội làng và tục cổ Nam Định (1997), Văn hoá hai bên sông Đào (1998), Trò Ổi Lỗi (1999), Ninh Bình văn hoá và sự tích (1999), Hương ước Nam Định (2000), Ca khúc - Trù văn và Mục lục trong hội làng Việt Nam (2001), Tướng lĩnh và di văn, di vật đời Tây Sơn trên đất Nam Chân xưa, Danh nhân họ Vũ ở Nam Định (tập 1), Câu đối thờ Việt Nam, Phát hiện nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử qua gia phả, Dọn vườn văn sử địa
Từ năm 1992 đến 2005, năm nào ông Lê Xuân Quang cũng có công trình nghiên cứu công bố rộng rãi hoặc nộp cho các cơ quan Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam, Thư viện và Bảo tàng tỉnh Nam Định. Báo Nam Hà số ra ngày 19 tháng 6 năm 1992 thống kê trong 6 tháng đầu năm 1992 ông Lê Xuân Quang đã nộp cho Hội Sử học 20 tài liệu (154 trang), Hội Văn nghệ Dân gian 60 tài liệu (364 trang), Viện Sử học 36 tài liệu (191 trang), Viện nghiên cứu Hán - Nôm 8 tài liệu (50 trang), Trung tâm nghiên cứu lịch sử 23 tài liệu (169 trang).
Theo số liệu chưa đầy đủ mà Thư viện tỉnh Nam Định sưu tầm được, tác giả Lê Xuân Quang có trên 200 bài nghiên cứu được đăng trong các báo và tạp chí trung ương và địa phương.
Một số bài viết của ông mà có người gọi là “những quả bom Lê Xuân Quang” đã gây được ấn tượng mạnh trong bạn đọc. Chính ông đã phát hiện, làm sáng tỏ nửa cuối cuộc đời Trạng nguyên Trần Văn Bảo mà lâu nay lịch sử còn bỏ trống. Ông đưa ra quan điểm mới lạ trong nhận thức về “Tứ bất tử” một cách rất thuyết phục, làm chao đảo nhận thức từ trước tới nay của nhiều người về vấn đề này. Theo ông, tứ bất tử là bốn loại người: Thần, Tiên, Phật, Thánh chứ không phải là bốn người cụ thể. Ông kịch liệt phê phán một số sách viết về Bà chúa Kho trái với lịch sử của những người viết vì mục đích kinh tế. Khi tranh luận với một vị giáo sư tiến sĩ xung quanh vụ án Lệ Chi Viên, ông dùng lý luận kết hợp với thực tế lịch sử để bẻ gẫy quan điểm của đối phương. Ông lấy chân lý làm mục đích trong tranh luận, không nể nang ai. Có lúc quá lời, ông gọi người này là kẻ phá hoại, người kia là tên xuyên tạc lịch sử. Cái tính thẳng thắn, lòng say mê nghiên cứu và vốn kiến thức của ông được nhiều người yêu quý và cảm phục. Ông được lãnh đạo nhiều cơ quan, địa phương nhiệt tình đón tiếp. Chủ tịch huyện Vũ Thư (Thái Bình) Đinh Văn Thứ có lần chỉ thị cho bộ phận hành chính của Uỷ ban nhân dân huyện: “Đối với bác Lê Xuân Quang, bất kỳ bác đến lúc nào cũng phải đón tiếp như thượng khách”.
Nhưng một số người có bài viết bị ông phản bác lại không ưa ông. Ông là cộng tác viên tích cực của một tạp chí ngành, nhưng mấy năm liền không thấy bài viết nào của ông trên tạp chí đó. Tôi hỏi thì ông bảo ông vẫn gửi bài nhưng không biết vì lí do gì mà tạp chí không đăng. Tình cờ, trong bữa liên hoan ở cơ sở, khi đã ngà ngà hơi men, tôi hỏi vị biên tập viên của tạp chí nọ thì anh này thật thà trả lời: “Bài của Lê Xuân Quang thường dính đến chữ Hán, em không biết chữ Hán nên không thẩm định được, tốt nhất là không đăng. Với lại Tổng biên tập của em không mặn mà với bác Quang...”! Tôi biết rõ ông Tổng biên tập này có một số bài viết bị Lê Xuân Quang phản biện gay gắt mà không “cãi” lại được. Thật may là những bài của Lê Xuân Quang bị loại bỏ ở tạp chí nọ lại được đăng báo và tạp chí trung ương.
Cách đây 5 năm, chúng tôi có đắp đôi câu đối chữ Hán ở hai cột cổng cơ quan:
Sơn Nam địa thiên niên văn hiến
Thư viện tự vạn đại lưu truyền.
Tôi khoe với ông Lê Xuân Quang. Xem câu đối xong, ông liền “dội” cho tôi “một gáo nước lạnh”:
- Hỏng! Hỏng! Đục đi ngay, không thì xấu hổ quá!
Tôi cụt hứng, hỏi vì sao thì ông giảng giải say sưa về những yêu cầu của câu đối và chỉ ra những cái dở trong câu đối của chúng tôi:
- Không thể chấp nhận việc đối chữ không chỉnh và hình thức viết câu đối ngược thế này. Phải viết vế đầu bên phải thì các ông lại viết ở bên trái. Phải viết chữ “hiến” bằng chữ nguyên thể với ý nghĩa dâng đồ cúng, nghĩa rộng là cống hiến, chứ không nên dùng chữ “hiến” giản thể là chữ ghép chữ “nam” với chữ “cẩu” do phong kiến Trung Quốc dùng miệt thị dân phương Nam ta. Chữ “lưu” với ý nghĩa kiến thức, sách vở còn lại mãi lâu đời như trong chữ “lưu tồn” hay “truyền lưu”, các ông lại dùng chữ “lưu” trong “lưu thuỷ” thì kiến thức nó chảy đi mất hết cả còn lưu được đâu. Lại còn chữ “đại” là không chuẩn, nên dùng chữ “thế ” (30 năm một thế, hoặc đời cha sang đời con là một thế) để làm rõ sự truyền lưu sách vở từ đời này qua đời khác.
Nghe ông phê phán như thế, tôi nóng cả mặt. Sau bình tĩnh lại, tra cứu từ điển Hán - Việt và tham khảo một số sách tiếng Hán thì thấy phần nhiều ông “nói có sách” cả. Tôi vốn rất ham học nên không những không giận, mà còn yêu quý ông hơn. Không chỉ tôi yêu quý ông, mà đông đảo bạn đọc và đồng nghiệp cũng yêu quý và cảm phục ông, bằng chứng là có khá nhiều bài ca ngợi ông trên báo và tạp chí như: Xưa và Nay số 12 - 1995, Đại đoàn kết 13 - 3 – 1999, Lao động số 28 – 2005, An ninh thế giới, ngày 4 – 5 – 2005, Hà Nam số Xuân 2005, Bưu điện Việt Nam số 12 – 2005, Khoa học và đời sống số 14 – 2006, Nông nghiệp Việt Nam số 20 – 2005, Lao động xã hội số 45 - 2005, Công an nhân dân số 201 – 2005, Nông thôn ngày nay 2005, Bảo hiểm xã hội số 37 – 2005 ... Năm 1999, Đài VTV3 Truyền hình Việt Nam dành cả một chương trình “Cây cao bóng cả” nói về ông với tiêu đề “Người khơi nguồn văn học dân gian”.
Khi ngoài 80 tuổi, sức khoẻ giảm sút, nhưng ông vẫn không thể bỏ thói quen đạp xe đi sưu tầm nghiên cứu. Bình quân 4 năm (2001 – 2004), mỗi ngày ông đi tới 30 km. Báo Nhân dân số ra ngày 1 – 10 - 1960 có in bài thơ của Bác Hồ (ký tên là T.L.):
Càng già, càng dẻo lại càng dai
Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai
  Đôn đốc con em làm nhiệm vụ
Vuốt râu mừng xã hội tương lai.
Ông Lê Xuân Quang có bài hoạ được đăng trong Tạp chí Đông Nam Á, Văn hoá Hà Nam, Khoa học Công nghệ và Môi trường Nam Định như sau:
Càng già gân sức lại càng dai
Xông xáo việc đời có kém ai
Ra sức phát huy tuỳ nghiệp vụ
Góp phần xây xã hội tương lai.
Thường người ta về già thì “Lão giả an chi” (Người già nhàn hạ nghỉ ngơi), nhưng nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang đúng là “Lão đương ích tráng” (Càng già càng dẻo càng dai).
Thầm trong lòng, tôi cầu nguyện cho ông sống trăm tuổi, để ông cống hiến nhiều hơn cho xã hội, để ông cùng cái xe đạp tàng tiếp tục cuộc hành trình đi và viết, để ông ghi tiếp vào nhật trình công tác của mình những kilômét mới mà hiện tổng cộng số kilômet ông đi đã bằng quãng đường hai vòng trái đất...

                                                                        ***

Đầu thu 2006 đang khi tôi đi công tác dài ngày, bốn năm lần ông thuê xe ôm lên tìm tôi. Hẳn ông có chuyện quan trọng đây. Nghĩ thế, tôi vội xuống thăm ông, nhưng ông lại vừa được nhà thơ Phạm Trọng Thanh đưa ra Nam Định cắt thuốc nam chữa bệnh. Hôm sau ông lại thuê xe ôm ra Nam Định, đề nghị tôi thu xếp cho ông được giao toàn bộ bản thảo các tác phẩm của ông cho Thư viện tỉnh lưu giữ.
Khi ông bệnh trọng, tôi vào thăm. Ông chỉ còn da bọc xương, cổ chân phù lớn, mắt vàng như nghệ, nói không rõ tiếng. Con dâu ông chỉ vào tôi hỏi ông: “Ông có biết ai đây không?” Ông gật gật đầu, phát âm phều phào: “Gi…ống, Gi…ống” (Giống, Giống). Ông chỉ lên giá sách nói đi nói lại điều gì đó mà tôi không sao hiểu được. Cô con dâu “phiên dịch”: “Ông cháu bảo ông Giống lấy hết sách vở đi, hoặc thiếu cái gì, cần cái gì thì lấy đi”. Tôi không nhắc gì đến việc ông muốn giao toàn bộ bản thảo và tác phẩm của mình cho thư viện lưu giữ, vì được biết anh con cả của ông có nguyện vọng gìn giữ tài sản của cha.
Nhờ con dâu đỡ dậy, ông gắng sức kí vào cuốn Thần tích Việt Nam tập 3 vừa in xong để tặng tôi. Tôi giơ hai tay trân trọng đỡ cuốn sách có chữ kí kỉ niệm cuối cùng của ông. Hai tuần sau, ngày 23 – 11 – 2006, ông qua đời trong niềm tiếc thương sâu sắc của nhiều đồng nghiệp và bạn đọc. Tôi hụt hẫng vì mất một người bạn lớn, một đồng nghiệp yêu kính.

Mới đấy mà đã 5 năm nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang về cõi vĩnh hằng. Đọc lại các tác phẩm của ông, tôi bồi hồi thương nhớ người bạn văn có cốt cách tùng bách mà nhiều nhà báo gọi là “Vị giáo sư nông dân”, “Người kỳ lạ”. Sau khi ông qua đời hơn một năm mà tờ Kinh tế & đô thị số ra ngày 21 tháng 12 năm 2007 vẫn còn đăng bài “Trò chuyện với đại giáo sư Lê Xuân Quang” dạng phỏng vấn. Thế mới biết cốt cách của ông có ảnh hưởng đến bạn viết sâu sắc biết nhường nào. Lại nhớ lần tôi có bài thơ in trên tạp chí viết về ông có câu “Đi vạn dặm, viết nghìn trang”, ông “phê bình” tôi là viết chưa chính xác, ông đã viết trên một vạn trang chứ không phải chỉ nghìn trang và đề nghị tôi sửa lại. Tôi nghĩ là ông tư duy khoa học, còn đây là... thơ nên lần khân không chỉnh sửa. Khi ông quy tiên rồi, tôi cứ tự trách mình cố chấp. Giá như tôi sửa ngay câu thơ để ông vui. Nhưng đã lỡ rồi. Tôi thầm gọi: Bác Quang ơi, bây giờ em sửa lại câu thơ ấy đây, coi như đó là một nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ bác:
  Đất trời linh khí giao hoà
Trăm năm sinh một ông là kỳ nhân
  Đi muôn dặm, viết vạn trang
Một đời gạn đục khơi trong cho đời.

  Thành Nam, 11 - 2011 
………….

           Tham khảo bài “Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá dân gian Lê Xuân Quang” / Trần Mỹ Giống // Văn nghệ trẻ. - 2005. - Số 35 + 36 ra ngày 28 - 8.
            Nhân 12 năm ngày mất của ông, xin đăng lại bài này.
            Tập Trò Ổi Lỗi (1999) của ông mới được trao giải VHNT LTV (2011-2015)

1 nhận xét:

  1. Việc sai sót của giải thưởng LTV 2016 lỗi này tại ai đề nghị phải làm cho rõ


    Trả lờiXóa